Khoa trưởng Đại học Hoa kỳ bày tỏ lòng cảm phục về phong cách và tinh thần phục vụ của các nữ tu Công giáo

Ngày 23 tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ Richard Darga – Khoa trưởng đặc trách Giảng huấn tại Viện Đại học Công lập Chicago – đã tường trình về thành quả chuyến công tác giáo dục của thầy tại Đà Nẵng trong phiên họp của Hội đồng Đại học, với sự hiện diện của Viện trưởng, Viện phó Đặc trách Giảng huấn và Khoa trưởng các phân khoa khác (như Giáo dục, Dược khoa, Âm nhạc). Trong buổi họp nầy, Tiến sĩ Richard Darga đã bày tỏ lòng cảm phục của mình về phong cách và tinh thần phục vụ của những nữ tu Công giáo mà thầy đã gặp tại Đà Nẵng trong lớp Tập huấn SPC Hè 2017.

Sau đây là cảm nhận của Thầy Richard về phong cách và tinh thần phục vụ của quý nữ tu mà thầy được dịp gặp gỡ trong chuyến công tác giáo dục nầy.

Sau giờ dạy học trong các lớp tập huấn, thầy được mời đi thăm các cơ sở phục vụ mầm non, khuyết tật, khiếm thị mà Tỉnh dòng SPC Đà Nẵng đã tổ chức rất quy mô và điều hành rất chuyên môn. Sau đây là cảm nhận của Thầy Richard về phong cách và tinh thần phục vụ của quý Nữ tu SPC mà thầy được dịp gặp gỡ, trao đổi và tham quan các cơ sở phục vụ công ích trong chuyến công tác giáo dục năm 2017.

PHONG CÁCH VÀ TINH THẦN PHỤC VỤ CỦA CÁC NỮ TU

Quý Nữ tu Saint Paul de Charles (SPC) phục vụ trong các cơ sở y tế, giáo dục, xã hội và mục vụ giáo xứ (như dạy lớp giáo lý, hướng dẫn tĩnh tâm, thừa tác viên Thánh Thể). Một số Nữ tu cao tuổi thì phục vụ qua việc cầu nguyện, chiêm niệm và các hoạt động bác ái tâm linh.

Thấu cảm/đồng cảm

Thấu cảm là khả năng nhận định trải nghiệm tình huống của người khác một cách minh mẫn và trong tình yêu thương. Đồng cảm là một quá trình trí tuệ và tình cảm, đặt mình trong hoàn cảnh của người mà mình đang giúp đỡ, làm cho việc phục vụ được dễ dàng hơn, để hiểu và giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của họ trong nghĩa tình và không bị mặc cảm. Các Nữ tu SPC Thầy Richard gặp trong công tác đều cảm thông tích cực – thấu cảm – với hoàn cảnh của thân chủ và đặt mình vào hoàn cảnh của thân chủ – đồng cảm – với họ để trở nên bạn hữu yêu thương trong Đức Kitô.

Lắng nghe tích cực

Khả năng lắng nghe một cách cẩn thận, đặt các câu hỏi thích hợp và giữ lại thông tin truyền miệng một cách cẩn trọng, cẩn mật và riêng tư là điều cốt yếu để duy trì tương giao tốt đẹp lâu dài với người mình giúp đỡ. Bằng khả năng lắng nghe tích cực, quý Nữ tu SPC đã thiết lập niềm tin và khám phá được những chi tiết có giá trị về những cá nhân đang được các Soeurs SPC giúp đỡ trong tình yêu và lòng Chúa thương xót.

Tổ chức khoa học

Quý Nữ tu SPC tại một trường khuyết tật thường phải đối phó với lịch trình làm việc bận rộn, các thủ tục hành chánh phức tạp và công tác điều hành nhân sự tế nhị. Nhưng quý Soeurs đã biết tổ chức công việc một cách khoa học, từ văn phòng đến các lớp học đều sạch sẽ, khang trang, thứ tự, ngăn nắp và rất chuyên môn. Nhờ vậy việc quản lý các cơ sở giáo dục, y tế, xã hội của quý Soeurs SPC Đà Nẵng rất thành công. Thêm vào đó, các Nữ tu trong ban điều hành còn biết ưu tiên đến các khía cạnh hậu cần của công việc nhằm giúp tối đa hóa và hữu hiệu hóa thời gian cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế, xã hội nhằm thâu đạt được thành quả công tác với chất lượng và số lượng cao.

PHONG CÁCH VÀ TINH THẦN HỌC HỎI CỦA CÁC NỮ TU

Quan sát hoạt động của quý Nữ tu SPC trong suốt khóa học, Tiến sĩ Richard Darga đã có những cảm nhận sau đây về phong cách và tinh thần học hỏi của quý Soeurs SPC Tỉnh dòng Đà Nẵng.

Phong cách học hỏi

Quý Nữ tu SPC Đà Nẵng có tinh thần học hỏi rất cao nhờ vậy mà phong cách phục vụ của quý Soeurs rất chuyên môn, hòa ái, khiêm nhu và nhất là rất “đẳng cấp” trong chiếc áo nữ tu trang trọng và khả kính – trải dài trên tâm thân phục vụ và ý chí kiên định – cứ được “mặc miết” như vậy trong ngày nắng cũng như ngày mưa, 365 ngày trong một năm. Tỉnh dòng SCP Đà Nẵng rất lưu tâm đến việc đào tạo và bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho quý Soeurs trong Dòng. Tỉnh dòng đã mở ra những khóa bồi dưỡng liên tục và đều đặn như tuần tĩnh tâm, khóa linh thao, lớp tập huấn về các môn nghệ thuật, kỹ thuật, chuyên ngành và các khóa huấn luyện dài hạn chuyên sâu về Thần học và Thánh Kinh.

Tinh thần học hỏi

106 Nữ tu SPC tham dự khóa tập huấn năm 2017 được chia ra thành nhiều tổ hay tâm. Mỗi tâm – có 7 đến 9 thành viên – trách nhiệm một đề tài để học hỏi theo tổ, thảo luận theo tổ và thuyết trình theo tổ để chia sẻ kiến thức và kỹ năng của đề tài được chỉ định với tất cả các thành viên khác trong khóa học. Mỗi học viên đều có một cuốn sách giáo khoa để tự học hiểu và tự tham khảo trước. Ngoài những giờ giảng huấn về kỹ năng tổ chức và nghệ thuật lãnh đạo trong 3 tiết buổi sáng, hai giáo sư hướng dẫn – Thầy Giuse và Thầy Richard – luôn có mặt trong lớp học cũng như tại tu viện để tư vấn cho các tổ trong tiến trình làm việc nhóm và học hỏi nhóm.

DÒNG THÁNH PHAOLÔ VIỆT NAM

Saint Paul de Chartres (SPC) – là tên Dòng Thánh Phaolô thành Chartres – đã được thành lập tại Việt Nam cách nay trên 150 năm. Hội dòng đã và đang có những đóng góp lớn lao trong công tác giáo dục, xã hội, y tế, và đặc biệt là thực hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong 4 Tỉnh dòng: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội.

Các khóa thường huấn

Các khóa thường huấn SPC đã được tổ chức hằng năm nhằm thỏa đáp nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng sống theo Tin Mừng và nghệ thuật phục vụ dân Chúa khắp nơi. Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam hiện có trên 1.000 nữ tu, chiếm ¼ tổng số nữ tu của Hội dòng Thánh Phaolô trên toàn thế giới. Hiện nay Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng có trên 500 soeurs vĩnh khấn và khấn sinh, phục vụ tại 57 Cộng đoàn và 11 Giáo điểm – trải dài trên 7 Giáo phận và 23 tỉnh thành Việt Nam.

Chương trình 5 năm

Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu – Giáo sư Đại Chủng viện St. Francis Xavier và Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đương nhiệm – đã được Tỉnh dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng mời về hướng dẫn các khoá thường huấn trong năm 2014, 2015, 2016 và 2017. Với sự chấp thuận của Mẹ Bề trên Giám tỉnh và Hội đồng Tỉnh dòng, sau Khóa Thường huấn 2018, quý tham dự viên sẽ nhận Chứng chỉ Hoàn tất Chương trình Kỹ năng Sống và Phục vụ. Một vị Giáo sư Khoa trưởng, đại diện Viện trưởng Đại học bảo trợ, sẽ đến chủ sự Lễ Mãn khóa và đích thân trao Chứng chỉ Hoàn tất Chương trình (Certificate of Completion) cho quý Soeurs SPC đã tham dự chương trình thường huấn đặc biệt nầy được 5 năm (2014-2018).

Cao Thị Khuê Các

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *