Đức Mẹ biến đổi hoàn toàn một người chống Giáo Hội. Trương mục Twitter của ĐHY Charles Bo là giả

1. Đức Mẹ biến đổi hoàn toàn một người chống Giáo Hội

Tờ Legatus, trong số mới nhất, đã kể câu chuyện một người đàn ông được Đức Mẹ chữa lành về phần hồn tại nhà thờ Thánh Andrea delle Fratte ở Rôma.

Leo de Bondt lớn lên trong một gia đình Tin lành ở Hà Lan. Năm 25 tuổi, anh kết hôn với một thiếu nữ Công Giáo và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, anh mất hết niềm tin vào Chúa sau khi đứa con gái ba tuổi của anh qua đời vì bệnh bạch cầu vào năm 1972.

Mười lăm năm sau, anh nhìn thấy một bức ảnh mô tả Đức Mẹ Có Tài Có Phép. Đó là một bức tranh trong Đền Thờ Thánh Andrea delle Fratte ở Rome. Bức tranh mô tả một cuộc hiện ra vào thế kỷ 19 của Đức Maria với một người đàn ông Do Thái chống Công Giáo một cách điên cuồng, điều này đã dẫn đến sự cải đạo ngay lập tức của người Do Thái ấy.

De Bondt đã vô cùng xúc động trước hình ảnh và câu chuyện đằng sau bức ảnh này.

“Chính từ giây phút đó, cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn,” anh nhớ lại. Đức Trinh Nữ Maria “đã đưa tôi trở lại với Chúa Kitô. Chính Mẹ đã kêu gọi tôi, một người đã sống như một kẻ vô thần trong 15 năm. Tôi lại trở thành người Công Giáo, nhưng lần này như chưa bao giờ, tôi tích cực khám phá những điều kỳ diệu của đức tin Công Giáo”.

De Bondt có lòng sùng kính Đức Mẹ đến mức anh đã thành lập một trang web có tên là MaryPages.com dành riêng để truyền bá lòng sùng kính đối với Đức Mẹ, và hô hào mọi người quay trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Anh nói: “Tôi ghét Giáo hội cho đến khi Đức Maria kêu gọi tôi”.


Source:Legatus

2. Hàng giáo sĩ cần phải cảnh giác sau câu chuyện trương mục Twitter của Đức Hồng Y Charles Maung Bo

Giáo Hội tại Miến Điện đã làm rõ các thông tin sai lệch liên quan đến các bài đăng trên Twitter của Đức Hồng Y Charles Maung Bo.

Twitter đã hủy một trương mục mang tên của Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar. Nhưng chính Đức Hồng Y Bo đã yêu cầu mạng xã hội xóa trương mục, vì nó giả mạo, lợi dụng danh nghĩa của Đức Hồng Y Tổng giám mục.

Thư ký của Đức Hồng Y Bo xác nhận với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng “Đức Hồng Y không có trương mục Facebook hay Twitter và không có bài nào đã được đăng là của Đức Hồng Y”.

Trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình trên khắp Miến Điện và các lực lượng ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự gần đây, các dòng tweet được cho là của Đức Hồng Y Bo đã được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới trích dẫn.

Khi tài khoản Twitter của vị Hồng Y gặp trở ngại nào đó không thấy tiếp tục nữa, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm, nhưng thông tấn xã Fides cho biết, chính vị Hồng Y đã yêu cầu xóa tài khoản.

Thủ đoạn của các trương mục giả mạo là đầu tiên các tuyên bố được đưa ra rất phù hợp với giọng điệu và lập trường của nạn nhân, để đạt được các tin tưởng nhất định. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau sẽ có các biến tướng khác.

Fides lưu ý rằng Đức Hồng Y Bo, hiện cư trú tại Yangon, không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào ngoại trừ các bài giảng vào Chúa Nhật của ngài.

Trong thông điệp gần đây nhất của ngài gửi đến các tín hữu, Đức Hồng Y nói rằng “một Miến Điện mới là có thể, một quốc gia không có xung đột là có thể, để quốc gia này có thể được hưởng vinh quang mà nó xứng đáng.”

“Tôi chia sẻ tình đồng bào sâu sắc với tất cả các bạn trong thời điểm này khi các bạn vật lộn với những sự kiện bất ngờ, gây sốc đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Tôi kêu gọi mỗi người, hãy bình tĩnh, đừng bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đã đổ máu đủ rồi. Đừng đổ máu nữa trên mảnh đất này. Ngay cả trong thời điểm thử thách nhất này, tôi tin rằng hòa bình là con đường duy nhất, hòa bình là có thể. Luôn có những cách thức bất bạo động để thể hiện sự phản đối của chúng ta. Các sự kiện đang diễn ra là kết quả đáng buồn của sự thiếu vắng đối thoại và giao tiếp cũng như các tranh chấp đa dạng về quan điểm. Chúng ta đừng tiếp tục hận thù vào lúc này khi chúng ta đấu tranh cho phẩm giá và sự thật. Cầu xin cho tất cả các nhà lãnh đạo cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện và thúc đẩy cộng đồng phản ứng hòa bình với những sự kiện này. Cầu cho tất cả, xin cho tất cả, tránh những dịp khiêu khích.”


Source:Aleteia

3. Các viên chức Vatican chờ đợi sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng về Tiến Trình Công Nghị ở Đức

Các bộ phận của Vatican đang chờ đợi sự chỉ đạo từ Đức Thánh Cha Phanxicô để trả lời các tài liệu và đề xuất về Tiến Trình Công Nghị đang được tiến hành ở Đức, các quan chức tại một số bộ của Vatican nói với tờ The Pillar.

Các quan chức trong Giáo triều Rôma cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều để Vatican hành động, đồng thời nói thêm rằng một số những hành động rời bỏ giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội đang được tiến hành ở Đức.

Phát biểu với The Pillar, một quan chức cấp cao của Bộ Giám mục nói rằng “nhiều ý tưởng có vấn đề mà chúng tôi thấy được đề xuất bởi Tiến Trình Công Nghị ở Đức trên thực tế đã xảy ra ở cấp giáo xứ”, bao gồm các nghi lễ chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính và cho những người theo đạo Tin lành được rước lễ.

“Ngày càng có nhiều cảm giác lo sợ rằng nút chai đã mở ở nhiều nơi”, quan chức này cho biết.

Quan chức này nói rằng mối quan tâm đang gia tăng trong một số cơ quan khác của Giáo triều Rôma, bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Luật, và Bộ Giáo lý Đức tin, rằng trừ khi Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp trực tiếp, người Đức có thể thành công trong việc khởi động những cuộc từ bỏ triệt để các Giáo huấn và thực hành của Giáo hội.


Source:Pillar Catholic

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay

Chúa Nhật 14 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ tư của Mùa Chay, phụng vụ Thánh Thể bắt đầu với lời mời gọi này: “Hỡi Giêrusalem, hãy vui lên…” (x Is 66:10). Lý do của niềm vui này là gì? Vào giữa Mùa Chay như thế này, đâu là lý do cho niềm vui đó? Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: Thiên Chúa “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Người Con ấy không bị hư mất mà được sống muôn đời” (Ga 3:16). Thông điệp vui mừng này là trọng tâm của đức tin Kitô: tình yêu của Thiên Chúa đã tìm thấy đỉnh cao trong sự ban tặng Con Ngài cho một nhân loại yếu đuối và tội lỗi. Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta, cho tất cả chúng ta.

Đây là những gì xuất hiện trong cuộc đối thoại trong đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một phần của thông điệp này cũng được mô tả trong bài Tin Mừng cùng ngày (x Ga 3: 14-21). Nicôđêmô, giống như mọi thành viên của dân Israel, chờ đợi Đấng Mêsia, xác tín rằng Ngài là Đấng mạnh mẽ, Đấng có thẩm quyền phán xét thế gian. Trái lại, Chúa Giêsu thách đố kỳ vọng này bằng cách trình bày Người trong ba hình thức: Con Người được tôn vinh trên thập tự giá; Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu rỗi muôn dân; và ánh sáng để phân biệt những người theo đuổi sự thật với những người đứng về phía dối trá. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh sau: Con người, Con của Thiên Chúa, và ánh sáng.

Chúa Giêsu trình bày Ngài trước hết là Con Người (cc. 14-15). Bản văn ám chỉ trình thuật về con rắn bằng đồng (xem Nm 21: 4-9), theo thánh ý Chúa, được Môisê treo trong sa mạc khi dân chúng bị rắn độc tấn công; ai bị cắn và nhìn con rắn đồng đó thì được chữa lành. Tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã được treo lên trên thập tự giá để những ai tin vào Ngài được chữa lành khỏi tội lỗi và được sống.

Khía cạnh thứ hai là của Con Thiên Chúa (cc.16-18). Chúa Cha yêu thương nhân loại đến độ “ban” Con của Người: Người đã ban Con Ngài trong mầu nhiệm Nhập thể trước khi giao nộp Người cho cái chết. Mục đích của sự trao ban của Thiên Chúa là sự sống đời đời của mỗi người chúng ta: thật ra, Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Chúa Giêsu mà được cứu. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là sứ mệnh cứu độ, cứu rỗi mọi người.

Danh xưng thứ ba mà Chúa Giêsu tự trình bày mình là “ánh sáng” (c. 19-21). Tin Mừng cho biết: “Sự sáng đã đến trong thế gian, nhưng người ta yêu bóng tối hơn ánh sáng” (c. 19). Việc Chúa Giêsu đến trong thế gian dẫn đến một sự lựa chọn: ai chọn bóng tối sẽ phải đối mặt với lời kết án, ai chọn ánh sáng sẽ được ơn cứu rỗi. Bản án luôn là hậu quả của sự tự do lựa chọn của mỗi người: bất cứ ai thực hành những điều gian ác luôn tìm bóng tối, cái ác luôn phải được dấu diếm, nó che đậy chính mình. Ai tìm kiếm sự thật, có nghĩa là, những người thực hành những gì là thiện hảo, thì thích ánh sáng chiếu sáng những con đường của cuộc sống. Ai đi trong ánh sáng, ai đến gần ánh sáng, không thể nào lại không làm việc thiện. Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với sự tận tụy lớn hơn trong Mùa Chay: hãy đón nhận ánh sáng trong lương tâm chúng ta, mở rộng tâm hồn chúng ta trước tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, trước lòng thương xót đầy dịu dàng và nhân hậu, trước sự tha thứ của Người. Đừng quên rằng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, luôn luôn, nếu chúng ta khiêm nhường cầu xin sự tha thứ. Chỉ cần cầu xin sự tha thứ, và Người sẽ thứ tha. Như thế, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đích thực và có thể vui mừng trong sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng tái tạo và ban sự sống.

Xin Mẹ Maria Chí Thánh giúp chúng ta đừng sợ để mình bị Chúa Giêsu “ném vào khủng hoảng”. Đó là một cuộc khủng hoảng lành mạnh, cho sự chữa lành của chúng ta: để niềm vui của chúng ta được tràn đầy.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Mười năm trước, cuộc xung đột đẫm máu ở Syria đã bắt đầu, dẫn đến một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong thời đại chúng ta: số người chết và bị thương không kể xiết, hàng triệu người tị nạn, hàng nghìn người mất tích, đất nước bị tàn phá, bạo lực đủ loại và đau khổ vô cùng đối với toàn bộ người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ và người cao niên. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành của mình đối với các bên trong cuộc xung đột: hãy thể hiện những dấu chỉ thiện chí, để một tia hy vọng có thể mở ra cho những người đang kiệt quệ. Tôi cũng hy vọng vào một cam kết dứt khoát và mới mẻ, mang tính xây dựng và đoàn kết, từ phía cộng đồng quốc tế, để một khi vũ khí đã được hạ xuống, cấu trúc xã hội có thể được hàn gắn và có thể bắt đầu tái thiết và phục hồi kinh tế. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa rằng nỗi đau khổ lớn lao tại đất nước Syria thân yêu và đang bị dày vò của chúng ta có thể không bị lãng quên, và sự đoàn kết của chúng ta có thể làm sống lại hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho đất nước Syria thân yêu và đang bị dày vò của chúng ta.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Thứ Sáu tới, ngày 19 tháng Ba, Lễ Trọng kính Thánh Giuse, sẽ khai mạc Năm Tông Huấn Amoris Laetitia của Gia đình: một năm đặc biệt để lớn lên trong tình yêu thương gia đình. Tôi kêu gọi một động lực mục vụ đổi mới và sáng tạo để đặt gia đình vào trung tâm của sự chú ý của cả Giáo hội và xã hội. Tôi cầu nguyện rằng mọi gia đình có thể cảm nhận được sự hiện diện sống động của Thánh Gia Nazareth trong chính ngôi nhà của mình, để có thể lấp đầy các cộng đồng nhỏ bé trong gia đình chúng ta bằng tình yêu chân thành và quảng đại, một nguồn vui ngay cả trong thử thách và khó khăn.

Tôi xin chào các chàng trai và cô gái của đội bóng rổ, được các gia đình và huấn luyện viên của họ tháp tùng, đang có mặt tại Quảng trường hôm nay. Tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé, hãy tiếp tục!

Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các bạn, các tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương thân mến. Và đặc biệt, tôi chào rất nhiều người Phi Luật Tân, những người đang kỷ niệm năm trăm năm công cuộc truyền giáo ở quốc gia này. Xin gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến anh chị em! Và xin hãy tiếp tục với niềm vui của Tin Mừng!

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và hẹn gặp lại!


Source:Libreria Editrice Vaticana

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *