1. Gp. Phan Thiết: Lễ Giỗ Giáp Năm Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống
Lúc 10giờ sáng ngày 24.2.2018, Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN tổ chức lễ giỗ giáp năm cho Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống (1.3.2017-1.3.2018) tại Nhà thờ Vinh sơn, TGP Sài gòn.
Đức Tổng Giám Mục Sài gòn Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế. Đoàn đồng tế có 10 Giám mục, Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương và khoảng 70 linh mục. Quý thân nhân và cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện sốt mến.
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch Uỷ ban Văn hóa giảng lễ, suy niệm Tin mừng Lc 24, 13-35
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Chúng ta cùng hiện diện nơi đây để hiệp ý cùng dâng lễ cầu nguyện cho Đức Cha Cố Giuse Vũ Duy Thống nhân lễ Giỗ Đầu của Ngài. Đây thực sự là thánh lễ của sự gặp gỡ trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô tử nạn Phục Sinh; thánh lễ của sự gặp gỡ sẻ chia và hiệp nhất của tình huynh đệ Giám mục, linh mục tu sĩ nam nữ, giáo dân và gia đình để cầu nguyện cho Đức Cha Cố Giuse; cũng là sự gặp gỡ của niềm hy vọng vào sự sống lại trong Chúa Giêsu Kitô, cũng xin Chúa ban ơn cho chúng ta trong hành trình sống ơn gọi Kitô hữu.
Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa qua Phúc âm, chúng ta như đang được đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau để khám phá và nhận ra Đức Kitô luôn đồng hành với mỗi người chúng ta trong đức tin và cuộc đời. Với các môn đệ, Đức Giêsu thành Nazareth đã chết và được mai táng trong mộ đá là một sự thật đau lòng và thật lạ lùng. Chính các ông là người đã dám bỏ gia đình, quê hương, nghề nghiệp để đi theo Ngài là một Tiên tri, là Đấng mà các ông tin rằng có thể cứu được dân tộc Israel. Ngài đã làm những phép lạ lớn lao: cho người mù xem thấy, người điếc nghe được, người câm nói được, người què đi được và kể cả người chết sống lại…thế mà giờ đây tất cả niềm hy vọng đó sụp đổ trước cuộc khổ nạn của Ngài; họ không thể hiểu nổi với tâm tình sợ hãi, hụt hẫng, lo lắng cho một tương lai bất ổn; còn đâu những ngày đẹp nhất của niềm tin yêu và hy vọng, còn đâu sự đỡ nâng ủi an đầy tình thầy trò giữa Đức Giêsu và các môn đệ; còn ai có thể nâng đỡ bảo vệ cho họ trước các luật sĩ, biệt phái Do thái? Phải chăng chỉ còn một lựa chọn duy nhất là trở về với quê hương, vì sự nhiệt thành và niềm vui phải chăng đã mất? Nhưng điều hai môn đệ đi làng Emmau không ngờ, đó là Chúa Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành với họ như đã và đang tiếp tục hiện diện nâng đỡ đức tin và cuộc đời của họ.
Từ tâm hồn nguội lạnh, băng giá vì sợ hãi, lo lắng, bối rối, Chúa Giêsu đã đốt nóng họ bằng ngọn lửa Thánh Thần, để họ được mở tâm hồn mà nhận ra Lời Chúa, nhận ra tình thương của Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời của họ. Chính lúc tâm hồn hai môn đệ được đốt nóng lên như vậy, họ đã nài xin Chúa Giêsu:“Xin Thầy ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều”. Từ hai tâm hồn đang khao khát Lời Chúa và sự thiện qua đức ái, mà Chúa Giêsu đã ở lại với họ, đồng bàn và mở tiếp đôi mắt đức tin của họ với nghi thức BẺ BÁNH (Bí tích Thánh Thể) để họ nhận ra CHÚA KITÔ PHỤC SINH đang hiện diện trước mắt họ. Vui mừng và Yêu mến khi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh, làm cho hai môn đệ đã biến đổi đức tin đích thực, biến đổi tâm hồn, và biến đổi cuộc đời mình; để dù Chúa Phục Sinh đã biến đi thì ngay đêm tối họ lập tức trỗi dạy trở về Giêrusalem, khởi đầu cho một hành trình mới là chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh của Thầy Giêsu.
Chúng ta hiệp cùng tâm tình của hai môn đệ trên đường Emmau để cảm nhận hành trình sống ơn gọi của người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta nói tới hôm nay: Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống.
* Cuộc đời trong chương trình của Thiên Chúa:
Lời Chúa mà Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã chọn lựa như một châm ngôn của đời Giám mục của mình:“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức truyền thống tại Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình (thuộc Giáo phận Thái Bình). Khi biến cố 1954 xẩy ra cậu bé chỉ có 2 tuổi được Cha mẹ đưa di cư vào Nam; chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc bách cậu bé Giuse muốn trở nên môn đệ Chúa Giêsu, nên khi mới 12 tuổi, cậu bé Giuse đã sẵn sàng để “dâng mình cho Chúa” nhập trường Tiểu chủng viện Long Xuyên.
Nói về hành trình ơn gọi của mình, Đức cha Cố Giuse đã viết:“Từ năm 1964 tôi trúng tuyển vào Tiểu chủng viện Thánh Têrêxa Long Xuyên. Sau đó, là những năm theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Rồi cuối cùng, tôi gia nhập chủng viện Sài Gòn. Từ năm 1975, tôi theo đuổi chương trình học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó là một năm lao động trên nông trường Lô 6 Củ Chi, rồi giúp xứ Tân Mỹ, Hóc môn và chịu chức Linh mục năm 1985. Trong suốt thập niên 1975-1985, tôi có dịp tham gia lao động nhiều ngành nghề khác nhau: Ở Đại chủng viện là đắp vỏ xe đạp, kéo lá buông, đan chiếu; về xứ đạo thì dệt dây thun, dệt vải, mắc trục đánh bồng; và cuối cùng, khi được làm linh mục, tôi đang trách nhiệm một phân xưởng thuộc hợp tác xã mành trúc Tân Mỹ, Hóc Môn. Từ năm 1985-1992, tôi được bài sai làm phụ tá xứ Tân Mỹ và đặc trách xứ Bạch Đằng, Huyện Hóc Môn. Sau đó về làm phụ khảo tại Đại chủng viện một năm, rồi du học tại Institut Catholique de Paris 5 năm. Về lại Việt Nam năm 1998 và dạy tại Đại chủng viện SG“.
Tình Yêu Chúa Kitô đã giúp Ngài can đảm nhận những Sứ vụ mới: ngày 04/07/2001, Đức ThánhGiáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Cha Giuse làm Giám mục Phụ tá của Tổng giáo phận Sài gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, hiệu tòa Tortiboli. Lễ tấn phong Giám mục được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sàigòn ngày 17/08/2001. Sau hơn 8 năm là Giám mục Phụ tá Sài Gòn, ngày 25/07/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Sắc chỉ bổ nhiệm Ngài làm Giám mục Chính tòaGiáo phận Phan Thiết.Ngày 03/09/2009 thánh lễ Nhậm chức Giám mục Chính tòa được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Giáo Phận Phan Thiết.
* Ơn gọi kỳ lạ của người Mục tử: Cũng như hai môn đệ trên đường Emmau, đã chọn Đức Giêsu Nazareth làm đích điểm cuộc đời mình, những năm tháng theo Chúa trên hành trình Loan Báo Tin Mừng luôn là niềm vui và hy vọng; chắc hai ông luôn nghĩ sẽ có những ngày của quyền lực và danh vọng với Nước của Chúa Giêsu Kitô. Chính vì vậy mà hai ông đã thất vọng, sợ hãi, nhụt chí khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá. Sự ê chề, sợ hãi che phủ cả nghị lực cuộc đời, đến mức dù nghe đồn Chúa Giêsu đã Phục Sinh mà hai ông vẫn quyết định trở về quê hương, gia đình mình. Chặng đường Emmau là chặng đường của những tính toán, muốn quay trở lại với lối mòn của cuộc đời, quay trở lại với quá khứ, để tiếp tục bám víu cuộc sống âm thầm mà đã từng từ bỏ để đi theo Thầy Giêsu Nazareth. Chính lúc đó, các ông gặp được Chúa Giêsu trên đường Emmau, được Ngài sưởi ấm tâm hồn bằng Lời, và Nhận ra Ngài bằng Bí tích Tình Yêu và Lòng Thương xót của Ngài, để tâm hồn được biến đổi lập tức quay trở lại Giêsusalem bắt đầu một hành trình mới: là chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Khi nhìn lại cuộc đời mục tử của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, với 32 năm linh mục, 16 năm Giám mục (8 năm là Giám mục Phụ tá tại Tổng Giáo phận Sàigòn và 8 năm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết); chúng ta có thể nhớ lại lời chia sẻ thân tình của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, là Bạn của Đức Cha Giuse:“hơn hai hết, tôi rất hiểu con người, tâm tính của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống: một con người thông minh tài trí hơn người, hiền hòa, đơn sơ, giản dị, tinh tế và tế nhị, luôn thể hiện phong cách một người nghệ sĩ mang lại niềm vui cho mọi người. Tuy tài cao học rộng nhưng tính tình ngài phóng khoáng, phong cách giản dị, hoà đồng với mọi người. Hôm nay chiêm ngắm Chúa Giê-su đồng bàn với các bạn bè của Mát-thêu tôi thấy hiện lên hình ảnh của ngài. Ngài sẵn sàng đồng bàn với đủ mọi người thuộc mọi tầng lớp giai cấp, văn hoá, phe nhóm và quan điểm khác nhau. Không bao giờ bệ vệ uy nghi quan cách, nhưng luôn vui tươi đơn sơ. Ngài chuyện trò rất vui. Có thể ngẫu hứng hát một bài phục vụ mọi người”. Phải nói rằng, cuộc đời Mục tử 8 năm Phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn và 8 năm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết với biết bao khó khăn thử thách về bệnh tật, về nhiều phương diện; nhưng Đức Cha Giuse luôn sống điều mình đã chọn lựa: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Chính tình yêu đó đã giúp cho Ngài thể hiện qua ơn gọi mục tử mà Đức Tổng Giuse đã viết: “Cũng như Chúa Giê-su yêu thương và cư xử tế nhị với người tội lỗi, trân trọng và tuyển chọn Mát-thêu, Đức cha Giu-se không lên mặt đạo mạo dậy đời. Trái lại ngài rất tinh tế và tế nhị. Không đồng tình với cái xấu nhưng luôn yêu thương và kính trọng người lầm lỗi. Vì thế những góp ý dậy dỗ của ngài khéo léo tế nhị và đi vào lòng người. Ta có thể thấy được điều đó qua các tác phẩm thi ca của ngài”.
* Hoa trái của niềm Hy vọng:
Khi suy tư và chia sẻ về hành trình ơn gọi và sứ mạng của vị Mục tử yêu quý Giuse Vũ Duy Thống, cũng chính là lúc mỗi người chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì cho Chúa, làm gì cho Giáo Hội của Chúa, làm gì cho Giáo phận, giáo xứ với ơn gọi của mình nơi đời sống xã hội hôm nay. Cùng bước theo Chúa Giêsu Kitô, tiếp nối sứ mạng của Ngài, chắc chắn mỗi thành phần Dân Chúa luôn phải đồng lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu trên hành trình sứ mạng Kitô hữu của mình, trong đó không thể thiếu chặng đường lên núi Sọ với Chúa: với tất cả những cay đắng, đơn côi và ê chề của thập giá, không thiếu niềm vui, hạnh phúc, nhưng có đó những khổ đau, mất mát, chia ly và nước mắt. Nhũng thập giá ấy lại trở nên Thánh Giá khi có một tình yêu lớn, những cay đắng, đơn côi và ê chề kia sẽ mặc một giá trị và ý nghĩa mới làm nên căn tính đích thực của những người mang Đức Kitô trong cuộc đời mình: cho đi hạnh phúc riêng tư của chính mình, để đón nhận niềm hạnh phúc lớn hơn; cho đi sự sống của chính mình vì Chúa Giêsu và vì ơn gọi Kitô hữu để đón nhận sự sống đích thực từ Đấng là nguồn sống và sức mạnh. Hành trình ấy Đức Cha Giuse đã cố gắng chu toàn bằng chính ơn gọi mục tử của mình. Đức Cha Phêrô-Tổng Thư ký HĐGM VN đã viết về Ngài: “Đức cha Giuse đã vận dụng năng lực trí thức và năng khiếu nghệ thuật Chúa ban để loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Những suy tư và cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, những vũ điệu của ngôn từ và hình ảnh, những dòng nhạc mượt mà lắng đọng…tất cả chỉ vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách. Dẫu có lúc chất nghệ sĩ dường như lấn át vai trò điều hành, thì tự thâm tâm vẫn luôn là ước mong theo chân Đức Kitô, từng bước một thôi, để rao giảng Tin Mừng gỡ rối cho đời như nút vòng xoay, để gieo yêu thương và hạnh phúc cho người như hạt nắng vô tư…”.
Hôm nay, đến lượt mỗi người chúng ta, cho dù phải đối diện với những thách đố do hoàn cảnh của thời đại: những thách đố vẫn còn đấy, tuy nhiên, nó khoác những bộ dạng khác nhau, tinh vi hơn, nhậy cảm hơn, đam mê hơn với những tính toán của sự tự do cá nhân. Cũng cần hơn bao giờ hết niềm tin, tình yêu dấn thân và niềm hy vọng để có thể đối diện, mang vác và vượt qua thử thách. Với tất cả lòng khiêm tốn và ý thức được giới hạn của mình, chúng ta cùng nài xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta Ơn Đức Tin, để bằng tình yêu kín múc từ Chúa Giêsu Kitô mà tiếp tục trở nên chứng tá cho Tin Mừng Tình yêu của Chúa nơi ơn gọi Kitô hữu của mình. Đó cũng chính là tâm tình của tất cả chúng ta trong giờ phút lắng đọng thân thương này, để cùng dâng lên Thiên Chúa lời nguyện: Xin Chúa Giêsu Kitô sớm đón nhận linh hồn Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống yêu quý của chúng con vào Thiên Đàng. Amen.
********
Sau lời nguyện Hiệp lễ, Cha Giuse Trịnh Tín Ý, Chánh xứ Vinh sơn và là Cha Thư Ký Ủy Ban Văn Hóa đã bày tỏ những tâm tình với Đức Cha Cố Giuse.
Đức Cha Giuse dừng chân ở bao nhiêu tỉnh thành mà tỉnh thành nào cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Những năm tháng làm Giám mục, Đức Cha dừng chân ở phố biển lộng gió, gắn bó với Phan Thiết. Nếu thuở nào thánh Phaolô đã đơn giản tầm nhìn mục vụ “tôi là người Do Thái bởi người Do Thái” thì ngày đầu tiên đến với Phan Thiết, Đức Cha cũng khẳng định đơn giản “tôi là người Phan Thiết”. Nơi đây, chuyện lớn chuyện nhỏ, Đức Cha chỉ muốn làm quên đi với những gió của vùng phố biển và làm thân với những người dân Phan Thiết. Rồi trước lạ sau quen, nhưng vừa khi quen, Đức Cha lại vội vã ra đi. Cuộc ra đi bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu xót xa mà cụ thể nếu nằm xuống cũng được ích lợi, nằm xuống để cảnh tỉnh về cái chết để ích lợi cho các tín hữu của mình. Đức Cha Giuse đã đi theo con đường Chúa dẫn đi, ngài đã nên lợi như lời khẳng định: nếu hạt lúa gieo xuống đất không chết đi sẽ không nãy sinh bông hạt mới. Đức Cha nằm xuống, mọi người nghe được tiếng thầm thì của cánh đồng lúa xanh non, nghe được tiếng xào xạc của cánh đồng lúa chín, nghe được tiếng lòng tin yêu nơi Chúa Giêsu phục sinh. Khi nhớ về Đức Cha, chúng con sẽ làm chảy như Phaolô đã làm chảy, vươn mặt lên chỉ thần mang thần tử “ hỡi thần tử, nọc độc của ngươi đâu, hỡi thần tử, sức mạnh của ngươi đâu”. Hôm nay, trong thánh lễ giỗ, chúng con xin cúi đầu trên ảnh của Đức Cha, giờ phút này, thân xác đã tan biến dần thành tro bụi, thành đất cát thành màu mở cho đồng lúa xanh lên, như lời của người đi đang đơm bông thêm hạt trong tim trong đời người ở lại. Đức Cha ơi Đức Cha có vui không! Ngày hôm nay, các ông các bà, các bạn trẻ đã được Đức Cha dìu dắt, giảng dạy, đã được Đức Cha ban bí tích, Đức Cha có vui không? Lời giảng của Đức Cha, ơn phúc của Đức Cha. Tất cả chúng con đang có mặt xung quanh Đức Cha đây, thưa Đức Cha, hôm nay không có di ảnh của Đức Cha nhưng còn trọn những người quen, những người thân của Đức Cha, những thành viên ủy ban văn hóa thuở nào làm nên một vòng tròn tình thân. Trong tình hiệp nhất của Đức Cha mà chúng con nhớ tới trước tiên là ánh nến Phục Sinh- Đức Kitô Phục Sinh, rồi ba ánh nến lung linh, trong vòng tròn gia đình này sẽ có cha mẹ – con cái và tất cả chúng con sẽ làm những thánh lễ lung linh ngay trong cuộc đời mình. Xin tặng Đức Cha bài ca: ‘ba ngọn nến lung linh”. ….
Ca đoàn và cộng đoàn ngân nga hát bài “Ba ngọn nến lung linh” để diễn tả tình thương trong một gia đình.
Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh cảm ơn Ủy Ban Văn Hóa đã có sáng kiến tổ chức Thánh Lễ và ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các Đức Cha trong chuyến đi Adlimina.
********
Mầu nhiệm các thánh cùng thông công là một trong những đề mục của kinh Tin kính, và mỗi người cũng đã sống với lòng tin này ngay từ khi dấn bước vào trong Giáo hội. Những người đã khuất không cách ly với những người còn đang sống trên trần thế, bởi vì họ muôn đời được gắn kết với nhau trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Nhớ đến Đức cha Giuse nhân dịp giỗ một năm cũng chính là lúc cộng đoàn trầm mình trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, ở đó ngài vẫn nối kết với cộng đoàn bằng tinh thần nâng đỡ, bằng lời cầu nguyện, và mỗi người nối kết với ngài bằng niềm hiệp thông của kinh nguyện. Mong rằng sự phục sinh của Đức Kitô là chất dẫn khởi gắn kết mỗi người với Đức cha Giuse sẽ còn luôn sinh động mãi, để rồi ngày giỗ hôm nay như là một khởi đầu giúp những người yêu mến ngài bước vào niềm hân hoan.
Xin Chúa thương thanh tẩy Đức cha Giuse kính yêu bằng lòng thương xót của Chúa và thương đón nhận ngài vào quê hương vĩnh phúc, nơi đó Đức Kitô là sự sống phục sinh cho mọi người tin cậy nơi Ngài.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
2. TGP. Hà Nội: Lễ giỗ 9 năm ĐHY Phaolô Phạm Đình Tụng
Thứ năm ngày 22/02/2018 tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, Đức Hồng Y Phê-rô đã chủ tế Thánh lễ Lập tông tòa Thánh Phê-rô và cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y Phao-lô Giuse Phạm Đình Tụng nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày ngài qua đời.
Cùng đồng tế với Đức Hồng Y còn có sự hiện diện của Đức cha phụ tá Lô-ren-xô, quý cha trong giáo hạt Chính tòa, quý nam nữ tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa.
Chia sẻ trong bài giảng, khởi đi từ những bài đọc trong ngày lễ Lập tông tòa thánh Phê-rô, Đức cha phụ tá Lô-ren-xô đã nhấn mạnh đến vai trò của vị thủ lãnh trong Giáo hội là thánh Phê-rô tông đồ. Với lời tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” thánh Phê-rô đã được Chúa Giêsu tín nhiệm và đặt để ngài làm nền tảng vững bền để xây dựng Hội Thánh Chúa. Từ trên nền tảng vững bền đó, trải qua dọc dài của dòng lịch sử, với những biến cố thăng trầm của thời đại, giáo hội Chúa Kitô vẫn luôn tồn tại và phát triển theo thời gian nhờ có những vị thủ lãnh kế vị các thánh tông đồ xưa, luôn dẫn dắt và hướng dẫn đoàn chiên Chúa bước đi theo đường chân lý.
Đức cha Phụ tá đã gợi lại hình ảnh sống động của con người Đức cố Hồng Y: trong trái tim của mỗi con dân Tổng giáo phận Hà Nội vẫn luôn khắc ghi hình ảnh của một vị mục tử hiền lành là Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Với câu khẩu hiệu: “Chúng tôi tin ở tình yêu Thiên Chúa”, Đức cố Hồng Y đã gieo vào lòng mỗi người khuôn mặt của một Thiên Chúa tình yêu, qua chính đời sống và gương sáng nhân đức của ngài. Những ai đã từng gặp gỡ và tiếp xúc với ngài đều nhận thấy nơi ngài một sự gần gũi thân thương, người gặp chuyện buồn phiền thì được ngài cảm thông, an ủi, ai có chuyện vui thì ngài lấy niềm vui của họ làm niềm vui của chính mình, nụ cười của ngài vừa có nét tươi vui của một tâm hồn tràn ngập niềm vui vừa ánh lên sự đơn sơ trong sáng của một trẻ thơ. Ngày hôm nay Tổng giáo phận Hà Nội cùng hiệp dâng Thánh lễ này để cầu nguyện cách đặc biệt cho ngài trong tâm tình của những người con tưởng nhớ và biết ơn những đóng góp của một vị mục tử đã suốt một đời gắn bó và hy sinh cho Tổng giáo phận ngày càng vững mạnh và phát triển.
Sau bài giảng của Đức cha phụ tá, Thánh lễ được tiếp diễn với lời nguyện tín hữu cầu nguyện cho giáo hội hoàn vũ cũng như cho linh hồn Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse và phần Phụng vụ Thánh Thể trong sự tham dự sốt sáng của cộng đoàn dân Chúa.
Kết thúc Thánh Lễ, Đức Hồng Y Phê-rô cùng cộng đoàn dâng hương và cầu nguyện trước mộ phần của Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse.
BBT