Giáo Hội Công Giáo Na Uy liên tục gia tăng tín hữu

1. Trong khi thế giới chú ý đến Qatar, nhà thờ địa phương vẫn bị lu mờ

Theo Open Doors – tổ chức chuyên giám sát cuộc đàn áp Kitô giáo trên thế giới – “các cộng đồng Kitô giáo được ghi danh chính thức tiếp tục bị che giấu khỏi dân chúng nói chung.”

Hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ đổ dồn về Qatar để chứng kiến Giải vô địch túc cầu thế giới mà tiểu vương quốc nhỏ bé này tổ chức từ Chúa Nhật vừa qua cho đến ngày 18 tháng 12.

Open Doors lưu ý rằng, bất chấp bầu không khí lễ hội mà đất nước đang trải qua trong những tuần này, thực tế của Giáo Hội Công Giáo bản xứ thật đáng lo ngại. “Khách du lịch được khuyến khích đến thăm các viện bảo tàng, di sản văn hóa và trung tâm mua sắm của Qatar, nhưng có một điều họ sẽ không thể làm là đến thăm một nhà thờ.”

Tổ chức chuyên giám sát cuộc đàn áp Kitô giáo trên khắp thế giới nêu bật tình hình bất thường mà các Kitô hữu Qatar đang phải đối mặt. “Cộng đồng Kitô giáo sôi nổi của đất nước đã hoàn toàn bị che giấu.” “Một số ít người Qatar cải đạo không có giấy phép chính thức để gặp gỡ hoặc cử hành việc thờ phượng Kitô giáo. Bỏ đạo Hồi để chuyển sang tín ngưỡng khác bị coi là bội giáo và bị trừng phạt bằng cái chết theo luật Hồi giáo Sharia. Ngoài ra, những tín hữu này phải đối mặt với áp lực cực độ từ gia đình của họ và những thành viên còn lại trong cộng đồng của họ”

Qatar được xếp hạng thứ 18 trong ấn bản mới nhất của Danh sách theo dõi toàn cầu của Open Doors. Theo tổ chức này, các nhà thờ Kitô Giáo đã được nhà nước chính thức công nhận và đăng ký đều nằm trong khu phức hợp Mesaymeer ở Doha. Họ nói: “Đó là một nơi dành cho những người theo đạo Kitô, là một phần của cộng đồng người nước ngoài và những du khách không theo đạo Hồi cũng được phép vào”.

Open Doors cho biết: Mục đích của Mesaymeer là thúc đẩy đối thoại liên tôn. “Đó là một cử chỉ đẹp. Tuy nhiên, hiện nay nó đã quá bão hòa. Đã đến lúc những người theo đạo Kitô ở Qatar có thể tự do hội họp: việc thể hiện quyền tự do tôn giáo là một phần của quyền cơ bản và không phải là điều gì đó có thể che giấu như thể đó là điều gì đó đáng xấu hổ”

Như đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác, đại dịch cũng đã ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo ở Qatar. Open Doors cho biết: “Vào năm 2020, với đại dịch Covid-19, chính phủ đã gửi thông báo tới tất cả các nhà thờ nói rằng các cuộc tụ tập bên ngoài khuôn viên đều bị cấm,”

“Điều đó đã khiến hơn 100 nhà thờ không được phép thực hành đức tin của họ. Giờ đây, khi đại dịch đã lắng xuống và đất nước một lần nữa cởi mở hơn, các nhà thờ vẫn tiếp tục hoạt động mà không nhận được giấy phép mở cửa trở lại. Có một số dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi, nhưng nó đã không xảy ra”.


Source:evangelicodigital.com

2. Giáo Hội Công Giáo Na Uy liên tục gia tăng tín hữu

Đức Cha Erik Varden, Giám mục Giám hạt Trondheim ở miền Bắc Na Uy nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại nước này liên tục gia tăng số tín hữu vì làn sóng những người di dân, đặc biệt từ Ba Lan và Lituani, nhưng vẫn còn những cuộc trở lại đạo.

Số người Công Giáo tại Na Uy tăng từ 95,650 tín hữu trong năm 2015 lên 160.800 người trong năm 2019.

Đức Cha Varden là một người Na Uy từ Tin lành Luther trở lại Công Giáo năm 1993 và ngài là một linh mục Đan sĩ dòng Xitô Nhặt phép bên Anh quốc trong 17 năm, trước khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm cai quản Giám hạt Trondheim hồi năm 2019. Giám hạt này chỉ có 16,000 tín hữu Công Giáo trên tổng số 722,000 dân cư.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho National Catholic Reporter ở Mỹ, Đức Cha cho biết trong quá khứ, các tín hữu Kitô ở Na Uy trở lại Công Giáo nhưng nay phần lớn họ là những người không tín ngưỡng. Sự khám phá Giáo Hội Công Giáo trùng hợp với sự khám phá đức tin.

Đức Cha nói rằng trong việc mục vụ, ngài đặc biệt chú trọng đến việc giảng thuyết để dân chúng biết rõ hơn về kho tàng đức tin và ngài cảm thấy được khích lệ khi thấy nhiều người muốn tìm hiểu thêm về đức tin và gặp gỡ mầu nhiệm trong các cử hành phụng vụ nghiêm trang. Đức Cha cũng đặc biệt quan tâm đến việc mục vụ cho người trẻ, các sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ.

3. Đức Giám Mục cảnh báo Nigeria không được trở thành Afghanistan tiếp theo

Đức Giám Mục Jude Arogundade của Ondo, Nigeria, đã cảnh báo các chính trị gia Anh trong một cuộc họp ở Westminster, rằng đất nước của ngài có nguy cơ bị “thống trị như trường hợp của Afghanistan” nếu không có hành động quyết đoán chống lại các nhóm khủng bố và các nhà tài trợ cho họ”.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria đã nhiều lần lên tiếng phản đối tình trạng mất an ninh chưa từng có ở Nigeria nhưng không có kết quả,” ngài nói trong một bài phát biểu, đồng thời cho biết thêm rằng các Kitô hữu ở nước này có nguy cơ bị diệt chủng. “Chúng tôi đã tuần hành vì cuộc sống, phản đối và thậm chí kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari từ chức nếu ông ấy không có khả năng hoàn thành mục đích cơ bản của chính phủ – là bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của công dân. Dù chúng tôi đã làm mọi thứ, không có gì thay đổi”.

Đức Cha Arogundade giải thích rằng tính đến tháng 6 năm nay, 3478 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố. Ngài mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh và “tất cả những người có thiện chí buộc chính phủ Nigeria phải chấm dứt nạn diệt chủng.”

Đức Cha Arogundade cũng đã phát biểu tại buổi ra mắt ở London cuốn sách “Bị bách hại và Lãng quên? Báo cáo về các Kitô hữu bị áp bức vì đức tin của họ 2020-22,” được tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ ở Anh biên soạn và xuất bản. Ngài nhắc nhở những người có mặt về vụ tấn công xảy ra trong giáo phận của ngài vào ngày 5 tháng 6, nơi các tay súng nổ súng vào những người Công Giáo đang tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Phanxicô ở Owo, khiến 41 người thiệt mạng và 73 người bị thương.

Ngài nhấn mạnh: “Giống như các cuộc tấn công khác vào các nhà thờ ở Nigeria, không ai bị buộc tội vì phạm tội này. Không ai hoặc nhóm người nào đoái hoài đến việc chấm dứt mức độ hỗn loạn đang diễn ra ở Nigeria gây ra bao đau thương cho những công dân vô tội.”

Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho thấy Phi Châu đang chứng kiến sự gia tăng mạnh bạo lực khủng bố và hơn 7,600 Kitô hữu Nigeria đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022.


Source:Catholic Herald

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *