1. Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý nhiễm coronavirus lần thứ hai
Trong một diễn biến thật kỳ lạ, sáng ngày lễ Giáng Sinh 25 tháng 12, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết ngài vừa nhiễm coronavirus lần thứ hai.
“Tại thời điểm này, tôi tiếp tục lặp lại lời mời, mà tôi đưa ra cho chính mình, là đừng ngã lòng. Tôi xin phó thác tất cả những người bệnh tật và những ai đau khổ cho Chúa là Đấng chúng ta đang cử mừng Giáng Sinh của Ngài. Xin Chúa Hài Đồng ban bình an! Sự ra đời của một hài nhi là dấu chỉ cho sự sống tiếp tục, cho hy vọng được tái sinh”.
Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, Gualtiero Bassetti, đã có kết quả xét nghiệm dương tính vào sáng 25 tháng 12 với mẫu gạc phân tử Covid-19. Tại thời điểm này, Đức Hồng Y được biệt lập trong căn hộ của riêng ngài trong Tòa Tổng Giám mục Perugia-Città della Pieve.
Đức Hồng Y nói: Trong ngày kỷ niệm này, “chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giáng Sinh là dịp để kỷ niệm một món quà được ban tặng mà chúng ta nên vui mừng trong bất kỳ tình trạng nào của chúng ta, ngay cả trong bệnh tật và đau khổ. Chúng ta hãy đồng hành với nhau trong lời cầu nguyện chung”.
Đức Hồng Y Chủ tịch đã nhiễm vi-rút hơn một năm trước, và đã hồi phục sau một thời gian dài trong bệnh viện.
Source:Chiesacattolica.it
2. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ tại Thánh địa tiếp tục giữ vững hy vọng giữa những khó khăn nghịch cảnh và can đảm ở lại dấn thân cho đất nước.
Trong sứ điệp gửi qua cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, Đức Thánh Cha nói: “Nhiều khi các bạn không biết làm gì, nhiều lúc các bạn nghĩ rằng không có tương lai tại đây và vì thế các bạn nghĩ đến việc xuất cư. Xin các bạn đừng để cho mình bị những tư tưởng tiêu cực ấy ám ảnh. Hãy nhìn về đằng trước, nhìn chân trời! Luôn luôn có một chân trời trong cuộc sống. Chúng ta có thể làm hai điều: một là hạ cái nhìn của mình xuống, hai là nhìn chân trời. Các bạn hãy cố gắng nhìn chân trời, luôn luôn có một lời hứa ở xa hơn, và khi lời hứa ấy được bảo đảm bằng chính Lời Chúa, thì sẽ không bao giờ làm thất vọng. Thiên Chúa không làm thất vọng. Vì thế, các bạn hãy dấn thân với phần đất của mình, với tổ quốc, với lịch sử của các bạn. Hãy tiếp tục ơn gọi làm người mà Thiên Chúa ban cho các bạn. Đừng từ bỏ ước mơ xây dựng, làm cho dân tộc các bạn tiến bộ, làm tăng trưởng các căn cội, văn hóa phong phú và tôn giáo của các bạn”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Lập gia đình là một điều khó khăn trong tình trạng hiện nay, nhưng các bạn đừng mất hy vọng! Trong dịp áp lễ Giáng sinh này, có ai nghĩ rằng Hài Nhi ấy là Con Thiên Chúa? Các Đạo sĩ đã trực giác điều ấy và đã sẵn sàng liều lĩnh. Vì thế, tôi khuyên các bạn: giữa cảnh nghèo, trong thời kỳ chiến tranh, bị giới hạn, bị những hàng rào và thiếu tự do, các bạn hãy nghĩ đến Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu đã làm nơi máng cỏ, cả các bạn cũng có thể làm những điều to lớn trong tình trạng mâu thuẫn! Hãy dám tin tưởng vào tương lai và các bạn sẽ thấy Chúa chúc lành cho các bạn”.
Trong bài giảng thánh lễ Nửa Đêm tại Bethlehem, Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa nhận xét như sau về tình trạng tại Palestine:
Chúng ta không thể không nghĩ đến Palestine của chúng ta, đất nước mà chúng ta thấy chính mình ngày nay. Chúng ta có thể nói gì về đất nước này, luôn chờ đợi một tương lai hòa bình dường như không bao giờ đến? Giọng nói đau đớn của dân tộc này thực sự là một tiếng kêu thảm thiết, chói tai. Một dân tộc cần được trải nghiệm công lý, muốn biết tự do, mệt mỏi với việc chờ đợi được phép sống tự do và có phẩm giá trên chính mảnh đất của mình và trong ngôi nhà của chính mình, không muốn chỉ sống bằng những giấy phép mà giờ đây là cần thiết để có thể ra, vào, làm việc hoặc những hoạt động khác. Điều cần thiết không phải là nhượng bộ, mà là quyền, và chấm dứt những năm tháng bị chiếm đóng và bạo lực, với tất cả những hậu quả nặng nề của chúng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng nói chung, cần phải tạo ra những mối quan hệ mới, trong đó không phải là sự ngờ vực mà là sự tin tưởng lẫn nhau.
Hậu quả của tình trạng mệt mỏi này có thể cảm nhận được ở khắp mọi nơi. Do đó, có vẻ như những tiếng nói đang được lắng nghe nhiều nhất là những tiếng oán giận, thành kiến, hiểu lầm, nghi ngờ, sợ hãi và mệt mỏi. Đáng tiếc là những tiếng nói này thường xuất hiện trong những bài diễn thuyết của chúng ta và tìm được không gian trong lòng nhiều người. Nhưng nó không nhất thiết phải theo cách này! Một Kitô Hữu không thể chấp nhận được những tiếng nói như thế!
3. Giám Mục Phụ Tá Sheltz đã nghỉ hưu của Galveston-Houston qua đời ở tuổi 75
Giám Mục Phụ Tá đã nghỉ hưu George A. Sheltz của Galveston-Houston đã qua đời ngày 21 tháng 12. Đến nay vẫn không rõ nguyên nhân tử vong.
Vị giám mục, 75 tuổi, là người gốc Houston và đã phục vụ tại giáo phận quê hương trong suốt hơn 50 năm làm linh mục của mình.
Ngày giờ và nơi cử hành tang lễ cho Đức Cha Sheltz vẫn chưa được xác định.
“Chúng tôi thực sự đau buồn trước cái chết của Đức Cha Sheltz,” Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston nói. “Ngài thật sự là một người tốt bụng và quảng đại, một linh mục trung thành. Bất cứ khi nào tôi yêu cầu ngài làm bất cứ điều gì, ngài luôn nhận lời và làm rất vui vẻ. Ngài là một gương mẫu tuyệt vời của một linh mục giáo phận, tận tâm. Ngài đã noi gương Chúa Kitô rất nhiều”.
Là một linh mục của Tổng giáo phận Galveston-Houston, Đức Cha Sheltz đã phục vụ tại sáu giáo xứ: Assumption, Sacred Heart Co-Cathedral, St. Vincent de Paul, Christ the Redeemer và Prince of Peace Church, tất cả đều ở Houston; và Nhà thờ Thánh Antôn thành Padua ở The Woodlands gần Houston.
Ngài từng là bề trên của Đan viện San Jacinto và giám mục phó đại diện phía bắc của tổng giáo phận trong khi kiêm nhiệm công việc của một linh mục chính xứ. Năm 2000, Thánh Gioan Phaolô II đã phong tước hiệu Đức ông cho ngài.
Năm 2007, Đức Ông Sheltz được bổ nhiệm làm giám đốc Ủy ban Dịch vụ Tuyên úy và Đào tạo Giáo sĩ.
Từ năm 2010, ngài giữ chức vụ tổng đại diện, hiệu trưởng và điều hợp viên của tổng giáo phận, giám sát các hoạt động hành chính của giáo phận Công Giáo lớn nhất ở Texas và lớn thứ năm ở Hoa Kỳ.
Vào ngày 21 tháng 2 năm 2012, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phong làm Giám Mục Phụ Tá của Galveston-Houston.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Sheltz ngày 22 tháng 6. Khi bước sang tuổi 75 vào ngày 20 tháng 4, ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng theo yêu cầu của giáo luật.
Source:Crux
4. Đức Hồng Y Bo lên án vụ ‘thảm sát’ 35 thường dân ở Miến Điện vào ngày lễ Giáng Sinh
Trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Hai, ngày 27 tháng 12, Đức Hồng Y đã mô tả vụ việc là “tan nát trái tim trước sự tàn bạo khủng khiếp mà tôi mạnh mẽ lên án với tất cả trái tim tôi.”
Vị Hồng Y nói thêm:
“Trong đau buồn, tôi nhiệt thành cầu nguyện cho các nạn nhân, những người thân yêu của họ và những người sống sót sau các hành động dã man phi nhân tính không diễn tả nổi và đáng khinh bỉ này”.
“Các bộ phận trên thân thể của những người thiệt mạng, đã bị đốt cháy, và bị cắt xén, và đã được tìm thấy vào ngày Giáng Sinh. Thực tế đó làm cho thảm kịch kinh hoàng này thậm chí còn sâu sắc và kinh tởm hơn”
Vị Hồng Y được báo cáo là đã có một cuộc gặp gỡ với Tổng Tham Mưu Trưởng của quân đội, là Tướng Min Aung Hlaing, trước lễ Giáng Sinh.
Tờ Global New Light của Miến Điện do nhà nước hậu thuẫn đưa tin Đức Hồng Y Charles Bo đã gặp Tổng Tham Mưu Trưởng Min Aung Hlaing hôm thứ Năm trong một buổi văn nghệ hát mừng Giáng Sinh và “nói về các vấn đề hòa bình và thịnh vượng”.
Một bức ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải cho thấy họ ngồi cùng nhau trước cây thông Noel, trong khi một bức ảnh khác cho thấy Tướng Min Aung Hlaing đang trao số tiền quyên góp trị giá 20 triệu kyat hay 11,200 Mỹ Kim.
Tất cả là một màn gài bẫy vị Hồng Y. Tướng Min Aung Hlaing, tên cầm đầu vụ đảo chính hôm 1 tháng Hai, là một Phật tử. Hắn ta không mặn mà gì với Kitô Giáo đến mức tổ chức hát mừng Chúa Giáng Sinh. Tất cả là một trò lừa để chụp ảnh làm mất uy tín vị Hồng Y và chia rẽ hàng ngũ những người đối lập.
Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Hai, với hơn 1,300 người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Truyền thông nhà nước cho rằng Đức Hồng Y Charles Bo – người được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2015 – sau đó đã đăng một bức ảnh từ cuộc gặp gỡ Giáng Sinh lên tài khoản Twitter của mình, cho thấy hai người với nụ cười trên môi khi họ cùng cắt một chiếc bánh Giáng Sinh. Cho đến nay, ai đưa bức ảnh đó lên tài khoản Twitter của ngài thì vẫn chưa biết. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Đức Hồng Y chưa hề tự tay đưa bất cứ thứ gì lên các mạng xã hội.
Đức Hồng Y cho biết ngài đến với cuộc gặp gỡ đó trong tinh thần đối thoại, nhưng ngài rất thẳng thắn và đã nói với kẻ cầm đầu đảo chính rằng “toàn bộ đất nước Miến Điện thân yêu của chúng ta giờ đây là một vùng chiến sự”.
Đức Hồng Y Bo đã nhiều lần lên án cuộc đảo chính của quân phiệt Miến Điện vào tháng Hai vừa qua. Giờ đây, trước màn gài bẫy này, người ta đoán rằng Đức Hồng Y sẽ cố gắng chứng minh ngài không đi đêm với chế độ, không phản bội đồng bào của mình bằng các tuyên bố mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Thật thế, nhà lãnh đạo Giáo hội vừa tố cáo rằng vào đêm trước Lễ Giáng Sinh đã xảy ra các cuộc không kích ở bang Karen, buộc hàng nghìn người phải chạy trốn qua biên giới sang Thái Lan.
“Tôi cầu nguyện cho người dân của tỉnh Lay Kay Kaw,” Đức Hồng Y Bo nói.
Ngài cho biết thị trấn Thantlang ở Bang Chin cũng phải chịu đựng “những đợt không kích, pháo kích và tàn phá liên tục, cũng như nhiều vùng khác trên đất nước, tất cả đều nằm trong trái tim và những lời cầu nguyện của tôi”.
“Khi nào thì chuyện này mới kết thúc? Khi nào cuộc nội chiến ở Miến Điện sẽ chấm dứt? Khi nào chúng ta mới có thể tận hưởng hòa bình thực sự, với công lý và tự do thực sự? Khi nào thì chúng ta ngừng giết nhau?”
Ngài cảnh cáo “anh em giết nhau… không bao giờ có thể là giải pháp cho vấn đề của chúng ta.”
Đức Hồng Y Bo nói rất dõng dạc: “Tôi kêu gọi tất cả những người cầm súng hãy bỏ vũ khí xuống”.
“Tôi kêu gọi giới quân sự của Miến Điện, Tatmadaw, phải ngăn chặn ném bom và bắn phá người vô tội, phải ngăn chặn phá hủy nhà cửa và nhà thờ, trường học và trạm y tế, và phải bắt đầu một cuộc đối thoại với các phong trào dân chủ và các nhóm vũ trang dân tộc”.
“Tôi cũng cầu xin các nhóm vũ trang và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân công nhận rằng súng không giải quyết được cuộc khủng hoảng mà ngược lại còn kéo dài nó, gây ra nhiều người chết hơn, nhiều người chết đói hơn, với những hậu quả tàn khốc đối với giáo dục của con cái chúng ta, nền kinh tế và sức khỏe của chúng ta”.
“Tôi nhắc lại: Tôi kêu gọi quân đội ngừng ném bom, pháo kích và giết chóc. Tôi kêu gọi phong trào dân chủ và các nhóm vũ trang dân tộc phấn đấu một cách tha thiết cho hòa bình”.
“Và tôi cầu nguyện từ sâu thẳm trái tim mình để chấm dứt những bi kịch mà chúng ta đã thấy trong những ngày qua và tuần gần đây và trong quá nhiều năm và nhiều thập kỷ”
Source:Licas News
5. Sứ Thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân đón Giáng Sinh ở đảo Siargao bị bão tàn phá
Trong thông điệp Giáng Sinh của mình, Đức Tổng Giám Mục Brown bày tỏ tình đoàn kết với những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Odette và đích thân ngài đã cử hành Thánh lễ Ngày Giáng Sinh với những người sống sót sau cơn bão tại Nhà thờ Giáo xứ Núi Cát Minh ở thị trấn Del Carmen của Đảo Siargao.
Ngài đã đến thị trấn Del Carmen vào sáng thứ Bảy và được Đức Giám Mục Antonieto Cabajog của Surigao chào đón. Từ sân bay, Sứ thần Tòa Thánh đã đến Nhà thờ Giáo xứ Núi Cát Minh để cử hành Thánh lễ. Sau các cử hành phụng vụ, Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm chín thị trấn trên đảo nơi Odette đổ bộ lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 12.
Ngài đã qua đêm ở thị trấn Dapa, nơi ngài cử hành thánh lễ thứ hai tại nhà thờ của giáo xứ trước khi rời đảo đến Thành phố Surigao bằng phà.
Trong thông điệp Giáng Sinh của mình, Đức Tổng Giám Mục Brown bày tỏ tình đoàn kết với những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão khi số người chết lên đến ít nhất 367 người tính đến ngày 26 tháng 12 trong khi ít nhất 62 người vẫn mất tích.
Khi trình bày các suy tư về trình thuật Giáng Sinh, Đức Tổng Giám Mục kêu gọi các tín hữu “đừng bỏ lỡ cơ hội tiếp đón và bày tỏ lòng hiếu khách đối với những người đang cần nhất.”
“Chúng ta hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình để cung cấp cho họ sự hiếu khách theo nhiều cách khác nhau để nâng đỡ họ,” ngài nói.
Tại Surigao, Đức Tổng Giám Mục đã chủ sự một thánh lễ tại Nhà thờ San Nicolas de Tolentino. Hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm các giáo xứ trên đảo Dinagat.
Source:Licas News
6. Phản ứng của Tòa Thánh trước sự qua đi của Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu
Chiều ngày 26 tháng 12, ngay sau khi được tin Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi đã qua đời, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gởi bức điện sau đến Đức Tổng Giám Mục Peter Wells, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Phi.
Kính gởi Đức Tổng Giám Mục Peter B. Wells
Sứ thần Tòa Thánh tại Pretoria, Nam Phi
Đức Thánh Cha Phanxicô rất đau buồn khi hay tin về cái chết của Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, và ngài gởi lời chia buồn chân thành đến gia đình và những người thân yêu của Đức Tổng Giám Mục. Nhớ đến sự phục vụ của Đức Tổng Giám Mục cho Tin Mừng thông qua việc đề cao bình đẳng chủng tộc và hòa giải nơi quê hương Nam Phi của ngài, Đức Thánh Cha phó thác linh hồn người quá cố cho Thiên Chúa Toàn Năng. Với những ai đang than khóc trước sự qua đi của vị Tổng Giám Mục trong niềm tín thác và trong hy vọng chắc chắn về sự Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa là nguồn mạch của hòa bình và an ủi.
Trong Chúa Giêsu Kitô.
+ Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Source:Holy See Press Office