Xuân đã về thật rồi! Tiết xuân miền Bắc se se lạnh, làm cho những nụ đào càng thắm đỏ và những cánh én chao liệng thêm dặt dìu. Đường làng ngõ xóm như bừng sáng hơn bởi sắc xuân muôn màu muôn vẻ và rộn ràng hơn bởi những lời chúc tốt lành trao nhau trên đường đi lễ xuân đầu năm. Trong thời khắc diệu kỳ này, hầu như ai cũng thấy lòng mình sáng hơn, tin yêu và tín thác hơn, mọi vẩn đục, hời hợt, trễ nải, cũng như đố kỵ, ghen ghét, như được gói ghém ném thật xa về quá khứ.
Thánh lễ đầu xuân thật sốt sắng và đong đầy hương sắc mùa xuân trong những bài Thánh ca mang đậm tình xuân. Chúa Xuân ơi! Ngài chính là Mùa Xuân vĩnh cửu, Ngài đến mang an vui cho trần thế, sau những ngày lao nhọc mưu sinh. Ngài đến, đem muôn hoa tô điểm dương trần, gọi mầm xanh đâm chồi nảy lộc. Ngài đến, thắp sáng lên trong lòng người thế trần niềm khát khao, hy vọng, vươn tới mùa xuân vĩnh cửu Thiên Đường.
Sau Thánh lễ, con cái, cháu chắt cùng hội tụ, đoàn viên, để chúc tết ông bà, bố mẹ. Nhìn con cháu vừa ăn uống vừa nói cười vui vẻ bên mâm cỗ đủ đầy nhiều món ngon, lũ cháu nhỏ thì ríu rít khoe nhau những phong bao lì xì đỏ thắm, bà chạnh lòng đau đáu nhớ về những mùa xuân xa xưa.
… Năm nào cũng vậy, ngày 29 và sáng 30 tết, bà vẫn còn ngâm đôi chân trần đã tím ngắt dưới bùn sâu, trong cái rét như cắt da cắt thịt của miền Bắc, để cấy nốt mảnh ruộng chân mạ cuối cùng ( ruộng dùng để gieo lúa giống làm mạ). Từng cơn gió mùa đông bắc mà quê bà quen gọi là gió bấc, thổi ràn rạt trên cánh đồng rộng lớn, như muốn xé toang manh áo cũ sờn rách, có lúc còn hất tung cả cái nón mê trên đầu, bay như chong chóng qua mấy thửa ruộng. Thi thoảng, lại có tiếng lợn kêu eng éc từ trong làng vọng ra, làm cho lòng bà càng… rét hơn, vì giờ này các con của bà vẫn chưa có nổi gói kẹo, cân thịt lợn để ăn tết, hoàn cảnh nhà bà thật đúng như câu người ta hay nói bây giờ: “30 chưa phải là tết”. Nhà nghèo, vợ chồng thi nhau ốm đau, ngày ngày kiếm được đồng nào sào đồng ấy, vẫn còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền mà để dành sắm tết. Bây giờ nói ra có người tưởng chuyện đùa, chứ thời ấy thường thường hằng năm đến tết bà chỉ có vài trăm ngàn đồng, vì vậy, bà thường đợi đến xế chiều 30 tết mới đi chợ, để mong mua được rẻ hơn. Chỉ vài gói kẹo nhỏ, cân thịt lợn mỡ trắng phau, vài bộ quần áo cho các con và một chút gọi là quà tết cho hai bên bố mẹ. Vậy mà năm nào cũng phải đến xẩm tối, khi các hàng quán đang khẩn trương dọn dẹp hàng, để về nhà cùng xum họp chuẩn bị đón giao thừa, thì bà cũng mới về, vì mua cái gì cũng phải cân đong đo đếm… hầu bao, xem có đủ hay không. Ấy nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó, có năm chiều 30 tết… cháy hàng, cái gì cũng tăng giá. Cả buổi chiều, bà vòng đi vòng lại không biết bao nhiêu lượt trước các gian hàng, vừa xuýt xoa tiếc những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng thấm đẫm và mặn chát mồ hôi khó nhọc mưu sinh, vừa tự trách mình ngu dại. Thậm chí, có năm bà chỉ còn có mấy chục ngàn trong túi, vừa cấy vừa lên… kế hoạch, làm sao vay được tiền để cho con cái có tết. Thật quá khó, những người có tiền thì khó mà vay được, vì cuối năm họ đang thu tiền về, dễ gì mà họ chi ra cho gia đình cố nông vay. Những nơi cảm thông với hoàn cảnh của bà, thì họ cũng đang phải giật gấu vá vai, lo cho những ngày cùng tháng hết. Khi những đon mạ cuối cùng được cấy hết thì trời đã quá trưa, bà lê đôi chân đã tê cứng lên bờ, đưa tay ra sau đấm thùm thụp vào cái lưng đau nhức nhối như muốn gãy, rồi vội vã quang gánh chạy về nhà. Bà vừa về đến cổng, các con đã ùa ra miệng rối rít: “Bố thằng Tít mổ con lợn to lắm mẹ ạ!”, “Mẹ con Bông mua bao nhiêu là bánh kẹo, còn nấu cả một nồi bánh chưng to ơi là to, nhà mình bao giờ thì sắm tết hả mẹ?”. Bà thấy lòng mình đau quặn thắt, vội cúi xuống giả vờ bị bụi bay vào mắt và nói: “Ừ! Ngày mai mồng 1, nhà mình sẽ có tết”. Nói rồi, bà đi về nhà bố đẻ, ngồi chơi nói hết chuyện cũ chuyện mới mà bà vẫn không dám mở miệng ra hỏi vay tiền, vì năm hết tết đến, phận làm con chẳng báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cho cha mẹ thì thôi, lại còn đến bòn rút. Nhưng bố bà là người hiểu biết và thương yêu con hết lòng, thấy chiều 30 tết con gái không ở nhà dọn dẹp, hay đi chợ mua sắm, mà ngồi đây giết thời gian, là đã biết con gái đang cần gì. Bố mở ví lấy ra mấy trăm ngàn đưa cho bà và nói: “Con cầm lấy mà đi chợ kẻo muộn!” bà chỉ lí nhí được hai tiếng: Con xin! rồi cúi đầu sách nón đi chợ. Lại còn có năm vào chiều 30 tết, bà được một người đem đến cho ba ký thịt lợn ngon, bà mang ra chợ bán để mua thịt sấu hơn, lấy tiền dư mua kẹo bánh. Nhưng vì sợ người cho nhìn thấy sẽ mang tiếng, nên bà cứ lén lén, lút lút, bởi vậy, nhiều người muốn mua nhưng lại sợ bị lừa. Cuối ngày, ba ký thịt ngon đổi được hai ký thịt vụn vặt, cùng vài gói kẹo và mấy cái bánh chưng, thế là nhà bà có… tết. Ngoài những cái tết ra, còn một ký ức luôn dày vò tâm hồn bà đã mấy chục năm qua. Bữa đó nhà hết gạo, lại là buổi thi học kỳ của cậu con trai, sáng con đã nhịn đói đi thi, đến trưa về, mong mẹ đã đong gạo để nấu cơm. Nhưng thật rủi, hôm đó bà đi bán rau xa nhà đến mười mấy cây số, đến trưa mà xe rau mới vơi non nửa. Bà hì hụi đạp cái xe cọc cạch cùng với hai sọt rau ế về đến nhà, thì con trai đã lại nhịn đói để đi thi buổi chiều, nhưng thật diệu kỳ, Chúa đã gìn giữ để con bà không bị tụt huyết áp mà sỉu trên bàn thi, nếu không, chưa biết việc gì sẽ sảy ra. Đến đây có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi: cũng đủ vợ đủ chồng như người ta, tại sao người ta no đủ mà nhà bà lại thiếu thốn quá vậy? Ừ! Thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, vợ chồng bà cứ thay nhau ốm đau, mổ xẻ, cứ bệnh này vừa ra khỏi nhà, thì bệnh kia lại đội nón đến thăm. Vì vậy, ông bà muốn làm cái gì cũng không có vốn, đi vay thì chỉ vay được ở những nơi lãi mẹ đẻ lãi con, làm không đủ để đóng lãi. nên nhà bà từ những con vật nuôi đến cây cối rau màu trồng trọt đều dặt dẹo, còi cọc. Đúng là: “Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà nghèo trồng củ tía ra củ nâu”.
Tuy đói khổ là vậy, nhưng bà luôn tín thác vào sự quan phòng và Lòng Thương Xót của Chúa. Đêm đêm, trên chiếc giường ọp ẹp, giát giường được làm từ thân cây tre giập ra, nhưng đã bị rút dần làm củi, làm đóm, nên thưa huếch thưa hoác, nằm đau như dần. Bà nằm giữa chỗ chiếu rách to nhất, nhường các con chỗ lành lặn hơn một chút, rồi dạy các con cầu nguyện. Tạ ơn Chúa! đến bây giờ bà vẫn nghĩ sao các con bà ngoan đến vậy, chúng cứ đọc theo từng lời của bà hết năm này qua năm khác của thời thơ ấu. Đến khi đã thuộc lòng, chỉ cần lên giường đi ngủ, bà nhắc các con cầu nguyện đi, là chúng đọc lại thi nhau tâm sự với Chúa, đầu tiên là về phần hồn, sau đó mới đến phần xác. Có lúc chúng hỏi bà giờ này Chúa đang ở đâu, bà bảo Chúa đang đứng ở đầu giường, chúng ngóc đầu lên nhìn rồi lại hỏi sao không nhìn thấy Chúa, bà lại bảo Chúa đã chui xuống gầm giường, để nếu các con có lọt xuống thì Chúa sẽ đỡ nâng, vì giát giường thưa và chiếu rách quá. Nghe vậy, chúng lại tiếp tục lời cầu quen thuộc: “Xin Chúa cho bố mẹ con mạnh khỏe, để làm việc nuôi chúng con. Xin Chúa cho chúng con ngoan, học giỏi và xin đừng để gia đình con khổ sở, đói khát, rách rưới quá”. Sau đó chúng chìm vào giấc ngủ với lòng tin Chúa đã nghe được và mơ ước về một ngày mai có cơm ăn no đủ. Bây giờ, mỗi lần nghĩ về những ngày đó, bà vẫn luôn bị dằn vặt bởi thấy mình có lỗi với các con, thi thoảng đêm đêm, bà vẫn gạt nước mắt trên gò má nhăn nheo và thấy lòng đau quặn thắt. Có lẽ cũng dễ hiểu thôi, vì nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, bố mẹ của bà ngày xưa cũng vậy, cũng trút cạn sức lực và thương yêu cho bà. Nay đời sống khấm khá hơn thì ông bà, bố mẹ lại chẳng còn để cháu con được báo hiếu.
Các con của bà nay đã khôn lớn, trưởng thành, đã làm bố làm mẹ, làm ông làm bà và đời sống cũng đủ đầy, êm ấm hơn. Thêm nữa, từ làng trên xóm dưới, chưa ai phải phàn nàn một điều gì về các con, các cháu của bà. Bà tin rằng Chúa đã nghe tiếng bà và các con cầu nguyện, vì Ngài là Đấng đầy Lòng Thương Xót. Đúng là: “An vui nhờ có ơn Trời và ơn cha mẹ, suốt đời coi nhẹ khổ đau”
Trên đây là câu chuyện có thật, chứ không phải người viết nhân cách hóa cho thêm phần lâm ly, bi ai. Ngày xuân vui vẻ, đúng ra không nên nhắc đến những câu chuyện buồn, kẻo lại bị nói là xấu xa không đậy điệm cho kín lại còn phô ra. Nhưng bà muốn chia sẻ cùng mọi người rằng buồn khổ nào, bi đát nào, rồi cũng sẽ qua đi và chìm vào quá khứ. Chỉ còn lại tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con cái trần thế thì mãi mãi không bao giờ hao mòn, vơi cạn, luôn bừng sáng, rực rỡ và tỏa ngát hương yêu, vì Chúa là Mùa Xuân an vui, vĩnh cửu.
Mờ – inh