Khi nào kinh Vinh Danh được bỏ hoặc hát?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Khi một lễ Truyền chức linh mục diễn ra vào một ngày không phải là một lễ trọng hoặc lễ kính, kinh Vinh Danh (Gloria) được hát không? Nghi thức lễ Truyền chức chỉ nói rằng sau cuộc rước, “phụng vụ lời Chúa diễn ra đúng theo chữ đỏ” (6). Theo đó, sẽ không hát kinh Vinh Danh, nếu Thánh Lễ diễn ra vào một ngày lễ nhớ. Tuy nhiên, trong tất cả các lễ Truyền chức mà tôi đã tham dự, kinh Vinh Danh luôn được hát, như thế liệu người ta có làm theo đúng chữ đỏ hay không. Xin cha làm sáng tỏ điều này. – H. H., Berkeley, California, Mỹ.

Hỏi 2: Trong thánh lễ Chúa Nhật có nghi thức rửa tội, ngoài việc bỏ qua nghi thức chào cộng đoàn và nghi thức sám hối, liệu kinh Vinh Danh có bị bỏ qua luôn không? – A. C, Townsville, Australia.


Đáp: Vì cả hai câu hỏi có liên quan với nhau, tôi sẽ giải quyết chung với nhau.

Số 53 của “Qui chế tổng quát sách lễ Rôma” nói:

“Kinh Vinh Danh là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con. Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác. Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung, hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn, hay chỉ ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp.

“Kinh này được hát hay đọc trong các Chúa Nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp lễ khá long trọng” (bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Như vậy, bởi vì lễ Truyền chức là chắc chắn “một dịp lễ khá long trọng”, Kinh Vinh Danh có thể được hát hoặc đọc cho mọi dịp truyền chức, mà trong đó Thánh lễ Truyền chức được cử hành.

Một lễ nhớ buộc không cản trở việc cử hành Thánh lễ Truyền chức, do đó Kinh Vinh Danh có thể được hát. Điều này là đúng cả khi vì một lý do chính đáng, vị Giám mục quyết định cử hành lễ kính vị thánh của ngày ấy hơn là thánh lễ Truyền chức. Các ngày, mà Kinh Vinh Danh không được hát hay đọc trong lễ Truyền chức, chẳng hạn các Chúa Nhật Mùa Vọng và Mùa Chay, và ngày 2-11, thường không được chọn cho việc cử hành lễ Truyền chức.
Về phép Rửa tội, khi nghi thức Rửa tội được cử hành trong Thánh lễ, nghi thức chào cộng đoàn và nghi thức sám hối được bỏ qua, bởi vì nghi thức đón nhận đứa trẻ đã diễn ra ở đầu buổi cử hành rồi. Chữ đỏ cũng nói rằng kinh Tin Kính được bỏ qua, bởi vì “sự tuyên xưng đức tin của toàn thể cộng đoàn trước khi rửa tội đã thay thế cho kinh Tin Kính rồi”.

Do nghi thức Rửa tội không nhắc gì đến kinh Vinh Danh, người ta giả định rằng nó không bị ảnh hưởng bởi việc cử hành bí tích, và do đó tuân theo các luật thông thường về việc hát kinh Vinh Danh hay không.

Tương tự như vậy, việc chữ đỏ của các nghi thức bí tích khác, chẳng hạn nghi thức Truyền chức, đề cập đến việc hát kinh Vinh Danh được tiên liệu, thì việc này cũng gợi ý rằng nghi thức Rửa tội không phải là một ngoại lệ cho luật chung ấy.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 2-7-2013)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *