Đức Thánh cha chủ sự Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật ngày 19 tháng Năm năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đồng tế với Đức Thánh cha, có 30 hồng y và 20 giám mục tại Tòa Thánh cùng hàng trăm linh mục, tất cả trong phẩm phục màu đỏ, trước sự tham dự của gần 8.000 tín hữu.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha nhận xét rằng sách Tông đồ Công vụ (Xc Cv 2,1-11) trình bày cho chúng ta hai lãnh vực hoạt động của Chúa Thánh Linh trong Giáo hội: trong chúng ta và trong sứ vụ, với hai đặc tính là sức mạnh và sự dịu dàng. Chúng ta hãy suy niệm về điều này.

Thánh Linh tác động mạnh mẽ

Trước tiên: hoạt động của Thánh Linh trong chúng ta thật là mạnh mẽ, như được biểu liệu qua các dấu hiệu lửa và gió. Trong Kinh thánh các dấu hiệu này thường chỉ quyền năng mạnh mẽ của Thiên Chúa (Xc Xh 19,16-19). Và đây là điều quan trọng, vì nếu không có sức mạnh ấy, một mình chúng ta không bao giờ có thể đánh bại sự ác, và cũng không thể chiến thắng những ước muốn của xác thịt mà thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai hôm nay, nói với chúng ta rằng: “ô uế […], thờ thần tượng […], bất hòa […], ghen tương” (Gl 5,19-21): thực vậy, đây là những động lực mạnh mẽ, nếu để nguyên, chúng dễ thống trị tự do của chúng ta, dần dần làm cho con tim chúng ta trở nên “khô cằn, cứng nhắc, và giá lạnh” (Xc Ca tiếp liên Lạy Thánh Thần xin hãy đến), làm hư hỏng những tương quan của chúng ta với tha nhân và chia rẽ các cộng đoàn của chúng ta. Bao nhiêu thiệt hại và bao nhiêu đau khổ do những thái độ như vậy! Và chúng ta cần sức mạnh để loại bỏ chúng, như trong một mảnh vườn, ta phải nhổ bỏ cây nguy hiểm, hoặc những bụi gai làm ô nhiễm. Chúa Thánh Linh, nếu chúng ta để Ngài hoạt động, Ngài trợ giúp và nâng đỡ chúng ta trong vấn đề này, để những lúc chiến đấu của chúng ta được biến thành những cơ hội tăng trưởng, thành những khủng hoảng có lợi để trở nên tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, có khả năng yêu thương tự do hơn.

Chúa Giêsu cũng chứng tỏ điều đó, khi được Thánh Linh thúc đẩy, Ngài lui vào hoang địa 40 ngày (Xc Mt 4,1-11) để chịu cám dỗ. Và trong thời gian ấy, cả nhân tính của Ngài tăng trưởng, củng cố và chuẩn bị cho sứ vụ.

Thánh Linh tác động dịu dàng

Nhưng đồng thời, hoạt động của Chúa Thánh Linh trong chúng ta cũng dịu dàng. Thực vậy, trong trình thuật của thánh Luca, gió và lửa không phá hủy và cũng chẳng thiêu cháy những gì nó đụng vào: gió tràn vào đầy nhà nơi các môn đệ đang ở và lửa đậu trên đầu mỗi người. Và cả sự tế nhị này cũng là một cách hành động của Thiên Chúa, như chúng ta nhiều lần thấy trong Kinh thánh. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến lúc Chúa nói với ngôn sứ Êlia trên núi Oreb, “như gió thổi nhẹ” (1 Vua 19,12). Hoặc trong sách ngôn sứ Ezekiel, từ một thung lũng đầy xương khô, dần dần hơi thở của Thánh Linh gom lại và hồi sinh thành một dân tộc gồm những người được cứu độ (Xc Ez 37,1-14). Dịu dàng, tôn trọng, tế nhị: đó là hoạt động tái tạo mà Thánh Linh thực hiện trong chúng ta. Chúa không đi vào hiện trường như một người lý hình hoặc một người báo thù, nhưng như một “vị khách ngọt ngào, an ủi, chữa lành, thoa dịu” (Xc Ca tiếp liên “Xin Thánh Thần hãy đến”), để làm gia tăng và trưởng thành trong chúng ta những hoa trái của Ngài, là vui mừng, an bình, tốt lành và trung tín (Xc Gl 5,22).

Mạnh mẽ và dịu dàng

Và thật là đẹp khi thấy cùng bàn tay mạnh mẽ và gân guốc trước đó đã đào xới những đống đam mê, rồi lại tế nhị trồng những cây nhỏ các nhân đức, tưới gội, chăm sóc chúng (Xc Ca tiếp liên) và bảo vệ chúng trong sự thương yêu, để chúng lớn lên và vững mạnh, và chúng ta có thể nếm hưởng, sau khi vất vả chiến đấu chống sự ác, sự dịu dàng của lòng thương xót và hiệp thông với Thiên Chúa cũng với anh chị em. Như một kinh nguyện thật đẹp của Giáo hội xưa kia: “Lạy Chúa, xin sự dịu dàng của Chúa ở lại với con và cũng vậy, các hoa trái của tình thương Chúa!” (Bài tụng ca của Salomon, Odi di Salomone, 14,6): và như thánh John Henry Newman đã khẩn cầu Chúa Thánh Linh trong lúc quan trọng của đời ngài: “Xin hướng dẫn con, hỡi ánh sáng dịu dàng”. Chúa Thánh Linh hoạt động như thế trong chúng ta: như một sự hiện diện mạnh mẽ và dịu dàng.

Thánh Thần linh hoạt sứ vụ

Và bây giờ, chúng ta hãy đề cập đến khía cạnh thứ hai: sứ mạng của chúng ta được Thánh Thần linh hoạt. Thực vậy, dưới tác động của Ngài, trong ngày Lễ Hiện Xuống nảy sinh nơi các môn đệ một đà tiến truyền giáo không thể cầm hãm được, và cùng với đà tiến ấy, có ước muốn và khả năng loan báo Tin mừng và làm cho mình được những người thuộc các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau hiểu được.

Chúa Thánh Linh, khi ngự xuống trên họ và trở nên gần gũi, thành Đấng “Paraclito”, Đấng An Ủi, tác động bằng cách biến đổi con tim của họ, phú vào trong đó một “sự táo bạo thúc đẩy họ thông truyền cho người khác kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu và niềm hy vọng linh hoạt họ” (Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp “Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc”, 24). Như thánh Phêrô và Gioan sau này làm chứng trước Hội đường Do thái, khi người ta tìm cách cấm hai vị “không được nói bằng bất cứ cách nào hoặc giảng dạy nhân danh Giêsu” (Cv 4,18); hai vị trả lời rằng: “Chúng tôi không thể im lặng điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (v.20).

Áp dụng vào cuộc sống

Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta, đã nhận ơn Chúa Thánh Linh khi chịu phép Rửa tội và Thêm sức. Từ nhà “Tiệc Ly” của vương cung thánh đường này, giống như các tông đồ, chúng ta được sai đi loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người, “luôn luôn đi xa hơn, không những theo nghĩa địa lý, nhưng còn vượt lên trên những hàng rào chủng tộc và tôn giáo, để thi hành một sứ vụ thực sự là hoàn vũ” (RM 25). Và nhờ Thánh Linh, chúng ta có thể và phải thi hành điều đó với cùng sức mạnh và sự dịu dàng”.

Đồng thời, việc loan báo của chúng ta muốn có đặc tính dịu dàng, để đón tiếp tất cả mọi người, để khích lệ và củng cố, bất kỳ họ ở đâu, “những ý định quảng đại, qua đó mọi người tìm cách làm cho đời mình được nhân bản hơn (GS 38). Để trở nên gần gũi với mỗi người thiện chí với lòng khiêm tốn và dịu dàng, nâng đỡ những vất vả của họ và không coi rẻ cũng chẳng phủ nhận sự đóng góp của một ai. (…)

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em, tất cả chúng ta rất cần hy vọng, cần ngước mắt lên nhìn chân trời hòa bình, huynh đệ, công lý và liên đới. Đó là con đường duy nhất của cuộc sống, không có con đường khác. Rất tiếc đó không phải là điều dễ dàng, nhiều khi có những khúc quanh co và lên dốc. Nhưng chúng ta biết rằng chúng ta không lẻ loi, với ơn phù trợ của Thánh Linh, với các ơn của Chúa, cùng nhau chúng ta có thể tiến bước và làm cho con đường ấy ngày càng dễ đi, kể cả đối với những người khác.”

“Vì thế, chúng ta hãy canh tân niềm tin nơi sự hiện diện của Đấng An Ủi cạnh chúng ta và tiếp tục cầu nguyện: “Lạy Thánh Thần sáng tạo, xin đến soi sáng tâm trí chúng con, đổ đầy tâm hồn chúng con bằng ơn thánh của Chúa, xin hướng dẫn những bước đường chúng con và ban an bình cho thế giới chúng con. Amen.

Lời nguyện phổ quát

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội được rạng ngời trước mặt thế giới ơn hiệp thông và huynh đệ; cầu cho Đức Thánh cha và các vị mục tử mang Tin mừng phục sinh của Chúa đi khắp nơi; cầu cho chính quyền các dân nước luôn tìm kiếm đối thoại và hòa hợp giữa các dân tộc; cầu cho những người đau khổ trong thân xác và tinh thần, để luôn cảm thấy sự gần gũi của cộng đồng Kitô, sau cùng là cầu cho tất cả các gia đình được tăng trưởng trong niềm vui, lòng từ nhân và đức bác ái theo tinh thần Tin mừng.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 30 và đúng 12 giờ, Đức Thánh cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của các vị Giáo hoàng ở lầu ba dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, với khoảng 20.000 tín hữu tụ tập ở Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời mưa nhẹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *