Chúa Nhật 20/12 là Chúa Nhật cuối cùng người dân Ý được tự do chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và Năm Mới trước khi bước vào giai đoạn phong tỏa nghiêm nhặt từ ngày 24/12-6/1, để ngăn ngừa việc người dân di chuyển quá nhiều trong thời gian nghỉ lễ khiến việc lây nhiễm virus gia tăng. Cộng thêm thời tiết rất đẹp, nên khác với những Chúa Nhật trước đây trong mùa đại dịch, Chúa Nhật hôm nay tại quảng trường thánh Phê-rô cũng có đông tín hữu tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha hơn.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu theo gương Mẹ Maria, thưa “vâng” với Chúa bằng cách thực hiện những bước cụ thể tiến đến lễ Giáng sinh.
Thưa vâng hay từ chối
Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau: Trong Chúa Nhật thứ IV và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, một lần nữa Tin Mừng tường thuật với chúng ta sự kiện Truyền Tin. Thiên thần nói với Đức Maria: “Mừng vui lên… Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1, 28.31). Đó dường như là một loan báo hoàn toàn vui mừng, nhắm làm cho Đức Trinh nữ hạnh phúc: có ai trong số các người nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó loan báo trước với Đức Maria một thử thách lớn lao. Tại sao? Bởi vì khi đó Mẹ đã là hôn thê của thánh Giuse, chưa kết hôn. Trong hoàn cảnh đó, Luật Mô-sê quy định rằng họ không được có quan hệ và sống chung. Vì thế, có một đứa con nghĩa là Đức Maria đã phạm Luật, và những hình phạt dành cho các người nữ thật khủng khiếp: Mẹ sẽ bị ném đá (x. Đnt 22.20-21). Chắc chắn sứ điệp của Thiên Chúa sẽ ban cho tâm hồn Đức Maria tràn đầy ánh sáng và sức mạnh; tuy nhiên, Mẹ đứng trước một chọn lựa quan trọng: thưa “vâng” với Thiên Chúa và chấp nhận mọi nguy hiểm, bao gồm cả mạng sống , hoặc từ chối lời mời và tiếp tục con đường bình thường của mình.
Không trì hoãn
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Và Mẹ Maria làm gì? Mẹ trả lời: “Xin hãy xảy đến với tôi như lời sứ thần.” Đức Thánh Cha giải thích: Nhưng trong ngôn ngữ dùng để viết Tin Mừng nó không đơn giản là một tiếng thưa “xin hãy xảy đến”. Động từ này diễn tả một mong muốn mạnh mẽ, một ý muốn kiên định rằng một điều gì đó xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu nó phải xảy ra, hãy để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác được…” Không phải là một sự đầu hàng. Không, Mẹ không thể hiện sự chấp nhận yếu ớt và tùng phục nhưng là mong muốn mạnh mẽ và sống động. Mẹ không thụ động, nhưng chủ động. Mẹ không chịu đựng Thiên Chúa nhưng gắn bó với Người. Mẹ là một người yêu sẵn sàng phục vụ Chúa của mình mọi điều và ngay lập tức. Mẹ có thể xin thêm một chút thời gian để suy nghĩ về điều đó, hay xin giải thích thêm về những gì sẽ xảy ra; hoặc có thể đặt một điều kiện nào đó… Nhưng Mẹ đã không cần thêm thời gian, không để Thiên Chúa chờ đợi, không trì hoãn.
Xét mình: Đã bao lần chúng ta trì hoãn, cả trong đời sống thiêng liêng?
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi: Đã bao lần chúng ta trì hoãn trong cuộc sống, ngay cả trong đời sống thiêng liêng! Ví dụ, tôi biết rằng cầu nguyện là điều tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian; để ngày mai, đồng nghĩa là “ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai…”, chúng ta trì hoãn mọi điều; tôi biết rằng giúp đỡ ai đó là điều quan trọng, vâng tôi phải làm, ngày mai tôi sẽ làm, Đó là một loạt những ngày mai, trì hoãn thực hiện.
Tiếng thưa vâng can đảm và sẵn sàng của Mẹ Maria mang lại ơn cứu độ cho chúng ta
Hôm nay, trước ngưỡng cửa lễ Giáng sinh, Mẹ Maria mời chúng ta đừng trì hoãn, hãy thưa “vâng”. “Tôi phải cầu nguyện?” “Đúng, tôi phải tìm cách cầu nguyện.” “Tôi phải giúp đỡ tha nhân” “Đúng. Và tôi không trì hoãn”. Mỗi lời thưa “vâng” đều phải trả giá nhưng luôn ít hơn điều Mẹ phải trả giá khi thưa tiếng “xin vâng” can đảm và sẵn sàng, những lời “Xin xảy đến với tôi như lời sứ thần”, những lời đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ.
Thay vì phàn nàn, hãy nhớ đến người thiếu thốn hơn chúng ta
Áp dụng vào chính chúng ta, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Còn chúng ta, chúng ta có thể nói lời thưa “vâng” nào? Trong thời gian khó khăn này, thay vì phàn nàn về những điều mà đại dịch ngăn cản chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho người thiếu thốn hơn: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, nhưng cho một người thiếu thốn không được ai nhớ đến!
Đừng để bị lối sống tiêu thụ lôi cuốn
Đức Thánh Cha đưa ra một lời khuyên khác: Để Chúa Giê-su giáng sinh trong chúng ta, chúng ta chuẩn bị tâm hồn, chúng ta cầu nguyện, chúng ta đừng để mình bị lối sống tiêu thụ lôi cuốn. Điều quan trọng là Chúa Giê-su chứ không phải là chủ nghĩa tiêu thụ. Chủ nghĩa tiêu thụ đã cướp đi Giáng sinh khỏi chúng ta. Lối sống tiêu thụ không phải là hang đá Bê-lem: ở đó có thực tại, có sự nghèo khó, có tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như tâm hồn của Mẹ Maria: sạch mọi điều xấu xa tội lỗi, nồng nhiệt đón tiếp, sẵn sàng đón Chúa.
Nếu sự kiện Chúa giáng sinh không chạm đến cuộc sống của chúng ta thì nó trôi qua một cách vô ích
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhận định lời thưa của Mẹ Maria: “Xin xảy đến với tôi như lời sứ thần”, câu cuối cùng của Đức Trinh nữ trong Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, là lời mời gọi chúng ta thực hiện một bước cụ thể tiến đến lễ Giáng sinh. Bởi vì nếu việc Chúa sinh ra không chạm đến cuộc sống của chúng ta thì nó trôi qua một cách vô ích. Đức Thánh Cha mời gọi: Giờ đây trong kinh Truyền Tin, cả chúng ta cũng hãy nói “xin hãy thực hiện nơi con như lời sứ thần”, và ngài xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói lời này bằng cuộc sống.
Cầu nguyện cho những người trong ngành hàng hải
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nhớ đến những người đi biển đang gặp khó khăn do đại dịch Khoảng 400.000 người trong số những người làm nghề biển phải ở lại trên các con tàu sau khi kết thúc hợp đồng và không thể trở về nhà. Đức Thánh Cha cầu nguyện: Tôi xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao Biển, an ủi những người này và tất cả những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, và tôi kêu gọi các chính phủ làm mọi điều có thể để họ có thể trở về với những người thân yêu của họ.
Hang đá là bài giáo lý về cách Chúa Giê-su giáng sinh
Tiếp đến Đức Thánh Cha mời các tín hữu viếng 100 hang đá năm nay được trưng bày tại hàng cột quảng trường thánh Phê-rô. Ngài nói: “Nhiều hang đá thật là một bài giáo lý về đức tin của dân Chúa. Tôi mời gọi anh chị em thăm các hang đá ở hàng cột quảng trường để hiểu cách người dân dùng nghệ thuật để diễn tả Chúa Giê-su giáng sinh thế nào. Các hang đá được trưng bày ở hàng cột quảng trường là một bài giáo lý sâu sắc về đức tin của chúng ta.
Người đau khổ là hang đá sống động nơi chúng ta thật sự gặp Chúa
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào các tín hữu Roma và khách hành hương đến từ các nơi, các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội và các cá nhân. Ngài nói rằng giờ đây Giáng sinh đã đến gần, chớ gì đây là cơ hội cho mỗi người canh tân đời sống nội tâm, cầu nguyện, hoán cải, thực hiện những bước tiến trong đức tin và tình huynh đệ giữa chúng ta. Ngài mời gọi: Chúng ta hãy nhìn xung quanh chúng ta, chúng ta hãy quan sát đặc biệt những người nghèo khổ: người anh em đau khổ, ở bất cứ nơi đâu, người anh em đau khổ thuộc về chúng ta. Đó là Chúa Giêsu trong máng cỏ: người đau khổ là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nghĩ một chút về điều này. Và chớ gì Giáng sinh là một sự gần gũi với Chúa Giêsu trong người anh em này và trong người chị em này. Và ở nơi đó, nơi người anh em thiếu thốn, là hang đá mà chúng ta phải đi đến bằng tình liên đới. Đây là hang đá sống động: hang đá giáng sinh nơi mà chúng ta sẽ thực sự gặp gỡ Đấng Cứu Chuộc trong những người thiếu thốn. Do đó, chúng ta hãy bước tới Đêm Thánh và chờ đợi mầu nhiệm Cứu độ được hoàn tất.
Hồng Thủy – Vatican News