ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp

Ngỏ lời với các bạn trẻ trong cuộc gặp gỡ tại trường Công giáo thánh Dionigi ở Athens, Đức Thánh Cha kêu gọi họ hãy để cho mình được kinh ngạc trước tình yêu của Thiên Chúa, có những cuộc gặp gỡ thực sự với người khác và hãy ước mơ điều lớn lao. Ngài cũng nhắn nhủ họ “hãy biết mình”, nhận ra giá trị ở điều mình là chứ không phải ở những thứ mình có.

Sáng thứ Hai 6/12/2021, ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm tại Hy Lạp, sau khi đón tiếp Chủ tịch Quốc hội của Hy Lạp, ông Konstantinos Tasoulas, tại Tòa Sứ thần, và từ giã các nhân viên Tòa Sứ thần và các ân nhân, Đức Thánh Cha đi xe đến trường thánh Dionigi của các nữ tu dòng Orsoline, ở khu vực Marousi của Athens, cách Tòa Sứ thần 9 km, để gặp các bạn trẻ.

Trường tiểu học thánh Dionigi được các nữ tu Orsoline thành lập tại khu vực Loutra của thành phố Athens vào năm 1959. Đến năm 1976 các nữ tu đã di chuyển trường đến khu vực Marousi như hiện này. Năm 2017 “trường Pháp-Hy Lạp của các nữ tu Orsoline” đã quyết định chuyển việc điều hành các cơ sở của họ cho dòng Lasan.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Lời chào của Đức cha phụ trách mục vụ giới trẻ của Hy Lạp 

Đến trường Công giáo thánh Dionigi Đức Thánh Cha được Đức cha phụ trách mục vụ giới trẻ của Hy Lạp tiếp đón tại Phòng đa năng trong bầu khí tràn đầy niềm vui và nhiệt huyết của các bạn trẻ, những người bằng mọi phương tiện, từ nhiều nơi của Hy Lạp, đến đây để nhìn thấy, để nghe Đức Thánh Cha và để tiếp tục cuộc hành trình đức tin của họ với lòng nhiệt thành mới.

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức cha phụ trách mục vụ giới trẻ chia sẻ rằng giới trẻ Công giáo Hy Lạp là cộng đoàn thiểu số nhưng được nâng đỡ bởi ý thức rằng mình đang bước đi trong hành trình đức tin cùng với những người trẻ trên toàn thế giới và hiệp thông với toàn thể Giáo hội. Chúa Kitô là hy vọng và là sự trẻ trung tươi đẹp nhất của thế giới. Những người trẻ tìm cách ươm mầm hy vọng này trong khi cũng đầy những thắc mắc, khát khao, ước mơ cho cuộc đời họ, cho xã hội, cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Họ tìm kiếm Chúa Kitô, Đấng làm cho mọi thứ ngài chạm vào đều trở nên trẻ trung và tràn đầy sức sống.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Trước phần trình bày chứng từ các bạn trẻ đã trình bày một điệu vũ truyền thống.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Trình bày chứng từ

Những nghi ngờ trong đời sống đức tin

Chứng từ đầu tiên là của Katerini Binibini đến từ Philippines. Cô nói về những nghi ngờ trong đời sống đức tin dù cô luôn cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa qua gia đình và Giáo hội. Cô nói: ” Đức tin của con liên tục bị thử thách bất cứ khi nào con nhìn thấy những người đau khổ vì bị đau đớn hoặc do hành động xấu người khác gây nên. Mỗi khi con nói chuyện với những người trẻ ở độ tuổi của con và họ hỏi những câu hỏi về đức tin, con cảm thấy bị thử thách vì không thể trả lời, giống như khi có ai đó hỏi con: ‘Nếu có Thiên Chúa, tại sao Người lại để cho nhiều tổn thương và đau đớn xảy ra trên thế giới?’… Cũng có những lúc con đã tức giận và ganh tị khi thấy những người không phải là tín hữu dường như không đau khổ và không có vấn đề gì, trong khi con, là một Kitô hữu trung thành, cảm thấy bị thử thách thường xuyên . Nhiều khi con nghĩ Chúa không công bằng. Khi lớn lên con biết rằng mình sẽ không mang theo của cải lên thiên đàng, tuy nhiên, tại sao con lại phải chịu đau khổ ở trần gian để được lên thiên đàng?”

ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp

Dù chối từ Chúa nhưng Người vẫn tìm cách hướng dẫn chúng ta

Chứng từ thứ hai là của Ioanna Vidali, 26 tuổi, thuộc giáo phận Tinos. Cô được mẹ và bà dạy cầu nguyện, cảm tạ Chúa mỗi ngày vì tất cả những gì Người dành cho cô. Cô tìm đến Chúa mỗi khi ở một mình và yên tĩnh, nói chuyện với Người, thổ lộ mối quan tâm với Người, và điều này đã đưa cô đến gần Người hơn bao giờ hết… Nhưng khi cô lớn lên, hành trình cuộc sống trở nên khó hơn. Cuộc đấu tranh và những câu hỏi trong cô ngày càng lớn. Mọi thứ dường như không chắc chắn, ngay cả niềm tin vào Chúa. Cô bắt đầu sợ Chúa và nghi ngờ sự lựa chọn đi bên cạnh Người. Cô đã trở nên mù quáng, từ chối ý muốn của Thiên Chúa, nhưng Người luôn tìm ra cách để hướng dẫn cô.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Hành trình phiêu lưu với ước mơ và can đảm

Cuối cùng là chứng từ của Aboud Gabro, 18 tuổi, đến từ đất nước Syria bị giày xéo và đẫm máu. Anh chia sẻ về những “kỳ tích” sống sót kể từ khi cuộc chiến bắt đầu trên quê hương anh và cũng là thử thách mà gia đình anh đã phải chịu đựng trước khi đến Hy Lạp, nơi đón tiếp họ và trở thành quê hương thứ hai của họ. Hiện nay Aboud đang học trung học và chuẩn bị để trở thành một thành viên có ích cho xã hội.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Sau các chứng từ, ngỏ lời với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha kêu gọi họ hãy để cho mình được kinh ngạc trước tình yêu của Thiên Chúa, có những cuộc gặp gỡ thực sự với người khác và hãy ước mơ điều lớn lao.

Nghi ngờ giúp củng cố đức tin

Trước những nghi ngờ liên tục về đức tin mà Katerina Binibini từ Philippines đã trải qua, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng những nghi ngờ không phải là dấu hiệu của sự thiếu đức tin. Ngược lại, nghi ngờ là “vitamin của đức tin”: chúng giúp củng cố đức tin và làm cho đức tin trở nên có ý thức, tự do và trưởng thành hơn. Đức tin chính là một cuộc hành trình cá nhân hàng ngày với Chúa Giêsu.

Loại trừ cám dỗ của ma quỷ

Nhưng những nghi ngờ khiến chúng ta u ám và chán nản cần phải bị từ chối như những cám dỗ từ ma quỷ. Chúng ta cần quay trở lại điểm xuất phát, cho phép mình tự hỏi và ngạc nhiên rằng chúng ta là những người con yêu dấu của Thiên Chúa.

Ngạc nhiên về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nói: “Ngạc nhiên là sự khởi đầu của đức tin của chúng ta. Đúng, bởi vì đức tin trên hết không phải là một danh sách những điều phải tin và các giới luật phải tuân giữ. Theo nghĩa sâu xa nhất, đức tin không phải là một ý tưởng hay một hệ thống đạo đức, mà là một thực tế, một thực tại tuyệt đẹp không phụ thuộc vào chúng ta và nó khiến chúng ta ngạc nhiên: chúng ta là những người con yêu dấu của Thiên Chúa! Chúng ta là con yêu dấu bởi vì chúng ta có một người Cha luôn dõi theo chúng ta và không ngừng yêu thương chúng ta. Hãy suy nghĩ về điều đó: bất cứ điều gì bạn nghĩ hoặc làm, ngay cả những điều tồi tệ nhất, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Luôn luôn và bất luận thế nào. Người nhìn vào cuộc sống của bạn và thấy nó rất tốt (xem St 1,31). Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta đứng trước gương, có thể chúng ta không thấy mình như mình muốn, vì chúng ta có quá chú trọng vào những điều chúng ta không thích. Nhưng nếu chúng ta đặt mình trước Chúa, viễn cảnh sẽ thay đổi.

“Vì vậy,” Đức Thánh Cha nói, “thay vì bắt đầu một ngày bằng cách nhìn vào gương, tại sao không mở cửa sổ phòng ngủ của các bạn và chú tâm đến vẻ đẹp mà các bạn nhìn thấy xung quanh mình?” “Nếu thiên nhiên đẹp trong mắt chúng ta, thì trong mắt Chúa, mỗi người trong các bạn đều đẹp hơn vô hạn!” Chúng ta cần cảm thấy sự ngạc nhiên về ơn tha thứ của Chúa Cha, Đấng ôm ấp và nâng đỡ chúng ta.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Hãy biết mình. Đề phòng “những tiếng hát của các nàng tiên cá hiện đại”

Đức Thánh Cha nhắn nhủ với những người trẻ “hãy biết mình” và nhấn mạnh rằng, “giá trị của các bạn nằm ở con người của các bạn chứ không phải những gì các bạn có” – “nhãn hiệu của chiếc váy hoặc đôi giày các bạn mang”. Ngài kêu gọi họ đề phòng “những nàng tiên cá của ngày nay” mời gọi sự kiếm tiền dễ dàng, của chủ nghĩa tiêu thụ, sùng bái thể chất, giải trí bằng mọi giá … ” giống như pháo hoa bùng lên trong chốc lát rồi bốc khói trong không khí.

Vẻ đẹp của đức tin

Tiếp tục bài nói chuyện, nhắc lại cách Ulysses cột mình vào cột buồm của con tàu để chống lại tiếng hát quyến rũ của các nàng tiên cá, Đức Thánh Cha đề cao cách của Orpheus, xướng lên một giai điệu hay hơn giai điệu của các nàng tiên cá và do đó khiến họ im lặng, Đức Thánh Cha nói: Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải nuôi dưỡng điều kỳ diệu, vẻ đẹp của đức tin! Ngài nhấn mạnh: Chúng ta không phải là Kitô hữu bởi vì chúng ta bị bắt buộc, nhưng vì nó tuyệt vời. Và chính để bảo tồn vẻ đẹp này, chúng ta nói không với những gì muốn che khuất nó. Niềm vui của Tin Mừng, sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu khiến cho những từ bỏ và mệt mỏi lùi lại. Ngài mời gọi giới trẻ “ngạc nhiên trước sự sáng tạo, tình bạn, sự tha thứ của Chúa và trước khuôn mặt của người khác”.

Cần thưa với Chúa về cuộc sống của mình

Đề cập đến chứng từ của Ioanna Vidali về khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là mẹ và bà của cô, những người đã dạy cô cầu nguyện và cảm tạ Chúa mỗi ngày, Đức Thánh Cha nói rằng đó là cách mà đức tin đến với cô một cách tự nhiên và chân thực. Do đó, chúng ta cần hướng về Chúa, “để nói chuyện với Người, để chia sẻ những lo lắng của chúng ta với Người”. Đó là cách Chúa Giêsu trở thành bạn của Ioanna. Ngài nói: “Có những ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa thôi thì chưa đủ, nhưng các bạn phải đem cuộc sống của mình đến trước mặt Người.”

Thiên Chúa mặc khải chính Người qua những con người thật

Mặt khác, Chúa Giêsu làm cho chính Người được biết đến qua những khuôn mặt thật và con người thật. Thiên Chúa không giao cho chúng ta một cuốn giáo lý; Chúa làm cho chính Người hiện diện qua các câu chuyện cuộc đời của mọi người. Người đi giữa chúng ta.

Một người quan trọng khác trong cuộc đời của Ioanna là một nữ tu, người đã cho cô thấy niềm vui “nhìn thấy cuộc sống là sự phục vụ”. Phục vụ người khác là con đường dẫn đến niềm vui đích thực, Đức Thánh Cha nói và nói thêm, “Việc giúp đỡ người khác không phải dành cho kẻ thất bại, mà là cho những người chiến thắng”.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Những cuộc gặp gỡ thực sự giúp chúng ta luôn tươi trẻ 

Đức Thánh Cha lưu ý rằng chúng ta luôn trẻ trung không phải bằng cách đăng một vài dòng tweet hay có các cuộc gặp gỡ ảo trên mạng xã hội mà bằng những cuộc gặp gỡ thực tế, đặc biệt là với những người cần giúp đỡ. Ngài lưu ý rằng nhiều người ngày nay đang liên tục sử dụng mạng xã hội, nhưng bản thân họ không có tính xã hội nhiều: họ bị cuốn vào chính mình, trở thành tù nhân với chiếc điện thoại di động trên tay.

Tha nhân là con đường để khám phá bản thân

Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: “Hãy trau dồi sự huyền bí của sự hiệp nhất, niềm vui được chia sẻ, sự nhiệt tình phục vụ. Hãy tiếp tục mơ về tình huynh đệ” vì “người khác là con đường để khám phá bản thân”. Ngài thừa nhận rằng không dễ để thoát ra khỏi vùng thoải mái và khỏi chiếc ghế dài trước TV. Chúng ta cần tham gia vào các môn thể thao tâm linh bằng cách rèn luyện bản thân “cởi mở với người khác, đi thêm một vài bước để rút ngắn khoảng cách của các bạn với người khác, dốc hết sức mình để vượt qua những chướng ngại vật; vác đỡ gánh nặng cho nhau…”.

Đừng để bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi: hãy mơ những giấc mơ vĩ đại!

Đề cập đến chứng từ của Aboud Gabro, Đức Thánh Cha đã mô tả câu chuyện của Aboud là “một cuộc phiêu lưu thực sự thời hiện đại”. Liên kết với câu chuyện của Telemachus đi tìm cha, Đức Thánh Cha nói: “Ý nghĩa của cuộc sống không được tìm thấy bằng cách ở trên bãi biển chờ gió mang đến điều gì đó mới mẻ. Sự cứu rỗi nằm trong biển khơi, trong việc ra khơi, trong cuộc tìm kiếm, trong việc theo đuổi những giấc mơ, những giấc mơ có thật, những giấc mơ mà chúng ta theo đuổi với đôi mắt mở to, những giấc mơ bao gồm nỗ lực, đấu tranh, sóng gió, bão tố bất ngờ. Vì vậy, đừng để bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi: hãy mơ những giấc mơ vĩ đại! Và cùng nhau mơ ước! Như xảy ra với Telemachus, sẽ luôn có những người cố gắng ngăn cản con. Sẽ luôn có những người nói với các bạn: ‘Quên nó đi, đừng mạo hiểm, điều đó vô ích’. Họ là kẻ hủy diệt ước mơ, kẻ giết chết hy vọng, giam cầm hoàn toàn trong quá khứ.”

Nuôi dưỡng dũng khí hy vọng

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài diễn văn của mình với lời kêu gọi những người trẻ  hãy nuôi dưỡng dũng khí hy vọng, đừng để bị tê liệt vì sợ hãi nhưng hãy mơ những giấc mơ lớn và cùng nhau ước mơ, và nuôi dưỡng lòng can đảm của hy vọng như Aboud đã làm. Ngài nói: Những lựa chọn đúng đắn và những quyết định đúng đắn luôn là về người khác, không chỉ về bản thân chúng ta.

ĐTC gặp giới trẻ tại Hy Lạp

Phần cuối của cuộc gặp gỡ là phần cầu nguyện được các bạn trẻ hướng dẫn.

Kết thúc cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho mọi người.

Nguồn: Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *