1. Y tá Công Giáo bị sa thải một cách bất công vì đeo thánh giá nơi cổ
Một y tá Công Giáo đã bị một ủy ban điều phối bệnh viện ở Anh sa thải một cách bất công vì đeo một chiếc dây chuyền có thánh giá. Một tòa án về nhân dụng tại Anh đã phán quyết như trên trong tuần này.
Trong một quyết định được công bố vào ngày 5 tháng Giêng, tòa án nói rằng việc đối xử của ủy ban đối với Mary Onuoha là “phân biệt đối xử trực tiếp.”
Nhóm vận động Christian Concern ca ngợi phán quyết này là “phán quyết mang tính bước ngoặt” củng cố nguyên tắc pháp lý rằng người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử với nhân viên vì “những biểu hiện hợp lý” của đức tin tại nơi làm việc.
Vào tháng 6 năm 2020, Onuoha đã bị buộc phải rời bỏ công việc của mình với tư cách là một theatre practitioner, tức là người biểu diễn các thao tác thực hành chuyên môn, của Dịch vụ Y tế Quốc gia, gọi tắt là NHS, tại Bệnh viện Đại học Croydon ở nam London sau cuộc chiến kéo dài hai năm với những người chủ của cô về việc đeo thánh giá.
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Pháp lý Kitô Giáo, và nhóm pháp lý của Christian Concern, cô đã đưa vụ kiện của mình chống lại Croydon Health Services NHS Trust ra tòa án nhân dụng.
Tại một phiên điều trần vào tháng 10 năm 2021, tổ chức ủy thác đã lập luận rằng chiếc dây chuyền thánh giá có nguy cơ nhiễm trùng. Nhưng tòa án kết luận rằng rủi ro là “quá thấp.”
Tòa án nói thêm rằng “không có lời giải thích rõ ràng” về lý do tại sao khăn trùm đầu của người Hồi Giáo được cho phép theo quy định về trang phục và chính sách đồng phục, nhưng “một chiếc dây chuyền với mặt dây nhỏ có ý nghĩa tôn giáo thì lại không được.”
Christian Concern nói rằng Onuoha, người sinh ra ở Nigeria và chuyển đến Anh năm 1988, rất vui mừng và nhẹ nhõm trước phán quyết này.
Andrea Williams, giám đốc điều hành của Trung tâm Pháp lý Kitô Giáo, nhận xét: “Ngay từ đầu, trường hợp này đã nói về cuộc tấn công từ giới chức cao cấp của bộ máy NHS vào quyền của một y tá tận tụy và siêng năng được đeo cây thánh giá – là biểu tượng được cả thế giới công nhận và là biểu tượng đáng trân trọng của đức tin Kitô. Thật là phấn chấn khi thấy tòa công nhận sự thật này”.
“Thật đáng kinh ngạc khi một y tá giàu kinh nghiệm, trong một trận đại dịch, buộc phải lựa chọn giữa đức tin của mình và nghề nghiệp mà cô ấy yêu thích.”
Vương quốc Anh đã chứng kiến một số trường hợp chủ lao động yêu cầu nhân viên tháo hoặc che dây chuyền có thánh giá.
Năm 2013, Tòa án Nhân quyền Âu Châu đã ra phán quyết có lợi cho Nadia Eweida, một Kitô hữu ở Coptic, là người đã bị hãng hàng không British Airways của cô yêu cầu cô phải che dấu thánh giá bằng bạch kim của cô.
Tuy nhiên, tòa án đã từ chối ủng hộ Shirley Chaplin, một y tá đã bị bệnh viện Royal Devon và Exeter yêu cầu không được đeo dây chuyền có thánh giá vì lý do sức khỏe và an toàn. Cô đã đeo dây chuyền đó trong khi làm việc trong suốt 30 năm.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận tuyên ngôn thách thức Tiến Trình Công Nghị của Đức
Hôm 5 tháng Giêng, Đức Phanxicô đã tiếp nhận một bản tuyên ngôn, được sự ủng hộ của hơn 6,000 người Công Giáo, thách thức “Tiến Trình Công Nghị” của Đức.
Bản Tuyên ngôn có tựa đề là “Khởi đầu Mới: Một Tuyên ngôn Cải cách” đã được đệ trình lên Đức Phanxicô sau buổi yết kiến chung ngày 5 tháng Giêng tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục trong nội thành Vatican.
Bản Tuyên ngôn đưa ra một kế hoạch 9 điểm cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức vì cho rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ thất bại trong việc đưa ra một cải cách chân chính.
Tiến Trình Công Nghị là diễn trình gây tranh cãi kéo dài nhiều năm, qui tụ các Giám Mục và giáo dân để thảo luận đường lối thực thi quyền lực trong Giáo Hội, luân lý tính dục, chức linh mục và vai trò phụ nữ.
Tuyên ngôn trên, tính đến ngày 5 tháng Giêng, đã được công bố bằng 11 thứ tiếng và được sự ủng hộ của 5,832 người ở Đức và các nước Âu Châu khác.
Tuyên ngôn viết rằng, “khi quá chú trọng tới cơ cấu bên ngoài, Tiến Trình Công Nghị đã không nắm được trọng tâm cuộc khủng hoảng; nó gây ra bất hòa trong các cộng đoàn, từ bỏ con đường hợp nhất với Giáo Hội hoàn vũ, gây tổn hại trong bản thể đức tin của Giáo Hội, và dọn đường cho ly giáo”.
Bản văn Tuyên ngôn được đăng tải trên trang mạng của Arbeitskreis Christliche Anthropologie (Nhóm Làm việc Nhân học Kitô giáo), tức nhóm từng tổ chức ngày nghiên cứu vào tháng 11 năm ngoái, trong đó, Đức Hồng Y Walter Kasper đã lên tiếng tố cáo các nhà tổ chức Tiến Trình Công Nghị vì làm ngơ nhu cầu rao giảng Tin Mừng.
Tháng 6 năm 2019, Đức Phanxicô đã gửi bức thư 19 trang cho các người Công Giáo Đức, thúc giục họ tập chú vào việc rao giảng Tin Mừng trước hiện tượng “sói mòn và xuống dốc đức tin ngày một gia tăng”.
Bản Tuyên ngôn nói rằng lá thư của Đức Giáo Hoàng đã bị các nhà tổ chức Tiến Trình Công Nghị “thẳng thừng làm ngơ”.
Trong khi viếng Kinh Thành Muôn Thuở, nhóm đã dâng thánh lễ do Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ động Hợp nhất Kitô giáo, và Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, đồng cử hành.
Năm 2020, Đức Hồng Y Koch cũng đã nói rằng Đức Giáo Hoàng bày tỏ lo ngại đối với hướng đi của Giáo Hội Đức.
Tuyên ngôn nhìn nhận việc cần có cuộc “cải tổ nền tảng” của Giáo Hội tại Đức, một Giáo Hội đang đương đầu với cuộc ra đi của nhiều người Công Giáo sau cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Hơn 220,000 người đã chính thức rời bỏ Giáo Hội trong năm 2020. Chỉ có 5.9% người Công Giáo Đức tham dự Thánh Lễ trong năm đó, so với 9.1% năm 2019.
Bản Tuyên ngôn đặt nghi vấn tính hợp lệ của Tiến Trình Công Nghị, cho rằng nó không đủ điều kiện là một thượng hội đồng theo giáo luật. Tuyên ngôn viết: “Chúng tôi bác bỏ yêu sách của Tiến Trình Công Nghị đòi lên tiếng thay cho mọi người Công Giáo ở Đức và đưa ra các quyết định có tính trói buộc cho họ. Người giáo dân có liên hệ trong Tiến Trình Công Nghị là đại diện của các hiệp hội, các hội, và ủy ban được mời tham khảo một cách tùy tiện. Họ không đại diện cho chúng tôi”.
“Các đề nghị và tuyên bố của phong rào này, bất hợp lệ cả trong ơn gọi lẫn tư cách đại diện, thể hiện qua việc họ bất tín nhiệm từ trong nền tảng đối với Giáo Hội Bí tích, vốn được thẩm quyền tông đồ thiết lập; các đề nghị của họ, nếu được thi hành, cuối cùng sẽ tạo ra việc tái phân bổ quyền hành theo xu hướng ủy ban, hướng ngoại, thường trực ‘giáo dân’ và việc tục hóa Giáo Hội”.
Bản văn lập luận rằng, bất chấp giọng văn hoa mỹ nói tới các thay đổi triệt để, Tiến Trình Công Nghị chỉ tìm cách duy trì “hiện trạng” trong Giáo hội Đức, một Giáo Hội nhận được cả hàng tỷ dollars mỗi năm qua thuế Giáo Hội và là chủ nhân ông sử dụng nhiều nhân công thứ hai, chỉ sau nhà nước.
Tuyên ngôn nhấn mạnh rằng “Dù Tiến Trình Công Nghị tiếp nhận các quan tâm chân chính đối với Giáo Hội, chiến lược của họ vẫn bảo thủ về cơ cấu và rõ ràng không lưu ý chi tới các diễn trình thống hối và canh tân thiêng liêng”.
“Liên quan tới hình thức xã hội căn bản của Giáo Hội, các đại diện của Tiến Trình Công Nghị chỉ bận tâm lo duy trì hiện trạng: họ muốn duy trì và bảo tồn mô thức Giáo Hội được định chế hóa cao độ nghĩa là ‘phục vụ khách hàng’ qua thích ứng và hiện đại hóa”.
Bản văn cũng cho rằng Tiến Trình Công Nghị đã “dụng cụ hóa” cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, phớt lờ giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả trong việc phong chức cho phụ nữ làm linh mục, và cố tình hạ giảm tầm quan trọng của hôn nhân.
Hội đồng giám mục Đức thoạt đầu thông báo rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu có hiệu lực “ràng buộc” – làm dấy lên nhiều lo ngại ở Vatican, sợ rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.
Các giám mục và thần học gia đã bày tỏ sự lo lắng về quá trình này, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục Đức, là Đức Cha Georg Bätzing, đã mạnh mẽ bảo vệ nó.
Cuộc họp gần đây nhất của Tiến Trình Công Nghị đã diễn ra ở Frankfurt, tây nam nước Đức, từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 2021.
Biến cố trên là phiên họp thứ hai của Cuộc Họp Toàn Thể Thượng hội đồng, cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị. Phiên họp Tòan thể bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân có quyền lực của Công Giáo Đức (ZdK), và đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.
Phiên họp kết thúc đột ngột sau khi bỏ phiếu ủng hộ một bản văn tán thành việc chúc lành cho các cặp đồng tính và thảo luận về việc liệu chức linh mục có cần thiết hay không. Hơn một nửa tham dự viên đã bỏ về trước xu thế quá khích của phiên họp.
Tiến Trình Công Nghị thoạt đầu dự kiến kết thúc vào tháng 10 năm 2021, nhưng đã được kéo dài đến tháng 2 năm 2022 do đại dịch. Vào mùa thu, các nhà tổ chức đã thông báo rằng sáng kiến này sẽ được gia hạn một lần nữa đến năm 2023.
Các tác giả của tuyên ngôn “Khởi đầu mới” lập luận rằng Tiến Trình Công Nghị đã làm ngơ lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013 kêu gọi tất cả những người đã được rửa tội nhìn nhận rằng họ là “các môn đệ truyền giáo” được mời gọi tham gia việc rao giảng Tin Mừng.
Bản văn viết, “Chỉ một Giáo Hội coi sự trưởng thành và độc lập về thiêng liêng như mục tiêu chính mới có thể ứng phó một cách thực chất và bền vững với kinh nghiệm lạm dụng và che đậy trong tất cả các biến thể của chúng”.
Source:Catholic News Agency
3. Đây là lý do tại sao các Kitô Hữu ở Ấn Độ trong tình trạng rất nguy hiểm
Các đám đông cực đoan theo Ấn Giáo thường xuyên tấn công những Kitô hữu vì cho rằng họ đang vi phạm luật “chống cải đạo”.
Vào ngày Giáng Sinh, chính phủ Ấn Độ thông báo rằng họ đã từ chối gia hạn giấy phép tài trợ nước ngoài cho Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa. Động thái này có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của tổ chức bác ái đã chăm sóc cho rất nhiều người “nghèo nhất trong số những người nghèo” của Ấn Độ.
Theo một báo cáo từ Angelus News, kể từ khi có thông báo này, các nữ tu đã phải tính toán lại khẩu phần thực phẩm và các vật phẩm mà họ thường xuyên cung cấp cho 600 người tại nhà mẹ và các trại trẻ mồ côi. Các nữ tu đã khiếu nại và trong khi chờ đợi các sơ vẫn tiếp tục các công việc hàng ngày là cầu nguyện và phục vụ.
Việc Bộ Nội vụ Ấn Độ từ chối đơn của họ dựa trên “các báo cáo bất lợi” cho rằng các nữ tu đã tham gia vào việc chiêu dụ tín đồ Ấn Giáo sang Kitô Giáo. Đó là những cáo buộc mà các nữ tu đã phủ nhận.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo
Động thái của chính phủ Ấn Độ chỉ là biến cố gần đây nhất trong một cuộc đàn áp gia tăng đối với những Kitô hữu bắt đầu khi Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông lên nắm quyền vào năm 2014.
Trong khi Hiến pháp của Cộng hòa Ấn Độ bảo đảm quyền tự do tôn giáo, thì những Kitô hữu, chỉ chiếm 4.9% dân số, lại thấy quyền tự do này bị vi phạm một cách công khai. Open Doors, một tổ chức giám sát các cuộc đàn áp chống lại Kitô hữu trên toàn thế giới, hiện xếp Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm thứ mười đối với Kitô hữu.
Chương trình đàn áp có hệ thống đối với các Kitô hữu
Theo Báo cáo về Tự do Tôn giáo năm 2021 của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cuộc đàn áp các Kitô hữu ở Ấn Độ đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau.
Đầu tiên, như trong trường hợp của Dòng Thừa sai Bác ái, chính phủ Ấn Độ đang đóng băng tài khoản ngân hàng của các tổ chức khác nhau theo Đạo luật quy định về ngoại tệ, gọi tắt là FCRA.
Vào năm 2020, chính phủ đã sử dụng FCRA để thu hồi giấy phép ngoại tệ của bốn tổ chức từ thiện Tin lành và một tổ chức Công Giáo, là Hiệp hội Phát triển Bộ lạc Don Bosco.
Thứ hai, các Kitô hữu đang bị đàn áp tôn giáo ở Ấn Độ do luật chống cải đạo. Tại 8 trong số 28 bang ở Ấn Độ, luật pháp này được đưa ra để hạn chế hoạt động của các cá nhân và nhóm tham gia vào việc cải đạo mọi người sang Kitô Giáo thông qua các phương tiện mà chính quyền và các phong trào Ấn Giáo cực đoan cáo buộc là “cưỡng bức” hoặc “lừa đảo:, bao gồm cả “xúi giục” và “dụ dỗ”.
Ví dụ như ở Madhya Pradesh, chính phủ đã thực hiện luật chống cải đạo, ra án 10 năm tù giam cho bất kỳ ai chuyển sang các tôn giáo khác ngoại trừ Ấn Độ giáo. Theo một báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, kể từ khi luật có hiệu lực, hơn một chục Kitô hữu, bao gồm cả các linh mục, đã bị bỏ tù.
Và thứ ba, các tổ chức nhân quyền đã ghi lại nhiều vụ việc trong đó đám đông theo đường lối cứng rắn của Ấn Độ giáo đã thực hiện các hành vi gọi là bảo vệ công lý chống lại những Kitô hữu, những người mà họ cho là phạm tội cố gắng cưỡng bức người theo Ấn Giáo chuyển sang đức tin của họ.
Theo một báo cáo của United Christian Forum, năm 2021 là “năm bạo lực nhất” đối với những Kitô hữu ở Ấn Độ, những người đã phải hứng chịu ít nhất 486 vụ bạo lực do đàn áp Kitô giáo.
Báo cáo cho thấy hầu hết các vụ việc đều do đám đông theo Ấn Giáo “đe dọa hình sự, hành hung người đang cầu nguyện, trước khi giao nộp họ cho cảnh sát với cáo buộc cưỡng bức cải đạo”.
Đám đông hành động mà không bị trừng phạt, và không sợ bị bắt giữ. Theo báo cáo của UCF, cảnh sát chỉ nhận đơn khiếu nại chính thức trong 34 vụ trên tổng số 486 trường hợp bạo lực chống lại các Kitô hữu.
Các biến cố bách hại được ghi lại trong năm qua
Một báo cáo gần đây do ba nhóm cơ quan giám sát nhân quyền tổng hợp đã ghi lại nhiều vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu. Chỉ một vài trong số rất nhiều biến cố này được ghi lại sau đây:
Ngày 12 tháng 10 năm 2021: Các phần tử cực đoan nhắm vào hai nữ tu ở thành phố Mau. Tại một bến xe buýt, một đám đông bạo động đã lôi kéo hàng chục Kitô hữu, trong đó có hai nữ tu, đến đồn cảnh sát.
Ngày 10 tháng 10 năm 2021: Các phần tử cực đoan tấn công các Kitô hữu ở Mau. Cảnh sát đã bắt giữ một số Kitô Hữu sau khi nhận được khiếu nại từ một nhóm Ấn Giáo cánh hữu rằng các Kitô Hữu đang cải đạo dân chúng sang Kitô Giáo. Đám đông đã làm gián đoạn một buổi lễ cầu nguyện và buộc nhóm Kitô hữu, bao gồm cả một linh mục, đến đồn cảnh sát.
Ngày 25 tháng 6 năm 2021: Tại Gonda, một số Kitô hữu tham gia một buổi tụ tập ở nhà thờ đã bị cảnh sát bắt giữ.
Ngày 22 tháng 3 năm 2021: Tại Kerala, một mục sư Tin lành bị bắt khi đang tham gia một buổi nhóm cầu nguyện.
Ngày 14 tháng 3 năm 2021: Tại Agra, một mục sư Tin lành bị bắt khi đang thuyết giảng tại một buổi họp mặt tại nhà thờ.
Ngày 3 tháng Giêng năm 2021: Một đám đông tấn công một nhóm khoảng 25 Kitô hữu đang tụ tập tại một ngôi nhà ở Uttar Pradesh. Một số bị thương nặng, bao gồm gãy cả tay. Đám đông sau đó đã triệu tập cảnh sát, họ đã bắt giữ mục sư và ba Kitô hữu.
Ngày 27 tháng Giêng năm 2021: Những kẻ cực đoan tôn giáo xông vào một cuộc họp tại nhà thờ ở Kanpur, và sau đó gọi cảnh sát bắt giữ mục sư vì tội cưỡng bức cải đạo.
Ngày 3 tháng 10 năm 2020: Hơn 200 người được cho là đã xông vào một nhà thờ ở Roorkee (Uttarakhand), phá hoại cơ sở này và tấn công những người tụ tập ở đó để cầu nguyện vào ngày Chúa Nhật.
Lời mời đến Đức Thánh Cha Phanxicô
Thủ tướng Modi sau khi gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 30/10, đã thông báo trên Twitter rằng ông đã mời Đức Thánh Cha thăm Ấn Độ. Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận lời mời của ông Modi vì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng tới quốc gia này kể từ khi Đức Gioan Phaolô II tông du tới đó vào năm 1999.
Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài “gần như chắc chắn” sẽ đến Ấn Độ và Bangladesh vào năm sau, nhưng theo các bản tin, các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ đã không thuyết phục được Modi mời Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia