Khiêm nhường – Bài học khó thuộc nhưng dễ quên

Mỗi khi gẫm mầu nhiệm thứ nhất (năm sự vui) trong kinh Mân Côi, ta luôn nguyện xin cho được ở “khiêm nhường”. Kinh “Cải tội bảy mối” cũng dạy ta khiêm nhường chớ kiêu ngạo. Quả thật ai cũng muốn mình trở thành người khiêm nhường. Ai cũng mến mộ, nể phục, kính mến những người khiêm nhường thật trong lòng.

Nhưng thật ra, khiêm nhường là bài học ngắn nhất, chỉ gồm hai chữ, nhưng lại khó nhất. Bài học do chính Chúa dạy ta: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11, 29a). Con nhìn lên Chúa, thấy Ngài hiền lành nhịn nhục, chịu đựng, bao dung thứ tha. Mặc cho bao kẻ chống đối, mưu mô hại Ngài. Ngài nhẫn nhục chịu đựng Phêrô, Giuđa và những môn đệ thân tín của Ngài, yêu cho đến cùng. Trong cuộc khổ nạn đau thương, còn bao kẻ nhạo báng khinh chê thách thức, đả đảo, tên trộm cùng cảnh sỉ nhục, Ngài không hề mở miệng hay báo oán, lại cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ.

Phần con, hằng ngày trong Lời kinh ban mai con vẫn đọc: “Lạy Chúa, xin đóng kín tai con trước mọi lời vu khống”. Nhưng khi bị hiểu lầm, oan ức, con vẫn thấy mình khổ đau, lòng trĩu nặng và khó quên nỗi niềm oan trái gặp phải.

Chúa ơi! chỉ khi nào con thực sự “ở lại”trong tình yêu Chúa như cành nho gắn liền với thân cây, con sẽ sống bằng chính sức sống của Chúa. Khi con mật thiết, nên một với Chúa, chính Chúa sẽ khiêm nhường trong con người kiêu căng mỏng giòn yếu đuối này của con. Lúc đó con sẽ biết tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả và khi ấy con mới học thuộc và nhớ hai chữ khiêm nhường Chúa đã sống và truyền dạy con.

Én Nhỏ

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *