Cũng theo thông cáo, do vẫn còn phải tuân giữ các biện pháp ngăn chặn đại dịch, nên chỉ có khoảng 50 tín hữu tham dự Thánh lễ. Vào cuối Thánh lễ sẽ có đặt Mình Thánh để chầu và phép lành Thánh Thể như trong các Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta được truyền hình trực tiếp từ ngày 09/03 đến 17/05 vừa qua, trong thời gian Ý và các quốc gia khác không thể cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự.
Các nơi cử hành trong những năm gần đây
Năm ngoái (2019), lễ Mình và Máu Chúa Kitô do Đức Thánh Cha chủ sự được cử hành tại sân trước nhà thờ Đức Bà An Ủi; sau đó có rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố. Năm 2018, Đức Thánh Cha đã cử hành long trọng Lễ Mình và Máu Chúa Kitô tại giáo xứ Thánh Monica ở Ostia. Từ năm 2013 đến 2017, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, và tiếp theo sau là rước kiệu Thánh Thể đến Đền thờ Đức Bà Cả.
Nguồn gốc lễ Mình và Máu Chúa Kitô
Nguồn gốc của lễ Mình và Máu Chúa Kitô bắt nguồn từ thế kỷ XIII. Vào năm 1215, trước việc nhiều người khẳng định sự hiện diện chỉ mang tính biểu tượng và Chúa Kitô không hiện diện thực sự trong Thánh Thể, Công đồng Latêranô IV (1215) đã khẳng định sự “biến đổi bản thể” (Transustanziazione) và tiếp theo Công đồng Trento năm 1551 đã xác nhận dứt khoát một lần về điều này. Tại Bỉ, sau những trải nghiệm thần bí của Thánh Juliana de Cornillon, vào năm 1247, lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô được thiết lập trong giáo phận Liège. Một vài năm sau, năm 1263, một linh mục người Boemia đến Bolsena, Ý để hành hương, khi dâng Thánh lễ vị linh mục này nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Đến phần truyền phép, một phép lạ đã xảy ra: một vài giọt máu chảy ra từ Bánh Thánh. Sau sự kiện này, vào năm 1264, Đức Giáo hoàng Urban IV đã quyết định đưa lễ kính Mình Máu Thánh Chúa vào trong Phụng vụ của toàn Giáo hội.
Ngọc Yến – Vatican News