Mảnh đất Pháp trường Năm Mẫu, một khu đất ngoại thành thị xã Hải Dương, vào giữa thế kỷ XIX, được chọn làm nơi hành quyết những người ngoan cố theo đạo. Giữa thời cấm cách bách hại, nhiều Kitô hữu đã đổ máu xuống mảnh đất này. Các ngài đủ mọi thành phần: người Việt Nam, người ngoại quốc, người học thức, người bình dân, người là tu sĩ, giáo sĩ và không thiếu những người là giáo dân.
Ngoài các vị thừa sai tên tuổi được lưu danh, lịch sử còn ghi lại một thánh tử đạo trứ danh với Giáo phận Đông Đàng Ngoài, là cha thánh Vinh Sơn Đỗ Yến. Cha Vinh Sơn Đỗ Yên, quê giáo xứ Phú Nhai, Nam Định, làm cha xứ giáo xứ Kẻ Sặt, chịu tử đạo tại Pháp trường Năm Mẫu vào ngày 30 tháng 6 năm 1838. Ngài là vị thánh được người tín hữu Hải Phòng kính mến cách đặc biệt, khi chọn làm Bổn mạng cho các linh mục Giáo phận.
Theo cuốn “Tiểu sử Các vị Anh hùng tử đạo giáo phận Hải Phòng” dưới thời Tự Đức (1847 – 1883) thì trên mảnh đất Giáo phận Hải Phòng hiện nay, tức là phần còn lại có Giáo phận Đông Đàng Ngoài xưa, có 200 vị Anh hùng tử đạo. Phần lớn trong số này đều bị xử tại Pháp trường Năm Mẫu Hải Dương. Các ngài, tuy chưa được suy tôn lên bậc hiển thánh, nhưng đã góp phần quan trọng xây dựng nền tảng đức tin cho giáo phận Hải Phòng như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Pháp trường Năm Mẫu Hải Dương xưa, nay với tên gọi Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương luôn gắn liền với tên tuổi Bốn Thánh tử đạo: Thánh Giám mục Giêrônimô Liêm (Dòng Đaminh, Giám mục Giáo phận Ðông), Thánh Giám mục Valentinô Vinh (Dòng Đaminh, Giám mục giáo phận Trung), Thánh Linh mục Phêrô Almatô Bình (Dòng Đaminh, linh mục phụ giúp Ðức cha Vinh), và Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, Thầy giảng (Dòng Ba Đaminh, giúp Ðức cha Liêm). Trên hành truyền giáo, Các Thánh tử đạo đã nhiều lần qua lại nơi mảnh đất Hải Dương. Truyện Bốn Thánh có kể về cuộc hội ngộ đặc biệt của các nhà thừa sai trong lúc đi chạy trốn sự truy nã của quan quân cũng diễn ra trên dòng sông của Hải Dương. Cuối cùng các ngài bị bắt và được diễm phúc tử đạo cũng nơi mảnh đất này.
Tuy nhiên, dấu ấn sâu đậm nhất Các Thánh tử đạo để lại nơi linh địa Hải Dương là những giọt máu đào đổ xuống vào sáng ngày 01/11/1861 với Đức cha Giêrônimô Liêm, Đức cha Valentinô Vinh, cha Almatô Bình, và với thầy Giuse Nguyễn Duy Khang vào ngày 06/12/1861. Máu đào của các ngài đã tưới gội nơi mảnh đất Pháp trường Năm Mẫu, biến mảnh đất chết chóc, đau thương thành linh thiêng và hoan hỷ; mảnh đất hận thù, bi quan thành yêu thương và hy vọng. Vì thế mà người ta nhắc đến linh địa Hải Dương là nhắc đến Bốn Thánh tử đạo, và khi nói đến các ngài cũng luôn đi kèm với tên gọi linh địa Hải Dương.
Trong thời kỳ Đạo Chúa bị cấm, tại phía Bắc có nhiều pháp trường được lập nên, như: Pháp trường Bảy Mẫu (Giáo phận Bùi Chu), Pháp trường Cầu Giấy (Tổng Giáo phận Hà Nội), Pháp trường Năm Mẫu Sơn Tây (Giáo phận Hưng Hoá), Pháp Trường Cỗ Mễ (Giáo phận Bắc Ninh) … Các pháp trường này giờ đây dường như bị xoá sổ, hoặc chỉ còn chút dấu tích như Pháp trường Năm Mẫu Sơn Tây… Tuy nhiên Pháp trường Năm Mẫu Hải Dương vẫn còn đấy, dù đã trải qua nhiều bước thăng trầm do các biến cố của thời cuộc. Sự tồn tại của mảnh đất linh thiêng này là nhờ ơn Chúa và cũng mang đậm dấu ấn Bốn Thánh tử đạo Hải Dương.
Sau một thời gian chìm lắng vì chiến tranh và thời cuộc, linh địa Hải Dương đang được gia đình Giáo phận Hải Phòng nỗ lực tái thiết. Công trình tái thiết không chỉ dừng lại ở việc xây dựng Đền thánh mới sau khi bị tàn phá, nhưng là khôi phục gia sản Đức tin của các bậc tiền nhân. Đồng thời làm sống lại tinh thần tử đạo trong việc sống Tin mừng và làm chứng cho Chúa nơi hậu duệ của các ngài. Và như thế cũng đồng nghĩa với việc làm cho dấu ấn của Bốn Thánh tử đạo nơi linh địa Hải Dương sáng ngời và trổ sinh hoa trái.
Chứng Nhân