Ngày mùng 3 tết vừa qua, Giáo hội cử hành Lễ thánh hoá công ăn việc làm! Sau thánh lễ, chúng tôi lên đường thăm hỏi chúc Tết một số người xung quanh giáo Xứ. Đi chúc Tết, chúng tôi đã được gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của họ.
Cách riêng, câu chuyện của cô chú vẫn còn đọng lại trong chúng tôi những cảm giác thiêng liêng, cảm mến, và một chút suy tư! Cô chú là người đang tìm hiểu và muốn theo đạo Công Giáo. Khi bước chân vào nhà cô chú, chúng tôi đã không mấy ngại ngùng bởi sự nhẹ nhàng trong cách cô chú đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi chúc tết cô chú, ngồi uống nước rồi ăn cái bánh cái kẹo với cô chú.
Câu chuyện theo đạo Công Giáo của cô chú đã cuốn hút chúng tôi, thật sự tôi không nghĩ đến câu chuyện sẽ diễn ra thế nào khi chúng tôi vào thăm nhà cô chú. Nhưng điều bất ngờ đã đến khi chúng tôi được nghe cô chia sẻ về một dấu chỉ mà cô nhận được sau khi lễ tang của bố chồng cô.
Bố cô chú là một người mà gia đình cho đi từ khi mới 6 tuổi, chỉ nhớ là cho đi vùng Lạc Vệ, Bắc Ninh mà không biết gia đình mình ở đâu, cho tới khi ông tìm được gia đình, và còn biết gia đình mình là người Công Giáo. Sau một thời gian, ông xin được chở lại đạo. Và cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, ông được cha xứ và giáo xứ tổ chức Thánh lễ an táng theo nghi thức tôn giáo. Lúc đó cô chú mới được chứng kiến nghi thức an táng của đạo Công Giáo thế nào.
Tuy chưa hiểu gì, nhưng khi giáo xứ chúng tôi lên cầu nguyện cho ông ba tối sau khi ông mất, có một câu kinh đã làm cho cô say đắm: “Xin Chúa thương xót linh hồn Gioan”. Vâng! Đó là câu mà cô đã chia sẻ với chúng tôi. Cô nói không hiểu sao câu đó cứ in vào đầu cô tự khi nào, mà cứ đi đâu, làm gì, hoặc cứ từ trên nhà xuống bếp, và ngược lại cô cứ lẩm bẩm hoài: “Xin Chúa thương xót linh hồn Gioan.” Cô nói rằng khi ngẫm câu đó thì cô tin rằng chính Thiên Chúa đã thương xót và tha thứ cho ông, và chỉ có Chúa mới có thể cứu ông, tha thứ những lỗi lầm khi ông còn sống. Và rồi theo năm tháng, cô chú đã xuống nhà thờ giáo xứ chúng tôi đi lễ, rồi xin lễ cho ông, một hôm, hai hôm, ba hôm… Cô cũng nói nếu những ngày lễ cô không được đi lễ thì cô thấy thiếu thiếu đi thứ gì đó, khó chịu lắm. Khi nghe đọc kinh, cô cũng lẩm bẩm theo. Cô đã thuộc một số kinh cơ bản, nếu không đọc kinh một ngày cũng cảm thấy nhớ.
Tiếp tục câu chuyện, cô kể rằng khi chú là F1 phải cách ly, không thể đến nhà thờ được, chỉ còn mình cô nhưng cô vẫn đi lễ. Từ nhà cô xuống nhà thờ chúng tôi cách một cánh đồng mênh mông, vắng vẻ, một mình cô vẫn băng qua cánh đồng để đi dự lễ. Cô nói lúc đó đi cô cũng không biết sợ là gì, cô thấy bình an lắm. Cô còn nhận thấy có một sự bình an, và thanh thản biết nhường nào khi cô tham dự thánh lễ về. Cô thấy thanh thản và nhẹ nhõm, những cơn mệt nhọc của công việc hằng ngày tan biến đâu mất bởi câu “Bình An” trong Thánh Lễ.
Đêm giao thừa hôm rồi, cô có đi dự thánh lễ và rút được câu lời Chúa: “Anh em hãy tha thứ cho nhau.” Mặc dù chưa hiểu gì về câu Kinh Thánh trên, nhưng cô vẫn cho rằng: “sao đúng quá vậy”! Vì trong gia đình đôi khi cũng có chuyện bất hòa, nhất là khi bố mẹ không còn nữa. Giờ đây, cô nhận ra rằng phải tha thứ, cũng như phải biết nhận lỗi và xin lỗi nhau, chỉ có như vậy thì gia đình mới đầm ấm trở lại bình thường được.
Về phần chú cũng vậy. Chú chia sẻ với chúng tôi rằng, từ lúc tham dự vào công việc của người Công Giáo, đi lễ, chú làm một phép so sánh giữa người có đạo Thiên Chúa và người không có đạo. Chú nhận thấy nơi người công giáo, mọi người nhận ra lỗi lầm cũng như xin lỗi nhau rất rễ. Chú thấy thanh thản khi chú có lỗi, chú biết xin lỗi, và cho dù người đó có tha thứ cho chú hay không, nhưng chính sự xin lỗi làm cho chú thấy dễ chịu.
Chú cũng thấy rằng người công giáo đi lễ chỉ cần nhìn thấy nhau, không cần làm gì, mọi người cười với nhau một cái, hoặc cúi đầu chào nhau, hay đơn thuần một cái bắt tay thì chú cảm nhận được nó rất bình an rồi, còn người không công giáo thì họ không nói được với nhau điều đó. Chú nói tất cả những cử chỉ hành động như vậy diễn ra trong một ngày dù chỉ 1-2 lần là đã bình an lắm rồi, không cần gì hết. Rồi khi dịch bệnh tái bùng phát, khi con cháu nhà cô bị cách ly, cô đã đọc kinh cầu cho cơn đại dịch mau qua.
Cô tin rằng, Chúa sẽ nghe và nhận lời cô. Cô đã chụp một số ảnh và gửi vào cho các cháu cô trong khu cách ly, vì đó là niềm tin của cô, niềm tin mà cô muốn chia sẻ cho chúng. Vâng, đó là câu chuyện chúng tôi được nghe, là tất cả những gì cô chú đã chia sẻ với chúng tôi trong thời gian cô chú tìm hiểu về đạo công giáo.
Tôi thiết nghĩ rằng liệu tất cả chúng ta, nhưng người đang theo đạo công giáo đã thật sự nhận ra Chúa chưa? Chúa đã đánh động hoặc cho chúng ta nhận được Chúa bằng cách nào? Mỗi người chúng ta đã thực sự đem bình an của Chúa tới những người xung quanh chưa? Và đem bằng cách nào? Đó là tất cả những câu hỏi mà mỗi người chúng ta đều phải trả lời trước mặt Chúa và trước mặt Hội Thánh. Hôm nay đây chúng tôi thầm tạ ơn Chúa vì Ngài đã đưa tôi đến nhà cô chú, để có thể gặp gỡ – lắng nghe – và rồi học phân định xem có thể hiệp hành cùng cô chú bằng cách nào!
Đức tin của cô chú đã chín muồi, bởi vậy cô chú đã trở thành con cái Chúa qua dòng nước thanh tẩy vào sáng Chúa nhật ngày 13 tháng 02 năm 2022, chú lấy tên thánh của bố là Gioan còn cô đã chọn Đức Maria làm tên rửa tội. Ước mong của bố cô chú đã được thực hiện sau đúng một năm sau ngày ông về với Chúa.
Viết theo lời kể của gia đình anh Gioan Tích và chị Maria Tuyên
https://giaophanbacninh.org/dau-chi-duc-tin/