Tổng thống Trump hy vọng sẽ huy động hàng tỷ đô la từ việc xây dựng quân đội và những nổ lực ngăn chặn ma túy liên bang để tài trợ cho bức tường biên giới mà ông đề xuất lần đầu tiên vào năm 2015 trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Cũng trong cùng ngày, Quốc hội đã đồng ý cung ứng 1,4 tỷ đôla cho các tường rào biên giới bổ sung. Con số này khá thấp hơn so với con số 5,7 tỷ mà ông Trump yêu cầu để xây thêm 350 dặm vào 654 dặm của bức tường quốc gia, làm tường và các dạng rào cản vật lý khác dọc theo biên giới 1.950 dặm với Mexico.
Để thuyết phục tuyên bố khẩn cấp của mình, tổng thống Trump đã thường xuyên nói về tình trạng bất hợp pháp dọc biên giới phía nam. Ông cảnh báo về những người di cư không có giấy tờ, trong đó có nhiều kẻ phạm tội bạo lực, tràn ngập cộng đồng biên giới và cũng muốn nói đến những kẻ khủng bố đang bò qua sa mạc mở của quốc gia.
Về vấn đề biên giới từ cái nhìn của người lãnh đạo Giáo phận El Paso, Đức Giám mục Mark Seitz nói, “Tôi không nhận thấy một trường hợp khẩn cấp theo nghĩa là như ông Trump nói… một cuộc xâm lược của những kẻ ngoại.” El Paso là một thành phố sôi động của Texas có chung đường biên giới với Juarez, Mexico. Đức cha nói, “chúng ta là chỗ trũng theo nghĩa là nhiều người đến”. Đối với Đức cha Seitz, vấn đề khẩn cấp thực sự là vấn đề nhân đạo – vấn đề quyết định sao cho việc chăm sóc được tốt nhất cho những người đến biên giới. Ngài nói: “Đây là điều nên làm chúng ta bận tâm. Đây là nhóm người rất yếu đối diện với nguy cơ tổn thương.”
Theo Đức cha Seitz, những người vượt biên không giấy tờ trước đây chủ yếu là những người nam nữ trẻ độc thân từ Mexico tìm kiếm cơ hội việc làm ở Hoa Kỳ. “Còn bây giờ, những gì chúng ta đang thấy là những gia đình đang chạy trốn những tình cảnh khó khăn không thể tin nổi tại quê hương của họ, và tìm kiếm một nơi có an ninh hơn là vì bất cứ điều gì khác, tìm nơi để cuộc sống của họ không bị đe dọa mỗi ngày.” Các gia đình chỉ chiếm 3% trong số người bị giữ lại tại các đồn biên phòng vào năm 2012. Vào năm ngoái, họ chiếm đến 35% số người qua biên giới bị bắt giữ.
Ước tính tổng số người đến biên giới không có tư cách pháp lý từ các quốc gia Trung Mỹ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây theo đánh giá từ các vụ bắt giữ tại biên giới. Điều này đặc biệt đúng với những người di cư không có giấy tờ từ Mexicô. Việc bắt giữ những công dân Mexicô đã giảm từ mức cao gần 1,6 triệu vào năm 2000 xuống còn 128.000 vào năm 2017. Mặc dù số người di cư và người tị nạn từ các quốc gia Trung Mỹ như Honduras và Guatemala đã tăng lên trong những năm gần đây, đạt đỉnh điểm đến 467.000 những vụ bắt giữ trong năm 2018, tổng số bị bắt giữ tại biên giới thấp hơn nhiều so với các đỉnh điểm trước đó.
Các thành viên của chính quyền Trump trong thời gian gần đây cũng thường đề cập rằng hàng ngàn người bị nghi ngờ là khủng bố đã bị bắt giữ ở biên giới phía nam. Phó Tổng thống Mike Pence đã đề cập vào ngày 19 tháng 1 rằng ông tin rằng hơn 10 trường hợp mỗi ngày, gần 4.000 mỗi năm, đã bị các nhân viên biên giới bắt giữ. Nhưng theo báo cáo của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ trước Quốc hội hồi tháng 5 năm ngoái, các quan chức biên giới thực sự chỉ gặp 6 người nhập cư có tên trong danh sách liên bang được biết hoặc hồ nghi khủng bố tại biên giới trong nửa đầu năm tài khóa 2018.
Tổng thống cũng đề xuất rằng bức tường sẽ ngăn chặn dòng ma túy bất hợp pháp qua biên giới, nhưng các chuyên gia về ma túy nói rằng những kẻ buôn thích tuồng sản phẩm qua các cảng nhập cảnh tấp nập hơn, chứ không phải qua sa mạc mở nơi bức tường được đề xuất sẽ ngăn đôi. Đức giám mục Gerald Kicanas nói: “Có, có những khu vực tội phạm liên quan đến biên giới. Có nạn buôn người, buôn bán súng và ma túy, nhưng hầu hết các hành vi tội phạm này xảy ra tại các cảng nhập cảnh.” Theo thống kê của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, 90% heroin, 88% cocaine, 87% methamphetamine và 80% fentanyl trong 11 tháng đầu năm tài chính 2018 đã bị bắt giữ tại các điểm giao cắt hợp pháp.
Cựu lãnh đạo Giáo phận Tucson, bang Arizona, Đức cha Kicanas lo ngại rằng nhiều dặm tường hơn cũng chỉ có ít tác dụng trong việc ngăn chặn tội phạm hoặc giải quyết các vấn đề di cư phức tạp. Nhưng ngài chắc chắn rằng các tường ấy lại có nghĩa là sẽ có nhiều cái chết hơn tại các sa mạc phía tây nam.
Đức cha Kicanas nói: “Xây dựng nhiều bức tường sẽ chỉ đưa nhiều người vào những khu vực nguy hiểm hơn. Chúng ta đã kinh nghiệm quá nhiều các chết thương tâm trong sa mạc của những người băng qua những khu vực gần như không thể mang nước đến.”
Chỉ ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội đang diễn ra ở các quốc gia Trung Mỹ đang đẩy dòng người di cư về phía bắc, Đức cha Kicanas nói, “chúng tôi đồng ý với tổng thống rằng đang có một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới, nhưng cách để giải quyết vấn đề đó là thông qua cải cách nhập cư toàn diện”, và hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia xuất cư. “Hầu hết mọi người không muốn rời bỏ đất nước của họ, nền văn hóa của riêng họ, cộng đồng của họ,” ngài nói, nhưng phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng về bạo lực và thiếu thốn kinh tế, thì “họ không có lựa chọn nào khác”.
Linh mục Sean Carroll, S.J., giám đốc của Sáng kiến Biên giới Kino ở Nogales, bang Arizona, đề nghị rằng là quốc gia giàu có nhất khu vực, Hoa Kỳ có trách nhiệm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng khẩn cấp di cư ở bán cầu này. Cha nói: “để có chiến lược về vấn đề này, cần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là cho những người sống bên lề, mở rộng các chương trình thành công và dành nguồn lực cho xây dựng hòa bình và các chương trình có thể cung cấp cho những người trẻ thay thế cuộc sống bạo lực”.
Mặc dù tổng thống ước tính bức tường tốn 12 tỷ đôla, nhưng các nhà phê bình nói rằng sẽ đắt hơn rất nhiều, với một số ước tính lên đến 60 tỷ đôla. Ước tính riêng của Bộ An ninh Nội địa là 22 tỷ đôla.
Đức cha Kicanas cho biết, nếu số tiền này có thể được dụng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư, thì điều đó sẽ thật tuyệt. Trong năm 2017, các quốc gia Tam giác Bắc của Trung Mỹ – Guatemala, Honduras và El Salvador – chỉ nhận được 297 triệu đôla được giải ngân từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để hỗ trợ các chương trình quản trị và phát triển kinh tế.
Đối với Đức cha Kicanas, việc thất bại trong việc cải cách nhập cư toàn diện, được Quốc hội thiết lập từ năm 2003, là điều khẩn cấp thực sự ở biên giới. Ngài nói: “Mọi người đều biết hệ thống này bị hỏng và chúng ta biết nó có thể được sửa lại thế nào. Chúng ta chỉ cần có can đảm đạo đức để làm điều đó”.
Đức cha Kicanas nói: “Chúng ta phải sống những giá trị mà chúng tôi tuyên bố với tư cách là một quốc gia. Chúng ta nói rằng chúng ta quý trọng sự đa dạng; chúng ta nói rằng chúng ta quý trọng những người đến đây với hy vọng có một lối sống tử tế. Tượng Nữ thần Tự do của chúng ta đã chào đón nhiều thế hệ người nhập cư đến đất nước chúng ta, nhưng giờ đây thật khó để họ vào, và đó là lý do tại sao có một dòng người lớn đến vậy ở biên giới của chúng ta.”
Đức cha Seitz nói: “Sự thật là, ngay cả khi chỉ muốn nhìn nó thuần tuý về mặt kinh tế, thì chúng ta cũng rất cần những người làm công việc mà họ sẵn sàng làm.” Do đó, điều được gọi là mối đe doạ di cư có thể là một lợi ích tuyệt vời cho quốc gia. Đức cha Seitz lập luận rằng để giữ cho nền kinh tế luôn phát triển ở Hoa Kỳ, thì “chúng ta cần phải cần có thêm người và luật pháp cần được điều chỉnh để biến điều đó thành có thể.”
Cha Carroll nói: “Từ sự tôn trọng phẩm giá con người được Thiên Chúa ban, như những người Công giáo, lời mời gọi đối với chúng tôi là đáp lại cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới bằng mọi cách có thể, dù là bằng thời gian hay bằng nguồn lực tài chính hay những lời cầu nguyện của chúng ta, tất cả mọi cách thế đều rất hữu ích.” (America Magazine, 15/2/2019)
Các giám mục của các giáo phận cả hai phía nằm ở biên giới Mỹ-Mexico đã dùng cuộc họp ngày 25 tháng 2 để tham khảo ý kiến những người Công giáo làm việc về những vấn đề di cư và về cách giúp những người di cư thoát khỏi nghèo đói và bạo lực ở Trung Mỹ.
Các giám mục đang cùng kêu gọi liên đới với người di cư như một phản ứng của Công giáo đối với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Các giáo phận dọc biên giới ngày càng quan tâm đến người di cư. Giáo phận El Paso đang điều hành 13-15 nơi tạm trú cho những người xin tị nạn.
Các giám mục cũng nêu vấn đề, nếu là tình trạng khẩn cấp thì thực sự đó là khẩn cấp để ý đến những người di cư đang xin tị nạn tại Hoa Kỳ, hơn là khẩn cấp để giải phóng tiền xây dựng bức tường biên giới. (La Croix)
Văn Yên, SJ