Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật VI Phục Sinh, nói với chúng ta về Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu gọi là Đấng An Ủi (x. Ga 14,15-17). Paraclito là một từ gốc Hy Lạp, vừa có nghĩa là người an ủi và có nghĩa là người bào chữa. Nghĩa là, Chúa Thánh Thần không bỏ mặc chúng ta một mình, Người ở gần chúng ta, giống như một luật sư đứng bên cạnh giúp đỡ bị cáo. Và điều này cũng nói đến cách Người bảo vệ chúng ta khi đối diện với những kẻ cáo buộc. Hãy nhớ rằng kẻ cáo buộc lớn nhất là ma quỷ, kẻ làm cho anh phạm tội, kẻ muốn tội lỗi và điều xấu xa. Chúng ta hãy suy nghĩ về hai khía cạnh này: sự gần gũi của Người với chúng ta và sự giúp đỡ của Người chống lại những kẻ buộc tội chúng ta.
Sự gần gũi của Người: Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần “ở giữa anh em và ở trong anh em” (x. câu 17). Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúa Thánh Thần muốn ở với chúng ta: Người không phải là khách qua đường đến thăm xã giao chúng ta. Không. Người là một người bạn tâm giao, một sự hiện diện ổn định, Người là Thần Khí và mong muốn ngự trị trong thần khí của chúng ta. Người kiên nhẫn và ở bên chúng ta ngay cả khi chúng ta sa ngã. Người ở lại vì Người thực sự yêu chúng ta: Người không giả vờ yêu chúng ta và rồi bỏ mặc chúng ta trong khó khăn.
Thật vậy, nếu chúng ta gặp thử thách, thì Chúa Thánh Thần an ủi chúng ta, ban cho chúng ta ơn tha thứ và sức mạnh của Thiên Chúa. Và khi Người cho chúng ta thấy những lỗi lầm và sửa chữa chúng ta, Người làm điều đó một cách nhẹ nhàng: tiếng nói của Người ngỏ với trái tim luôn có dấu ấn của sự dịu dàng và hơi ấm của tình yêu. Dĩ nhiên, Thần Khí Bào Chữa cũng đòi hỏi, bởi vì Người là một người bạn đích thực, trung thành, không giấu giếm điều gì, Người gợi ý cho chúng ta những gì cần thay đổi và làm thế nào để phát triển. Nhưng khi Người sửa dạy chúng ta, Người không bao giờ làm cho chúng ta bẽ mặt và không bao giờ khiến chúng ta mất lòng tin; ngược lại, Người cho chúng ta sự chắc chắn rằng chúng ta luôn có thể làm được điều đó với Chúa. Đây là sự gần gũi của Người, là một sự bảo đảm thật đẹp.
Khía cạnh thứ hai, Thần Khí Bào Chữa là người biện hộ cho chúng ta: Đấng Bào Chữa bảo vệ chúng ta. Người bảo vệ chúng ta trước những kẻ buộc tội chúng ta: trước chính chúng ta, khi chúng ta không yêu mình và không tha thứ cho mình, thậm chí đến mức chúng ta tự nói mình là những kẻ thất bại và chẳng ích lợi gì; trước thế giới, kẻ loại bỏ những người không tương ứng với các kế hoạch và khuôn mẫu của nó; trước ma quỷ, là “kẻ tố cáo” và kẻ gây chia rẽ (xem Kh 12:10) và làm mọi cách để khiến chúng ta cảm thấy bất tài và bất hạnh.
Đối diện với tất cả những ý nghĩ buộc tội này, Chúa Thánh Thần gợi ý cách đáp lại. Bằng cách nào? Chúa Giêsu nói, Đấng An Ủi là Đấng làm cho chúng ta nhớ lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta (x. Ga 14:26). Do đó, Người nhắc chúng ta về những lời của Tin Mừng, và cho phép chúng ta đáp trả những lời buộc tội của ác thần không phải bằng lời của chúng ta, nhưng bằng chính lời của Chúa. Trên hết, Người nhắc chúng ta rằng Chúa Giêsu luôn nói về Cha trên trời, Người cho chúng ta biết Người và bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta, những người con của Người. Nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, chúng ta học cách chào đón và ghi nhớ thực tại quan trọng nhất của cuộc sống, thực tại bảo vệ chúng ta khỏi những cáo buộc của sự dữ: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Đây là một thực tế quan trọng hơn và Chúa Thánh Thần nhắc nhớ chúng ta về điều này.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có khẩn cầu Chúa Thánh Thần không, chúng ta có thường xuyên cầu xin Người không? Chúng ta đừng quên Đấng ở gần chúng ta, thực sự ở trong chúng ta! Và rồi, chúng ta có lắng nghe tiếng nói của Người không, cả khi Người khuyến khích lẫn sửa dạy chúng ta? Chúng ta có đáp lại bằng những lời của Chúa Giêsu trước những lời cáo buộc của thần dữ, trước những “toà án” của cuộc sống không? Chúng ta có nhớ mình là con cái được yêu của Thiên Chúa không? Xin Mẹ Maria làm cho chúng ta trở nên ngoan ngoãn với tiếng nói của Chúa Thánh Thần và nhạy bén với sự hiện diện của Người.
Vatican News