Trước trào lưu xã hội đang đói khát tri thức, các đại học được thành lập tại các thủ đô lớn và người ta tìm tòi, tranh luận về nhiều vấn đề, thánh Ða Minh đã nhận ra nhu cầu kháo khát chân lý của thời đại. Ðể đáp ứng nhu cầu này, Ða Minh đã đưa việc học vào trong đời sống Dòng. Tuy nhiên, điều khó khăn là phải làm sao để việc học hết hợp hài hoà với đời sống chiêm niệm và việc hoạt động cho chân lý. Như thế, để sáng kiến ấy có thể thực hiện được, việc học hành trong Dòng chẳng những nhằm để chiêm niệm chân lý sâu xa hơn, để sống cho đúng, để rao giảng chân lý, nhưng còn phải được coi như một thứ khổ chế của người Ða Minh, thay thế cho những việc tay chân.
Người ta thường coi những tu sĩ ngồi trong phòng đọc sách là việc nhàn hạ, hoặc người ta thường nói rằng cần phải làm ăn, cần phải làm việc này, việc kia nên không có giờ học hành. Ðiều đó chắc hẳn phản ảnh một tinh thần thực dụng đang làn tràn trong não trạng con người ngày nay, người ta chỉ thấy cái lợi trước mắt, chỉ thấy những gì đang mang lại những hiệu quả có thể sờ thấy được, mà không hiểu rằng con người không phải chỉ sống cần cơm bánh mà còn cần chân lý để sống nữa. Có những thành viên Ða Minh khác thì tìm nhiều cách để lập công, ăn chay hãm mình mà không chịu ép mình vào việc học, họ không nhớ rằng, theo tinh thần của thánh Ða Minh, học hành chính là khổ chế của đời sống Ða Minh.
Ai đã từng dấn thân vào việc học đều nhận thấy rằng đây không phải là công việc thoải mái, nhàn hạ gì; ngược lại nó đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ, đòi hỏi một sự kiên tâm bền bỉ và đòi hỏi một tinh thần không bao giờ được ngủ yên, nhưng phải tỉnh táo để nhận ra điều gì đang là nhu cầu thực của con người, đâu là điều Thiên Chúa muốn ta làm.
Ngày nay, người ta không thích khổ chế, coi thường những hy sinh, hãm mình. Nhưng thực sự chẳng có một sứ vụ nào lại chỉ có sự sung sướng, nhàn hạ. Sứ vụ nào cũng cần tới khổ chế. Sứ vụ chân lý của Dòng cũng vậy, cần phải vác thánh giá, cần phải từ bỏ, hãm mình. Thánh giá mà thánh Ða Minh muốn con cái của mình mang vác chính là việc học hành.
Việc khổ chế, tự nó, không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để có thêm sức mạnh. Cũng vậy, việc học tự nó không phải là mục đích, trừ khi người ta coi đó như là lẽ để vinh vang, khoe mẽ; khi ấy, bước vào việc học, người ta cũng cảm thấy dễ chán nản, mệt mỏi, xa xôi, vô ích …
Thế nhưng nếu không yêu mến phương tiện thì không thể đạt đến mục đích. Sứ vụ của Dòng chẳng thể vững mạnh được nếu các phần tử Ða Minh không sẵn sàng chấp nhận thứ khổ chế riêng của mình, không sẵn sàng học và học không ngừng.