Đức Thánh cha cử hành Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Lúc gần 10 giờ sáng, Chúa nhật, ngày 28 tháng Năm năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Năm ngoái, Đức Thánh cha bị đau đầu gối, nên đã chủ sự thánh lễ, và Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, thực hiện những nghi thức khác tại bàn thờ. Năm nay, cũng vậy, Đức Hồng y João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, thay Đức Thánh cha làm các việc ở bàn thờ, như xông hương, tiếp nhận và thánh hiến lễ vật.

Đồng tế trong thánh lễ, có mười hai hồng y và mười sáu giám mục tại Tòa Thánh cùng với 150 linh mục, tất cả trong phẩm phục màu đỏ, trước sự tham dự của gần 8.000 tín hữu.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào các bài đọc thánh lễ, Đức Thánh cha trình bày hoạt động của Chúa Thánh Linh tại ba nơi: trên thế giới Chúa đã tạo dựng, trong Giáo hội và nơi tâm hồn tín hữu.

1. Trước hết là trên thế giới, trong công trình sáng tạo: vai trò của Chúa Thánh Linh là Đấng, ngay từ nguyên thủy và trong mọi thời đại, đưa thực tại được tạo dựng từ xáo trộn, hỗn mang, đến trật tự, từ phân hóa đến hòa hợp. Tắt một lời, Người mang lại cho thế giới sự hòa hợp.

Đức Thánh cha nói: “Ngày nay trên thế giới, có bao nhiêu bất hòa, bao nhiêu chia rẽ. Tất cả chúng ta đều liên hệ với nhau, nhưng chúng ta lại phân rẽ, bị tê liệt vì sự dửng dưng và bị cô độc áp bức. Bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu xung đột: dường như sự ác mà con người có thể gây ra là điều không thể tin nổi! Nhưng trong thực tế, nuôi dưỡng sự đố kỵ, thù nghịch giữa chúng ta chính là tinh thần chia rẽ, là ma quỉ, tên của nó là “kẻ chia rẽ”… Hắn vui mừng vì sự đối nghịch, bất công và vu khống. Và đứng trước sự ác vì bất thuận, những cố gắng của chúng ta nhắm xây dựng hòa hợp không đủ. Vì thế, nơi tột đỉnh sự Vượt Qua của Người, tột đỉnh ơn cứu độ, đã đổ xuống trên trần thế được tạo dựng Thần Trí tốt lành của Người, là Chúa Thánh Linh, Đấng chống lại tinh thần chia rẽ, vì Người là hòa hợp, là Thánh Thần hiệp nhất, mang lại an bình. Chúng ta hãy cầu khẩn Người hằng ngày cho thế giới chúng ta!”

2. Tiếp đến, Chúa Thánh Linh hoạt động trong Giáo hội, từ ngày lễ Ngũ Tuần. Nhưng chúng ta nhận xét rằng Thánh Linh, ngay từ đầu Giáo hội, không ban những huấn thị và quy luật cho cộng đoàn, nhưng Người ngự xuống trên mỗi tông đồ: mỗi người lãnh nhận những ân ban riêng và đoàn sủng khác nhau… Những ơn ấy hòa hợp với nhau.

“Chúa Thánh Linh không tạo nên một ngôn ngữ đồng đều cho tất cả mọi người, không hủy bỏ những khác biệt, văn hóa, nhưng hòa hợp tất cả mà không đồng nhất hóa. Tất cả đều được tràn đầy Thánh Linh (Cv 2,4). Khởi sự cuộc sống của Giáo hội là như thế: không bắt đầu từ một kế hoạch mạch lạc và qui củ, nhưng từ sự cảm nghiệm cùng một tình thương của Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh tạo nên sự hòa hợp như thế, mời gọi chúng ta cảm thấy kinh ngạc vì tình thương của Người và vì những hồng ân hiện diện nơi những người khác, như thánh Phaolô tông đồ đã nói (1 Cr 12,4.13)…. Coi mỗi anh chị em trong đức tin như thành phần của cùng một thân thể: đó là cái nhìn hòa hợp của Thánh Linh, đó là con đường Chúa chỉ cho chúng ta!

Từ tiền đề này, Đức Thánh cha áp dụng vào tiến trình Thượng Hội đồng đang tiến hành. Ngài nói: “đó là một con đường theo Thánh Linh; không phải là một nghị viện để đòi hỏi những quyền và nhu cầu theo chương trình hành động của thế gian, không phải là một dịp để đi theo chiều gió, nhưng là cơ hội để trở nên ngoan ngoãn đối với hơi thở của Thánh Linh” … Thánh Linh là con tim của đặc tính đồng hành hay hiệp hành (sinodalità), là động cơ của việc loan báo Tin mừng. Không có Thánh Linh thì Giáo hội sẽ bất động, đức tin chỉ là một giáo thuyết, luân lý chỉ là một nghĩa vụ, mục vụ chỉ là một công việc. Trái lại, với Thánh Linh, đức tin là sự sống, là tình thương của Chúa chinh phục chúng ta và đức cậy nảy sinh. Chúng ta hãy đặt Chúa Thánh Linh ở trung tâm của Giáo hội, chẳng vậy con tim chúng ta sẽ không nồng cháy tình yêu đối với Chúa Giêsu, nhưng chỉ yêu bản thân mình…”.

3. Sau cùng, Đức Thánh cha nói: “Chúa Thánh Linh tạo nên sự hòa hợp trong nội tâm chúng ta […] Nếu chúng ta muốn được hòa hợp, thì hãy tìm kiếm Thánh Linh, chứ đừng tìm những thứ thay thế của thế gian. Chúng ta hãy cầu khẩn Chúa Thánh Linh mỗi ngày, bắt đầu mỗi ngày bằng lời cầu nguyện với Chúa Thánh Linh, trở nên ngoan ngoãn đối với Người!”

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Hôm nay, trong ngày lễ kính Chúa Thánh Linh, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có ngoan ngoãn đối với sự hòa hợp của Thánh Linh hay không? hay là tôi theo đuổi những dự phóng riêng, những ý tưởng của tôi mà không để Chúa uốn nắn và thay đổi? Tôi có hấp tấp phán xét, chỉ tay trách cứ và đóng cửa trước mặt người khác, coi mình là nạn nhân của mọi người và mọi sự hay không? Hay là tôi đón nhận quyền năng sáng tạo hòa hợp, “ơn được cùng nhau” mà Chúa Thánh Linh soi sáng, tôi có đón nhận ơn tha thứ ban bình an mà Thánh Linh ban cho chúng ta hay không? Và đối lại, tôi có tha thứ, thăng tiến hòa hợp và kiến tạo hiệp thông hay không? Nếu thế giới chia rẽ, nếu Giáo hội bị phân hóa, cực đoan, nếu tâm hồn bị phân tán, chúng ta đừng mất thời giờ phê bình người khác và giận dữ đối với chính mình, nhưng chứng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Linh”.

Lời nguyện phổ quát

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội được Thánh Thần hiệp nhất và an bình nâng đỡ, trong một thế giới bị thương tổn vì chiến tranh và xung đột, để Giáo hội chiếu tỏa như bí tích thánh thiện và hiệp thông, và mọi dân tộc được vào Vương quốc công chính, tình thương và an bình. Cầu cho Đức Giáo hoàng, các giám mục, linh mục, phó tế và tất cả các thừa tác viên của Tin mừng, cho những người lãnh nhận bí tích Thêm sức, các hội đoàn và phong trào của Giáo hội, và sau cùng cho những người không tin tưởng.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 30 và đúng 12 giờ, Đức Thánh cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của các vị Giáo hoàng ở lầu ba dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *