ĐTC tiếp kiến chung 07.02.2024: Khi buồn, tôi nên làm gì?

Sáng thứ Tư ngày 07/02, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về các thói xấu và các nhân đức. Chủ đề cho bài giáo lý hôm nay là “Nỗi buồn”. Đức Thánh Cha phân biệt hai nỗi buồn: một nỗi buồn tốt đáng có và một nỗi buồn tiêu cực làm suy yếu con người.

Vatican News

Bài đọc trước bài giáo lý được trích từ Thánh Vịnh 13,2-3.6:

Lạy CHÚA, Ngài quên con mãi tới bao giờ ?
Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?
Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng
và lòng con ủ rũ đêm ngày ?
Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi ? […] Phần con đây, con tin cậy vào tình thương CHÚA,
được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng.
Con sẽ hát bài ca dâng CHÚA, vì phúc lộc Ngài ban.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về các thói xấu và các nhân đức, hôm nay chúng ta dừng lại ở một thói xấu là nỗi buồn, được hiểu như một sự chán nản của tâm hồn, một nỗi đau khổ thường xuyên ngăn cản con người cảm nhận niềm vui trong cuộc sống của chính mình.

Trước hết, cần phải lưu ý rằng, liên quan đến nỗi buồn, các Giáo phụ đã phát triển một sự phân biệt quan trọng. Thật vậy, có một nỗi buồn thích hợp với đời sống Kitô hữu và với ân sủng của Thiên Chúa, nó trở thành niềm vui: điều này rõ ràng không nên bị bỏ qua và là một phần của hành trình hoán cải. Nhưng cũng có một loại nỗi buồn thứ hai len lỏi vào tâm hồn và đánh ngã tâm hồn trong trạng thái chán nản: loại nỗi buồn thứ hai này phải được chiến đấu một cách kiên quyết và bằng tất cả sức mạnh, vì nó đến từ Ma quỷ. Chúng ta cũng tìm thấy sự khác biệt này nơi Thánh Phaolô, người viết cho giáo đoàn Côrintô, ngài đã nói: “Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ : đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết” (2Cr 7,10).

Do đó, có một nỗi buồn thân hữu dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy nghĩ đến người con hoang đàng trong dụ ngôn: khi chạm tới đáy của tha hóa, anh ta cảm thấy vô cùng cay đắng, và điều này thúc đẩy anh ta trở về với chính mình và quyết định trở về nhà cha mình (xem Lc 15,11-20). Thật là một ân sủng khi khóc về tội lỗi của chúng ta, nhớ lại tình trạng ân sủng mà chúng ta mất khi sa ngã, khóc vì chúng ta đã đánh mất sự trong sạch mà Thiên Chúa đã mơ ước cho chúng ta.

Nhưng còn có nỗi buồn thứ hai, đó là một căn bệnh của tâm hồn. Nó nảy sinh trong trái tim con người khi một ước muốn hay hy vọng tan biến. Ở đây chúng ta có thể đề cập đến câu chuyện của hai môn đệ đi Emmaus. Hai môn đệ này rời Giêrusalem với lòng thất vọng, và đến một lúc, họ tâm sự với người lạ đến cùng đi với họ rằng: “Chúng tôi đã hy vọng rằng chính Người – tức là Chúa Giêsu – sẽ giải phóng dân Israel” (Lc 24:21). Động lực của nỗi buồn gắn liền với trải nghiệm mất mát. Trong trái tim con người nảy sinh những hy vọng nhưng đôi khi lại bị tiêu tan. Đó có thể là sự khao khát sở hữu một thứ gì đó không thể có được; nhưng cũng có thể là điều gì đó quan trọng, chẳng hạn như sự mất mát về mặt cảm xúc. Khi điều này xảy ra, trái tim của người ấy như thể rơi vào vực thẳm, và những cảm giác mà người ấy trải qua là chán nản, yếu đuối về tinh thần, đau buồn, thống khổ. Tất cả chúng ta đều trải qua những thử thách tạo nên nỗi buồn trong lòng, bởi vì cuộc sống khiến chúng ta mơ những giấc mơ rồi tan vỡ. Trong tình huống này, có người sau một thời gian hỗn loạn, đã đặt niềm tin vào hy vọng; nhưng có người lại chìm đắm trong nỗi u sầu, để nó làm hư hoại trái tim của họ. Có phải người ta thích điều này không? Hãy nhìn xem: nỗi buồn là một sự thích điều không thích; giống như thể ăn một viên kẹo đắng, không đường, rất đắng, ngậm viên kẹo đắng đó. Nỗi buồn là một sự thích điều không thích.

Đan sĩ Evagrius nói rằng mọi tật xấu đều nhắm đến một điều vui thú, dù nó có thể phù du đến đâu, trong khi nỗi buồn thì ngược lại: bị ru ngủ trong nỗi đau vô tận. Một số tang chế kéo dài, trong đó một người tiếp tục nới rộng sự trống vắng về một người không còn nữa, không phải là biểu hiện của cuộc sống trong Thánh Thần. Một số sự cay đắng đầy thù hận, trong đó một người luôn ám ảnh trong đầu rằng họ là nạn nhân, không tạo ra nơi chúng ta một cuộc sống tốt lành, càng không phải là một Kitô hữu. Có điều gì đó trong quá khứ của mỗi người cần được chữa lành. Nỗi buồn có thể biến từ một cảm xúc tự nhiên trở thành một trạng thái linh hồn nguy hại.

Nỗi buồn này là một ác thần lén lút. Những giáo phụ sa mạc mô tả nó như một con sâu trong trái tim, ăn mòn và làm trống rỗng những ai mang nó. Hình ảnh này diễn tả tốt giúp chúng ta hiểu. Vậy khi buồn tôi phải làm gì? Hãy dừng lại và xem: đây có phải là một nỗi buồn tốt không? Hay nó là một nỗi buồn tồi tệ? Và phản ứng theo bản chất của nỗi buồn. Đừng quên rằng nỗi buồn có thể là một điều rất tồi tệ khiến chúng ta bi quan, nó dẫn chúng ta đến sự ích kỷ khó chữa lành.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chú ý nỗi buồn này và nghĩ rằng Chúa Giêsu mang lại niềm vui phục sinh cho chúng ta. Dù cuộc sống có thể chứa đầy những mâu thuẫn, những ước muốn thất bại, những giấc mơ bất thành, tình bạn bị đánh mất, nhưng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tin rằng mọi sự sẽ được cứu. Chúa Giêsu không chỉ sống lại cho chính mình mà còn cho chúng ta, để chuộc lại tất cả những hạnh phúc còn chưa thành toàn trong cuộc đời chúng ta. Đức tin xua tan nỗi sợ, và sự phục sinh của Chúa Kitô cất đi nỗi buồn như tảng đá khỏi nấm mồ. Mỗi ngày của Kitô hữu là một bài tập về sự phục sinh. Georges Bernanos, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nhật ký của một linh mục miền quê, đã nói với cha xứ Torcy như thế này: “Giáo hội có niềm vui, tất cả niềm vui đó được tặng riêng cho thế giới buồn bã này. Những gì bạn làm chống lại Giáo hội là bạn đã làm chống lại niềm vui”. Và một nhà văn người Pháp khác, León Bloy, đã để lại cho chúng ta câu nói tuyệt vời là: “Chỉ có một nỗi buồn duy nhất, […] đó là không nên thánh”. Xin Thánh Thần của Chúa Giêsu phục sinh giúp chúng ta chiến thắng nỗi buồn bằng sự thánh thiện.

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã cùng với các tín hữu đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh, và ngài ban phép lành cho tất cả mọi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *