Đức Giám Mục Pablo Virgilio David, một vị Giám Mục thẳng thắn phê bình nhà độc tài Rodrigo Duterte, được biết đến với việc bảo vệ các nạn nhân chiến tranh ma túy, đã tái đắc cử chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, vào hôm thứ Bảy, 8 tháng 7.
Đức Cha David, 64 tuổi, sẽ phục vụ nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng với tư cách là chủ tịch CBCP. Theo truyền thống, CBCP bầu lại chủ tịch và phó chủ tịch cho nhiệm kỳ thứ hai.
Đức Cha Pasig Mylo Hubert Vergara, 60 tuổi, cũng tái đắc cử phó chủ tịch CBCP.
Hai Đức Cha David và Vergara lần đầu tiên được bầu làm chủ tịch và phó chủ tịch vào năm 2021.
Các giám mục đã bầu lại David và Vergara trong cuộc họp khoáng đại lần thứ 126 của CBCP bắt đầu vào thứ Bảy tại Kalibo, Aklan, một trong những lần hiếm hoi được tổ chức bên ngoài Manila. Hội nghị toàn thể CBCP, cơ quan ra quyết định cao nhất của hội nghị, quy tụ khoảng 80 giám mục và kéo dài đến Thứ Hai, ngày 10 tháng Bảy.
Đức Cha David là một trong những học giả Kinh thánh hàng đầu của Phi Luật Tân, có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Louvain, Bỉ. Ngài là linh mục từ năm 1983 và là giám mục từ năm 2006.
Đức Cha từng là chủng sinh tại Chủng viện San Jose, một học viện do Dòng Tên điều hành đã đào tạo ra ít nhất ba Hồng Y người Phi Luật Tân, trong đó có Hồng Y Luis Antonio Tagle.
Đức Cha David là giám mục của Giáo phận Kalookan kể từ Tháng Giêng năm 2016.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Duterte, giáo phận của Đức Cha David là điểm nóng của các vụ giết người liên quan đến ma túy, khiến ngài phải lên tiếng phản đối sự lạm quyền của cảnh sát. Vụ án gây chấn động đầu tiên trong giáo phận của ngài là vụ sát hại một cậu bé 17 tuổi, Kian Lloyd delos Santos, vào năm 2017. Đức Cha David lên án cái chết của Delos Santos và bảo vệ các nhân chứng.
Cũng liên quan đến Phi Luật Tân một thần học gia phụ nữ là bà Estela Padilla nói với thông tấn xã Rapler: “Tôi cảm thấy vinh dự được là một phần của tiếng nói Á Châu trước thượng hội đồng,” sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho bà quyền bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục vào tháng 10 tới đây.
Source:Rappler
2. 5 năm sau vụ thảm sát, độc tài Nicaragua bắt một linh mục, chặn đường trở về của một vị khác
Năm năm sau khi chế độ độc tài của Daniel Ortega tàn sát những người biểu tình ở khu vực Carazo của Nicaragua vào năm 2018, chế độ này đã bắt giữ một linh mục khi ngài đang rời khỏi Thánh lễ và ngăn cản một linh mục khác trở về nước.
Félix Maradiaga, chủ tịch của Tổ chức vì Tự do Nicaragua và là cựu ứng cử viên tổng thống, cáo buộc rằng vào Chúa Nhật, ngày 9 tháng 7, Cha Fernando Zamora Silva, chưởng ấn của Giáo phận Siuna, đã bị “bắt giữ tùy tiện” tại thành phố Managua nơi ngài đến thăm.
Vụ bắt giữ xảy ra gần Giáo xứ St. Louis Gonzaga khi vị linh mục đang rời khỏi một Thánh lễ mà ngài đã đồng tế với tư cách khách mời trong một buổi cử hành tôn giáo do Hồng Y Leopoldo Brenes chủ trì. “Cho đến nay, không có cáo buộc cụ thể nào chống lại vị linh mục,” cựu tù nhân chính trị cho biết trong một bức thư gửi từ Hoa Kỳ, nơi ông đang sống lưu vong.
“Thật không may, vụ bắt giữ tùy tiện này là một phần của cuộc đàn áp mà chế độ độc tài Ortega đang thực hiện chống lại Giáo Hội Công Giáo. Bốn linh mục khác, bao gồm cả Giám mục Rolando Álvarez của Giáo phận Matagalpa, cũng bị giam giữ tùy tiện,” Maradiaga nói.
Trong những ngày gần đây, người ta biết rằng Đức Cha Álvarez đã được trả tự do trong một thời gian ngắn khỏi nhà tù “La Modelo”, nơi các tù nhân chính trị được cho là đã bị tra tấn, mặc dù ngài vẫn bị cảnh sát giam giữ. Thật không may, các cuộc đàm phán để ngài được tự do đã thất bại và ngài bị đưa trở lại nhà tù.
Sau khi yêu cầu các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin về vụ bắt giữ Cha Zamora, Maradiaga đã kêu gọi “cộng đồng quốc tế quan tâm đến tình hình đàn áp nghiêm trọng này đối với Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua.”
Chế độ độc tài ngăn cản sự trở lại của một linh mục khác
Martha Patricia Molina, nhà nghiên cứu và tác giả của báo cáo “Nicaragua: Một Giáo hội bị bách hại?”, báo cáo rằng chế độ độc tài Ortega đã ngăn cản Cha Juan Carlos Sánchez, cha sở của Giáo xứ Thánh Phanxicô Assisi ở Managua, trở về nước.
Molina đã báo cáo vào ngày 8 tháng 7 rằng cô ấy có “thông tin rằng chế độ độc tài Sandinista đã cấm Cha Sánchez nhập cảnh vào đất nước”. Ngài là cha sở một giáo xứ nằm ở Bolonia, Managua.
Tổng cục Di cư và Người nước ngoài là một phương tiện khác được chế độ độc tài sử dụng để đàn áp Giáo Hội Công Giáo bằng cách từ chối các thành viên của hàng giáo sĩ trở về nước hoặc bằng cách trục xuất các ngài khỏi đất nước.
Source:Catholic News Agency
3. Sẽ có hơn 25.000 người từ Ba Lan đi Lisbon dự Ngày Quốc tế Giới trẻ
Hôm 05 tháng Bảy vừa qua, bà Magdalena Siekierka, thuộc Văn phòng toàn quốc Ba Lan về Ngày Quốc tế Giới trẻ, cho biết đã hết hạn ghi danh qua Văn phòng của Ba Lan, vì thế những ai muốn tham dự, nay cần phải ghi danh trực tiếp với Văn phòng ở Lisbon cho tới ngày 26 tháng Bảy.
Trong số 25.000 người Ba Lan dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, có 17.000 ghi danh qua Văn phòng ở Ba Lan, trong số này đông nhất là từ Tổng giáo phận Cracovia, với 1.970 người, tiếp đến là Tổng giáo phận thủ đô Varsava 1.200 người, và Giáo phận Varsava-Praga 800 người. Các bạn trẻ sẽ được 365 linh mục và 21 giám mục Ba Lan cùng đi.
Bà Siekierka nói rằng: “Chúng tôi làm mọi sự để các tham dự viên có thể thực hiện chuyến đi an toàn. Chúng tôi đã liên hệ với đại sứ quán Ba Lan ở Lisbon về các vấn đề chúng tôi hy vọng được giúp đỡ, như trường hợp bị mất hộ chiếu hoặc giấy tờ”.
Bà cũng cho biết phần lớn các tham dự viên là những người trẻ Ba Lan trên 16 tuổi, nhiều trẻ vị thành niên có người giám hộ cùng đi, và cũng có nhiều sinh viên, với tuổi tối đa trên lý thuyết là 30. Nhiều tham dự viên là thành viên của Hiệp hội Giới trẻ Công Giáo, các phong trào và các cộng đoàn hoạt động ở cấp giáo phận. Nói chung, số bạn trẻ Ba Lan tham dự đứng thứ tư hoặc thứ năm so với các nước khác. Những người thiện nguyện cũng giữ một vai trò quan trọng, họ đã được tuyển mộ từ năm ngoái. Có 350 người Ba Lan thuộc vào số này.
Về phương diện di chuyển, có 89 nhóm đi bằng xe bus, 271 nhóm bằng máy bay và hai nhóm đi bằng xe đạp. Sau cùng là 86 nhóm đi bằng những phương tiện chuyên chở riêng.
Phí tốn ăn ở hai tuần lễ ở Bồ Đào Nha, kể cả chi phí tham dự trong những ngày viếng thăm và sinh hoạt ở các giáo phận, rồi sau đó tại Lisbon, cộng với tiền máy bay, vào khoảng 4.000 đồng zloty của Ba Lan, tương đương với 980 Mỹ kim mỗi người. Các tham dự viên được trợ giúp nhờ các cuộc lạc quyên trong các giáo xứ. Một số bạn trẻ nhận được tài trợ của chính quyền địa phương hoặc Tòa giám mục liên hệ.
4. Đức Thánh Cha thiết lập Ủy ban các vị Tử đạo mới
Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập “Ủy ban các vị Tử đạo mới – chứng nhân đức tin” tại Bộ Phong thánh, để soạn thảo danh mục tất cả những người đã đổ máu đào để tuyên xưng Chúa Kitô và làm chứng về Tin mừng.
Tông thư ký ngày 03 tháng Bảy và được công bố hôm 05 tháng Bảy, cho biết Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban này đứng trước viễn tượng Năm Thánh 2025, đón tiếp chúng ta như những “người lữ hành hy vọng” và ngài khẳng định rằng:
“Các vị tử đạo trong Giáo hội là những chứng nhân về niềm hy vọng xuất phát từ niềm tin nơi Chúa Kitô và khích lệ đức bác ái chân thực. Niềm hy vọng duy trì sinh động xác tín sâu xa, theo đó sự thiện mạnh hơn sự ác, vì Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ủy ban này sẽ tiếp tục công cuộc tìm kiếm, đã được khởi sự nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, để xác định các Chứng nhân Đức tin trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ này và rồi sẽ tiếp tục trong tương lai”.
“Thực vậy, qua mọi thời đại, các vị tử đạo đã đồng hành trong cuộc sống của Giáo hội và triển nở như những “hoa trái tuyệt hảo trong vườn nho của Chúa” và cả ngày nay nữa. Như tôi đã nói nhiều lần, ngày nay “các vị tử đạo đông đảo hơn nhiều so với những thế kỷ đầu tiên”. Họ là các giám mục, linh mục, những người thánh hiến nam nữ, giáo dân và các gia đình, tại các nước trên thế giới, khi hiến mạng sống, đã nêu một bằng chứng tột đỉnh về tình yêu (Xc LC 42). Như thánh Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Ngàn Năm Thứ Ba đang tới” (Tertio millennio adveniente), đã viết; cần làm tất cả để gia sản của đông đảo các “chiến sĩ vô danh của đại chính nghĩa Thiên Chúa” (37), không bị mai một. Ngày 07 tháng Năm năm 2000, các vị đã được nhắc nhớ trong một buổi cử hành tại Hý trường Colosseo, trước sự hiện diện của đại diện của các cộng đồng Kitô đến từ các nơi trên thế giới, để cùng với Giám mục Roma, gợi lại sự phong phú của điều mà sau đó chính tôi đã định nghĩa là “Phong trào đại kết bằng máu”. Trong Năm Thánh sắp tới, chúng ta cũng sẽ họp nhau để cử hành buổi tưởng niệm tương tự”.
Ý nghĩa việc làm của Ủy ban
Đức Thánh Cha minh xác rằng: “Sáng kiến này không có ý thiết lập các tiêu chuẩn mới, theo giáo luật, về kiểm chứng sự tử đạo, nhưng tiếp tục tìm kiếm những người ngày nay vẫn còn bị giết chỉ vì họ là Kitô hữu”.
“Vì thế, vấn đề ở đây là tiếp tục việc khảo sát lịch sử để thu thập những chứng tá cuộc sống, cho đến độ đổ máu đào, của các anh chị em chúng ta, để ký ức của họ nổi bật, như kho tàng mà cộng đoàn Kitô gìn giữ”. Sự nghiên cứu này không phải chỉ liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, nhưng nới rộng tới tất cả các hệ phái Kitô. Cả thời nay, với những thay đổi sâu rộng, các tín hữu Kitô tiếp tục chứng tỏ sức sinh động của bí tích rửa tội, liên kết chúng ta, trong bối cảnh có rủi ro lớn. Thực vậy, không thiếu những tín hữu, tuy biết những nguy hiểm, nhưng vẫn biểu lộ đức tin hoặc tham dự thánh lễ Chúa nhật. Những người khác bị giết trong lúc trợ giúp, vì tình bác ái, những người nghèo, chăm sóc những người bị gạt bỏ khỏi xã hội, gìn giữ và thăng tiến hồng ân hòa bình và sức mạnh của sự tha thứ. Có những tín hữu khác là những nạn nhân âm thầm, riêng rẽ hoặc trong nhóm, của những đảo lộn lịch sử. Chúng ta mắc nợ lớn đối với tất cả những người ấy và chúng ta không thể quên họ”.
“Công việc của Ủy ban sẽ giúp thiết lập, cạnh những vị tử đạo được Giáo hội chính thức công nhận, những chứng tá có bằng chứng và những anh chị em ấy của chúng ta, giữa một toàn cảnh rộng lớn trong đó, vang dội một tiếng nói duy nhất của các vị tử đạo Kitô”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha cho biết Ủy ban mới được thiết lập cần sử dụng sự đóng góp tích cực của các Giáo hội địa phương liên hệ, các dòng tu và tất cả các thực tại Kitô, theo những tiêu chuẩn mà chính Ủy ban sẽ đề ra”.