Từ những trang Sách Thánh, Ða Minh cũng biết rút tỉa những ánh sáng soi dẫn để có thể nhận định về thời đại của mình. Chúng ta có thể kể ra hai điểm :
- Thời đại của thánh Ða Minh là thời đại chớm nở trào lưu đô thị hóa. Những hoạt động công nghiệp bắt đầu hình thành tập trung vào các thành phố đang mỗi ngày một sầm uất hơn. Hoạt động buôn bán cũng trở nên nhộn nhịp. Chính trong hoàn cảnh đó, xuất hiện những người nghèo mới, nhưng con người không tìm chỗ đứng của mình trong xã hội đô thị hóa. Vì phản ứng với thái độ ham mê tiền bạc trong thời kỳ này mà lạc giáo tái xuất hiện, chủ trương khinh chê tiền bạc, vật chất và cả thân xác nữa.
Trong bầu khí như thế, các vị đặc sứ Tòa thánh được cử đi chinh phục lạc giáo lại không nhận ra thái độ cần thiết của mình. Các ngài đến với anh em lạc giáo trong sự xa hoa với những đoàn tùy tùng đông đảo, kẻ hầu người hạ. Nhờ đọc Tin Mừng, thánh Ða Minh nhận ra được rằng, để chinh phục anh em lạc giáo, người tông đồ cần phải sống sự khó nghèo theo Tin Mừng, không mang hành lý, tiền bạc như các tông đồ. Sự nghèo khó mà thánh Ða Minh chủ trương không phải là một chiến thuật để chinh phục anh em lạc giáo, nhưng chính yếu là một khám phá tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng : ra đi y như Chúa đã căn dặn các tông đồ, phó thác tất cả trong quyền năng của Thiên Chúa, chính phục bằng sức mạnh của Lời Chúa chứ không bằng một sức mạnh nào khác của con người.
2. Cũng trong trào lưu đô thị hóa như vậy, hình thành một thứ văn hóa mới. Các suy tư, học hỏi, các áng văn chương mới trở nên nhu cầu của thời đại, dần dần hướng tới việc hình thành các đại học. Trước trào lưu văn hóa như vậy, Ða Minh cảm nhận mãnh liệt về nhu cầu phải rao giảng Tin Mừng cho xã hội của mình. Không như các dòng tu, cho đến bây giờ, vốn chủ trương xa lánh cuộc đời, xa lánh các nơi đô thị, Ða Minh sai các anh em con cái mình đến các đô thị như là nơi Chúa sai mình và con cái của mình đến để rao giảng Tin Mừng cứu độ.