ĐTC tiếp kiến chung 28.12.2022: Hãy chú ý để đừng mừng lễ Giáng Sinh theo tinh thần thế gian

Đức Thánh Cha mong ước rằng máng cỏ hèn mọn Bêlem thôi thúc chúng ta theo gương tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người, Đấng Cứu Độ trần gian.

 

Khi Giáo hội đang cử hành tuần bát nhật lễ Giáng sinh, trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư hàng tuần 28/12/2022, Đức Thánh Cha đã chia sẻ một số suy tư về ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh, dựa trên tư tưởng của thánh Phanxicô đệ Salê. Trước hết Đức Thánh Cha thông báo rằng nhân kỷ niệm 400 năm qua đời của thánh nhân, ngài công bố một tông thư có tựa đề “Mọi sự thuộc về tình yêu” để nhắc lại một số giáo huấn phong phú của thánh nhân.

Đức Thánh Cha nói rằng đối với thánh Phanxicô đệ Salê, mầu nhiệm Giáng Sinh hướng cái nhìn của chúng ta đến sự nghèo khó và đơn sơ của máng cỏ như dấu chỉ về căn tính đích thực của Chúa Kitô là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa, Đấng biết rõ những yếu đuối, tội lỗi và sự cứng lòng của chúng ta, đã chọn lôi kéo chúng ta đến với Người bằng những mối dây yêu thương, bằng cách đến với thế giới của chúng ta như một hài nhi mới sinh. Do đó, mầu nhiệm giáng sinh của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu hoàn toàn tự do, nhân từ và thực sự “nhưng không vô vị lợi” của Thiên Chúa.

Theo Đức Thánh Cha, Thánh Phanxicô đệ Salê dạy chúng ta đón Chúa vào lòng bằng cách vui tươi bắt chước Người không màng đến của cải và quyền lực thế gian, và giống như Hài nhi Giêsu, bằng cách học “không ước muốn gì và không từ chối điều gì, nhưng đón nhận mọi sự Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta”, với thái độ hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc mừng Giáng sinh lần nữa!

Mùa phụng vụ này mời gọi chúng ta dừng lại và suy tư về mầu nhiệm Giáng Sinh. Và bởi vì hôm nay là kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của Thánh Phanxicô đệ Salê, Giám mục và Tiến sĩ Hội Thánh, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ một số suy tư của ngài. Ngài viết rất nhiều về lễ Giáng Sinh. Về vấn đề này, tôi vui mừng thông báo rằng ngày hôm nay, Tông thư kỷ niệm sự kiện này được ban hành. Tông thư có tựa đề “Mọi sự đều thuộc về tình yêu”, lấy lại một thành ngữ đặc trưng của Thánh Phanxicô đệ Salê. Thật vậy, ngài đã viết trong Luận thuyết về tình yêu của Thiên Chúa: “Trong Giáo hội thánh thiện, mọi sự đều thuộc về tình yêu, sống trong tình yêu, được thực hiện vì tình yêu và xuất phát từ tình yêu” (Ed. Paoline, Milan 1989, tr. 80) . Và chớ gì tất cả chúng ta có thể bước đi trên con đường tuyệt vời này.

Chúng ta hãy tìm cách đào sâu một chút về mầu nhiệm Chúa Giêsu giáng sinh, “với sự đồng hành” của Thánh Phanxicô đệ Salê, như thế chúng ta liên kết hai việc kỷ niệm với nhau.

Ngai vàng của Chúa Giêsu là máng cỏ, đường phố và Thánh giá

Trong một trong nhiều bức thư gửi cho Thánh nữ Gioan Phanxicô Chantal, Thánh Phanxicô đệ Salê viết: “Tôi dường như nhìn thấy Vua Sa-lô-môn trên ngai vàng vĩ đại bằng ngà voi, được mạ vàng và chạm khắc, không có nước nào có được như vậy, như Kinh Thánh đã nói (1V 10,18 -20); nói tóm lại, thấy vị vua không ai sánh bằng về vinh quang và sự tráng lệ huy hoàng (1V 10,23). Nhưng tôi thích thấy Hài Nhi bé nhỏ đáng yêu nằm trong máng cỏ gấp trăm lần hơn là thấy tất cả các vua ngồi trên ngai vàng của họ.” [1] Điều thánh nhân nói thật là tuyệt vời. Chúa Giê-su, Vua của vũ trụ, không bao giờ ngồi trên ngai vàng: Người sinh ra trong chuồng bò, được quấn trong khăn và được đặt nằm trong máng cỏ; và cuối cùng chết trên cây thập tự và được bọc trong một tấm khăn, được đặt trong ngôi mộ. Thật vậy, thánh sử Luca, khi tường thuật việc Chúa Giêsu giáng sinh, đã nhấn mạnh cách đặc biệt đến máng cỏ. Điều này có nghĩa là nó rất quan trọng; nó không chỉ là một chi tiết về hậu cần, mà còn là một yếu tố biểu tượng để hiểu Đấng được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra ở Bêlem là Đấng Cứu Thế nào, là Vua như thế nào: Chúa Giêsu là ai.

Nhìn ngắm máng cỏ, nhìn ngắm thập giá, chiêm niệm cuộc đời đơn sơ của Người, chúng ta có thể hiểu Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta bằng cách trở thành con người như chúng ta, trút bỏ vinh quang và tự hạ mình xuống (xem Pl 2,7-8). Chúng ta nhìn thấy mầu nhiệm này một cách cụ thể nơi tâm điểm của máng cỏ, tức là nơi Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Đây là “dấu chỉ” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vào Lễ Giáng Sinh: đây là dấu chỉ vào thời các mục đồng ở Bêlem (x. Lc 2,12), và vẫn là dấu chỉ như thế hôm nay và mãi mãi. Khi các thiên thần loan báo việc Chúa Giêsu giáng sinh: “Hãy đi tìm gặp Người”; và dấu chỉ là: anh em sẽ tìm thấy một bé trai nằm trong máng cỏ. Đó là dấu chỉ. Ngai vàng của Chúa Giêsu hoặc là máng cỏ hoặc là đường phố, khi Người đi rao giảng trong cuộc sống của Người, hoặc là thập giá vào cuối đời của Người: đây là ngai của Vua của chúng ta.

Thiên Chúa đến với chúng ta bằng tình yêu nhưng không

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nói: Dấu hiệu này cho chúng ta thấy “phong cách” của Thiên Chúa. Đâu là phong cách của Thiên Chúa? Đừng bao giờ quên: phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, sự cảm thông và dịu dàng. Thiên Chúa của chúng ta gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Chúng ta thấy phong cách này của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Bằng phong cách này, Thiên Chúa thu hút chúng ta đến với Người. Người không dùng vũ lực để lôi kéo chúng ta, Người không áp đặt chân lý và công lý của Người lên chúng ta, không chiêu dụ chúng ta. Người muốn thu hút chúng ta bằng tình yêu, bằng sự dịu dàng.

Trong một lá thư khác, Thánh Phanxicô đệ Salê viết: “Nam châm hút sắt, hổ phách hút rơm rạ. Vì vậy, cho dù chúng ta cứng rắn như sắt hay nhẹ nhàng và vô giá trị như rơm rạ, chúng ta cũng phải để cho mình được thu hút bởi Hài Nhi bé nhỏ này.”[2] Sức mạnh của chúng ta, sự yếu đuối của chúng ta, chỉ có thể được giải quyết trước hang đá, trước Chúa Giêsu: Chúa Giêsu từ bỏ tất cả, Chúa Giêsu nghèo khó; nhưng luôn với cách thế gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Thiên Chúa đã tìm ra phương cách để thu hút chúng ta dù cho chúng ta thế nào: bằng tình yêu. Không phải là một tình yêu chiếm hữu và ích kỷ, như tình yêu của con người mà thật không may, thường là như thế. Tình yêu của Thiên Chúa là món quà thuần khiết, là ân sủng thuần khiết, là tất cả và chỉ dành cho chúng ta, vì lợi ích của chúng ta. Và vì thế Người thu hút chúng ta, bằng tình yêu nhưng không và mạnh mẽ của Người. Bởi vì khi chúng ta nhìn thấy sự đơn sơ này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng vứt bỏ vũ khí kiêu ngạo và đến đó, khiêm nhường, xin ơn cứu độ, xin ơn tha thứ, xin ánh sáng cho đời mình, để có thể tiến bước. Đừng quên ngai vàng của Chúa Giêsu là máng cỏ và thánh giá; đây là ngai vàng của Chúa Giêsu.

Từ bỏ mọi sự phù phiếm thế gian

Một khía cạnh khác nổi bật trong máng cỏ là sự nghèo khó, được hiểu là sự từ bỏ mọi sự phù phiếm thế tục. Khi chúng ta nhìn thấy tiền bạc mà chúng ta chi tiêu cho sự phù phiếm: rất nhiều tiền cho sự phù phiếm, rất nhiều nỗ lực và tìm kiếm cho sự phù du; và Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự khiêm hạ. Thánh Phanxicô đệ Salê viết: “Lạy Chúa của con! Sự ra đời này đã làm nảy sinh trong tâm hồn chúng con biết bao tình cảm thiêng liêng! Trên hết nó dạy chúng con sự từ bỏ hoàn toàn của cải, sự hào nhoáng… của thế gian này. Con không biết liệu con có tìm thấy mầu nhiệm nào có thể kết hợp một cách ngọt ngào sự dịu dàng và sự khắc khổ, tình yêu với sự nghiêm khắc, sự ngọt ngào với sự cay đắng hay không.”[3] Tất cả những điều này chúng ta nhìn thấy nơi hang đá. Chúng ta hãy cẩn thận để không rơi vào bức tranh biếm họa trần tục về lễ Giáng sinh, biến Giáng sinh thành một lễ hội được trang trí và để tiêu thụ. Chúng ta muốn lễ hội, nhưng đây không phải là Giáng sinh. Giáng sinh thì khác. Không, tình yêu của Chúa không phải là mật ong. Máng cỏ của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều đó. Tình yêu Thiên Chúa không phải là một sự tốt lành giả hình che giấu việc theo đuổi những thú vui và tiện nghi. Những người cao niên của chúng ta, những người đã biết chiến tranh và cả nạn đói, đã biết rõ điều này: Giáng sinh là niềm vui và lễ hội, đó là điều chắc chắn, nhưng trong sự đơn giản và khổ hạnh.

Đón nhận mọi sự Chúa gửi đến

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với một suy tư của Thánh Phanxicô đệ Salê mà ngài cũng đã nhắc lại trong Tông thư. Đức Thánh Cha nói: Thánh nhân đã nói điều này với các Nữ tu dòng Thăm viếng hai ngày trước khi qua đời, ngày 26 tháng 12 năm 1622. Ngài nói: “Chị em có nhìn thấy Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ không? Người đón nhận mọi sự bất lợi của thời tiết, cái lạnh và tất cả những gì Chúa Cha cho phép xảy đến với Người. Người không từ chối những lời đơn sơ mà Mẹ Người an ủi Người, và chúng ta không nghe nói rằng Người đã từng giơ tay lên để tìm kiếm bầu sữa Mẹ, nhưng Người hoàn toàn theo sự chăm sóc và quan tâm của Mẹ; vì vậy chúng ta không nên ham muốn và cũng không được từ chối bất cứ điều gì, nhưng đón nhận tất cả những điều Chúa gửi đến cho chúng ta, cái lạnh buốt giá và sự bất tiện của thời tiết.” Ở đây, anh chị em thân mến, có một giáo huấn tuyệt vời Chúa Giêsu Hài Đồng dạy chúng ta thông qua sự khôn ngoan của Thánh Phanxicô đệ Salê: đừng ước muốn gì và đừng từ chối điều gì, hãy đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Nhưng hãy chú ý! Luôn luôn và chỉ vì tình yêu, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và luôn luôn và chỉ muốn điều tốt lành cho chúng ta.

Chúng ta hãy chiêm ngắm máng cỏ, ngai vàng của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu trên đường phố xứ Giuđêa, xứ Galilê khi Người rao giảng sứ điệp của Chúa Cha và chúng ta hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu trên một ngai khác, trên thập giá. Đây là điều Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta: con đường, nhưng đây là con đường dẫn đến hạnh phúc

Tôi chúc tất cả anh chị em và gia đình một mùa Giáng sinh vui tươi và Năm Mới hạnh phúc! Cám ơn anh chị em.

Truyền hình trực tiếp các buổi Tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần

Các buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần, như hôm nay, sẽ được phát trực tiếp với thuyết minh Tiếng Việt trên kênh Youtube của Vatican News Tiếng Việt từ thứ Tư tuần sau 4/1/2023. Xin quý khán giả vui lòng bấm nút Đăng ký kênh Vatican News Tiếng Việt để dễ tìm thấy và theo dõi các buổi truyền hình trực tiếp và các chương trình khác.

 

 

[1] Gửi Mẹ Chantal, Annecy, 25/12/1613, trong Tổng hợp các Lá thư, tập II (1619-1622), biên tập bởi L. Rolfo, Paoline, Roma 1967, 402-403 (Các Tác phầm của Thánh Phanxicô đệ Sale, phiên bản hoàn chỉnh, Annecy, Cuốn XVI, 120-121).

[2] Gửi một nữ tu, Paris, 06/01/1619, trong Tổng hợp các Lá thư, tập III (1619-1622), biên tập bởi L. Rolffo, Paoline, Roma 1967, 10 (Các Tác phẩm của Thánh Phanxicô đệ Salê, phiên bản hoàn chỉnh, Annecy, Cuốn XVIII, 334-335).

[3] Gửi một nữ tu của đan viện Thánh Catarina, Annecy, 25 hay 26/12/1621, trong Tổng hợp các Lá thư, tập III (1619-1622), biên tập bởi L. Rolffo, Paoline, Roma 1967, 10 (Các Tác phẩm của Thánh Phanxicô đệ Salê, phiên bản hoàn chỉnh, Annecy, Cuốn XX, 212).

Hồng Thủy – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *