1. Diễn văn của Đức Phanxicô với các nhà cầm quyền Peru, ngoại giao đoàn
‘Việc xuống cấp của môi trường, buồn thay, không thể tách biệt khỏi việc xuống cấp về luân lý của các cộng đồng ta.’
Theo tin Zenit, ngày 19 tháng 1, 2018, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các nhà cầm quyền Peru và ngoại giao đoàn và đã đọc trước họ một bài diễn văn thúc giục họ lưu ý tới giới trẻ trong việc xây dựng tương lai. Ngài cũng cảnh cáo chống lại tham nhũng và việc hủy hoại môi trường.
Cuộc gặp gỡ trên diễn ra 1 ngày sau khi Đức Phanxicô nói chuyện với các dân tộc bản địa vùng Amazon và giới trẻ tại một nhà dành cho các trẻ em bị bỏ rơi.
Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với các nhà cầm quyền Peru và ngoại giao đoàn ngày 19 tháng 1 năm 2018, dịch theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
***
Kính thưa Tổng thống,
Các Thành Viên Chính Phủ và Ngoại Giao Đoàn
Quý Nhà Cầm Quyền
Quý Đại Diện Xã Hội Dân Sự
Thưa Quý Bà và Qúy Ông, Các Bạn Thân Mến,
Khi đến tòa nhà lịch sử này, tôi cảm ơn Thiên Chúa đã cho tôi cơ hội được hiện diện trên đất nước Peru. Tôi muốn các lời lẽ của tôi là một thông điệp chào hỏi và qúy mến đối với mỗi người con trai và con gái của dân tộc này, một dân tộc mà trong các năm qua đã bảo tồn và làm phong phú túi khôn đã được truyền lại từ tổ tiên và thực sự đại diện cho một trong những di sản lớn nhất của mình.
Tôi xin cảm ơn ông Pedro Pablo Kuczynsky, Tổng thống của Quốc gia, vì lời mời của ông đến thăm đất nước và vì lời chào mừng của ông nhân danh qúy vị.
Chuyến thăm Peru của tôi có chủ đề: “Hợp nhất bởi hy vọng”. Nếu tôi có thể nói như vậy, là vì nhìn đất nườc này tự nó đã là một lý do để hy vọng rồi. Một phần lãnh thổ của qúy vị bao gồm Amazon, nơi tôi đã viếng thăm sáng nay. Đây là rừng nhiệt đới lớn nhất và là hệ thống sông rộng lớn nhất hành tinh. “Lá phổi” này, như nó vốn được gọi, là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn lao trên thế giới, vì nó là nơi sinh sống của rất nhiều chủng loại khác nhau.
Qúy vị cũng giàu có và đa dạng về các nền văn hoá, những nền văn hóa ngày một hòa hợp tương giao và tạo nên linh hồn của dân tộc này. Đó là một linh hồn được đặc trưng hóa bởi các giá trị tổ tiên như lòng hiếu khách, lòng qúy mến người khác, lòng tôn trọng và biết ơn đối với mẹ đất và tính sáng tạo ra nhiều sáng kiến mới. Nó cũng nổi bật trong cảm thức về trách nhiệm chung đối với việc phát triển mọi người, cùng nhau liên đới, một sự liên đới thường thấy trong đáp ứng của qúy vị đối với các thiên tai khác nhau mà qúy vị từng trải qua.
Về phương diện này, tôi muốn hướng về giới trẻ. Họ là những hồng phúc chủ yếu nhất mà xã hội này sở hữu. Với sự năng động và sự nhiệt tình của họ, họ hứa hẹn và khuyến khích chúng ta mơ ước một tương lai đầy hy vọng, phát sinh từ cuộc gặp gỡ giữa túi khôn cao quí của tổ tiên và những con mắt mới mẻ của giới trẻ. Tôi cũng rất vui đối với thực tế lịch sử: đó là niềm hy vọng kia ở đất nước này có khuôn mặt của sự thánh thiện. Peru đã sinh ra các vị thánh làm rạng rỡ những con đường đức tin cho toàn bộ lục địa Mỹ Châu. Chỉ xin đơn cử một vị, Thánh Martin de Porres, người con trai của hai nền văn hóa, cho thấy sức mạnh và sự phong phú sẽ đến khi người ta tập chú vào tình yêu. Tôi có thể tiếp tục nói dài hơn danh sách các lý do, cả vật chất lẫn tinh thần, để hy vọng. Peru là một lãnh thổ của hy vọng, mời gọi và thách thức người dân của nó hợp nhất. Giữa nhiều điều khác, dân tộc này có nghĩa vụ duy trì sự hợp nhất, chính là để bảo vệ tất cả các lý do để hy vọng này.
Thế nhưng, trên niềm hy vọng này, một bóng tối đang lan rộng, một đe dọa đang lộ diện. “Không bao giờ nhân loại lại có cái sức mạnh như thế trên mình, thế nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ được sử dụng một cách khôn ngoan, đặc biệt khi chúng ta xem xét việc nó hiện đang được sử dụng như thế nào” (Laudato Si, 104). Điều này hiển nhiên trong cách chúng ta đang lột bỏ khỏi trái đất các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó, mà nếu không có chúng, không hình thức sống nào có thể có cả. Việc để mất các rừng thưa và rừng rậm không chỉ có nghĩa mất mát các chủng loại vốn cũng là những nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng cho tương lai mà còn mất mát các mối liên hệ sinh tử kết cục làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái (xem đã dẫn, 32).
Trong bối cảnh này, “thống nhất để bảo vệ hy vọng” có nghĩa là cổ vũ và phát triển một hệ sinh thái toàn diện thay thế cho “một mô hình phát triển đã lỗi thời vốn tiếp tục tạo ra sự suy thoái của con người, của xã hội và môi trường” (Thông điệp Urbi et Orbi, Lễ Giáng Sinh 2017 ). Điều này kêu gọi phải lắng nghe các con người và các dân tộc địa phương, thừa nhận và tôn trọng họ như những đối tác đối thoại giá trị. Họ duy trì mối liên kết trực tiếp với đất đai, họ biết thời gian và phương cách của nó, và do đó họ biết các hậu quả thảm khốc được tạo ra, nhân danh phát triển, bởi nhiều dự án. Cơ cấu chủ yếu tạo nên quốc gia đang bị thay đổi. Sự suy thoái của môi trường, buồn thay, không thể tách rời khỏi sự suy thoái luân lý của các cộng đồng chúng ta. Chúng ta không thể nghĩ về chúng như hai thực tế tách biệt.
Ví dụ, khai thác mỏ kiểu chợ đen đã trở thành mối nguy hiểm đang hủy hoại cuộc sống của người dân; rừng và sông đang bị phá hủy, với tất cả sự phong phú của chúng. Toàn bộ quá trình suy thoái này mang theo nó và khuyến khích các tổ chức hoạt động ngoài cơ cấu pháp lý; chúng làm rất nhiều anh chị em của chúng ta mất phẩm giá bằng cách bắt họ chịu cảnh buôn bán người (hình thức nô lệ mới), việc làm thất thường và tội phạm… và nhiều tệ nạn khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm giá của họ, đồng thời phẩm giá của quốc gia. Cùng nhau làm việc để bảo vệ hy vọng đòi chúng ta hết sức chú ý tới một hình thức suy thoái môi trường khác, thường rất tinh vi, ngày càng làm ô nhiễm toàn bộ hệ thống sự sống: tham nhũng. Không biết bao nhiêu sự ác đã được thực hiện cho nhân dân Châu Mỹ Latinh và các nền dân chủ của lục địa này vì thứ “siêu vi khuẩn” xã hội đó, một hiện tượng đang lây nhiễm mọi thứ, mà thiệt hại lớn nhất là đối với người nghèo và mẹ đất.
Tất cả mọi thứ đang được thực hiện để chống lại tai hoạ xã hội này đáng được chúng ta lưu ý và giúp đỡ tối đa. .. Đây là một cuộc chiến đấu liên quan đến mọi người chúng ta. “Hợp nhất để bảo vệ hy vọng” đòi một nền văn hóa trong sáng hơn nơi các thực thể công cộng, khu vực tư và xã hội dân sự. Không ai có thể bị loại ra ngoài diễn trình này. Tham nhũng là điều có thể ngăn ngừa được và kêu gọi sự cam kết nơi mọi người.
Tôi khuyến khích và thúc giục tất cả những ai đang nắm giữ các chức vụ có quyền hành, trong bất cứ lĩnh vực nào, nhấn mạnh tới con đường này để mang lại cho dân tộc và đất nước của qúy vị sự an ninh phát sinh ra từ cảm quan cho rằng Peru là nơi của hy vọng và cơ hội cho mọi người, chứ không chỉ cho một thiểu số. Bằng cách này, mọi người dân Peru có thể cảm nhận được rằng đất nước này là của họ, ở đây họ có thể liên hệ huynh đệ và bình đẳng với những người lân cận của họ và giúp đỡ người khác trong lúc họ thiếu thốn. Một lãnh thổ nơi họ có thể thể hiện tương lai của chính họ. Và theo cách này, tạo ra một Peru đủ chỗ cho mọi người thuộc “mọi dòng máu” (José María Arguedas, Todas las sangres, Buenos Aires, 1964), một lãnh thổ trong đó “lời hứa cuộc sống Peru” (Jorge Basadre, La promesa de lavida peruana, Lima, 1958) có thể đạt được.
Trước sự hiện diện của qúy vị, tôi muốn tái khẳng định cam kết của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội vốn đồng hành với đời sống của quốc gia này, trong nỗ lực chung tiếp tục làm việc để Peru tiếp tục là một lãnh thổ hy vọng. Xin Thánh Rosa thành Lima cầu bầu cho mỗi người trong qúy vị và cho quốc gia được chúc phúc này.
Cảm ơn qúy vị một lần nữa.
2. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục Peru Chúa Nhật 21/1/2018
Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày Chúa Nhật 21 tháng Giêng đã diễn ra trong phạm vi thủ đô Lima.
Ban sáng, Ðức Thánh Cha chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9h15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ.
Lúc 10h30, Đức Thánh Cha kính viếng hài cốt các thánh người Peru tại nhà thờ chính tòa Lima, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chí Lợi tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12h với các tín hữu.
Trong diễn từ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha nói:
Các hiền huynh Giám Mục thân mến,
Tôi cám ơn những lời tốt đẹp Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Lima và cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục gởi đến tôi đại diện cho tất cả các hiền huynh hiện diện nơi đây. Tôi đã mong đợi được ở đây với các hiền huynh. Tôi nhớ lại với niềm vui chuyến thăm ad-limina năm ngoái của các hiền huynh.
Những ngày tôi trải qua với các hiền huynh thật rất là nồng nhiệt và đáng hài lòng. Tôi đã có thể học hỏi và trải nghiệm những thực tại khác nhau hình thành nên những vùng đất này và có thể chia sẻ tận mắt niềm tin của người dân thánh thiện và trung thành của Chúa, điều đó làm cho chúng ta phấn chấn. Cảm ơn các hiền huynh đã cho tôi cơ hội “đụng chạm” đến niềm tin của dân Chúa đã được giao phó cho các hiền huynh.
Chủ đề của chuyến tông du này nói với chúng ta về sự hiệp nhất và hy vọng. Đây là một chương trình đầy thách thức nhưng thú vị, làm chúng ta nghĩ đến những thành quả anh hùng của Thánh Turibius thành Mogrovejo, từng là Tổng Giám Mục của Tòa này và cũng là quan thầy của các giám mục Mỹ Latinh, đó là một gương sáng của một “người xây dựng tình hiệp nhất giáo hội”, như người tiền nhiệm của tôi, là Thánh Gioan Phaolô II đã mô tả về ngài trong lần tông du đầu tiên đến vùng đất này. [1]
Điều đáng nói là vị thánh quan thầy này thường được mô tả như một “Môsê mới”. Như các hiền huynh đã biết, Vatican có một bức tranh trong đó Thánh Turibius đang vượt qua một con sông lớn, và nước mở ra trước mắt ngài như Biển Đỏ, để ngài có thể đi đến bờ bên kia, nơi một nhóm người bản địa đang chờ đợi ngài. Đằng sau Thánh Turibius là một đoàn lũ đông đảo, đại diện cho dân trung tín, những người đi theo vị mục tử của họ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. [2] Hình ảnh đẹp này có thể đóng vai trò là một chiếc neo trong suy tư của tôi với các hiền huynh. Thánh Turibius, là người đàn ông muốn đến bờ bên kia.
Chúng ta quan sát ngài từ lúc ngài chấp nhận nhiệm vụ đến vùng đất này với sứ mệnh là một người cha và một mục tử. Ngài bỏ lại sau lưng sự an toàn của môi trường quen thuộc xung quanh để bước vào một vũ trụ hoàn toàn mới, chưa biết và đầy những thách thức. Ngài đã tiến đến một vùng đất hứa được hướng dẫn bởi đức tin như một “bảo chứng cho những điều mong đợi” (Dt 11: 1). Niềm tin của ngài và lòng trông cậy của ngài vào Chúa đã thúc đẩy ngài, và suốt cả cuộc đời còn lại của ngài, để sang bờ bên kia, nơi chính Chúa đang đợi ngài ở giữa đám đông.
1. Ngài muốn đến bờ bên kia để tìm kiếm người xa đàn chiên và lạc lối. Để làm như vậy, ngài phải để lại đằng sau sự thoải mái của tòa giám mục và dọc ngang trên lãnh thổ được ủy thác cho ngài trong các chuyến viếng thăm mục vụ liên tục; ngài đã cố gắng đến thăm bất cứ nơi nào cần đến ngài, và họ cần ngài biết ngần nào! Ngài ra ngoài để gặp gỡ mọi người, theo những con đường mà theo lời người thư ký của ngài, được dành cho dê hơn là cho người. Thánh Turibius đã phải đối mặt với những thay đổi rất nhiều về khí hậu và địa hình, “trong hai mươi hai năm giám mục của ngài, 18 năm ngài đã trải qua bên ngoài thành phố, ba năm lang thang suốt dọc dài lãnh thổ của mình” [3] Ngài biết rằng đây là cách duy nhất để trở thành một mục tử: đó là gần gũi với đàn chiên của mình, ban phát các phép bí tích, và ngài thường xuyên khích lệ các linh mục mình làm như vậy. Ngài đã làm như thế không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chứng tá của ngài trên tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng. Theo kiểu ngày nay, ta sẽ gọi ngài là một giám mục “đường phố”. Một giám mục có đôi giày mòn lẳng vì lang thang, di hành liên tục, tiến ra để “rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người: mọi nơi, mọi lúc, không do dự, miễn cưỡng; vì niềm vui của Phúc Âm là dành cho mọi người: không ai có thể bị loại trừ”. [4]. Thánh Turibius biết rõ điều này biết là ngần nào! Không sợ hãi và không do dự, ngài đắm mình trong lục địa của chúng ta để loan báo tin vui.
2. Ngài muốn đến bờ bên kia không chỉ về mặt địa lý mà còn về mặt văn hoá. Thành thử, ngài đã cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để có thể truyền bá Tin Mừng bằng ngôn ngữ bản địa. Với Công Đồng Thứ Ba của Lima, ngài đã chuẩn bị để các sách giáo lý được biên soạn và dịch sang tiếng Quechua và Aymara. Ngài khuyến khích hàng giáo phẩm học ngôn ngữ của đàn chiên của họ để có thể ban phát các bí tích cho họ theo một cách thức mà họ có thể hiểu được. Khi thăm và sống với dân mình, ngài nhận ra rằng hiện diện về thể chất thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải học cách nói ngôn ngữ của người khác, chỉ bằng cách này Phúc Âm mới có thể được hiểu và làm rung động được những con tim. Tầm nhìn này cần thiết cho chúng ta, là những mục tử của thế kỷ 21 này, biết bao! Chúng ta cần phải học những ngôn ngữ hoàn toàn mới chẳng hạn như những ngôn ngữ thời kỹ thuật số để hiểu được ngôn ngữ thực sự của những người trẻ, gia đình, và con cái chúng ta… Như Thánh Turibius đã nhận ra một cách rõ ràng, có mặt và chiếm một khoảng không gian thôi thì không đủ; chúng ta phải có khả năng tạo ra các quy trình trong cuộc sống của người dân để đức tin của họ có thể bắt rễ và có ý nghĩa đối với họ. Và để làm điều đó, chúng ta phải có thể nói được ngôn ngữ của họ. Chúng ta cần phải đến những nơi có những câu chuyện và mô hình mới đang được nảy sinh để mang lời Chúa Giêsu đến tận trung tâm của các thành phố và các dân tộc của chúng ta. [5] Phúc âm hóa văn hoá đòi hỏi chúng ta phải đi vào trái tim của chính nền văn hoá đó để nó có thể được chiếu sáng từ bên trong bởi Tin Mừng.
3. Thánh Turibius muốn đến bờ bên kia của lòng bác ái. Đối với vị quan thầy của chúng ta, không thể có phúc âm hóa mà không có những công việc bác ái. Ngài biết rằng hình thức phúc âm hóa tối cao nhất chính là mô hình hóa sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô nơi chính cuộc sống của chúng ta, vì tình yêu đối với mọi người nam nữ. Cứ dấu này người ta nhận ra đâu là con cái Thiên Chúa và đâu là con cái của ma quỷ: tất cả những ai không thực hành công lý thì không đến từ Thiên Chúa, và những người không yêu mến anh chị em của mình cũng không đến từ Thiên Chúa (xem 1Ga 3:10). Trong những lần thăm viếng của mình, ngài đã có thể nhìn thấy những lạm dụng và gánh nặng mà các dân tộc đã phải chịu đựng, và vì thế vào năm 1585, không chút sợ hãi, ngài đã ra vạ tuyệt thông cho quận công Corregidor miền Cajatambo, đặt mình vào vị thế chống lại toàn bộ hệ thống tham nhũng và một mạng lưới lợi nhuận, “thu hút về phía mình sự thù hằn của bao nhiêu người”, bao gồm cả viên Thái Thú [6]. Như vậy, chúng ta thấy, người mục tử phải biết rằng lợi ích siêu nhiên không bao giờ có thể được tách rời khỏi những thiện ích vật chất, và đặc biệt là khi sự liêm chính và phẩm giá của con người gặp nguy cơ. Tính chất tiên tri trong tinh thần của một giám mục phải là: không sợ tố cáo những lạm dụng và dã man đối với dân của chúng ta. Bằng cách này, Thánh Turibius nhắc nhở toàn thể xã hội, và mỗi cộng đồng, rằng lòng bác ái phải luôn đi kèm với công lý. Và rằng không thể có một cuộc phúc âm hoá chân chính mà không chỉ ra và tố cáo mọi tội lỗi chống lại cuộc sống của anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người rốt nhất
4. Ngài muốn đến bờ bên kia trong việc đào tạo các linh mục của mình. Ngài thành lập chủng viện đầu tiên sau Công Đồng Tridentinô ở phần đất này của thế giới, nhờ đó ngài đẩy mạnh việc đào tạo các giáo sĩ địa phương. Ngài nhận ra rằng viếng thăm mọi nơi và nói cùng ngôn ngữ với người dân cũng chưa đủ đâu: Giáo Hội cần phải nuôi nấng những mục tử địa phương của mình và trở nên một người mẹ hiền. Để đạt được mục đích này, ngài bảo vệ việc truyền chức linh mục cho những thổ dân – là một vấn đề gây tranh cãi vào thời điểm đó – và tìm cách làm cho người khác thấy rằng nếu cần phải có sự đa dạng trong hàng giáo sĩ ở mọi khu vực, thì sự đa dạng ấy phải dựa trên sự thánh thiện chứ không phải là nguồn gốc chủng tộc của họ [7]. Việc đào tạo này không chỉ dừng lại ở khuôn viên các chủng viện mà còn được tiếp tục qua những chuyến viếng thăm liên tục của ngài. Ở đó, ngài có thể nhìn thấy “tình trạng của các linh mục của mình” và bày tỏ sự quan tâm của ngài đối với họ. Chuyện kể rằng vào đêm Giáng sinh, em gái ngài tặng cho ngài một chiếc áo sơ mi để ngài có thể mặc trong dịp lễ. Cùng ngày đó, ngài đi thăm một linh mục, và nhìn thấy điều kiện sống của vị linh mục ấy, ngài cởi ngay chiếc áo sơ mi mới tinh và tặng cho vị này. [8] Ngài là mục tử biết đàn chiên của mình. Một mục tử cố gắng thăm họ, đồng hành với họ, khuyến khích họ và khuyên bảo họ. Ngài nhắc nhở các linh mục của mình rằng họ là các mục tử, chứ không phải người bán hàng, và vì vậy họ phải chăm sóc và bảo vệ người dân như con cái mình [9]. Tuy nhiên, ngài đã không làm điều này từ bàn làm việc, và vì thế ngài biết những con chiên của mình và họ cũng nhận ra giọng nói của vị mục tử của họ.
5. Ngài muốn đến bờ bên kia của sự hiệp nhất. Trong một cách đáng khâm phục và đầy tính tiên tri, ngài hoạt động để mở ra khả năng hiệp thông và dự phần giữa các thành viên khác nhau của dân Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc đến điều này khi nói chuyện với các giám mục ở vùng đất này. Ngài lưu ý rằng: “Công Đồng thứ ba của Lima là kết quả của nỗ lực do Thánh Turibius hướng dẫn, khuyến khích và chỉ đạo; nó đem lại kết quả là một sự phong phú tình hiệp nhất trong đức tin, các tiêu chuẩn mục vụ và tổ chức, và những hiểu biết hữu ích cho sự hội nhập hằng được mong muốn của Mỹ Latinh “[10]. Chúng ta biết rất rõ rằng tình hiệp nhất và sự đồng thuận này đã ngoi lên được từ những căng thẳng và xung đột. Chúng ta không thể phủ nhận những căng thẳng và khác biệt; cuộc sống không thể không có xung đột. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi chúng ta, nếu chúng ta là những người đàn ông và những Kitô hữu, phải dám đối mặt với chúng và đối phó với chúng. Nhưng phải đối phó với chúng trong tinh thần liên đới, đối thoại chân thành và thẳng thắn, mặt đối mặt, cẩn thận để không bị cám dỗ để lờ đi quá khứ, hoặc giam hãm mình trong quá khứ, thiếu tầm nhìn để có thể phân định được đâu là những nẻo đường hiệp nhất và hòa bình. Một nguồn động viên, trong cuộc hành trình của chúng ta như là một Hội Đồng Giám Mục, đó là biết rằng sự hiệp nhất sẽ luôn luôn chiếm ưu thế hơn [11] Các hiền huynh thân mến, hãy hoạt động cho tình hiệp nhất. Không nên cứ mãi là những tù nhân của những chia rẽ đang tạo ra những bè phái và cản trở ơn gọi của chúng ta là trở nên một bí tích hiệp thông. Hãy nhớ rằng: điều thu hút của Giáo Hội tiên khởi chính là các Kitô hữu yêu thương nhau. Đó là – và luôn luôn là – cách tốt nhất để loan báo Tin Mừng.
6. Đã đến lúc Thánh Turibius lên bờ cuối cùng, đến vùng đất mà ngài đã nhiều lần nếm trước trên tất cả các bờ biển mà ngài đã bỏ lại sau lưng. Lần này, tuy nhiên, ngài không cô đơn. Như trong bức tranh mà tôi đã đề cập trước đây, ngài đã đi gặp các thánh bao quanh bởi một đoàn lũ thật đông đảo. Ngài là một mục tử chất đầy “túi xách của mình” với những tên và khuôn mặt. Họ là hộ chiếu của ngài để lên trời. Tôi không muốn vượt qua giai điệu cuối cùng này, là thời điểm khi vị mục tử trao phó linh hồn mình cho Chúa. Ngài đã làm ra đi giữa dân mình, và một người bản xứ đã hát một bài hát bằng chiếc tù và của mình để linh hồn người mục tử của anh cảm thấy bình an. Các anh em, xin cho khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình cuối cùng này của mình, chúng ta cũng có thể có cùng trải nghiệm này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều này [12]
Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
[1] Diễn từ trước các Giám mục Peru (2 tháng 2 năm 1985), đoạn 3.
[2] x. Phép lạ của Thánh Turibius, Vatican Pinacoteca.
[3] Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Bài giảng Thánh Lễ, Aparecida (16 tháng 5 năm 2007).
[4] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 23.
[5] X. thượng dẫn., 74.
[6] x. Ernesto Rojas Ingunza, El Perú de los Santos, Kathy Perales Ysla (biên soạn), Cinco Santos del Perú. Vida, obra y tiempo, Lima (2016), 57.
[7] x. Joséantonio Benito Rodríguez, Santo Toribio de Mogrovejo, Kathy Perales Ysla (ed.), Cinco Santos del Perú. Vida, obra y tiempo, Lima (2016), 178.
[8] x. thượng dẫn, 180.