Hôm thứ Ba, Nga đã công bố các biện pháp trừng phạt chống lại những người Mỹ bao gồm Tổng thống Joe Biden, con trai đầy tai tiếng Hunter Biden và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Theo BBC, động thái này – mà Mạc Tư Khoa gọi là “lệnh trừng phạt cá nhân” và “danh sách cấm” được đưa ra dựa trên “nguyên tắc có qua có lại” – ngăn những người có tên vào Nga và đóng băng bất kỳ tài sản nào họ có ở đó.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các hạn chế – được đưa ra trong bối cảnh làn sóng trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đã làm tê liệt nền kinh tế Nga – là “hậu quả” của cái mà họ gọi là “chính sách cực kỳ bạo lực” của Tòa Bạch Ốc.
Bộ Ngoại giao cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ áp dụng đối với các quan chức Mỹ, sĩ quan quân đội, nhà lập pháp, chủ doanh nghiệp và các nhân vật truyền thông “không xác định”.
Nhưng các biện pháp – nhắm vào tổng cộng 13 người Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân – sẽ không ngăn cản họ tham gia vào các liên lạc cấp cao với Nga.
2. Ngoại trưởng Latvia đến Vatican để thảo luận với Tòa Thánh về tình trạng Ukraine
Hôm 14 tháng 3 năm 2022, tại Vatican, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Latvia, Edgars Rinkēvičs, đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô để thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại hiện nay, đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, và tác động của nó đối với tình hình an ninh trong khu vực và trên toàn Âu Châu.
“Edgars Rinkēvičs bày tỏ lời cảm ơn tới Giáo Hội Công Giáo Rôma và Đức Giáo Hoàng vì sự ủng hộ mạnh mẽ và có nguyên tắc đối với Ukraine và người dân Ukraine. Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực phải được thực hiện để cộng đồng quốc tế có thể bảo đảm viện trợ nhân đạo cho người dân ở Ukraine.”
Ngoại trưởng cũng cảm ơn Tòa thánh vì lập trường kiên định không công nhận việc sáp nhập Latvia vào Liên Xô. Năm 2022 cũng là kỷ niệm một trăm năm kể từ khi ký kết và có hiệu lực của một công ước giữa Cộng hòa Latvia và Tòa thánh.
“Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại với sự ấm áp về chuyến thăm của ngài tới Latvia vào năm 2018 và ngài khen ngợi thực tế rằng xã hội ở Latvia có thể sống trong hòa bình và hòa hợp giữa các quốc gia”
Ngày 13 tháng 3 đánh dấu chín năm kể từ khi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio của Á Căn Đình được bầu làm Giáo hoàng, lấy tên là Phanxicô.
Source:.lsm.lv
3. Đức Hồng Y tấn phong cựu Giám mục Anh giáo Jonathan Goodall lên chức linh mục Công Giáo
Đức Hồng Y Vincent Nichols đã tấn phong cựu Giám mục Anh Giáo của Ebbsfleet, là Đức Cha Jonathan Goodall lên hàng linh mục Công Giáo. Hơn 20 linh mục đã đồng tế trong thánh lễ.
Trong đoàn đồng tế còn có Đức Cha Kenneth Nowakowski, Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Anh. Ngài được mời đến khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục hoành hành để cùng cộng đoàn cầu nguyện cho hòa bình và chấm dứt các hành động thù địch gây ra bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Đức Cha Jonathan Goodall là một trong hai vị Giám Mục Anh Giáo quyết định gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Các động thái này diễn ra sau khi Giáo Hội Công Giáo đón nhận hai vị Giám Mục Anh Giáo là Michael Nazir-Ali và Peter Forster.
Các giám mục Anh giáo mới nhất quyết định “bơi qua sông Tiber” là Jonathan Goodall, người từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet, trong tám năm, và John Goddard, cựu giám mục của Burnley. Cả hai đều là đã kết hôn và được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cụm từ “swim the Tiber” hay “bơi qua sông Tiber” là cách nói bóng bẩy để chỉ việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tiber là con sông bao quanh Rôma.
“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” Đức Cha Goodall cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tổng Giám mục Canterbury.
“Cuộc sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tư cách môn đệ của tôi với tư cách là một Kitô hữu trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên – và trong nửa cuộc đời tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục – ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Kitô. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì đức tin đó. Tôi mong tất cả anh chị em hãy tin rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói đồng ý với lời kêu gọi và lời mời hiện tại của Thiên Chúa, chứ không phải từ chối những gì tôi đã biết và kinh nghiệm trong Giáo hội Anh, là điều mà tôi mang ơn rất sâu sắc.”
Vợ của Đức Cha Goodall, là bà Sarah, cũng quyết định theo đạo Công Giáo.
Giáo phận Ebbsfleet được thành lập vào năm 1994 để phục vụ các giáo xứ Anh giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Một giám mục khác của Ebbsfleet, Andrew Burnham, cũng đã trở thành một người Công Giáo trước đây, khi từ chức vào năm 2010 để cùng với những cựu thành viên Anh giáo khác tham gia vào Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.
Tổng giám mục của Canterbury Justin Welby cho biết trong tuyên bố trên trang web của mình rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Goodall “với sự hối tiếc.”
“Tôi vô cùng biết ơn Đức Cha Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài và Sarah, cho cả chức vụ trong tương lai của ngài và hướng đi họ đang được kêu gọi trong cuộc hành trình liên tục phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.
Sau lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Westminster của Công Giáo vào ngày 12 tháng 3, Cha Goodall sẽ phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ của giáo xứ Thánh William thành York ở Stanmore trong Tổng giáo phận Westminster và ở quận Harrow phía bắc London.
Cha Goddard hy vọng sẽ được bổ nhiệm vào một giáo xứ trong Tổng giáo phận Liverpool sau khi ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Tom Williams của Liverpool tấn phong trong một buổi lễ ngày 2 tháng 4 tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool.
Ngài nói với tờ Catholic Herald rằng: “Tôi không có niềm vui nàolớn hơn trong cuộc sống là được phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ. Đó có lẽ là món quà lớn nhất đối với một linh mục.”
Năm ngoái, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, Michael Nazir-Ali, và cựu Giám mục của Chester, Peter Forster, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2019, Giám Mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của Nữ hoàng và là giám mục Anh giáo truyền thống, đã trở thành một người Công Giáo.
Source:cbcew.org.uk
4. Đức Hồng Y Pell kêu gọi Vatican khiển trách 2 Giám mục cao cấp của Âu Châu vì bác bỏ giáo huấn luân lý của Giáo Hội
Đức Hồng Y George Pell đã kêu gọi Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, công khai khiển trách hai giám mục cao cấp nhất của Âu Châu vì những gì ngài gọi là “sự bác bỏ hoàn toàn và thẳng thừng” giáo huấn về đạo đức tình dục của Giáo Hội.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15 tháng 3, Đức Hồng Y Pell đã yêu cầu CDF “can thiệp và đưa ra tuyên bố phán quyết” đối với những nhận xét của Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị, và Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức.
Đức Hồng Y Pell đã đưa ra yêu cầu này vài ngày trước đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho cơ quan truyền hình Công Giáo Đức K-TV vào ngày 11 tháng Ba.
Hồng Y Hollerich, Dòng Tên, Tổng Giám Mục Luxembourg và Giám mục Bätzing của Limburg đều đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đồng tính trong các cuộc phỏng vấn gần đây.
Tháng trước, Hồng Y Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị kéo dài đến tháng 10 năm sau, đã tuyên bố rằng giáo huấn của Giáo Hội như hiện tại là “sai lầm” và rằng “nền tảng xã hội học-khoa học” của giáo huấn đó, dựa trên điều mà “người ta từng lên án như tội lỗi kê gian”, không còn đúng nữa.
Giám mục Bätzing lập luận trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 3 rằng các mối quan hệ đồng giới là được phép và không phải là tội lỗi và Sách Giáo lý nên được thay đổi một phần để phản ánh điều này.
Hai vị giám chức cũng tuyên bố sẽ không sa thải bất kỳ linh mục hay giáo dân đồng tính nào khỏi các cơ quan trong giáo phận của họ. Giám mục Bätzing nói: “Không ai phải sợ mất việc làm của mình” vì lý do đồng tính luyến ái. “Làm thế nào một người sống cuộc sống thân mật cá nhân của họ không phải là việc của tôi.”
Đức Hồng Y Pell nói rằng sự dạy dỗ như vậy là “sai lầm”, vì nó “không chỉ bác bỏ các tín lý Do Thái – Kitô Giáo chống lại hoạt động tình dục đồng giới, mà còn làm suy yếu và bác bỏ giáo huấn về hôn nhân một vợ một chồng, là sự kết hợp độc quyền của một người nam và một người nữ.”
Vị Hồng Y người Úc cho biết ngài nhận ra những thách thức phải đối mặt bởi số lượng tín hữu ngày càng giảm ở các nước nói tiếng Đức và những nơi khác, nhưng nói thêm rằng phản ứng duy nhất có thể là “tái khám phá những lời hứa của Chúa Giêsu” và đón nhận mạnh mẽ hơn “kho tàng đức tin không phai nhạt”.
Ngài nhấn mạnh rằng giải pháp là “đừng chạy theo các mệnh lệnh đang thay đổi của nền văn hóa thế tục đương thời. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã chỉ ra nhiều năm trước, đó là con đường dẫn đến sự tự hủy hoại của Giáo hội.”
Source:National Catholic Register