Đôi dòng lược sử Trung tâm hành hương các thánh Tử đạo Hải Dương

AhGiáo phận Hải Phòng.
TTHH Đền Thánh Hải Dương

 “Yêu đến cùng” (Ga 13,1)

ĐÔI DÒNG SƠ LƯỢC

TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO HẢI DƯƠNG
Trung tâm hành hương Các Thánh Tử đạo Hải Dương là nơi ghi chứng tích lịch sử hào hùng một thời của Giáo phận Đông Đàng Ngoài, là địa danh in đậm dấu ấn các chứng nhân can trường hy sinh vì đức tin. Dòng máu các anh hùng tử đạo đã trở nên “nguồn” phát sinh các Kitô hữu, nên “cội” trổ sinh các cộng đoàn đức tin. Linh địa Hải Dương đã trải qua những giai đoạn bi thương, nhưng cũng là những trang sử hào hùng của Giáo hội Việt Nam, là niềm tự hào cho người tín hữu Hải Phòng qua muôn thế hệ.Pháp trường Năm Mẫu

Vào thời đạo Chúa bị cấm cách bách hại, đặc biệt vào giữa thế kỷ 19, một mảnh đất ngoại thành Hải Dương đã trở thành pháp trường để xử tử những người theo đạo, có tên gọi là Khu Năm Mẫu. Nơi đây có hàng trăm người đã ngã xuống làm chứng cho đức tin, trong số đó có nhiều Đấng đã được Giáo hội phong hiển thánh. Giữa những vị thánh ấy, có những Đấng được tôn kính cách đặc biệt, quen gọi là Các Thánh tử đạo Hải Dương hay Bốn Thánh tử đạo Hải Dương.

Trong thời cấm đạo, có nhiều pháp trường được thiết lập để hành quyết những ai không chịu bỏ đạo, như Pháp trường Năm Mẫu Tây Sơn (giáo phận Hưng Hoá), Pháp trường Bảy Mẫu (giáo phận Bùi Chu), Pháp trường Cổ Mễ (giáo phận Bắc Ninh)…. Các Pháp trường này dường như không còn nữa hay chỉ giữ lại được một chút dấu tích. Nhưng với Pháp trường Năm Mẫu Hải Dương thì khác. Sau khi các anh hùng tử đạo được tôn vinh, nơi đây đã trở nên linh thiêng và điểm đến hành hương cho người tín hữu tìm về với cội nguồn đức tin của mình. Mảnh đất thấm đẫm máu đào các anh hùng tử đạo đã trổ sinh muôn vàn ơn phúc.

Chân dung Bốn Thánh tử đạo Hải Dương

Thánh Giám mục Giêrônimô Liêm (Dòng Đaminh, Giám mục Giáo phận Ðông) sinh năm 1800, tại Santo Domingo, Tây Ban Nha. Trong nhiệm vụ Giám mục Ngài đã hết mình dấn thân phục vụ đoàn chiên cho đến khi bị bắt. Tại pháp trường Năm Mẫu Hải Dương, với án lệnh xử trảm thời Vua Tự Đức, Ngài đã lãnh nhận triều thiên tử đạo vào ngày 01/11/1861.

Thanh Tu dao HD

Thánh Giám mục Valentinô Vinh (Dòng Đaminh, Giám mục Giáo phận Trung) sinh năm 1827, tại làng Elorio, Tây Ban Nha. Ngài đặt dấu chân đầu tiên vào Đất Việt ngay trong lúc có chiếu chỉ cấm đạo ngặt nghèo nhất. Khi chạy trốn xuống Hải Dương, ngài đã bị bắt cùng với cha Almatô Bình và cùng chịu tử đạo với Giám mục Giêrônimô Liêm ngày 01/11/1861.

Thánh Linh mục Phêrô Almatô Bình (Dòng Đaminh, linh mục phụ giúp Ðức cha Vinh) sinh ngày 1830, tại Catalogna, Tây Ban Nha. Ngài là vị mục tử nhiệt thành, hết mình vì đoàn chiên và nhiệt thành truyền giáo. Ngài đã được diễm phúc lãnh triều thiên tử đạo vào ngày 01/11/1861, tại pháp trường Năm Mẫu Hải Dương.
Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, Thầy giảng (Dòng Ba Đaminh, giúp Ðức cha Liêm) sinh năm 1832, tại Cao Mại, tỉnh Thái Bình. Khi bị tống ngục tại Hải Dương, mặc dầu bị xiềng xích, gông cùm, nhưng Thầy Giuse vẫn vui vẻ chấp nhận. Ngày 06/12/1861, quân lính điệu Ngài ra pháp trường Năm Mẫu, sau hồi chiêng báo hiệu, lý hình vung gươm lên, đầu rơi xuống, Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Khai sinh Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương

Sự thánh thiện, đặc biệt là cái chết hiên ngang của Các Thánh Tử đạo Hải Dương đã làm cho Pháp trường Năm Mẫu, vốn là nơi chết chóc đau thương, đã sớm trở nên mảnh đất linh thiêng và hình thành nên Trung tâm hành hương kính các ngài.

Đôi dòng lược sử Trung tâm hành hương các thánh Tử đạo Hải Dương

Ngay sau 1 năm Bốn Đấng tử đạo Hải Dương được nâng lên bậc Chân Phước, năm 1907, một nhà nguyện đã được xây dựng trên chính mảnh đất các Đấng đã đổ máu để tôn kính các ngài. Nhà nguyện tuy nhỏ bé nhưng đã nhanh chóng thu hút được nhiều người gần xa đến kính viếng và cầu nguyện. Kể từ đó, hàng ngàn người nô nức tuôn về hành hương linh địa này. Bề trên giáo phận đã thiệt lập Ngày hành hương truyền thống kính Các Thánh tử đạo Hải Dương vào ngày 06 tháng 11 hàng năm.

Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương thời kỳ hưng thịnh

Trước nhu cầu hành hương ngày càng gia tăng, lòng yêu mến Các Đấng tử đạo Hải Dương ngày một lớn mạnh, một ngôi Đền thánh nguy nga lộng lẫy đã được xây dựng năm 1927. Đền thánh có chiều dài 65m, rộng 18m, hai tháp mỗi tháp cao 30m. Thời ấy, Đền thánh Hải Dương là Đền thánh tử đạo lớn nhất Việt Nam. Cũng từ đây danh tiếng về Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương đã được nhiều người gần xa biết đến.

z3847373052648 c937a091aa5be43a2265513e87fef982

Hàng năm có hàng trăm ngàn người hành hương Đền thánh. Đặc biệt, vào ngày 06 tháng 11, đoàn người khắp nơi lại tấp nập tuôn về hành hương linh địa Hải Dương để tôn kính các ngài và kín múc muôn vàn ân sủng của Chúa. Ấn tượng thiêng liêng về Đền thánh đã in đậm trong tâm thức đức tin với những ai đến nơi này. Nhờ lời chuyển cầu rất công hiệu của Bốn Thánh tử đạo, biết bao ơn lành của Chúa đã tuôn đổ dạt dào  trên mảnh đất linh địa Hải Dương.

Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương thời kỳ suy thoái

Sức sống dồi dào của Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương đã bị khựng lại bởi biến cố di cư năm 1954. Đặc biệt, hai trái bom thả vào ngôi Đền thánh vào sáng ngày 01/7/1967 đã đánh dấu thời kỳ suy tàn của Đền thánh. Từ một ngôi đền khang trang lộng lẫy đã trở nên đống đổ nát hoang tàn; thay vì đoàn người tấp nập hành hương kính viếng, nơi đây đã trở thành chốn hiu quạnh không người.

Do bối cảnh thời cuộc và những biến động của xã hội, nhiều gia đình không chốn nương thân đã xin định cư tại khu Năm Mẫu, những người vô gia cư thì chiếm dụng Trưởng Đệ tử và lòng Đền thánh làm nơi cư ngụ. Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương một thời sầm uất, nay đã chìm vào quên lãng; linh địa danh tiếng một thời, giờ đây kể như đã bị xoá sổ.

Tái thiết công trình Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương

Tuy nhiên, việc Chúa làm thật kỳ diệu lắm thay! Kể như bắt đầu từ con số 0 ấy, Chúa lại xây dựng lại công trình của Người. Dù Đền thánh gần như bị san phẳng bình địa, mảnh đất linh thiêng không còn nữa, nhưng Chúa vẫn thắp lên nỗi khát vọng tái thiết Đền thánh nơi đoàn dân của Người, đặc biệt nơi các vị chủ chăn Giáo phận.

z3847373053428 3f3dbe6e7695837f569b923c6da77d0e

Khi còn sinh thời, Đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương đã có ước nguyện tái thiết công trình đức tin nơi Đền Thánh. Nhưng ước nguyện này chỉ có thể thực hiện được vào thời Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên. Đây cũng là mối bận tâm hàng đầu của ngài khi còn trong cương vị chủ chăn giáo phận Hải Phòng. Đức cha Giuse đã uỷ thác cho cha Giuse Dương Hữu Tình, chính xứ và quản hạt Hải Dương, thực hiện công việc quan trọng này. Với lòng nhiệt huyết và nỗ lực của cha Trưởng ban trong suốt 15 năm qua, Giáo phận đã nhận lại mảnh đất với diện tích 3.300 m2 vào năm 2017, và khởi công xây dựng Đền thánh vào năm 2019. Hiện công trình đang tiến triển với nhiều hứa hẹn tốt đẹp.

z3847373046446 66e1c33ca276db40a825eab33a7f93ae

Tiếp nối mối ưu tư của các đấng tiền nhiệm, khi nhận sứ vụ giám mục Hải Phòng, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản đã dành nhiều sự quan tâm ưu ái cho công trình Đền thánh. Hàng tháng ngài vẫn đến dâng lễ cùng với cộng đoàn hành hương. Đồng thời với tư cách chủ chăn Giáo phận, Đức cha đang nỗ lực huy động các nguồn lực để tiến trình tái thiết Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương sớm được hoàn thành.

z3847373069205 fb14279bbd8a5a21e0ec4fee908da305

Đền thánh tử đạo Hải Dương sau khi hoàn thiện sẽ là một công trình “độc nhất vô nhị”. Bởi công trình được xây trên chính mảnh đất thấm đẫm máu đào các Thánh tử đạo và với chất liệu hoàn toàn bằng đá. Đền thánh là biểu tượng của một đức tin kiên vững và như một nghĩa cử bày tỏ lòng hiếu thảo với các bậc tiền nhân đức tin.

Hy vọng với ơn của Chúa, lời chuyển cầu của Các Thánh tử đạo và lòng quảng đại của cộng đoàn dân Chúa, Trung tâm hành hương Các Thánh tử đạo Hải Dương sẽ sớm được hồi sinh. Để rồi một ngày mai đoàn người đông đảo khắp nơi lại hỷ hoan nô nức tiến về hành hương như dân Do Thái xưa: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy Đền thánh Chúa” (Tv 122,1). Nhờ đó, đức tin hào hùng một thời lại được sáng ngời, trang sử vẻ vang được tiếp nối, và những giọt máu đào của các anh hùng đức tin tiếp tục trổ sinh hoa trái: “Máu Các Thánh tử đạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu” (Tertulianô).

                                                                       Trung tâm Hành hương
Các thánh Tử đạo Hải Dương – 2022

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *