Kinh Truyền tin với ĐTC 10.12.2023: Xin Đức Maria giúp chúng ta biết yêu mến thinh lặng

Trưa Chúa nhật, ngày 10 tháng Mười Hai năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Căn hộ Giáo hoàng, lầu III Dinh Tông tòa, để chủ sự kinh Truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu, cạnh cây thông và hang đá máng cỏ, mới được khánh thành chiều thứ Bảy hôm trước đó. Trong lời chào thăm và kêu gọi nhân dịp này, Đức Thánh cha nhắc đến và kêu gọi tôn trọng các quyền con người, nhân dịp 75 năm công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ngài chào mừng hiệp định trả tự do cho các tù binh trong cuộc chiến giữa Cộng hòa Azerbaijan và Armeni, cũng như kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh COP28 sắp kết thúc tại Dubai, về việc tìm các biện pháp chống thay đổi khí hậu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng này, Tin mừng nói với chúng ta về thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu (Xc Mc 1,8) và mô tả thánh nhân như “tiếng kêu trong hoang địa” (v.3). Hoang địa là nơi trống rỗng, tại đó người ta không nói với nhau và tiếng nói, vốn là phương thế để nói, và hoang địa dường như là hai hình ảnh trái ngược nhau, nhưng nơi vị Tẩy Giả, hai điều đó hợp với nhau. Chúng ta hãy suy tư một chút về hai điều này.

Hoang địa. Thánh Gioan rao giảng tại đó, cạnh sông Giordan, gần nơi dân tộc thánh nhân, nhiều thế kỷ trước đó, đã đi vào đất hứa (Xc Gs 3,1-17). Qua hành động như vậy, dường như thánh nhân nói: Để lắng nghe Thiên Chúa, chúng ta cần trở lại nơi Chúa đã đồng hành với dân trong 40 năm, bảo vệ và giáo dục dân Ngài trong hoang địa. Đó là nơi thinh lặng và cốt yếu, nơi mà ta không thể để cho mình được trì hoãn với những điều vô ích, nhưng cần tập trung vào điều tối cần thiết để sống.

Đó là một lời nhắc nhở luôn thời sự: để tiến bước trên hành trình cuộc sống, ta cần cởi bỏ những gì “dư thừa”, vì sống tốt đẹp không có nghĩa là chất đầy mình những điều vô ích, nhưng là giải thoát mình khỏi những thừa thãi, để đào sâu nơi mình, để lãnh hội điều thực sự là quan trọng trước Thiên Chúa. Chỉ qua thinh lặng và kinh nguyện, chúng ta mới dành chỗ cho Chúa Giêsu, là Lời của Chúa Cha, chúng ta mới biết giải thoát mình khỏi sự ô nhiễm của những lời phù vân và những chuyện tầm phào. Một thi sĩ hồi thế kỷ XIX, Clemente Rabora, có một câu về cuộc hoán cải của ông: “Lời nói làm im bặt những trò chuyện của tôi!” (Curriculum vitae). Thinh lặng và điều độ – trong lời nói, trong việc sử dụng đồ vật, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội – không những là những “hoa nhỏ” hoặc nhân đức, nhưng là những yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô.

Chúng ta hãy bước sang hình ảnh thứ hai, tiếng nói. Tiếng nói là phương thế chúng ta biểu lộ điều chúng ta suy nghĩ và mang trong tâm hồn. Chúng ta hiểu nó gắn liền với thinh lặng, vì để biểu lộ điều được suy nghĩ chín chắn bên trong, từ sự lắng nghe điều mà Thánh Linh soi sáng. Nếu ta không biết thinh lặng, thì thật khó có một cái gì tốt để nói; trái lại, hễ sự thinh lặng càng được để ý hơn, thì lời nói càng mạnh. Không phải tình cờ mà thánh Gioan Tẩy giả bắt đầu sứ vụ sau khi đã sống “trong những vùng hoang địa cho đến ngày ngài xuất hiện với Israel” (Lc 1,80). Sức mạnh ngôn sứ của lời thánh nhân gắn liền với kinh nghiệm chân thực và con tim trong sáng của ngài. Đó là một người khổ hạnh mời gọi hãy thống hối, một chứng nhân có những lời trào dâng từ tâm hồn. Vì thế, tiếng nói của ngài không bị người ta bỏ qua, không lắng nghe, nhưng có khả năng ảnh hưởng tới cuộc sống của những người khác và mưu ích nhiều. Những điều ấy cũng có thể được áp dụng cho chúng ta và những lời nói của chúng ta.

Xét mình

Chúng ta có thể tự hỏi: đâu là chỗ đứng của thinh lặng trong cuộc sống hằng ngày của tôi? Phải chăng đó là một sự thinh lặng trống rỗng, có khi nặng nề, hoặc là một không gian để lắng nghe, cầu nguyện, nơi gìn giữ tâm hồn? Cuộc sống của tôi điều độ hoặc đầy những thứ thừa thãi? Cho dù điều này có nghĩa là đi ngược dòng, đề cao giá trị của thinh lặng, điều độ, và lắng nghe.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ thầm lặng, xin giúp chúng con biết yêu mến thinh lặng, để trở thành những tiếng nói đáng tin cậy, loan báo Con của Mẹ đang tới.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:

Cách đây 75 năm, ngày 10 tháng Mười Hai năm 1948, Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền đã được ký kết. Nó là một con đường chính, trên đó nhiều bước tiến đã được thực hiện, nhưng vẫn còn thiếu bao nhiêu bước, và rất tiếc là nhiều khi người ta thụt lại đằng sau. Sự dấn thân cho các quyền con người không bao giờ chấm dứt! Về vấn đề này, tôi gần gũi tất cả những người, tuy không tuyên bố gì, nhưng trong đời sống cụ thể mỗi ngày đang chiến đấu và đích thân trả giá để bảo vệ quyền của những người không đáng kể.

Tôi vui mừng vì việc trả tự do cho một số tù nhân Armeni và Azerbaijan. Tôi coi dấu chỉ này với niềm hy vọng tích cực đối với tương lai của Armeni với Azerbaijan, cho hòa bình tại miền nam Caucase, và khích lệ các phe cũng như các vị lãnh đạo liên hệ sớm kết thúc hiệp định hòa bình.

Tiếp đến, trong vài ngày nữa, Hội nghị COP28 về khí hậu đang tiến hành ở Dubai, sẽ kết thúc. Tôi xin anh chị em cầu nguyện để Hội nghị đi tới những kết quả tốt đẹp về việc chăm sóc căn nhà chung của chúng ta và bảo vệ dân chúng.

Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho những dân tộc đang đau khổ vì chiến tranh. Ngài nói: “Chúng ta đang tiến đến lễ Giáng sinh: chúng ta có khả năng, với sự phù trợ của Thiên Chúa, thực hiện những bước tiến cụ thể về hòa bình hay không? Không dễ dàng. Một số xung đột đã có những căn cội lịch sử sâu đậm. Nhưng chúng ta cũng có chứng tá của những người nam nữ đã làm việc một cách khôn ngoan và kiên nhẫn cho sự sống chung hòa bình. Hãy theo gương của họ! Hãy dấn thân bằng mọi cách để đối phó và loại bỏ những nguyên nhân gây nên xung đột, Và về vấn đề các quyền con người, hãy bảo vệ các thường dân, bệnh viện, nơi thờ phượng, giải phóng cho các con tin và bảo đảm việc cứu trợ nhân đạo. Chúng ta đừng quên Ucraina đau thương, Palestine và Israel.

Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *