Giải đáp phụng vụ: Câu “Giáo Hội như là bí tích” được hiểu thế nào?


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tại sao Giáo Hội Công Giáo là một bí tích? – A. A., Wiaga, Ghana.

Đáp: Đây quả là một thách thức và gần như đòi hỏi một bài tiểu luận. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng để nói gọn gàng và súc tích.

Khi nói về chủ đề này, hầu hết mọi người đều tham khảo Công đồng chung Vatican II. Văn kiện của Công đồng về phụng vụ, Sacrosanctum Concilium, nói trong số 5 như sau:

“Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước, qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người. Nhờ đó “Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống”. Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội” (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học, Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt).

Trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, của Công đồng chung Vatican II, ý tưởng này được củng cố trong số 9:

“Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc” (Bản dịch, như trên).

Sau đó, trong số 48, Giáo Hội được qui chiếu một cách rõ ràng như là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”.

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng ý tưởng của Giáo Hội như là bí tích chỉ xuất hiện trong đầu thập niên 1960. Kinh Thánh đã mô tả mầu nhiệm (đôi khi đồng nghĩa trong thực tế với từ ngữ Latinh Sacramentum, hoặc bí tích) của Giáo Hội khi nói rằng “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao” (1 Cr 3:16); và rằng sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ trong Giáo Hội (Lc 12:32; Mc 4: 26-29). Mầu nhiệm của thân thể Chúa Kitô (1Cr 12: 1 và tiếp theo) được biểu lộ rõ ràng qua các hình ảnh như đàn chiên, cây nho, lâu đài, đền thờ, hiền thê.

Các Giáo Phụ cũng mô tả thực tế này với các lối nói có ý nghĩa. Sách Didache (được viết giữa năm 90 và năm 120) nói về “mầu nhiệm vũ trụ của Giáo Hội”, thánh Xyprianô (qua đời năm 258) gọi Giáo Hội là “mầu nhiệm lớn của ơn cứu độ”, và thánh Âutinh (354-430) nói đến Giáo Hội như là “bí tích kỳ diệu sinh ra từ cạnh sườn Chúa Kitô”, như được trích dẫn ở trên trong văn kiện Sacrosanctum Concilium, số 5.

Trong phụng vụ, chúng ta tìm thấy nhiều thí dụ. Một lời nguyện, được một số người gán cho Ðức Giáo Hoàng Lêô Cả (390-461) và được tìm thấy trong bản thảo Gelasia từ năm 750, gọi Giáo Hội là bí tích tuyệt vời, mà qua đó công cuộc cứu chuộc được tiếp tục, và thế giới được phục hồi trở về với định mệnh đầu tiên của mình. Nói cách khác Giáo Hội, như một thụ tạo mới của Chúa Kitô, phải là bí tích hướng dẫn thế giới trở về với kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa.

Với sự ra đời của thần học Kinh viện, khái niệm Giáo Hội như là bí tích bị mờ khuất trong một thời gian, mặc dù ý tưởng đã dần dần hồi phục trong các thế kỷ XIX và XX. Chủ đề được thảo luận rộng rãi trong các thập kỷ trước Công đồng chung Vatican II bởi một số nhà thần học lớn.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, trong một cách tóm lược các suy tư ban đầu, đã bàn đến khái niệm trong nhiểu đoạn văn, nhưng đặc biệt là trong số 774-776 liên quan đến Giáo Hội như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ:

“774. Tiếng La tinh dùng hai từ Mysterium (mầu nhiệm) và Sacramentum (bí tích) để dịch từ Mysterion của Hi lạp. Về sau, người ta phân biệt thuật ngữ Sacramentum (bí tích) để diễn tả dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ thuật ngữ Mysterium (mầu nhiệm) diễn tả ơn cứu độ ẩn giấu dưới dấu chỉ hữu hình đó. Theo nghĩa này, chính Ðức Kitô là mầu nhiệm cứu độ: mầu nhiệm Thiên Chúa không có gì khác hơn là chính Ðức Kitô (T. Âutinh thư 187, l1, 34). Công trình cứu độ của nhân tính thánh thiên và có sức thánh hóa của Ðức Kitô là bí tích cứu độ được tỏ lộ và tác động trong các bí tích của Giáo Hội (mà các Giáo Hội Ðông Phương gọi là các “mầu nhiệm thánh”). Bảy bí tích là những dấu chỉ và những khí cụ Chúa Thánh Thần dùng để ban tràn đầy ân sủng của Ðức Kitô là Ðầu, cho Giáo Hội là Thân Thể. Như thế, Giáo Hội chứa đựng và thông ban ân sủng vô hình mà Giáo Hội là dấu chỉ. Chính trong nghĩa loại suy này mà Giáo Hội được gọi là “bí tích”.

“775. “Trong Ðức Kitô, Giáo Hội là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 8). Mục đích đầu tiên của Giáo Hội là trở thành bí tích của sự kết hiệp mật thiết con người với Thiên Chúa. Vì sự hiệp thông giữa con người với nhau bắt nguồn từ sự kết hiệp với Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng là bí tích hiệp nhất của nhân loại. Trong Giáo Hội, sự hiệp nhất đó đã bắt đầu, vì Giáo Hội qui tụ những người “thuộc mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9); đồng thời, Giáo Hội là “dấu chỉ và khí cụ” thực hiện trọn vẹn sự hiệp nhất còn phải đạt đến.

“776. Vì là bí tích, Giáo Hội cũng là khí cụ của Ðức Kitô. “Chúa Kitô dùng Giáo Hội như khí cụ để cứu chuộc mọi người” (x. LG 9), như “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (x. LG 48), nhờ đó Ðức Kitô “bày tỏ và thực hiện mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương con người” (x. GS 45, 1). Giáo Hội là “dự phóng hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại” (ĐTC Phao1ô VI, diễn từ ngày 22-6-1973). Thiên Chúa muốn cho “tất cả loài người họp thành một Dân duy nhất của Thiên Chúa, quy tụ trong Thân Thể duy nhất của Ðức Kitô, xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Thánh Thần” (AG 7; LG 17)” (Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Vì vậy, như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết, khái niệm Giáo Hội như bí tích là loại suy, và không có nghĩa rằng Giáo Hội là bí tích thứ tám.

Việc xem Giáo Hội như một bí tích giúp chúng ta có sự nắm bắt bảy bí tích rõ ràng hơn trong trong khuôn khổ của chính Giáo Hội. Chúng ta có thể thấy rõ hơn làm thế nào các ảnh hưởng của sự tham dự bí tích vượt quá mối quan hệ của cá nhân với Thiên Chúa, và làm gia tăng sự thánh thiện của toàn thể Giáo Hội.

Khái niệm này cũng làm sáng tỏ các châm ngôn cổ điển như “Giáo Hội làm nên Thánh Thể, và Thánh Thể làm nên Giáo Hội”. Thánh Thể, trong một cách thức là toàn bộ đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội, tham gia trong một sự tương tác liên tục. Hành động cứu độ nển tảng của Chúa Kitô đến với các cá nhân thông qua Giáo Hội và các bí tích của Giáo Hội, và đồng thời việc cá nhân ôm trọn hành động cứu độ này thánh hóa và xây dựng Giáo Hội.

Linh đạo này, vốn có thể phái sinh từ việc đồng hóa sự hiệp thông cơ bản này trong Chúa Kitô, được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của Giáo Hội và – bởi vì Giáo Hội cũng là bí tích cho thế giới – với mỗi một con người, có thể dẫn chúng ta hiểu rằng mọi việc lành mà chúng ta làm, và cả các việc kém tích cực hơn của chúng ta, có các tác động vượt quá khu vực trực tiếp của chúng ta, và không chỉ mở rộng từ “khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn”, nhưng còn có thể đến tận chính thiên đàng, thông qua sự hiệp thông của các thánh nữa. (Zenit.org 21-2-2017)

Nguyễn Trọng Đa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *