Lời Chúa theo Tin Mừng Thánh Matthêu chương 10, câu 17 đến câu 19:
“Anh em hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết.”
Lời Chúa đã ứng nghiệm trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Tuy nhiên, ngày hôm nay để làm chứng cho ánh sáng và chân lý, Giáo Hội đang chịu bách hại còn cam go hơn nhiều so với các thế kỷ trước tại nhiều nơi trên thế giới. Bao nhiêu anh chị em chúng ta đang chịu đàn áp, bạo lực, bị ghét bỏ vì danh Chúa Giêsu!
Chính ngay trong các tín hữu Kitô người Việt chúng ta cũng có không biết bao nhiêu người phải chịu những đau khổ từ những cuộc bách hại như thế. Nhiều người sợ hãi lặng lẽ chối Chúa trong tờ khai lý lịch của mình, nhiều người, kể cả hàng giáo sĩ, lún sâu trong các tổ chức gọi là “yêu nước” được dựng nên với thâm ý là lũng đoạn và tiêu diệt đạo thánh Chúa, nhưng cũng có vô số anh chị em chúng ta là những người can đảm chấp nhận vác thánh giá theo Chúa Kitô.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Thánh Cha Phanxicô nói hôm 26 tháng 12 năm ngoái rằng:
“Tôi nói với anh chị em điều này: các vị tử đạo ngày nay còn đông đảo hơn so với các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên. Khi chúng ta đọc lịch sử các thế kỷ đầu, ở Roma này, chúng ta thấy bao nhiêu sự tàn các chống các tín hữu Kitô; ngày nay cũng có sự tàn ác như thế chống các Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến và gần gũi họ với lòng quí mến, cầu nguyện và cả khóc thương nữa. Hôm qua, các tín hữu Kitô bị bách hại ở Iraq đã mừng lễ Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa của họ bị phá hủy: đó là một tấm gương trung thành với Tin Mừng. Mặc dù bị thử thách và nguy hiểm, họ đang can đảm làm chứng mình thuộc về Chúa Kitô và sống Tin Mừng, dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng, và bị bỏ rơi nhất, làm điều thiện cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, làm chứng về đức bác ái trong chân lý”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong bối cảnh đó, Trúc Ly xin giới thiệu với quý vị và anh chị em, cuốn phim “Under Caesar’s Sword”, nghĩa là “Dưới lưỡi gươm của Cêsarê”.
Cuốn phim này là một dự án nghiên cứu toàn cầu để trình bày tình cảnh của các cộng đồng Kitô hữu trên thế giới đang bị bách hại tàn tệ và phản ứng của anh chị em này trước những vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo của họ.
Cuốn phim là sự hợp tác của trung tâm đạo đức và văn hóa trường Đại Học Notre Dame, Viện Tự do Tôn giáo, và trung tâm nghiên cứu về Tự do Tôn giáo của Đại học Georgetown, với sự hỗ trợ của Templeton Religion Trust.
Hơn 100 triệu Kitô hữu trên toàn thế giới phải chịu đựng các hình thái đàn áp mỗi năm.
Kitô hữu bị thẩm vấn, bị bắt, và thậm chí bị giết vì đức tin của họ.
00:25 Bạn có thể gọi đó là địa ngục trên trái đất này. Luôn luôn họ tra tấn, họ đánh đập bạn.
Các nhà thờ bị đập phá, nhà cửa bị đốt cháy, một số lượng rất lớn các vụ hiếp dâm.
Những hình ảnh thường thấy về Ấn Độ là hòa bình và đa nguyên. Người ta tránh không đề cập đến những hình thức bạo lực.
Không có an ninh tại Iraq. Không an ninh cho gia đình, không an ninh cho tôi, và các trẻ em.
Tôi đã van xin họ đừng giết chồng tôi.
Đó là một quá trình càng ngày càng tồi tệ, và đó là những gì chúng ta đang thấy – chúng ta đang nhìn thấy nó ở mức độ tàn ác nhất của nó ngay lúc này đây.
Các Kitô hữu trở thành các nạn nhân một cách không tương xứng. Họ là nạn nhân của một cuộc diệt chủng đặc biệt xứng đáng để lôi cuốn sự chú ý của chúng ta.
Cuộc bách hại này liên quan đến chính sự tồn tại của chúng ta.
Phần I – Chính ngày hôm nay là một cơn ác mộng
Không có thời gian thích hợp hơn cho hội nghị này. Vào chính ngày hôm nay đây, nhiều Kitô hữu sẽ bị giết, bị lưu đày, tài sản của họ bị cướp và nhà thờ của họ bị phá hủy, và nhiều Kitô hữu bị phân biệt đối xử nhục nhã ở các nước trên thế giới. Dự án Dưới Lưỡi Gươm Caesar là một nỗ lực để nghiên cứu một cách hệ thống trên phạm vi toàn cầu các loại phản ứng của cộng đồng Kitô hữu trước các cuộc đàn áp. Họ sẽ làm gì khi họ chịu những áp lực và bị đàn áp?
Một số người sẽ nói rằng đó chỉ là vấn đề thanh lọc chủng tộc hay tôn giáo, chứ làm gì có chuyện diệt chủng; tôi nghĩ, đây chỉ là những lời nguỵ biện. Điều quan trọng là một thảm họa nhân đạo rất lớn đang ở trước mặt chúng ta, và nó được liên quan chặt chẽ với bản sắc tôn giáo của các Kitô hữu dễ bị tổn thương nhất.
Toàn bộ Trung Đông không có chỗ nào là không bị nhận chìm trong một cơn ác mộng dường như không bao giờ kết thúc và điều đó làm suy yếu sự tồn tại của các Kitô hữu ở nhiều nước trong khu vực.
Phần II – Thổ Nhĩ Kỳ (3: 28-10: 49)
Giáo Hội tiên khởi đã bao gồm năm Tòa Thượng Phụ: Rôma ở phía tây, và bốn Tòa Thượng Phụ ở phía đông – là Antiôkia, Alexandria, Jerusalem, và Constantinople – và tất cả bốn Tòa có nguy cơ biến mất. Các tín hữu Kitô sống trong một tình trạng mong manh nhất theo nghĩa đen.
Một thế kỷ trước, một phần ba dân số Istanbul không phải là người Hồi giáo, trong đó, trước hết là người Hy Lạp theo Chính Thống Hy Lạp – kế đến là người Armenia, sau đó là người Do Thái. Ngày nay, chỉ còn không quá một phần trăm những người không theo Hồi Giáo, đó là một cộng đồng rất nhỏ. Làm sao chuyện này lại xảy ra? Thưa, Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất các Kitô hữu thiểu số trên một quy mô lớn, bằng cách trao đổi dân số, hay thẳng thừng trục xuất họ.
Ngày nay, các Kitô hữu chiếm dưới 1% dân số trong tổng số 80 triệu dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Những gì chúng ta thấy ở lãnh thổ Síp bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng là sự xóa bỏ hoàn toàn sự hiện diện của Kitô giáo: nhà thờ bị phá hủy, tất cả các hình tượng gắn liền với Giáo Hội tiên khởi bị loại khỏi các nhà thờ – thực sự đây là một nỗ lực sai lầm nhằm xóa bỏ các dấu vết lịch sử của Kitô Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện đã có những tranh cãi ngày càng tăng về việc Thổ Nhĩ Kỳ biến nhà thờ Thánh Thần là Đấng Khôn Ngoan, tức là Nhà thờ Hagia Sophia, thành một đền thờ Hồi giáo – Hagia Sophia là cấu trúc Kitô giáo lớn nhất cho đến khi nhà thờ Notre Dame được xây dựng. Và nếu cấu trúc đó được dùng như một nơi thờ phượng, nó phải được dùng như ý định ban đầu, tức là một nhà thờ Kitô giáo thuộc Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople.
Thổ Nhĩ Kỳ phải đẩy mạnh việc cải cách. Nó từng là một quốc gia đa nguyên. Và nó nên một lần nữa trở lại là một quốc gia đa nguyên.
Laki Vingas là người Kitô hữu đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ được bầu làm Tổng Giám Đốc Qũy này. Ông đại diện cho hơn 150 nhóm phi-Hồi giáo thiểu số, đang vận động cho nhân quyền của họ.
Chúng tôi đi đến các cơ quan nhà nước, các Bộ, các văn phòng, và cùng nhau chúng tôi báo cáo hoặc giải thích các vấn đề của chúng tôi. Và bây giờ chúng tôi chỉ còn lại rất ít người, do đó sự đoàn kết nhằm xây dựng những sáng kiến mới là điều cần thiết.
Nhà thờ của chúng ta ở Izmit có khoảng 30 người đến thờ phượng thường xuyên. Thay vì trốn đằng sau những cánh cửa đóng kín, chúng tôi muốn tất cả mọi người hiểu rõ về tôn giáo của chúng tôi. Điều này làm một số người trong cộng đồng địa phương phật ý. Tôi biết rằng có hai người đàn ông đã được cài vào làm thành viên trong nhà thờ của chúng tôi trong hai năm. Họ nói rằng họ là Kitô hữu, nhưng trong thực tế họ chỉ theo dõi từng cử động của tôi. Chúng tôi đã tổ chức một cuộc hội thảo về Kitô Giáo và mời rất nhiều quan chức địa phương đến dự. Sáng hôm đó cảnh sát bắt giữ mười ba người. Cảnh sát phát hiện ra rằng họ đã lên kế hoạch ám sát tôi.
Các cộng đồng Kitô hữu từ lâu tập trung vào các chiến lược đối phó, theo nghĩa là làm sao để có thể sống nổi hàng ngày, và điều đó có nghĩa là phải thu hẹp lại mọi thứ. Tôi muốn nói là cố gắng để làm bất cứ điều gì là cần thiết sao cho không vượt quá những giới hạn rất nghiêm ngặt của pháp luật.
Để bảo đảm an toàn, chúng tôi có một hệ thống camera giám sát khu vực. Chúng tôi đã gắn song sắt trên các cửa sổ. Chúng tôi cũng có các tấm kính chắn để ngăn cản người ta ném đá vào. Cuộc sống thật không dễ? Chúng tôi muốn cầu nguyện trong hòa bình và thực hành niềm tin của chúng tôi một cách tự do. Tuy nhiên, không ai trong cộng đồng của chúng tôi che giấu niềm tin tôn giáo của mình.
Nói về các nhóm thiểu số không theo Hồi giáo – chúng tôi được khoảng 200,000 người. Tại sao chúng tôi phải rất sôi động và tích cực? Nó rất đơn giản, bởi vì chúng tôi là một phần của đất nước này; chúng tôi là những di sản lịch sử của đất nước này. Chúng tôi cố gắng giải thích chính mình, đối thoại với mọi người bởi vì họ không biết chúng tôi. Chúng ta có thể thấy rằng có hàng triệu và hàng triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ có những cuộc gặp gỡ, hay bất kỳ một cuộc đối thoại nào với những ai không theo đạo Hồi, và chúng tôi cố gắng giải thích một lần nữa từ đầu rằng chúng tôi không phải nước ngoài, chúng tôi không xa lạ với họ.
Ngày lễ chúc lành cho các vùng biển, mà chúng ta thường gọi là lễ Hiển Linh, là một ngày rất đặc biệt. Và chúng tôi hiện diện cùng với tất cả các giám mục của chúng tôi, và những anh chị em của chúng tôi, cũng như các giáo xứ của chúng tôi – và tất cả các thành viên của cộng đồng rộng lớn hơn. Có cả những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia. Chúng tôi hạnh phúc vì tất cả mọi thứ diễn ra trôi chảy. Thậm chí nếu hôm nay Thổ Nhĩ Kỳ và các nước xung quanh đang phải đối mặt với một số vấn đề, chúng tôi vẫn có thể tổ chức an toàn lễ kỷ niệm này. Chắc chắn 15, 20 năm trước, điều này là không thể được. Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài nữa phải đi, vì chúng ta đang chứng kiến những gì đang xảy ra ở Trung Đông: đầu tiên là ở Iraq, và bây giờ là Syria. Chúng tôi có hàng triệu người tị nạn sắp tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình xem ra khả quan hơn ít nhất là so với thế kỷ trước, khi mà sự hiểu biết về tự do dành cho các Kitô hữu rất nghèo nàn trong khu vực này.
Phần III – Trung Đông (10: 49-13: 42)
Những bất ổn gần đây ở Trung Đông khiến cho các Kitô hữu Syria và Iraq còn rất ít lựa chọn. Hầu hết đã bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ trước làn sóng của các vụ bách hại mới.
Trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1922, tại Thổ Nhĩ Kỳ, 20% các Kitô hữu đã buộc phải di cư, và nhiều người trong số họ chạy trốn đến Syria và Iraq. Và ngày hôm nay, họ đã bị đuổi khỏi Syria và Iraq, và họ đang tìm nơi ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, thật lạ lùng, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận đến 2 triệu người tị nạn.
Khi có sự hỗn loạn ở một đất nước nơi đa số dân theo Hồi giáo, các nhóm thiểu số, đặc biệt là các Kitô hữu, rất dễ bị tổn thương.
Tôi quyết định rời khỏi Iraq vì không còn là chốn dung thân an toàn cho con cái của tôi, và tôi đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ. Trở về quê hương là một vấn đề lớn. Vào lúc này, đó là một vấn đề lớn.
Chúng tôi cảm thấy như chúng tôi đã bị đuổi ra khỏi Iraq. Chúng tôi nghe nói họ đã bắt cóc các cô gái trẻ, nên chúng tôi bỏ chạy.
Họ đến nói với tôi, hoặc là đưa tiền, hoặc chúng sẽ giết tôi, hay làm khổ gia đình tôi.
Tôi muốn tìm một nơi để sinh sống vì tương lai của gia đình tôi.
Mọi người chạy đến Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên khi phải chạy trốn khỏi quê hương mình. Thổ Nhĩ Kỳ được xem như một cửa ngõ vào châu Âu. Họ đã bỏ lại phía sau các làng mạc, thị trấn của họ, nhà cửa, trường học, và nhà thờ. Tổ chức của chúng tôi cố gắng làm cho họ cảm thấy như đang ở nhà mình.
Không phải tất cả mọi người đều bỏ trốn. Có những Kitô hữu Assyriô, ví dụ, các tín hữu xung quanh sông Khabur ở Syria, họ cầm vũ khí và thành lập một lực lượng dân quân – nhưng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt.
Một trong những điều đáng chú ý là chúng tôi thấy rằng rất ít các cộng đồng Kitô giáo trên toàn thế giới đã dùng đến bạo lực như là câu trả lời. Chúng tôi không đánh giá thấp các cộng đồng đã thực hiện một quyết định khó khăn là tự vệ bằng vũ lực. Trong nhiều trường hợp, đó là cách duy nhất để họ sống còn, nhưng chúng tôi lưu ý rằng trên phạm vi toàn cầu, việc các Kitô hữu dùng đến bạo lực vũ trang là rất hiếm.
Trước những đau khổ, các Kitô hữu đã tự phát phản ứng lại bằng cách không chỉ lo cho mình nhưng mở rộng sự quan tâm và lòng từ bi của họ cho cả những người khác nữa. Đức tin đã mời gọi họ làm như thế, và điều quan trọng là, nhiều Kitô hữu nhận ra rằng thế giới, trong đó có họ và gia đình, sẽ được an toàn hơn khi mà tất cả mọi người được an toàn.
Nhiệm vụ xã hội của chúng ta là tiếp cận với các cộng đồng đa số, đặc biệt là những người nghèo. Như Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói, chúng ta phải trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói từ tất cả các cộng đồng, đặc biệt là từ những người nghèo trong mỗi cộng đồng.
Shabaz là em trai của tôi; em tôi dành 28 năm trong cuộc đời mình để nuôi dưỡng lý tưởng bình đẳng của con người, tôn vinh sự hài hòa và yêu thương lẫn nhau cũng như lòng khoan dung. Em tôi qua đời chỉ vài mét ở phía trước ngôi nhà mình. Mẹ tôi nghe thấy tiếng nổ vang trời của viên đạn giết chết em tôi. Thậm chí ngày nay, nỗi đau của mẹ tôi vẫn khôn nguôi. Nhưng thật ngạc nhiên, mẹ tôi nói với tôi đừng do dự nhưng cứ tiếp tục nhiệm vụ của mình và rằng tôi là người thích hợp cho công việc này. Mẹ tôi giải thích rằng bà đã tha thứ cho những kẻ giết em tôi và bà đã thoát khỏi mong muốn trả thù hay trả đũa chống lại họ. Sau đó mẹ nhắc nhở tôi rằng lối sống của Shabaz đã bén rễ trong sự tha thứ và tình yêu, theo cách của Chúa Giêsu Kitô.
Helen Berhane, một ca sĩ hát thánh ca tại Eritrea ở Đông Phi. Cô đã bị bắt vì thu âm một album nhạc Kitô Giáo. Cô đã bị giam cầm trong một container vận chuyển hàng hóa trong suốt hơn hai năm.
Án tù của tôi là 32 tháng, bên trong một container. Không có đủ không khí, không sạch sẽ. Họ bắt tôi chối bỏ đức tin của mình. Nhưng tôi đã từ chối.
Phần IV – Ấn Độ (16: 58-24: 16)
Diễn đàn Pew báo cáo rằng 76% dân số thế giới sống ở các quốc gia mà quyền tự do tôn giáo bị hạn chế nghiêm trọng. Ở Ấn Độ, hàng trăm Kitô hữu đã bị tấn công bởi những kẻ Ấn Giáo cực đoan được hỗ trợ và khích lệ bởi một chính phủ Ấn Giáo quá khích.
Kitô hữu sống ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ ba hay thậm chí còn trước đó. Có một thời gian dài, một thiên niên kỷ hay hơn, đã có sự cùng tồn tại trong hòa bình giữa các Kitô hữu và những người theo các tôn giáo khác ở Ấn Độ.
Dân tộc này đón nhận đức tin Kitô rất nồng nhiệt – họ chào đón các nhà truyền giáo Kitô giáo và các trường học mà các ngài thiết lập. Rất thường khi, Giáng sinh được tổ chức tưng bừng bởi tất cả người dân Ấn Độ; nó gần như một lễ kỷ niệm được mọi người chờ mong và cử mừng.
Thế giới phương Tây thường nghĩ về Ấn giáo và Phật giáo như các tôn giáo hòa bình, với yoga, thiền, sự thân thiện – và đây là một vấn đề nghiêm trọng trong nhận thức.
Ấn Độ có một nền dân chủ; đây là một quốc gia có hiến pháp thế tục. Nhà nước không được thiên vị các tôn giáo, nhưng trong thực tế, nhà nước Ấn đã rất thiên vị Ấn Giáo.
Nếu bạn vào một đồn cảnh sát, bạn sẽ tìm thấy những hình ảnh của các vị thần và nữ thần và những vòng hoa. Trước những không gian ghi đậm dấu vết Ấn Giáo như thế, các Kitô hữu có thể cảm thấy rằng họ không có chỗ đứng trong xã hội, và không được chào đón.
Nó là một quy trình nhất quán và tiệm tiến trong nhiều thập kỷ qua. Điều gì đang xảy ra bây giờ đã không xảy ra một sớm một chiều. Đó là một sự chuẩn bị kéo dài hàng chục năm, một sự đầu độc dần mòn trên khắp Ấn Độ.
Vào năm 1998, đã có một sự gia tăng thực sự các vụ bạo động chống các Kitô hữu. Tầm mức của cuộc bạo loạn Kandhamal rất sâu rộng và lan nhanh kinh hoàng.
Đám đông – có lẽ khoảng 300 đến 400 người – đến vào buổi sáng, và họ bắt đầu tấn công các tín hữu Kitô, phá nhà, đốt nhà, và bạo lực tiếp tục suốt cả ngày.
Chúng tôi đang ở trong nhà khi họ tấn công. Chúng tôi và các Kitô hữu khác đã cố gắng chạy thoát.
Tại Kandhamal, đã có một cuộc thanh trừng Kitô hữu rất lớn, rất nhiều vụ giết người, rất nhiều vụ hiếp dâm, nhiều nhà thờ bị cướp phá và đốt cháy.
Họ đánh đập chồng tôi tán tệ trong khi chúng tôi van xin họ dừng lại. Họ kéo lê anh ấy hàng cây số với một sợi dây vòng quanh cổ.
Nhiều Kitô hữu đã buộc phải cải đạo sang Ấn Độ giáo hoặc bị giết. Chồng cô Kanaklata cương quyết không bỏ đạo.
Chúng tra tấn anh ấy. Anh đã phải gánh chịu bao nhiêu đòn vọt. Cuối cùng, hết sức phi nhân, chúng đã giết anh trước mặt vợ và hai con.
Sau đó, tôi chạy trốn vào rừng với các con tôi.
Cuộc bạo loạn tại Kandhamal làm 45 người chết và hơn 80 nhà thờ bị phá hủy. Gần 18,500 Kitô hữu bị buộc phải bỏ làng ra đi.
Phản ứng đầu tiên của chúng tôi là cầu nguyện. Chúng tôi không trả đũa. Chúng tôi không trả thù như các cộng đồng khác sẽ làm trong trường hợp tang thương như thế.
Sau khi mọi thứ lắng xuống, các Kitô hữu quyết định tiếp cận sâu hơn với xã hội xung quanh họ, và nhiều người bắt đầu tham gia với những người láng giềng trong các hoạt động xã hội, và qua đó mở rộng mạng lưới xã hội của họ. Tôi nghĩ rằng họ nhận ra rằng họ cần phải tiếp cận một cách hiệu quả hơn với các nhóm khác. Họ bắt đầu thăm viếng: họ đi dự các lễ hội Hồi giáo, Ấn Giáo và Phật giáo – và mời những người thuộc các tôn giáo khác tham dự các lễ lạc của họ.
Chúng tôi bắt đầu gặp phải những tư tưởng hận thù, và để khắc phục điều đó, chúng tôi tổ chức các trại huấn luyện. Trong 12 năm qua, hơn 15,000 hay 20,000 người trẻ đã trải qua những trại với nội dung chủ yếu là chống các định kiến trong xã hội, chiến đấu chống lại sự thù hận.
Sau cuộc tấn công, chúng tôi là một phần trong quá trình xây dựng hoà bình, cùng với chính quyền huyện. Tôi đã các cuộc họp xây dựng hoà bình ở các làng khác nhau. Trong chương trình thanh niên, chúng tôi tổ chức một số các cuộc thi đấu thể thao, chúng tôi đưa những con người từ tất cả các tôn giáo lại, từ các giai cấp lại với nhau. Những chia rẽ và những nghi ngờ vẫn còn đó, và còn cả những con người không thể nói chuyện với nhau theo sau những bạo lực. Tuy nhiên, chúng tôi tạo ra những không gian cho họ đến với nhau, và mọi người từ từ bắt đầu nói chuyện và xây dựng các mối quan hệ.
Chúng tôi đã cố gắng để làm cho các cơ sở tôn giáo của mình có tính chất đại kết hơn trong tinh thần. Vì vậy, thay vì xây dựng một cái gì đó chỉ có thể là một nhà thờ, chúng tôi xây dựng một trung tâm cộng đồng trong đó có những biểu tượng của các tôn giáo khác nhau.
Chúng tôi hiểu rằng các cộng đoàn Kitô hữu ở Ấn Độ là một phần của một quốc gia rộng lớn hơn. Chúng tôi được bảo vệ bởi hiến pháp; chúng tôi được bảo vệ bởi các hiến chương của Liên Hợp Quốc vì Ấn Độ đã ký kết vào hiến chương ấy. Trong thực tế, chúng ta có bổn phận phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ khắp mọi nơi, để tiếng nói của mình vang khắp mọi nơi.
Phần V – Giấc mơ Nhân Quyền (24: 16-26: 20)
Cảm giác dâng trào trong tôi hiện nay – sau khi nghe những câu chuyện mà chúng ta vừa nghe, khi đã gặp gỡ rất nhiều các nhà lãnh đạo Kitô hữu, đáng chú ý nhất là những người đã từng bị bách hại trên toàn thế giới – không phải là một cảm giác chán nản.
Sự đa dạng của chúng ta, tính đa nguyên của chúng ta, và nhiều thập kỷ trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, và một xã hội thế tục Ấn Độ, lại được thức tỉnh một lần nữa. Chúng ta sẽ chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Tôi hy vọng một ngày nào đó các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta sẽ đối xử với tất cả mọi người bình đẳng.
Chúng ta phải làm việc để tạo ra các nhịp cầu, và những nhịp cầu này không thể được xây dựng chỉ từ một phía; chúng ta phải làm việc ở cả hai bên và tạo ra những nhịp cầu của sự tin cậy lẫn nhau.
Những người thuộc các tôn giáo khác nhau, các dân tộc và cộng đồng quốc gia khác nhau có thể sống trong cùng một thế giới. Đó là điều quan trọng đối với giấc mơ dân chủ tự do, và ước mơ nhân quyền.
Rất khó để vận động có được một xã hội trong đó quyền tự do tôn giáo là trung tâm của hệ thống pháp luật, nhưng nhiều người đang bắt đầu nhìn thấy những giá trị, và thấy rằng đó là điều duy nhất sẽ giữ cho xã hội họ yêu mến khỏi bị cuốn trôi theo dòng đời.
Cảm giác của tôi là bất chấp những thách đố, chúng ta có thể có hy vọng là mọi sự có thể được cải thiện, và rằng sự liêm chính và lòng trung thành, về lâu dài, quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.