1. Éo le: Vợ bị kết tội ngoại tình với chồng, nguy cơ bị tử hình, gây ra lo ngại về tự do tôn giáo ở Sudan
Christian Solidarity Worldwide, tức là Tổ Chức Liên Đới Kitô Giáo Toàn Cầu, gọi tắt là CSW, một tổ chức đấu tranh để bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng – đã cáo buộc chính phủ quân sự của Sudan đã cản trở những tiến bộ đạt được của chính phủ dân sự kể từ cuộc đảo chính vào ngày 25 tháng 10 năm ngoái, 2021.
Mối quan ngại này được làm nổi bật hơn nữa bởi phiên tòa đang diễn ra đối với một cặp vợ chồng bị tội ngoại tình với nhau.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018 khi anh Hamada Teya Keffi quyết định chuyển từ Hồi Giáo sang Công Giáo. Vợ anh Nada Hamad Koko, dưới áp lực của gia đình đã phản đối kịch liệt Keffi và buộc anh phải quay trở lại Hồi Giáo. Áp lực lớn nhất là đe doạ ly hôn. Tuy nhiên, anh không nhượng bộ.
Vì thế, Koko, và gia đình cô đệ đơn ly hôn anh chồng Keffi.
Theo luật, một phụ nữ Hồi giáo không được phép kết hôn với một người đàn ông không theo đạo Hồi. Vì thế việc ly hôn được chấp thuận nhanh chóng, và Koko trở về ở với gia đình. Tuy nhiên, vào năm ngoái, nhớ chồng, nhớ con, cô ấy lại trở về nhà mình, và theo đạo Công Giáo.
Sau khi phát hiện Koko đã theo đạo Công Giáo. Gia đình cô cho rằng điều đó làm nhục nhã cho gia đình nên đã đệ đơn kiện hình sự, và hai vợ chồng hiện đã bị buộc tội ngoại tình.
CSW nói tờ Crux “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước việc truy tố hình sự bà Koko và ông Kaffi. CSW đang kêu gọi bỏ các cáo buộc hình sự đối với họ và cải cách pháp luật hơn nữa để bảo đảm rằng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bao gồm cả quyền thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, được bảo đảm đầy đủ cho mọi người dân Sudan”
Trong trường hợp bị kết tội ngoại tình, theo luật Sharia của Hồi Giáo, người đàn bà bị phạt nặng hơn người đàn ông với nguy cơ bị treo cổ. Người đàn ông ngoại tình chỉ bị tối đa là 5 năm tù.
Source:Crux
2. Toàn văn bài viết của Đức Hồng Y Filoni lên tiếng bênh vực Đức Bênêđíctô XVI
Giữa sự đau khổ tột cùng của cá nhân Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và của cả Giáo Hội trước những tấn kích kinh hoàng nhắm vào vị Giáo Hoàng thánh thiện, khiêm nhường, đáng kính nhằm làm tiền đề cho cái gọi là Tiến Trình Công Nghị tại Đức, Đức Hồng Y Fernando Filoni, nguyên tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã có một bài viết nhan đề “Chi è Benedetto XVI?”, nghĩa là “Đức Bênêđíctô XVI là ai?”.
Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Bênêđíctô XVI là ai? Đây là câu hỏi đã xuất hiện trong đầu của nhiều người trong những ngày gần đây; những ngày đau khổ tột cùng cho ngài và cho Giáo Hội.
Vào đầu triều đại giáo hoàng của mình vào năm 2005, ngài muốn nói rằng ngài thấy mình như một người đầy tớ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa, khi nghĩ đến dụ ngôn được tìm thấy trong Phúc âm Thánh Matthêu (21: 33-43). Trong dụ ngôn đó, Chúa Giêsu chỉ trích hành vi của những người, do sự bất trung của mình, đã hủy hoại vườn nho được trồng bằng sự hy sinh và lòng tận tụy. Trong vườn nho đó, được Thiên Chúa yêu thương, người chủ đã cử các tá điền đến để bảo đảm nó được chăm bón tốt. Nó thuộc về ông; và các tá điền lẽ ra phải chăm sóc nó chứ không chiếm đoạt nó.
Tôi được biết đến cá nhân Đức Bênêđíctô XVI trên hết vì khi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng của ngài, ngài đã gọi tôi đến Rôma từ Phi Luật Tân, nơi một năm trước đó ngài đã chỉ định tôi làm đại diện giáo hoàng của ngài.
Tôi nhớ rõ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi; đó là vào đầu tháng 7 năm 2007. Ngài đã bổ nhiệm tôi là Sostituto, hay Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tức là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của ngài. Điều này cho phép tôi đến thăm ngài ít nhất một lần một tuần để nói về những vấn đề gần gũi với tấm lòng của ngài và nhận được sự hướng dẫn thích hợp về nhiều khía cạnh của đời sống Giáo triều và Giáo Hội.
Chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng được giao trách nhiệm tổ chức các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, do đó trong suốt 4 năm tôi tại vị, trước khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, tôi đã có cơ hội tháp tùng ngài đến nhiều quốc gia khác nhau, nơi ngài đã thực hiện các cuộc tông du của mình.
Trong những năm đó, vấn nạn ấu dâm nổi lên với mức độ độc hại như một dịch bệnh trong Giáo Hội. Nó đã không được biết đến trong các thuật ngữ đã dần dần xuất hiện. Nhưng tôi luôn thấy rõ rằng Đức Bênêđíctô XVI sẵn sàng đối mặt với nó với quyết tâm.
Trước hết, tôi có thể làm chứng cho sự trung thực sâu sắc và rất cao về mặt đạo đức và trí tuệ của ngài.
Điều này là không thể nghi ngờ, ngay cả khi không thiếu những người ngày nay đang tập hợp lực lượng chống lại ngài. Họ có tự do để làm việc đó, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tôi chưa hề tìm thấy ở ngài bóng dáng hay toan tính nhằm che giấu, giảm thiểu điều gì. Sự nhạy cảm của ngài trong việc giải quyết mọi việc với một ý thức đạo đức sâu sắc không thể bị hồ nghi với sự không chắc chắn hay bất cứ điều gì khác.
Tôi cũng biết rõ sự đau khổ tột cùng của ngài khi đối mặt với những câu hỏi nghiêm trọng của Giáo Hội, và tôi nhớ rõ ràng một câu nói mà ngài thường thốt ra với một tiếng thở dài: “Vực thẳm mà chúng ta rơi vào vì sự khốn nạn của con người mới khó hiểu biết bao!” Điều này khiến ngài đau khổ và đôi khi ngài im lặng trong một thời gian dài. Còn hơn thế nữa nếu những khốn khổ của nhân sinh này đã chạm đến những người trong Giáo Hội.
Ngài có một sự nhạy cảm đáng chú ý đối với các nạn nhân. Khi chuẩn bị cho các chuyến tông du (đến Hoa Kỳ, Úc, v.v.), ngài nhận được yêu cầu gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng, ngài đã kể cho tôi nghe về họ; ngài muốn biết suy nghĩ của tôi về cách đáp ứng những yêu cầu này.
Tôi có thể khẳng định rằng ngài đã khuyên hai điều rất quan trọng đối với ngài. Thứ nhất là tôn trọng sâu sắc các nạn nhân mà danh tính của họ phải được bảo vệ; do đó, ngài muốn các cuộc họp diễn ra xa khỏi cái nhìn của máy ảnh hoặc các dụng cụ thu hình khác. Ngài không muốn bất kỳ khán giả nào, nhưng ngài muốn tôi nằm trong số rất ít những người có mặt một cách kín đáo.
Thứ hai: Ngài không muốn cuộc gặp gỡ trở thành một loại “tiếp kiến” chỉ với một cái bắt tay đơn giản và một cái nhìn lướt qua, mà là một buổi gặp gỡ cầu nguyện thực sự; nó phải có một chiều kích tâm linh và diễn ra trước mặt Thiên Chúa, Đấng mà từ đó ta phải cầu xin lòng thương xót.
Vì lý do này, ngài chấp nhận ý tưởng rằng các buổi gặp gỡ nên diễn ra trong nhà nguyện, trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì vậy, sau vài phút cầu nguyện với các nạn nhân, sau những giây phút nặng nề xúc động, ngài sẽ đọc Kinh Lạy Cha với họ; ngài chú ý đến từng người trong số họ, lắng nghe với cảm xúc có thể nhìn thấy và sờ thấy được, và cuối cùng, ngài giao cho mỗi người một chuỗi tràng hạt.
Trong những cuộc gặp gỡ đó, không chỉ có cảm giác về sự sỉ nhục mà các nạn nhân phải chịu đựng, mà còn có sự sỉ nhục của một người trong Giáo Hội, là người không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng những hành động hèn hạ đó lại có thể xảy ra, mà bây giờ lại trao ra dầu xoa dịu là lời cầu nguyện và sự an ủi từ tình liên đới nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình và gánh trên vai thân phận con người và tội lỗi của nó.
Trong mọi cuộc gặp gỡ, luôn có một sự công nhận thực sự rằng con người và tinh thần đã bị xâm phạm. Luôn có một sự phó thác cho Thiên Chúa bởi những anh chị em cảm động tột độ; có một lời khẩn xin tha thứ của toàn thể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa, và có một cam kết rằng Đức Bênêđíctô XVI sẽ kết hợp lòng thương xót và công lý. Điều đó ngài đã làm qua các bước mà trước đây chưa hề tồn tại.
Đây là Đức Bênêđíctô XVI, người mà tôi đã biết cận cảnh. Một “mục tử”, một “công nhân” trong vườn nho của Chúa, người luôn có trong trái tim mình – một “lời cầu xin sâu sắc cho tất cả các Giáo Hội” và cho một nhân loại đau khổ, sa ngã và vô thần, phù hợp với những gì ngài đã nói khi ngài đến thăm, vào buổi chiều xa xôi ngày 25 tháng 4 năm 2005, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi Vị Tông đồ Dân ngoại yên nghỉ.
Source:ACI Stampa
3. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm giám mục Công Giáo mới của Fatima
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y António Marto vào hôm thứ Sáu và bổ nhiệm một vị giám mục mới cho giáo phận Leiria-Fátima.
Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm Đức Cha José Ornelas Carvalho lãnh đạo giáo phận Bồ Đào Nha có một trong những đền thờ Đức Mẹ nổi tiếng nhất thế giới vào ngày 28 tháng Giêng.
Đức Cha Ornelas đã lãnh đạo giáo phận Setúbal, tây nam Bồ Đào Nha, kể từ năm 2015 và được bầu làm chủ tịch hội đồng giám mục Bồ Đào Nha vào năm 2020.
“Đức Cha José Ornelas mang theo tài sản khổng lồ và độc nhất vô nhị để tạo động lực mới cho công cuộc đổi mới mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fátima,” Đức Hồng Y Marto nói trong một video sau khi việc bổ nhiệm được công bố.
“Ngài là một giám mục có ‘mùi chiên’, có mối quan hệ mật thiết và trìu mến với các tín hữu trung thành của Chúa, giáo dân, linh mục và các thành viên của đời sống thánh hiến, cởi mở cho các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn cũng như với những người ngoại đạo”.
Đức Hồng Y Marto nói rằng ngài đã nộp đơn từ chức trước khi tròn 75 tuổi vào ngày 5 tháng 5 do “hạn chế về sức mạnh thể chất và tinh thần để có thể thực hiện đầy đủ chức vụ, theo nhu cầu mục vụ của giáo phận và Đền thờ Fatima.”
Vị Hồng Y người Bồ Đào Nha đã làm giám mục Fatima trong gần 16 năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên phong ngài làm giám mục vào năm 2000 và Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài lãnh đạo giáo phận Leiria-Fátima vào năm 2006. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong ngài làm Hồng Y vào năm 2018.
Đức Hồng Y Marto sẽ giữ chức vụ Giám Quản Tông Tòa của giáo phận cho đến khi Đức Cha Ornelas nhận tòa trong thánh lễ tại nhà thờ chính tòa ở Leiria vào ngày 13 tháng Ba.
Đức Cha Ornelas, 68 tuổi, sinh ra trên đảo Madeira của Bồ Đào Nha, nằm cách Maroc 320 dặm về phía tây.
Ngài vào tiểu chủng viện của giáo phận năm 10 tuổi. Với ước mơ trở thành nhà truyền giáo, sau đó ngài vào trường Cao đẳng Truyền giáo của Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và tiếp tục học ở Bồ Đào Nha tại Học viện Truyền giáo ở Coimbra.
Vào đầu những năm 20 tuổi, Ornelas dành hai năm làm nhà truyền giáo cho Dòng Thánh Tâm ở Mozambique trước khi trở về Lisbon để hoàn thành bằng thần học tại Đại học Công Giáo Bồ Đào Nha.
Ornelas được tấn phong linh mục năm 1981 ở tuổi 27. Ngài có bằng tiến sĩ Thần học Kinh thánh tại Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh ở Rôma.
Ngài giữ chức vụ bề trên Tổng quyền của Dòng Linh mục Thánh Tâm từ năm 2003 đến năm 2015, cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong ngài làm giám mục Setúbal.
Hàng ngàn người Công Giáo trẻ tuổi dự kiến sẽ đến Bồ Đào Nha vào năm tới cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được tổ chức tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023.
Đức Hồng Y Marto nói rằng Ornelas, với tư cách là một linh mục truyền giáo và là một bề trên tổng quyền, mang theo “một tầm nhìn phong phú và kinh nghiệm phổ quát về Giáo Hội và thế giới trong sự đa dạng của năm châu lục”.
Đức Hồng Y nói: “Là giám mục của Setúbal và là chủ tịch hội đồng giám mục, ngài đã đưa ra chứng tá về kinh nghiệm mục vụ liên quan đến tính năng động truyền giáo của một Giáo Hội gần gũi và hướng ngoại.
Source:Catholic News Agency
Gần một năm sau khi quỳ giữa bụi đất để cầu xin cảnh sát Miến Điện đừng bắn những người biểu tình chống đảo chính, sơ Ann Rose Nu Tawng vẫn run rẩy khi nhớ về ngày mà sơ nói Chúa đã cứu sơ.
Một bức ảnh chụp người nữ tu Công Giáo với trang phục màu trắng giản dị, tay dang rộng cầu xin lực lượng quân đội trong những tuần đầu tiên của cuộc biểu tình chống lại chế độ này, đã lan truyền ở đất nước đa số theo đạo Phật và gây xôn xao khắp thế giới.
Hai người trong cuộc biểu tình hồi đầu tháng Ba ở bang Kachin, miền bắc Kachin đã bị bắn chết, sơ Ann Rose sau đó đã đưa một đứa trẻ bị thương đến bệnh viện.
Sơ ấy nói với AFP rằng trong sự bối rối và hỗn loạn, sơ ấy không biết bức ảnh đã được chụp khi nào và ảnh hưởng của nó ra sao.
“Chỉ khi tôi trở về nhà, tôi mới biết rằng bạn bè và gia đình đã rất lo lắng cho tôi,” sơ nói và cho biết thêm mẹ sơ đã mắng sơ trong nước mắt vì đã liều lĩnh như vậy.
“Khi tôi nhìn vào bức ảnh đó, tôi thậm chí không thể tin được rằng mình đã ở đó để cứu sống mọi người giữa lúc hỗn loạn đang xảy ra, súng bắn và những bước chân chạy dồn dập”.
“Tôi tin rằng Chúa đã cho tôi can đảm… bản thân tôi sẽ không đủ can đảm để làm điều đó.”
Chạy trốn khỏi quân đội là điều mà sơ Ann Rose biết từ thời thơ ấu của mình ở bang Shan đầy xung đột ở miền đông Miến Điện.
Là con gái của một người cha là mục sư và một người mẹ là giáo viên, sơ ấy bị buộc phải bỏ nhà đi khi mới 9 tuổi, với nỗi sợ hãi về những người lính giờ đã in sâu vào tâm trí mà sơ lo lắng đang lặp lại ở trẻ em ngày nay.
“Tôi đã từng chạy như một đứa trẻ khi họ vào làng… bất cứ khi nào tôi nhìn thấy những người lính và cảnh sát trong quân phục, tôi cảm thấy sợ hãi, ngay cả bây giờ”.
Nhưng vào ngày tháng Ba đó ở Myitkyina, “Tôi không kịp nghĩ đến sợ hãi”.
“Tôi chỉ nghĩ rằng tôi cần phải giúp đỡ và cứu những người biểu tình.”
Trong những ngày sau đó, cuộc đàn áp của quân đội chính phủ tăng lên. Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng họ đã ghi lại các hành vi tàn bạo bao gồm việc sử dụng vũ khí chiến trường đối với những người biểu tình không có vũ khí.
Theo một nhóm giám sát địa phương, hơn 1,400 dân thường đã thiệt mạng và hơn 10,000 người bị bắt.
Không còn tự do
Sơ Ann Rose đã phát hiện ra rằng có một cái giá phải trả cho việc công khai đứng lên chống lại chính quyền.
Cô cho biết cô đã bị lực lượng an ninh tạm giữ nhiều lần. Họ yêu cầu kiểm tra điện thoại và chụp ảnh sơ.
Sơ ấy không liên quan đến chính trị nhưng giờ sơ ấy quá sợ hãi không dám ra ngoài một mình.
“Tôi không còn tự do nữa,” vị nữ tu nói.
Nữ tu sĩ – người trước đây được đào tạo như một y tá – hiện làm việc tại các trại cư trú của những người phải di dời ở bang Kachin, nơi xảy ra xung đột kéo dài nhiều năm giữa các nhóm vũ trang sắc tộc và quân đội.
Các cuộc giao tranh ở Kachin và những nơi khác ở phía bắc đất nước giáp với Trung Quốc gần đây đã tạm lắng nhưng ở những nơi khác, bạo lực kinh hoàng vẫn tiếp diễn.
Quân đội gần đây đã bị cáo buộc về một vụ thảm sát vào đêm Giáng Sinh sau khi tàn tích cháy nám của hàng chục thi thể được phát hiện trên một đường cao tốc ở phía đông đất nước.
Nhìn thấy chu kỳ đẫm máu của những cuộc đụng độ và trả đũa “tôi cảm thấy như trái tim tôi muốn vỡ tung”, sơ Ann Rose nói.
Nhưng niềm tin của sơ ấy mang lại cho sơ hy vọng, và ý thức về mục đích của đời mình.
“Cảm ơn Chúa, tôi còn sống… Có lẽ Ngài muốn dùng tôi cho các mục đích tốt.”
Source:Licas
5. Ngỡ ngàng: Đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha cử Isabel Celaá làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh
Trong một diễn biến gây ngỡ ngàng cho nhiều người, Đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha đã cử nhân vật khét tiếng bài Công Giáo Isabel Celaá làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh.
Quyết định này đã được đăng trên Công báo Nhà nước. Quyết định vừa nói cũng bao gồm việc sa thải Carmen de la Peña Corcuera, người đã từng là đại sứ cạnh Tòa Thánh kể từ năm 2018.
María Isabel Celaá Diéguez, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1949, là một chính trị gia người Tây Ban Nha. Người ta thường nói xấu người đẹp nết. Isabel Celaá đã xấu người còn xấu cả nết.
Ngày 7 tháng 6 năm 2018, Pedro Sánchez sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha đã bổ nhiệm Isabel Celaá làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong vai trò này, Isabel Celaá xung đột thường xuyên với các trường Công Giáo. Bà ta ép các trường Công Giáo phải dạy ý thức hệ giới tính cho học sinh, và tấn công quyền lựa chọn trường của phụ huynh bằng cách loại bỏ các trợ cấp xã hội cho các phụ huynh nào không chọn trường công.
Một trong những khoảnh khắc căng thẳng nhất mà bà đã trải qua với tư cách là một bộ trưởng Giáo dục là việc khi bà tham gia vào Đại hội các trường Công Giáo vào năm 2019, nơi bà nói rằng “không thể nói rằng quyền chọn trường của phụ huynh là một phần của quyền tự do giáo dục”. Nhiều khán giả đã đứng dậy la hét và bỏ ra về.
Nhiều tháng sau, lại xảy ra một cuộc tranh luận về mối quan hệ của con cái với cha mẹ trong đó bà ta nói rằng “chúng ta không thể giả định cách nào đó rằng con cái thuộc về cha mẹ của chúng”.
Trong một cố gắng xoa dịu quần chúng để kiếm phiếu, Pedro Sánchez đã sa thải bà ta khỏi chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong 6 tháng qua, bà ta đã ngồi chơi xơi nước, trước khi được Pedro Sánchez cử làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh. Khác với Hoa Kỳ nơi vị tân đại sứ cần được Thượng Viện lưỡng đảng phê chuẩn, tại Tây Ban Nha đảng cầm quyền có toàn quyền quyết định. Đại sứ là người nối nhịp cầu giữa hai nước. Cử một kẻ bài Công Giáo ác liệt như thế làm Đại sứ, Pedro Sánchez xem ra có ý muốn cắt đứt nhịp cầu hơn là xây dựng nhịp cầu.
Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.
Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho hơn 600 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Source:alfayomega.es/
6. Bị ma quỷ lạm dụng tình dục
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #127: Sexually Abused by Demons”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 127: Bị Ma Qủy Lạm Dụng Tính Dục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Vào giữa buổi trừ tà, “Lucy” bắt đầu la hét và đập phá. Qua giọng nói của cô ấy, tôi biết đó không phải là ma quỷ; đó là chính Lucy. “Gỡ chúng ra khỏi tôi!” cô ta đã hét lên. Tôi hỏi “Có phải là yêu quái quấy rối con không?” Cô ấy bắt đầu nức nở, “Vâng.”
Nhóm trừ tà ngay lập tức chuyển sang chế độ bảo vệ. Những người trừ quỷ ra lệnh cho lũ quỷ dừng lại. Chúng tôi cầu xin Đức Mẹ trải rộng lớp áo che chở với tất cả sự trong sạch trên cô ta. Chúng tôi đã yêu cầu các quyền năng thiên thần từ trời cao thiết lập một vòng bảo vệ xung quanh cô ấy. Sau khoảng năm phút, mọi chuyện dừng lại.
Cách đây không lâu, một linh mục mới tham gia vào sứ vụ trừ tà gọi cho tôi để hỏi ý kiến. Ngài nói rằng ngài có một người mới được giới thiệu đến và người phụ nữ này khẳng định đã bị ma quỷ lạm dụng tình dục vào ban đêm. Ngài đã hoài nghi. Tôi đã giải thích rằng điều này thực sự phổ biến. Một trong những thủ đoạn gây khó chịu nhất của ma quỷ là lạm dụng tình dục và do đó khiến phụ nữ xấu hổ và tổn thương.
Thật khó hiểu tại sao Chúa lại cho phép điều này. Nhưng hàng triệu người trên toàn cầu mỗi năm bị con người lạm dụng tình dục. Lạm dụng tình dục là một hành vi xấu xa liên minh với Satan và tay sai của hắn.
Sau buổi trừ tà, tôi giải thích với Lucy rằng quỷ không có giới tính cũng như không có cơ thể. Họ không thực sự quan hệ tình dục với cô ấy. Tuy nhiên, họ có thể tạo ra cảm giác giống hệt như bị lạm dụng bao gồm tất cả các cảm giác thể chất. Mặc dù tôi biết rằng điều này không làm giảm trải nghiệm khủng khiếp đối với cô ấy, nhưng có lẽ cô ấy có thể nhận ra đó là một sự lừa gạt và dối trá khác của ma quỷ.
Khi buổi trừ tà kết thúc, các linh mục đã cầu nguyện một lời cầu nguyện chữa lành cho Lucy. Chúng tôi đã cầu nguyện xin Chúa chữa lành mọi tổn thương và chấn thương cho cô ấy, trong quá khứ hay hiện tại.
Một lễ trừ tà là một công việc đầy những bẩn thỉu, ghê tởm vì sự hiện diện của những con quỷ độc ác và tất cả những gì chúng làm. Nó đặc biệt khủng khiếp, và chúng ta cũng có thể cảm thấy bất lực và đau đớn tận tâm can, khi người đau khổ đang bị hành hạ bởi những con quỷ ngay trước mặt chúng ta.
Tất cả chúng ta có thể dâng những đau khổ của mình lên Đấng đã gánh chịu toàn bộ tội ác và tội lỗi cho chúng ta. Cầu mong Chúa Giêsu che chở cho Lucy và tất cả chúng ta.
Source:Catholic Exorcisms