Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ tại Papua New Guinea

Sáng Chúa nhật ngày 08/9/2024, ngày thứ ba trong chuyến tông du tại Papua New Guinea, sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tại Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đi xe đến tại Sân vận động “Sir John Guise”, cách đó 7,4 km để chủ sự Thánh lễ với sự hiện diện của khoảng 35 ngàn người.

Vatican News

Bài giảng Thánh Lễ của Đức Thánh Cha

Lời đầu tiên Chúa nói với chúng ta hôm nay là: “Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35,4). Tiên tri Isaia nói điều này với tất cả những ai thất vọng trong lòng. Bằng cách này, vị tiên tri khuyến khích dân Chúa và, ngay cả giữa những khó khăn và đau khổ, mời gọi họ ngước mắt nhìn lên, hướng tới một chân trời hy vọng và một tương lai: Thiên Chúa đến để cứu anh em, Người sẽ đến và vào ngày đó, “Mắt người mù sẽ mở ra và tai người điếc sẽ nghe được” (Is 35,5).

Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trong câu chuyện của Thánh Marcô, có hai điều được nêu bật lên: sự xa cách của người câm điếc và sự gần gũi của Chúa Giêsu.

Sự xa cách của người câm điếc. Người đàn ông này sống ở một khu vực địa lý mà theo ngôn ngữ ngày nay chúng ta gọi là “vùng ngoại vi”. Lãnh thổ Vùng Thập Tỉnh nằm bên kia sông Giodan, cách xa trung tâm tôn giáo là Giêrusalem. Nhưng người câm điếc đó còn trải qua một loại khoảng cách khác; anh ta xa cách Thiên Chúa và xa cách con người vì anh ta không có khả năng giao tiếp: anh ta bị điếc và do đó không thể lắng nghe người khác, anh ta bị câm và do đó không thể nói chuyện với người khác. Người đàn ông này bị cắt đứt khỏi thế giới, anh ta bị cô lập, anh ta là tù nhân của chứng điếc và chứng câm của mình, và do đó, anh ta không thể mở ra với người khác để giao tiếp.

Và chúng ta có thể hiểu tình trạng câm điếc này theo một nghĩa khác, bởi vì có thể xảy ra với việc chúng ta bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông và tình bạn với Thiên Chúa và với anh em của mình khi, hơn cả tai và lưỡi của chúng ta, chính trái tim của chúng ta bị khoá chặt. Có một cái điếc nội tâm và một sự câm lặng của trái tim lệ thuộc vào mọi thứ khép kín chúng ta bên trong chính mình, khép kín chúng ta với Thiên Chúa và với người khác: ích kỷ, thờ ơ, sợ mạo hiểm và sợ dấn thân, oán giận, hận thù, và danh sách vẫn tiếp tục. Tất cả những điều này làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, xa cách anh chị em chúng ta, xa cách chính chúng ta; và xa cách khỏi niềm vui sống.

Anh chị em thân mến, đối với khoảng cách này, Thiên Chúa đáp lại bằng sự gần gũi của Chúa Giêsu nơi Con của Người, Thiên Chúa muốn chúng ta trước hết thấy điều này: rằng Người là Thiên Chúa gần gũi, nhân hậu, Đấng chăm sóc cuộc sống của chúng ta, Đấng chiến thắng mọi khoảng cách. Và thực vậy, trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi đến những vùng lãnh thổ ngoại vi đó, rời khỏi miền Giuđêa để gặp gỡ dân ngoại (xem Mc 7,31).

Bằng sự gần gũi của mình, Chúa Giêsu chữa lành chứng câm và điếc của con người: thật vậy khi chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc chọn giữ khoảng cách – xa Chúa, xa anh chị em, xa những người khác với chúng ta – thì chúng ta đóng mình lại, chúng ta tự dựng rào cản và cuối cùng chỉ xoay quanh chính mình, điếc với Lời Chúa và tiếng kêu của người khác và do đó không thể nói chuyện với Chúa và với người khác.

Anh chị em thân mến, anh chị em sống trên vùng đất xa xôi, đôi khi anh chị em hình dung rằng mình bị chia cắt, chia cắt với Chúa, chia cắt với con người, và điều này thì không được. Anh chị em hiệp nhất, hiệp nhất trong Thánh Thần, hiệp nhất trong Chúa và Chúa nói với mỗi người anh chị em: “Hãy mở ra!”. Đây là điều quan trọng nhất: mở lòng mình ra với Thiên Chúa, mở lòng mình ra với anh em, mở lòng mình ra với Tin Mừng và biến nó thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay Chúa cũng nói với anh chị em: “Hãy can đảm lên, hỡi người dân Papua! Hãy mở ra! Hãy mở lòng đón nhận niềm vui của Tin Mừng, mở lòng đón nhận cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, đón nhận tình yêu thương anh em mình”. Ước gì không ai trong chúng ta vẫn câm điếc trước lời mời gọi này. Và xin Chân phước Giovanni Mazzucconi đồng hành cùng anh chị em trên cuộc hành trình này: giữa bao khó khăn và thù địch, ngài đã mang Chúa Kitô đến giữa anh chị em, để không ai có thể điếc trước sứ điệp vui mừng về ơn cứu độ, và mọi người có thể mở miệng lưỡi để hát vang tình yêu Thiên Chúa. Ước gì ngày hôm nay cũng như thế với anh chị em!

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Vào cuối Thánh lễ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành, Đức Thánh Cha ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa tại Sân vận động “Sir John Guise”:  Chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria với lời Kinh Truyền Tin. Tôi phó thác cho Mẹ hành trình của Giáo hội ở Papua New Guinea và Quần đảo Salomon. Xin Mẹ Maria phù hộ các Kitô hữu – Xin Mẹ Maria Helpim luôn đồng hành và bảo vệ anh chị em: củng cố sự hiệp nhất các gia đình, làm cho ước mơ của người trẻ trở nên đẹp đẽ và can đảm, nâng đỡ và an ủi người già, đồng hành cùng người bệnh và người đau khổ!

Và từ vùng đất được Đấng Tạo Hóa chúc phúc này, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, hồng ân hòa bình cho mọi dân tộc. Đặc biệt, tôi cầu xin điều này cho khu vực rộng lớn trên thế giới nằm giữa Châu Á, Châu Đại Dương và Thái Bình Dương. Hòa bình, bình an cho các Quốc gia và cho cả mọi thụ tạo. Không tái vũ trang và khai thác ngôi nhà chung! Nhưng dấn thân cho cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, dấn thân cho sự hòa hợp giữa con người với các thụ tạo!

Xin Mẹ Maria Helpim, Nữ Vương Hòa Bình, giúp chúng ta hoán cải theo kế hoạch của Thiên Chúa, đó là kế hoạch hòa bình và công lý cho đại gia đình nhân loại!

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, trong ngày phụng vụ mừng sinh nhật Đức Mẹ, cầu nguyện cho Đền Thánh Lộ Đức, nơi không may bị lũ lụt tấn công.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha ra sân bay Port Moresby “Jacksons” để bay đến Vanimo.

ĐTC Phanxicô gặp gỡ các tín hữu giáo phận Vanimo

Sau khi cử hành thánh lễ đại triều ở Cảng Moresby sáng Chúa Nhật ngày 8/9/2024, Đức Phanxicô đã dừng chân tại cảng Vanimo, trên bờ biển phía bắc Papua New Guinea, để gặp gỡ 20.000 tín hữu của giáo phận này đang tụ tập trên khu đất trước nhà thờ chánh tòa Thánh-Giá. Ngài kêu gọi Giáo hội trẻ trung và năng động của quốc gia Châu Đại Dương này hãy lan tỏa tình yêu thương để vượt qua sự chia rẽ.

Đội chiếc mũ truyền thống do các giáo lý viên của giáo phận Vanimo tặng, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài phát biểu của mình, đã ca ngợi vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh người dân Papua New Guinea, được Chúa giao phó như một công cụ hòa hợp. Trên khu đất trước nhà thờ chính tòa của thành phố cảng này, cách Cảng Moresby hơn 900 km, Đức Phanxicô đã khuyến khích 20.000 tín hữu trong giáo phận “hãy luôn làm đẹp vùng đất hạnh phúc này” bằng sự hiện diện của “Giáo hội yêu thương” của họ.

Một Giáo hội trẻ trung và truyền giáo

Sau bài phát biểu chào mừng của Đức Giám mục giáo phận Vanimo, Đức cha Francis Meli, và một loạt chứng từ, xen kẽ với các điệu múa truyền thống, Đức Phanxicô đã bày tỏ những tâm tình của mình. “Tôi rất vui được gặp anh chị em trên mảnh đất tuyệt vời này, một mảnh đất trẻ trung và truyền giáo!”, Đức Thánh Cha mỉm cười nói. “Như chúng ta đã nghe, kể từ đầu thế kỷ XIX, sứ mạng truyền giáo ở đây chưa bao giờ bị gián đoạn”, “các tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên và các nhà truyền giáo giáo dân đã không ngừng rao giảng Lời Chúa và giúp đỡ anh em mình trong việc chăm sóc mục vụ, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác, bằng cách đương đầu với nhiều khó khăn, để trở thành một công cụ “hòa bình và tình yêu” cho tất cả mọi người, như nữ tu Jaisha Joseph đã nói”.

Đức Thánh Cha gọi người dân Vanimo là “các chuyên viên về vẻ đẹp”, đang sống “trên một vùng đất tráng lệ với nhiều loài thực vật và chim muông, mà khi đứng trước chúng người ta không nói nên lời trước màu sắc, âm thanh, hương thơm, cảnh tượng hùng vĩ của một thiên nhiên tràn đầy sức sống gợi lên hình ảnh vườn Địa Đàng!” Một vẻ đẹp phải đi kèm với sự tôn trọng “ngôi nhà chung”, nhưng không thể so sánh được với vẻ đẹp của cảnh tượng hiện hữu trong mỗi người: “cảnh tượng của những gì lớn lên trong chúng ta khi chúng ta yêu nhau. (…). Và sứ mạng của chúng ta chính là thế này: lan tỏa khắp nơi, qua tình yêu Thiên Chúa và anh chị em chúng ta, vẻ đẹp của Tin Mừng Chúa Kitô!” (x. Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 120). Và những cuộc hành trình của các tín hữu đã thực hiện những cuộc hành trình dài để được quy tụ vào Chúa Nhật này, ngày 8 tháng Chín tại Vanimo, làm chứng cho vẻ đẹp của “loan báo truyền giáo” đã được Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đồng thời nhấn mạnh rằng nó có thể và cũng phải được thúc đẩy ởđịa phương “tại nhà, ở trường học, nơi làm việc, để khắp mọi nơi, trong rừng, làng mạc và thị trấn, vẻ đẹp của cảnh quan tương ứng với vẻ đẹp của một cộng đồng nơi chúng ta yêu thương nhau, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.”

Tình yêu trước nghịch cảnh

Đức Thánh Cha nói tiếp : “Do đó, chúng ta sẽ hình thành một dàn nhạc giao hưởng lớn (…) có khả năng, với những nốt nhạc của nó, tái tạo lại sự cạnh tranh, vượt qua sự chia rẽ – cá nhân, gia đình hoặc bộ lạc –; xua đuổi sự sợ hãi, mê tín và ma thuật trong lòng mọi người; chấm dứt những hành xử phá hoại như bạo lực, thiếu chung thủy, bóc lột, tiêu thụ rượu và ma túy: những tệ nạn ở đây nữa cũng giam cầm và làm cho biết bao anh chị em bất hạnh.”

Tình yêu mạnh mẽ hơn tất cả những điều đó và (…) vẻ đẹp của nó có thể chữa lành thế giới”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời kêu gọi các tín hữu hãy lan tỏa và bảo vệ nó, như Chân phước Peter To Rot, một giáo người Papua New Guinea đã tử đạo vì đức tin trong một trại tập trung của Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.

Đức Phanxicô kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng, bất chấp vẻ đẹp thiên đường của phong cảnh, kho báu lớn nhất của đất nước Châu Đại Dương này được tìm thấy trong “trái tim của anh chị em và được thể hiện trong tình bác ái mà anh chị em yêu thương nhau”.

Tý Linh

(theo Alexandra Sirgant – Vatican News)

ĐTC Phanxicô gặp một nhóm các nhà truyền giáo của Baro

Sau khi gặp các tín hữu của giáo phận Vanimo tại khuôn viên trước Nhà thờ Chính toà Thánh Giá, vào lúc 16 giờ 30, Đức Thánh Cha đi xe đến Trường Nhân văn Chúa Ba Ngôi của Baro để gặp một nhóm các nhà truyền giáo.

Vatican News

Trường Nhân văn Chúa Ba Ngôi là một trường Công giáo được điều hành bởi giáo xứ Chúa Ba Ngôi và Dòng Ngôi Lời của giáo phận Vanimo, hiện diện tại đây từ năm 1997. Trường được thành lập vào năm 1964 bởi các nhà truyền giáo Dòng Thương khó Chúa Giêsu của Baro, một ngôi làng nằm cách Vanimo khoảng 6 km. Trung tâm giáo dục Công giáo có 500 học sinh.

Đức Thánh Cha được các nhà truyền giáo chào đón và đi đến hội trường, tham dự một buổi hòa nhạc do các học sinh biểu diễn. Sau đó, Đức Thánh Cha gặp riêng với các nhà truyền giáo.

Sau cuộc gặp gỡ, vào lúc 17 giờ 20, Đức Thánh Cha lên xe ra sân bay Vanimo để trở về Post Moresby. Xe đưa ngài đến Toà Sứ thần Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc ngày thứ ba viếng thăm Papua New Guinea.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *