Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tôi có mặt tại một địa điểm hành hương địa phương, và đồng tế trong một Thánh lễ hành hương người Tây Ban Nha. Chú giúp lễ mặc một áo trắng dài và áo các phép. Khi vị chủ tế đọc đến phần kinh khẩn cầu Chúa Thánh Linh, chú giúp lễ đứng lên và bước ra trước mặt bàn thờ. Chú chấp tay dừng lại một chút, rồi phủ phục trên sàn trong suốt quá trình truyền phép. Thưa cha, liệu có chữ đỏ nào cho việc phủ phục, ngoài nghi thức truyền chức, trong các nghi thức bình thường của Thánh lễ không? – P. N., Huntsville, Alabama, Hoa Kỳ.
Đáp: Tôi chưa bao giờ nhìn thấy tư thế này cho người giúp lễ trong bất cứ Thánh lễ nào, dù là Thánh lễ Tây Ban Nha hoặc Thánh lễ khác, và chỉ có thể giả định rằng đó hoặc là hành vi của lòng đạo cá nhân, hoặc một phong tục địa phương hạn hẹp.
Tư thế tôn kính phổ quát trong khi truyền phép cho cho tất cả các tín hữu là quì gối, như đã được quy định trong số 43 của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM).
Mặc dù việc phủ phục cho thấy một cách đáng khen ngợi niềm tin sâu xa vào mầu nhiệm Thánh Thể, nó lại là không thích hợp cho một tư thế chung của mọi tín hữu. Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 42, nói: “Ðiệu bộ chung của thân thể mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ tính tập thể và hiệp nhất của các phần tử cộng đoàn Kitô tập họp cử hành Phụng Vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục P.X. Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Cử chỉ sấp mình xuống (sự phủ phục, sự cúi rạp, sự bái lạy) là dấu hiệu biểu lộ nhất của một cảm thức về sự khiêm tốn và tôn kính sâu sắc. Do đó, tổ phụ Áp-ra-ham và Mô-sê đã cúi rạp trước mặt Thiên Chúa (Sáng thế 17: 3, Xuất hành 34: 8). Người bệnh bái lạy Chúa Giêsu khi xin chữa lành (Mt 8: 2), cũng như các người lạy Chúa để chứng tỏ tình cảm của họ về sự tôn thờ (Mt 14:33, 28: 9). Sách Khải Huyền cũng cho thấy hình ảnh trái ngược của các người sấp mình xuống trước mặt Thiên Chúa (4:10), và các người thờ phượng ngẫu tượng hay con thú (13:4).
Thỉnh thoảng, tư thế này cũng biểu thị một thái độ ăn năn, chẳng hạn khi các anh em của Giu-se đã sấp mình xuống trước ông, như một dấu hiệu của sự tôn trọng, và xin sự tha thứ (Sáng thế 42: 6, 43: 26,28, 44:14).
Trong nghi lễ Gallican cổ đại từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII ở Pháp và Đức, tư thế phủ phục đã được sử dụng ở đầu mỗi Thánh Lễ. Một dấu vết của sự thực hành này vẫn còn được tìm thấy vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, mà trong đó chủ tế phủ phục trước bàn thờ trống, trước khi bắt đầu cử hành cuộc Thương khó của Chúa. Ngoài ra, đó là một tư thế tương đối hiếm trong nghi lễ Rôma, và vì chính lý do này, nó giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của giây phút hiện tại.
Việc phủ phục được sử dụng phổ biến nhất trong thời điểm đọc Kinh cầu các Thánh, trong lễ truyền chức hoặc tấn phong. Nó cũng được sử dụng trong thời điểm lễ nghi tương tự cho một số nghi thức đặc biệt khác, chẳng hạn như lễ chúc phong cho một viện phụ hoặc viện mẫu. Nó cũng có thể được sử dụng cho nghi thức thánh hiến các trinh nữ. Và một số Dòng tu chọn tự thế này cho lễ khấn trọn.
Ở nhiều quốc gia, tư thế này được sử dụng trong cầu nguyện riêng tư sâu lắng, và như một cử chỉ ăn năn và hãm mình khổ chế. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường cầu nguyện phủ phục trước bàn thờ và nhà tạm, trong nhà nguyện riêng của ngài, khi ngài làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Krakow, và khi làm Giáo hoàng ở Vatican.
Trước đó, một bạn đọc ở Trenton, New Jersey, Hoa Kỳ, đã hỏi về một vấn đề liên quan đến nghi thức truyền phép.
Bạn đọc này viết: “Tôi cho rằng không có chữ đỏ, nhưng tư thế được đề nghị trong khi quỳ xuống là gì? Cụ thể, tôi cảm thấy thật là ý nghĩa khi cúi đầu sâu lúc nghe lời truyền phép, rồi nhìn lên, thờ lạy, và nói “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”, trong khi cúi đầu sâu lúc Mình và Máu Chúa được nâng lên. Tuy nhiên, có vẻ như tôi là không giống người ta, vì tôi nhận thấy rất nhiều người làm ngược lại – họ nhìn lúc truyền phép, và cúi đầu khi Mình và Máu Chúa được nâng lên. Về việc này, cha có gợi ý như thế nào?”
Như bạn đọc của chúng ta nói, không có chữ đỏ về điểm này, ngoại trừ việc các tín hữu quỳ gối xuống. Tôi đã viết một vài lần rằng sự cúi đầu trong khi linh mục nâng Mình và Máu Chúa là không đúng, bởi vì mục đích của việc nâng Mình và Máu Chúa là chính xác cho mọi người nhìn thấy.
Sự quì gối đã là một hành vi của sự tôn kính, vì vậy không cần phải cúi đầu khi nghe lời truyền phép. Đồng thời, nếu điều này giúp người ta tập trung tâm trí, và hiệp nhất tinh thần với nhau hơn nữa cho hành động thiêng liêng ấy, thì tôi nghĩ không thấy có lý do gì mà không thể cúi đầu. Đây là một vấn đề về cảm thức thiêng liêng của mỗi người. Một số người thấy là lợi ích hơn khi nhìn trong thời điểm truyền phép, còn một số người khác, chẳng hạn bạn đọc này của chúng tôi, thấy là lợi ích hơn, khi không làm như vậy. Giáo Hội không bắt buộc, cũng không xem thường cả hai sự thực hành này. (Zenit.org 8-2-2011 và 22-2-2011)
Nguyễn Trọng Đa