Cho đến những ngày gần đây của năm 2019, chúng ta rục rịch thương tiếc cho đám cháy tại cánh rừng Amazon. Và rồi, chúng ta phải nhìn nhận thẳng rằng thứ chúng ta đang đối mặt không còn là “biến đổi khí hậu” nữa nhưng là “thảm họa khí hậu”. Bên cạnh những lý thuyết lớn lao để hiểu sâu vấn đề môi trường, những người trẻ Việt chúng ta có thể sống xanh thế nào từ khi mở mắt dậy và dắt xe máy ra con đường nhiều khói bụi?
Hãy biết từ chối
“Nói không với túi nilon” – một khẩu hiệu đến ‘mòn miệng’ cho những chiến dịch tuyên truyền sống xanh mà chúng ta thường làm. Nhưng, những khẩu hiệu ấy lại được in trên bạt nhựa, cùng với băng rôn, cờ hoa phấp phới sẽ đi về bãi rác sau khi sử dụng. Và dĩ nhiên, nhựa lại trở thành vi nhựa rồi leo đến tận miệng bạn mỗi bữa ăn.
Reduce – Re-use – Recycle (Tiếng Việt: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế) là thông điệp được lặp lại trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mình còn muốn thêm một từ nữa là: Refuse (Từ chối). Hãy biết từ chối trước những cơn cám dỗ “mua hàng đi”. Chủ nghĩa tiêu dùng hàng ngày dội vào trong tâm trí chúng ta dẫn đến thói quen mua hàng quá mức cần thiết. Để đáp ứng cho nhu cầu mua hàng giá rẻ (tức là hàng sử dụng trong thời gian ngắn), các doanh nghiệp phải đào “thiên nhiên” lên mà ăn.
Việc mua nhiều đồ sản xuất nhanh quá mức cần thiết, bạn đã gián tiếp góp phần vào việc chặt phá rừng “lách luật” cũng như “có luật”. Bạn cũng đồng tính với nạn buôn người để có những công nhân với giá lương rẻ mạc, tại các xưởng lớn ở Trung Quốc chẳng hạn. Hẳn bạn cũng đồng tình rằng, đồ giá rẻ – sau khi bỏ đi vì không thể dùng đến hết – sẽ tác động đến môi sinh của đất đai và nguồn nước. Và như bạn biết, nguyên nhân cháy rừng Amazon được các nhà khoa học đưa ra là chuyển đổi đất lâm nghiệp thành nông nghiệp. Sản phẩm tại đây phục vụ cho thị trường chăn nuôi do nhu cầu tiêu thụ thịt công nghiệp quá lớn.
Vậy, trước khi giảm thiểu hay tái chế, chúng ta hãy biết nói “từ chối” với những đồ không thực sự cần thiết với nhu cầu bản thân.
Bước chậm lại giữa đời đang vội
Tuy nhiên, việc nói không với những đồ hàng bày ra trước mắt với những đòn tâm lý truyền thông tinh xảo không phải là một điều dễ dàng. Khó lòng mà lắc đầu khi chúng ta chưa hình thành cho mình một lối sống. Bạn có thể bắt đầu bằng việc hiểu về vấn đề môi trường qua việc đọc sách, xem phim, đọc báo khoa học…
Để có những hướng dẫn cho một vài suy tư tích cực trong cuộc sống, bạn có thể tìm đến cuốn “Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn” của Michelle. Hoặc chuỗi phim “Tydying” (Dọn dẹp) của Marie Kondo, một phụ nữ Nhật hướng dẫn quản lý đồ đạc trong phòng, trong nhà. “Lối sống tối giản người Nhật” cũng là một hành trang thú vị để phòng gọn hơn và đời thì ngay ngắn nhiều thứ.
Và để hiểu sâu hơn về vấn nạn môi trường, bạn có thể tìm đến những bộ phim tài liệu như “Blood in the mobile phone” (Giá máu trong những chiếc điện thoại) để thấy việc thay đổi điện thoại xoèn xoẹt của bạn ảnh hưởng đến cuộc sống của những đứa trẻ tại Congo ra sao. “Đời không plastic” là những ghi chép thú vị. Cuốn sách “Cách mạng một cọng rơm” cũng là một hướng dẫn thú vị để trở về nguồn nông nghiệp tự nhiên.
Thay vì những hàng tin mới trên Facebook, Instagram là chuỗi cửa hàng quần áo, bạn có thể theo dõi những người có lối sống xanh. Một số người trẻ có sức ảnh hưởng như người mẫu Helly Tống, chủ tiệm The Yên Concept và Lại đây Refill station; chị Trang Nguyen, tác giả của cuốn Trở về nơi hoang dã; Hay blogger Chuyến đi của Vịt, Tâm An, Sọ Dừa…
Chúng ta có quyền chọn một thái độ sống chậm như ăn chậm vì phải lọ mọ ra tận quán thay vì gọi ship đồ ăn kèm đồ nhựa. Chúng ta có quyền mua chậm, chọn những sản phẩm “slow fashion” (thời trang chậm) với những nguyên liệu, đồ nhuộm tự nhiên và có độ sử dụng lâu bền. Chúng ta có quyền đi chậm vì phải đi bộ thay vì di chuyển bằng xe máy không cần thiết. Chúng ta có quyền sống chậm giữa dòng đời vội vã này.
Xanh như một cây tre Việt
Đứng trước cảnh rác chồng rác ở Việt Nam chúng mình thường bất lực và để mọi sự “buông theo chiều gió”. Khi đọc về những bài viết liên quan đến môi trường, mình nhận ra rằng chúng ta, những người trẻ Việt có thể “sống xanh như ông bà anh”.
Bạn có nhớ bố mẹ ở quê từng biết đến cách làm phân bón từ gốc cây lúa thay vì phân bón hóa học không? Bạn có nhớ ông bà chúng mình từng có những vườn cây mùa nào thức ấy, hái rau trong vườn, nấu một nồi canh mướp với tôm đồng; vỏ chuối để gốc cây và biến thành phân không? Bạn có nhớ hình ảnh cầm chiếc giỏ mây đi chợ, con cá được treo bằng lạt mây và không cần đến túi nhựa không? Ông bà, bố mẹ chúng ta đã có quãng thời gian sống xanh và thật gần với thiên nhiên như thế.
Vậy, làm sao để sống xanh giữa thành phố không còn bóng cây? Sống xanh không chỉ là một khẩu hiệu nhưng còn là sự chọn lựa phong cách sống dựa trên tri thức và văn hóa. Tri thức không phải bạn có bao nhiêu điểm 10 nhưng là những hiểu biết về giá trị và mối liên kết giữa cuộc sống. Hãy biết nói từ chối và chọn những sản phẩm địa phương, có giá trị sử dụng lâu bền. Hiểu những đồ dùng và nó thực sự có ích gì trong cuộc sống của bạn. Nhìn thực thể sống trong mối liên kết tuyệt hảo của tự nhiên. Và chúng ta có thể sống xanh như một cây tre Việt, giống thế hệ trước nhưng trong thời đại của mình.
Trên đây là những chia sẻ trong tầm hiểu biết hạn hẹp về vấn đề lớn lao này. Chính mình cũng đang cố gắng để tập một lối sống xanh và thân thiện hơn với Mẹ thiên nhiên. Hành động nhỏ gầy đắp mỗi ngày sẽ “chữa lành” từng vết thương mà trái đất đang phải chịu và chuyển trao lại cho thế hệ sau một môi trường không bị cha anh khai thác cạn kiệt. Đừng quên tìm hiểu thêm để đào sâu vấn đề bởi nó còn nằm trong chuỗi liên hệ giữa đạo đức kinh tế, chính trị và xã hội mà thông điệp Laudato sì đã chỉ ra.
Và cũng đừng quên nhé, hãy tranh thủ mỗi ngày ôm mình vào cây xanh rồi tạ ơn Tạo hóa tuyệt vời của vũ trụ này nhé!
An Duyên – tình nguyện viên của Vatican News