Dưới mái hiên nhà của chị Liên là nơi nghỉ chân quen thuộc của người lao động nghèo, họ chọn nơi đây làm chỗ tạm trú những khi trời mưa nắng, hay những khi mệt mỏi sau một chặng đường dài, vì ở đó có những tán cây xanh mát và đặc biệt không có hàng rào ngăn cách người lạ với chủ nhà.
Dưới mái hiên nhà chị Liên, lối xóm đã chứng kiến nhiều câu chuyện giản dị nhưng vô cùng ấm áp. Khi những người hành khất đến đây, họ thường ngồi nghỉ rồi xin ly nước hoặc gói mì tôm, người khác lại xin cái kim, mảnh vải để vá áo cho con cháu… Lúc đưa đồ cho họ, chị Liên ngồi xuống ân cần hỏi thăm:
– Hôm nay xin được nhiều không bà?
– Được ít lắm cô ơi, đau chân quá không đi lâu được. “Vị khách lạ” vừa chuyện trò vừa nhấp từng ngụm nước nhỏ, sau một lát nghỉ ngơi lấy lại sức, họ chào chủ nhà rồi bước tiếp hành trình của mình.
Không chỉ những người hành khất, có hôm trời nắng to, cô mua ve chai cũng dừng chân ngồi nghỉ nơi đây, tay cầm chiếc nón lá phe phẩy để xua tan cái nóng buổi trưa hè. Thấy vậy chị đem cho họ những đồ phế liệu mình tích góp, để phần nào chia sẻ gánh nặng kinh tế cho bà con lao động nghèo.
Có một dạo, hàng xóm thấy tối nào cũng xuất hiện một người phụ nữ quần áo nhầu nát, tóc tai bù xù mắc mùng ngủ trước cửa nhà chị Liên, khi biết người này không phải họ hàng hay quen biết, họ tỏ ý lo ngại chủ nhà sẽ bị vị khách không mời mà đến “chà đồ nhôm”. Chị cười xòa đáp lại: “thôi kệ, ai mà chẳng có lúc gặp khó khăn, giúp họ thì mai này khi mình sa cơ lỡ vận, cũng sẽ được người khác giúp lại”. Cứ thế ban đêm người phụ nữ ngủ lại, trời sáng thì dọn đi, vài ba tháng ghé đến xin quần áo cũ, chị soạn ra mấy bộ, giặt sạch sẽ rồi đem cho.
Mỗi tối, mấy đứa trẻ hàng xóm chạy sang cửa nhà chị chơi trốn tìm, gấp máy bay giấy phi qua phi lại rồi cười khúc khích với nhau. Có hôm chiếc máy bay mắc lên cây, chúng ý ới gọi: “cô ơi, máy bay đậu lên cây rồi, cô khều xuống cho con đi”. Nhìn bọn trẻ ríu rít như những chú chim non, chị cũng vui lây với niềm vui của trẻ thơ. Lâu lâu trong xóm có đám cưới, hàng xóm xin đặt nhờ mấy bàn tiệc, chị cũng sẵn lòng cho họ mượn không gian trước cửa nhà mình.
Nhiều người thắc mắc hỏi: “Tại sao Liên có thể lành tính đến như thế?” Chị khiêm tốn trả lời: “Chúa dạy: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45). Nếu ai cũng biết thông cảm cho nhau, hiểu nhau một chút, thương nhau một chút thì hạnh phúc biết bao nhiêu.
Nơi khoảng sân này, chị còn đặt một chiếc ghế đá, thỉnh thoảng tối đến mấy mẹ con ngồi đó chuyện trò với nhau. Chị kể cho các con những câu chuyện trong Kinh Thánh rồi lồng vào đó những bài học để giáo dục chúng, bọn trẻ chăm chú nghe rồi reo lên thích thú: “Chúa của mình thật tuyệt vời”. Cũng chiếc ghế đá ấy, chị hay ngồi thủ thỉ với mẹ, bà kể những chuyện diễn ra trong xóm, trong gia đình mình rồi dặn chị phải làm thế nọ, thế kia, chị vâng dạ rồi ôm mẹ vào lòng, thầm mong ba mẹ sức khoẻ luôn dồi dào để sống đời bên con cháu, dạy cho chúng biết kính Chúa yêu người và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.
Dưới mái hiên nhà, chị Liên đã nâng niu hạnh phúc gia đình, đồng thời biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những cảnh ngộ trong cuộc đời. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
KimMary