1. Hồi Giáo cực đoan tấn công kinh hoàng tại Luân Đôn
Lúc 10h tối thứ Bẩy mùng 3 tháng 6, ít nhất 4 tên khủng bố Hồi Giáo đã mở hai cuộc tấn công tại thủ đô Luân Đôn của Anh quốc. Ít nhất 6 người chết và nhiều người khác bị thương.
Lúc 10:08 tối giờ địa phương, một chiếc xe tải phóng với tốc độ ít nhất 80km/h đã lao vào khách bộ hành trên cầu Luân Đôn tương tự như cuộc tấn công khủng bố tại cầu Westminster gần trụ sở Quốc Hội Anh hôm 22 tháng Ba. Ít nhất 6 người bị thương nằm la liệt trên cầu khi xe cứu thương đến được khu vực này.
Sau đó, ít lâu ba tên khủng bố cầm những con dao lớn đâm túi bụi vào bất cứ ai chúng gặp được trong một quán bar tại khu vực Borough Market gần đó. Các nhân chứng cho biết họ dùng ly chai và ghế đánh trả lại những tên khủng bố. Một cô gái bị chúng túm lấy đâm túi bụi từ 10 đến 15 nhát dao, vừa đâm chúng vừa hô to “nhát dao này là vì Allah”.
Lúc 12.25: Thủ tướng Anh là bà Theresa May tuyên bố cả hai vụ tấn công tại cầu Luân Đôn và tại khu chợ Borough đều là “các vụ tấn công khủng bố”.
Lúc 1:50 sáng Chúa Nhật, cảnh sát công bố một bức ảnh cho thấy ba người đàn ông bị cho là những kẻ khủng bố đã bị cảnh sát bắn chết đang nằm trên mặt đường. Trên ngực một người còn bị ghim một cây cọc nhọn.
2. Nước Nga trở lại: Tổng thống tham dự lễ thánh hiến đại đền thờ kính nhớ các vị tử đạo bị giết thời cộng sản
Trong một sự kiện mà cách đây mấy thập niên nằm mơ người ta cũng không tưởng tượng ra được, sáng ngày 31 tháng 5, tại thủ đô Mạc Tư Khoa, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã thánh hiến một đại đền thờ nhằm vinh danh sự phục sinh của Chúa Kitô và để kính nhớ các vị tử đạo bị giết dưới thời sô viết.
Nhà thờ, được khánh thành đúng vào dịp tưởng niệm 100 năm biến cố Bolshevik, nằm trên nền của Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa. Chế độ tàn bạo của Joseph Stalin đã phá hủy hầu hết các nhà thờ được xây trên nền của tu viện có từ thế kỷ thứ 14 này.
Trong số các quan khách có tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và hầu hết các thành viên trong Hội Đồng Bộ Trưởng Nga.
Đặc biệt, lần đầu tiên có sự tham dự của các giám mục thuộc Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga. Năm 1927, dưới áp lực của Joseph Stalin, Chính Thống Giáo Nga tuyên bố trung thành với chế độ cộng sản. Các tín hữu Chính Thống Giáo Nga phản ứng lại bằng cách ly khai khỏi Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và thành lập Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga. Các nỗ lực hiệp nhất hai Giáo Hội đang được thực hiện.
Một sự kiện khác xảy ra chỉ một tuần trước biến cố 100 năm Đức Mẹ Fatima là việc tổng thống Nga đã cùng với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa tham dự lễ thánh hiến một cây thánh giá được đặt tại địa điểm nơi một thành viên hoàng gia Nga đã bị cộng sản ám sát.
Hoàng tử Sergey Alexandrovich, con thứ năm của Hoàng hậu Nicholas II, đã bị cộng sản ám sát vào năm 1905. Hoàng gia Nga lúc đó đã cho dựng một cây thánh giá để tưởng nhớ ông.
Sau cuộc cách mạng Bolshevik, đích thân Vladimir Lenin đến tận nơi trực tiếp giám sát việc phá hủy cây thánh giá này.
Trong diễn từ của ngài, được trực tiếp truyền hình, Đức Thượng Phụ Kirill lên án “sự khinh miệt mạng sống con người” và “sự sẵn sàng đưa mạng sống con người lên một bàn thờ đẫm máu của cuộc nổi dậy chính trị Bolshevik”.
Tổng thống Vladimir Putin nói: “Tội phạm này của cộng sản là khúc dạo đầu của các sự kiện bi thảm, gây bất đồng trong xã hội, tạo ra các xung đột dân sự bi đát, mà nước Nga đã phải đối mặt. Đó là những tổn thất nặng nề nhất, là một thảm hoạ quốc gia thực sự, là mối đe dọa cho sự sống còn của dân tộc Nga”.