Tháng Tư sắp đến, tháng của tiếng ve gọi hè, tháng của cây phượng làm nụ gọi nắng về.
Và cũng là tháng khởi đầu với ngày Cá tháng Tư, kết thúc với biến cố 30 tháng Tư.
Nếu ngày Cá tháng tư là ngày để tung tin đồn, để trêu chọc nhau, để gây cười. Ngày mà có tu viện nọ xôn xao vì cha bề trên đọc bổ nhiệm sai anh em đi khắp các nơi. Anh em ngượng ngạo lục tục lên đường, nhưng rốt cuộc là Cá. Ngày mà có chàng trai nọ hối hả từ Hà Nội bay vào Sài Gòn vì nghe cô người yêu bị tai nạn, rốt cuộc cũng do một cú điện thoại mang tính Cá. Nếu như ngày Cá để giải toả, để vui, để cười, để làm kẻ “hề” bao nhiêu có thể, thì ngày 30 tháng tư lại là ngày “triệu người buồn”. Buồn vì mỗi người một ngả, buồn vì bao cuộc đời bị đổi thay. Một cái buồn thực sự, một cái buồn khiến “triệu người vui” cũng không vui được vì mãi mãi không hàn gắn được, mãi mãi không cùng chung tay đoàn kết được.
Với chỉ hai ngày đầu và cuối tháng Tư để nhìn, để xem, để tìm lại ký ức thì cũng đủ để thấy sự phù du, mỏng manh của con người. Trêu đó nhưng cũng thật đó. Vui đó nhưng cũng buồn đó. Hạnh phúc đó nhưng cũng buồn tủi đó.
Tuy vậy, dù muốn dù không thời gian vẫn dần trôi. Ngày lại ngày : mồng một, rồi mồng hai… rồi ba mươi. Rồi tháng lại tháng : tháng Ba, rồi tháng Tư… rồi tháng Năm. Thời gian với những con số được đong đếm vẫn dần dần trôi. Những chơi vơi cứ nối tiếp chơi vơi, những hoài nghi nối tiếp hoài nghi.
Quả thật, những con số ấy sẽ chẳng có ý nghĩa và mãi mãi hoài nghi nếu không được đong đầy bằng những biến cố, bằng những cung bậc của tình cảm, những công trình, những mồ hôi và nước mắt của con người.
Và những con số ấy còn có tính vĩnh cửu khi tháp nhập vào chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa “hôm qua, hôm nay vẫn là một”. Một Thiên Chúa trào tràn tình thương trên mọi sắc thái của con người.
Vẫn Cá tháng Tư đó, vẫn trêu vẫn trọc ấy, song trong sâu thẳm trong tâm khảm của mỗi người là một tình thương mến, một sự gắn bó và đỡ nâng. Vẫn hồi tưởng lại 30 tháng Tư đó, song với một tinh thần tự tại hơn, bình thản hơn. Vẫn thấy còn đó là một nỗi đau nhưng biết đâu “trong cái rủi biết đâu có cái may”; biết đâu Thiên Chúa muốn vậy để con người hiểu bản thân hơn.
Vẫn biết rằng từ một thực tại rất người với bao thăng trầm, với bao biến cố nửa đùa nửa thật bước sang thực tại Tin, thực tại của Thần Linh, thực tại của “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” là một nỗ lực, là những cố gắng mỗi ngày. Nhưng chúng ta dám khẳng định : biết đâu những nổ lực, những cố gắng sẽ ấy được đền đáp. Vâng, biết đâu những điều chúng ta đang tin là sự thật !
Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa, OP.