Bài hát và Suy niệm (18.06.2023 – Chúa Nhật XI Thường Niên Năm A)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Năm 2023

NL: ĐI VỀ NHÀ CHÚA

ĐC: THÁNH VỊNH 99

DL: CON DÂNG CỦA LỄ

HL: TÌNH CHÚA YÊU CON

KL: THÁNH TÂM GIÊSU  VUA

Bài đọc 1: Xh 19,2-6a

Bài trích sách Xuất hành.

Hồi đó, con cái Ít-ra-en tới sa mạc Xi-nai, và dựng trại trong sa mạc. Ít-ra-en đóng trại ở đó, đối diện với núi.

Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán : “Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này :  Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta.  Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.”

Bài đọc 2: Rm 5,6-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.  Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.  Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.  Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.  Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.

Tin Mừng: Mt 9,36 – 10,8

Sau khi gọi mười hai môn đệ, Đức Giê-su đã sai các ông đi truyền giáo.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

  Khi ấy, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.  Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ;  ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ;  ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.  Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng :

“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri.  Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.  Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần.  Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

TÌNH CHÚA CHO KHÔNG

Ngày nay khi nhìn vào đám đông dân số thế giới thì các doanh nghiệp nghĩ ngay tới thị trường, thương trường rồi đầu tư tiền bạc làm ăn buôn bán kiếm lời. Ngược lại, Phúc Âm tuần này kể chuyện: Chúa Giêsu khi thấy đám đông thì Ngài liền chạnh lòng thương, và kêu gọi các môn đệ đi rao giảng Nước Trời bằng cách chữa lành và cho không.

  1. Chúa chữa lành.Chúa bảo các môn đệ đi rao giảng Nước Trời không phải là đi thuyết giáo, nhưng là noi gương Chúa đi chữa lành những người đau yếu, chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Chúa là Đấng chữa lành. Hãy nhớ kỹ điều này. Bởi vì nhiều khi bị bệnh tật, hoạn nạn, người có tôn giáo lại cứ nghĩ Chúa làm cho tôi bị bệnh, Chúa gửi thánh giá đến cho tôi. Ôi, chả lẽ Chúa lại cứ thích làm khổ con người vậy sao? Oan cho Chúa quá! Có cha mẹ nào muốn con cái mình bị bệnh tật không? Không đời nào. Chúa là Đấng luôn chạnh lòng thương xót càng không bao giờ muốn con cái Ngài bệnh tật. Ngài chỉ muốn chữa lành mà thôi. Chúa chữa lành bệnh tật cả thân xác lẫn tâm hồn, Chúa khử trừ ma quỷ.
  2. Tình cho không.Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Muốn có như nước sạch hay nước ngọt thì phải bỏ tiền ra mua, còn Nước Trời không phải mua bán mà được Chúa cho không như nước mưa từ trời rơi xuống cho mọi người. Được cho không bởi vì Chúa là tình yêu vô điều kiện như lời ca trong đời “tình cho không biếu không”. Nước Trời là quà Chúa tặng cho ta.

Nước Trời là nơi Chúa yêu thương chữa lành và tặng quà cho nhân loại. Đó là Tin Mừng để chúng ta tin tưởng cậy trông và sống an vui hạnh phúc. Đồng thời, Tin Mừng ấy cũng thúc giục chúng ta xây dựng Nước Trời bằng con đường yêu thương chữa lành và trao ban niềm vui hạnh phúc cho con người trong thế giới hôm nay. Amen.

Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường

Cho đi những gì đã lãnh nhận nhưng không

Lm Trầm Phúc

Chúa Giêsu chạnh thương đoàn dân bơ vơ vất vưởng. Hôm nay Chúa cũng chạnh thương chúng ta, những con người đang khốn khổ trong cuộc sống. Nhất là những người tội lỗi đang nặng nề mang lấy thân phận yếu đuối của mình. Nhưng có những người đáng thương hơn, đó là những người chưa biết Chúa, chưa biết mình được yêu thương, chưa biết hạnh phúc mai sau của mình. Chúa Giêsu gọi đó là những vé lúa chín cần được gặt hái vào kho Nước Trời. Nhưng thợ gặt vẫn còn thiếu, và Chúa bảo chúng ta hãy cầu xin cho có nhiều thợ gặt. Chúng ta hạnh phúc vì được biết Chúa, được hưởng tình yêu của Ngài, hãy nhìn xa hơn những gì của chúng ta để nhận thấy những người anh em đang bơ vơ vất vưởng, không biết đời sống của mình sẽ đi về đâu. Họ chỉ biết vật chất, chạy theo tiền tài của cải, chỉ biết hưởng thụ những gì họ có mà không biết đến nguồn hạnh phúc thật đang chờ đón họ. Đó là những hạng người mà Chúa Giêsu đang chú ý và mong cứu vớt.

Thợ gặt vẫn ít, chúng ta có cầu xin Cha trên trời sai nhiều thợ gặt đến gặt lúa không? Điều này cần xét lại. Chúng ta cầu xin đủ mọi thứ ơn lành mà rất ít khi cầu xin cho thêm thợ gặt. Làm như vấn đề này xa lạ với đa số chúng ta. Chúng ta được biết Chúa, chúng ta cũng phải làm sao cho nhiều người cũng được như chúng ta. Hãy cầu xin Chúa cho thêm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.

Chúa sai mười hai môn đệ đầu tiên đi truyền giáo. Ngài ban cho họ những quyền trên thần dữ, quyền chữa bệnh, những dấu hiệu của Nước Thiên Chúa. Đây là giai đoạn đầu của việc truyền giáo. Chúa bảo họ chỉ loan báo Tin Mừng cho dân Do thái mà thôi, vì mười hai người không thể bao gồm tất cả dân ngoại. Và Chúa dạy họ một điều quan trọng là hãy cho không vì họ cũng được cho không.

Ngày xưa, Chúa chỉ có mười hai môn đệ, hôm nay, Chúa có thật nhiều môn đệ là chính mỗi người chúng ta. Ngày xưa, Chúa sai mười hai môn đệ, hôm nay Chúa sai mọi người chúng ta. Chúng ta đã được biết Chúa. Đó là một hồng ân nhưng không Chúa ban. Chúng ta hãy làm sao cho hồng ân ấy trở nên nguồn hạnh phúc cho mọi người quanh ta. Mỗi người một môi trường, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng mỗi người đều có một sứ mệnh như nhau đó là làm cho mọi người trở thành môn đệ. Ai nhận mình là môn đệ Chúa Giêsu đều phải trở thành thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Chúng ta ngần ngại sao? Chúa Giêsu không để chúng ta một mình đâu. Ngài đến với chúng ta. Ngài cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài. Chúng ta hãy cùng với Ngài mời gọi anh em chúng ta đến với Ngài, yêu mến Ngài. Bằng chính cuộc sống thường hằng ngày, đầy yêu của chúng ta. Đó là cách chúng ta cho đi nhưng gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không.

Rao giảng bằng lời nói và việc làm

 Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Hôm nay, Chúa nhật 11 Thường niên năm A, không phải là ngày lễ Khánh Nhật truyền giáo, nhưng mà nội dung của Tin mừng Mátthêu cũng đã đề cập đến việc Chúa Giêsu gọi và sai 12 Tông đồ đi rao giảng Tin mừng cho những con chiên lạc nhà Israen. Sau khi Chúa cảm thấy “chạnh lòng thương” đám đông dân chúng đang sống trong cảnh bơ vơ không người chăn dắt, Chúa nói một câu với tâm trạng đầy thao thức rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Với ý Chúa nói ở đây, ta có thể hiểu theo nghĩa rộng rằng là: Trên thế giới bao la ta đang sống, số người chưa biết Chúa Giêsu còn rất là nhiều (đồng lúa mênh mông), và người rao giảng về Chúa lại thiếu trầm trọng (ít thợ gặt), cho nên, Chúa muốn mỗi người tín hữu “hợp tác lao động” để làm sao đem được “Nước Chúa” đến với muôn dân và mọi người được ơn cứu độ (thu hoạch lúa về). Đó là sứ mệnh Chúa đã truyền và đó cũng là tiêu chí của việc truyền giáo.

Với công việc truyền giáo, ta có thể nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau:

1- Truyền giáo bằng cầu nguyện: “Xin Chủ mùa gặt” sai thợ ra gặt lúa về.

Có bao giờ quý ông bà và anh chị em nghe nói đến chuyện trong một gia đình mà có đến sáu linh mục và năm nữ tu chưa? Đức hồng y Hebert Vaughan, Tổng Giám Mục Westminste, nước Anh, đã xuất thân từ một gia đình như vậy đó.

Trong thời gian gần 20 năm, mẹ của ngài mỗi ngày một giờ đồng hồ, quì gối cầu nguyện trước Thánh Thể, để xin Chúa cho các con của mình trở nên những “thợ gặt” trong cánh đồng truyền giáo. Và Thiên Chúa đã nhậm lời cầu xin của người mẹ phi thường này. Kết quả là tất cả năm cô con gái đều trở thành nữ tu và sáu trong số tám người con trai trở thành linh mục. Và điều đặc biệt đáng nói ở đây là: ba trong số sáu linh mục đó trở thành Giám mục, và một trong ba Giám mục ấy được tấn phong lên làm Hồng y. Thật tuyệt vời…!

Đức Hồng Y Hebert có chia sẻ rằng: ngài rất tự hào và cảm kích về tình yêu nồng nhiệt mà mẹ của ngài dành đặc biệt đối với bí tích Thánh Thể. Quả thật, đây là câu chuyện hiếm có, muốn nhấn mạnh đến hiệu quả của lời cầu nguyện, xin ơn Thiên Triệu của người mẹ thánh thiện đạo đức, đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Các con cứ xin đi, thì sẽ được như ý” (Mt 7,7).

2- Truyền giáo bằng gương sáng:

Một ngày nọ, thánh Phanxicô Assisi gọi một thầy dòng đến và bảo: “Này thầy, hôm nay, chúng ta cùng nhau đi giảng đạo nhé.” Ông thầy gật đầu đồng ý, thế là cả hai cha con lên đườngrảo những bước chân trên các đường phố một vòng, rồi quay trở về nhà Dòng. Ông thầy rất ngạc nhiên, nên lên tiếng hỏi: “Thưa cha, chừng nào chúng ta mới đi giảng đạo? Thánh Phanxicô trả lời: “Chúng ta vừa đi giảng đạo xong rồi đó…!” Ông thầy vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu, nên thắc mắc: “Chúng ta chỉ  đi một vòng dạo phố, chứ đâu có mở miệng nói lời nào đâu, mà gọi là giảng đạo, thưa Thầy?”

Thế là thánh Phanxicô tiếp tục giải thích: “Trên đường đi dạo, chính cái thái độ đứng đắn, chuẩn mực của chúng ta; cộng thêm cách cư xử tử tế và những nụ cười vui vẻ của chúng ta, đó chính là những lời giảng đạo đẹp nhất đấy!”

Đúng như người ta vẫn thường nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo.” Và ngay cả Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 cũng đã có một câu nói bất hủ, với ý nghĩa tương tự rằng: “Thế giới hôm nay cần những chứng nhân hơn các thầy dạy.” Điều đó cũng đồng nghĩa với câu “Trăm nói không bằng một làm.”

3- Truyền giáo bằng việc kết thân:

Nhân dịp nói đến việc Truyền giáo là làm gương sáng cho người khác. Theo như lời Đức Cha Phêrô giảng trong một thánh lễ Khánh Nhật truyền giáo, ngài nhắc rằng: “Cha mẹ hãy biết yêu thương nhau, hãy làm gương và dạy dỗ cho con cái mình những điều tốt lành và thánh thiện.” Và ngài đưa ra 1 tấm gương điển hình: cha và mẹ của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, là ông Louis Martin và bà Zélie. Hai ông bà thánh thiện đạo đức đã dâng cho Chúa những người con Thánh. Vào ngày 18/10/2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng lễ Phong Thánh cho cả 2 ông bà (Từ xưa đến nay, hiếm thấy cả 2 vợ chồng cùng được phong thánh). Cho nên, việc Đức Giáo Hoàng Phong thánh cho ba mẹ Thánh Têrêsa, như muốn làm sáng lên gương sống thánh thiện nơi các gia đình Công giáo cần phải có, vì đó cũng là cách truyền giáo hiệu quả.

Đức cha Phêrô nói tiếp trong bài giảng: Giáo phận Mỹ tho của chúng ta, con số giáo dân chưa được 3 % dân số, nên ta đang sống giữa nhiều gia đình chưa biết Chúa, gia đình giáo dân chúng ta nên biết kết thân: thăm hỏi, nâng đỡ cũng như làm chứng nhân cho những người ngoại giáo xung quanh chưa biết Chúa là ai.

Anh chị em thân mến,

Muốn kết thân với người ngoại giáo, ta nên học cách của người Công giáo Hàn quốc đã làm: Vào năm 1983, Hàn quốc chỉ có khoảng chừng 3 triệu rưỡi người Công giáo. Vào năm đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II ghé thăm mục vụ và phong thánh cho 103 vị tử đạo tại xứ sở Kim Chi. Và rồi Đức Hồng Y Stephano Kim đã hứa với Đức Giáo Hoàng rằng là: ngài sẽ chú tâm tới việc truyền giáo hơn và ngài đưa ra một chương trình truyền giáo như thế này: “Cứ mỗi 1 gia đình Công giáo, làm sao truyền giáo cho một gia đình ngoài Công giáo. Cứ mỗi 1 người Công giáo, làm sao truyền giáo cho một người ngoài Công giáo…” Và sau 10 năm, đạt được kết quả rất khả quan: số giáo dân Hàn quốc đã tăng lên gấp đôi (Nghĩa là thành công 100%).

Giữa cánh đồng truyền giáo mênh mông như Lời Chúa nói “Lúa chín đầy đồng, mà lại thiếu thợ gặt” thì mỗi chúng ta cũng nên ý thức rằng mình hãy can đảm trở nên một người thợ gặt lành nghề, cùng chung tay góp phần cho việc truyền giáo ngày càng phát triển, để danh Chúa luôn được cả sáng.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự nhiệt tình rao truyền Đạo Chúa cho những người xung quanh, không chỉ bằng lời nói suông, nhưng bằng đời sống chứng nhân, với trái tim đong đầy tình yêu thương giống như Chúa. Amen.

LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Mở đầu bài Phúc Âm, thánh Matthêu cho biết Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương”. “Chạnh lòng thương” là từ mạnh nhất của tiếng Hy Lạp (Splagchnistheis), diễn tả về lòng trắc ẩn hay thương xót. Các sách Phúc Âm dùng từ này cho Đức Giêsu rất nhiều lần. Ngài động lòng trắc ẩn đối với người bệnh (Mt 14,14), người mù (Mt 20,34), người bị quỉ hành hạ (Mc 9,22), trước cảnh tang tóc của bà hóa Naim (Lc 7, 13),v.v… Ở đây, Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì thấy dân chúng “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Ðạo Do Thái đã đào tạo nên biết bao tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, họ là những người hướng dẫn tinh thần, lãnh đạo tôn giáo. Sao lại có tình trạng như thế? Thế nhưng có cũng như không. Điều làm cho Đức Giêsu thổn thức trong lúc này là dân chúng đang tha thiết trông mong Thiên Chúa, nhưng những cột trụ của Do Thái giáo đã bị tha hóa, xuống cấp trầm trọng. Họ chỉ biết hành quyền, làm tiền, sống hưởng thụ và gian trá. Đức Giêsu đã từng công kích nhiều lần: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình” (Mt 5, 23-29). Những kẻ lãnh đạo chỉ lo sống cho mình, không màng gì đến những tình cảnh khốn khó của dân Chúa, mà trái lại, còn làm cho cuộc sống dân ra nặng nề, do việc giải thích làm cho luật lệ trở nên ngặt nghèo.

Trong tình cảnh vất vưởng của dân Chúa như thế, trước tiên Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Cầu nguyện là cách dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Đó là một lời báo động và cũng là một lời kêu gọi khẩn thiết. Mùa màng sẽ không thể thu hoạch nếu không có thợ gặt. Để khơi mào cho một cuộc cách mạng tôn giáo và mở rộng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và đào luyện họ trở thành những người nòng cốt để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội, mà tất cả chúng ta có bổn phận góp phần vào.

Không chỉ chọn gọi và sai đi, mà Đức Giêsu còn ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, có quyền năng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, chính là phát triển đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành. Chức vụ đi đôi với sứ vụ, không ai có quyền ngồi đó để hưởng thụ, mà phải ra đi đến với mọi người để phục vụ và làm chứng cho Chúa.

Cách thức chọn lựa người tông đồ của Đức Giêsu cũng thật lạ. Ngài không chọn những thành phần ưu tú và trí thức trong xã hội thời đó, mà chọn những người dân lao động, đa số là dân thuyền chài, nghĩa là những người rất thường tình, không có gì đáng nói. Thế mà cuối cùng đã trở nên những con người có khả năng thay đổi thế giới. Đó là điều kỳ diệu mà Chúa đã làm nên từ những con người bé nhỏ nhưng dám quảng đại đáp lại tiếng gọi linh thiêng. Ðiều này khiến chúng ta phải thay đổi quan niệm của mình về cách nhìn người hay dùng người trong Giáo Hội, nhất là cách Chúa dùng chúng ta trong công việc của Ngài.

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo rộng bao la bát ngát, Giáo hội hôm nay vẫn luôn có một ưu tư lớn lao làm sao để có nhiều thợ gặt? Nhưng điều cần không phải là số lượng mà là phẩm chất. Nếu chỉ là số lượng thôi thì tình trạng của Giáo Hội cũng giống như thời Đức Giêsu: không thiếu gì các tư tế, kinh sư, luật sĩ, Pharisêu, nhưng tình trạng tôn giáo vẫn thụt lùi và cứng đọng, dân chúng cũng vẫn “như bầy chiên không người chăn dắt”. Có thể có nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ, nhưng vẫn thiếu tông đồ, thiếu những mục tử đích thực để chăm lo cho đời sống dân Chúa. Có thể mọi hoạt động tôn giáo vẫn rầm rộ bên ngoài nhưng đời sống dân Chúa vẫn lầm than vất vưởng và đói khát. Không có những mục tử dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, thì cũng là những kẻ “chăn thuê” hay những người làm “công chức” cho đền thờ, chẳng ăn nhập gì đến sứ mạng cao cả mà họ đã được trao ban.

Là Kitô hữu dù ở bậc sống nào, chúng ta cũng đã là người tông đồ của Chúa, có sứ mạng loan báo Tin Mừng, là đem Chúa đến với mọi người, là viên đá sống động để Chúa xây dựng Hội Thánh Ngài ở trần gian này. Như các Tông đồ, nhờ Thánh Thần, chúng ta phải trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo. Và cũng như các Tông đồ, chúng ta đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ.

Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.

Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.

Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.

Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.

Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
đời chúng con đã được Chúa cho không,
chúng con cũng phải cho không như vậy. Amen.

Làm những việc tốt lành để làm vinh danh Chúa

Tôma Lê Duy Khang

Thánh Augustino nói một câu như thế này: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Tin mừng hôm nay như là một minh chứng cho câu nói của thánh nhân, hay chúng ta có thể hiểu câu nói của thánh nhân dựa trên nền tảng của trang Tin mừng hôm nay.

Cụ thể, khi Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng thì Ngài chạnh lòng thương, từ đó mới bắt đầu các hành động theo sau của Chúa Giêsu, đó là Người nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Rồi sau đó Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Nên chúng ta thấy, từ chỗ thấy, rồi đến chạnh lòng thương, là những hành động hết sức nhỏ nhoi thôi, lại từ từ nâng cấp độ lên, đó là nói với các môn đệ, rồi sau đó ban cho các ông quyền năng trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa lành hết các bệnh hoạn tật nguyền, rồi sau đó nữa là sai các ông đi rao giảng. Nghĩa là khi có ý hướng tốt lành sẽ có những lời nói, hành động tốt lành.

Chúng ta thử đặt vấn đề, nếu con người của chúng ta có ý hướng không tốt lành, nó có ảnh hưởng đến lời nói và hành động của chúng ta hay không?

Thưa có, nếu đọc Tin mừng trong tính tổng thể chúng ta sẽ thấy khi những người Biệt Phái và Pharisiêu không bắt bẻ được lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, thì họ lại lập mưu để giết Người.

Chẳng hạn như những cuộc tranh luận về việc môn đệ của Gioan và người Biệt phái ăn chay, còn môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay (x. Mc 2,18-22), tranh luận về việc bứt lúa ăn ngày sabat (x. Mc 2,23-28), Chúa Giêsu chữa người bại tay trong ngày Sabat (x. Mc 3,1-6) sau những sự kiện đó những người biệt phái đi ra bàn tính với phái Hêrôđê chống đối Chúa và tìm cách hại Chúa. Chúng ta thấy, một sự trượt dài, đi từ tội lỗi này sang tội lỗi khác, ngày càng trầm trọng hơn.

Thực tế cuộc sống chúng ta cũng thấy được điều đó trong cuộc đời của mình, chẳng hạn như phạm tội, mới ban đầu còn cắn rứt lương tâm, nhưng sau đó thì không thấy còn cắn rứt nữa, bởi vì nó đã thành thói quen, và xem đó là chuyện bình thường.

Hay chuyện đi xưng tội cũng vậy, có nhiều người nói với tôi thưa cha con tưởng đâu những ngày lễ lớn mới đi xưng tội, còn những ngày lễ thường thì thôi khỏi đi xưng tội, tôi hỏi tại sao anh chị lại có suy nghĩ như vậy, họ nói thưa con được những anh chị giáo lý viên dạy, nên chúng ta thấy, chỉ một sự sai sót nhỏ của chúng ta thôi đã làm ảnh hưởng đến người khác.

Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói như thế này: “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói. Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động. Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen. Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách. Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh.Và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh.”

Hiểu được như thế chúng ta được mời gọi hãy rèn luyện tư tưởng của mình thật tốt lành, để thấy được những điều tốt lành, để từ đó làm những việc tốt lành để làm vinh danh Chúa, và mưu ích cho anh chị em của mình như Chúa Giêsu đã thực hiện và Ngài muốn mỗi người chúng ta thực hiện trong cuộc đời của mình, và chắc chắn khi chúng ta làm việc tốt lành, thì những điều tốt lành sẽ đến với mỗi người chúng ta mà thôi. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *