Kitô hữu : ăn chay trong mùa tết, ăn tết trong mùa dịch

Các Ki-tô hữu chúng ta đang chuẩn bị tinh thần đón chào mùa Xuân mới với việc ăn Tết từ ngày thứ sáu 12-2-2021 (Mùng 1 Tết Tân Sửu) và năm ngày sau đó sẽ bước vào mùa Chay thánh, khai mạc từ ngày thứ Tư lễ Tro với việc nhận tro và ăn chay kiêng thịt vào ngày thứ tư 17-2-2021 (Mùng 6 Tết Tân Sửu). Cả hai dịp này đều là dịp để mọi người nói đến việc “Ăn”. Ăn Tết và Ăn Chay.

Có lẽ phần đông trong chúng ta đang bận tâm đến việc chuẩn bị ăn Tết nhiều hơn là ăn Chay! Điều này cũng dễ hiểu, vì Tết thì đến sớm, kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là cái gì cũng mới mẻ, hấp dẫn, rộn rã, tưng bừng…còn việc ăn Chay thì nhẹ nhàng, lắng đọng, tuy chỉ bó buộc trong một ngày và chỉ đơn giản giảm bớt việc ăn uống hơn bình thường, nhưng e rằng đối với một số người xem ra không hứng thú lắm. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người còn quên ngày thứ Tư lễ Tro ăn chay-kiêng thịt, còn “bỏ” ăn Chay và còn ăn thịt nhiều hơn bình thường nữa!…

Tuy nhiên, dù chuẩn bị ăn Tết hay ăn Chay, có một điều rất đặc biệt chưa từng xảy ra trước đây, đó là trong thời điểm hiện tại, mọi người đều đang bị chi phối bởi sự bùng phát đang lan nhanh và nguy hiểm của dịch cúm Covid-19 đợt hai diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước.

Trong tình hình này, một đàng chúng ta phải chuẩn bị bước vào mùa Chay và thực hành việc chay tịnh trong không khí của ngày Tết, đàng khác chúng ta lại vừa đón Tết với “tinh thần cảnh giác” trong việc phòng-chống đại dịch Covid-19 chủng mới đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhân đây, trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ dành thời gian cuối năm để bàn về hai vấn đề: 1- Việc ăn chay trong mùa Tết, và 2- Việc ăn Tết trong mùa Dịch.

1.- ĂN CHAY TRONG MÙA TẾT

Chúng ta biết rằng, hầu như mọi năm mùa Chay thường rơi vào thời gian trước hay sau Tết âm lịch. Do đó tín hữu chúng ta có dịp ăn chay trong mùa Tết và ăn Tết theo tinh thần của mùa Chay. Hai chuyện này không có gì tương phản nhau, trái lại đây là cơ hội để chúng ta thực hành Lời Chúa, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33)

Do đó việc ăn chay trong mùa Tết là một cơ hội để Ki-tô hữu chúng ta làm chứng về nếp sống khó nghèo, thanh bạch và tín thác của những con người tin theo Chúa. Tết vừa có ý nghĩa văn hóa dân tộc, lại vừa mang đậm nét tôn giáo nữa.

Thực vậy, một linh mục đã viết như sau: “Tết là khoảng thời gian đặc biệt mà người Công giáo Việt Nam muốn dành cho Thiên Chúa, cho gia đình và cho tha nhân. Ngoài những phong tục truyền thống của ngày Tết như chúc Tết, xông đất, mừng tuổi hay mâm cỗ, người Công giáo không quên Thiên Chúa luôn là mùa xuân của mỗi người. Bởi đó, ta thấy những thánh lễ, buổi nguyện cầu thật thiêng liêng đầm ấm của người Công giáo nơi giáo đường, trong gia đình, và trong từng lời chúc”. [[1]]

Như vậy, đối người Ki-tô hữu nếu cần thiết phải ăn chay trong mùa Tết theo quy định của Hội thánh thì đó là một sự nhắc nhở về việc canh tân đời sống và con người sao cho phù hợp với Tin Mừng hơn.

Vậy, để việc ăn chay được thực thi một cách nghiêm túc, chúng ta nhắc lại ý nghĩa “Việc chay tịnh” ghi trong Từ điển Công Giáo, như sau: [[2]]

Việc chay tịnh: Chay là kiêng; tịnh là sạch sẽ. Chay tịnh là kiêng khem để giữ mình thanh sạch. Chay tịnh là giữ gìn thân xác và tâm hồn trong sạch bằng cách tuân giữ các giới luật tôn giáo và tiết giảm ăn uống. Chay tịnh là một hình thức sám hối, thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô, bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc thụ hưởng các nhu cầu khác. Chay tịnh cùng với cầu nguyện và bố thí là ba việc đạo đức được khuyến khích (x. Mt 6, 1-18).

Chay tịnh gồm hai hình thức: giữ chay và kiêng thịt:

– Ngày buộc giữ chay: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (x. GL 1251); Tuổi giữ chay: từ tuổi thành niên đến khi bắt đầu 60; 14 tuổi trọn buộc phải kiêng thịt (x. GL 1252).

– Cách thức: “Luật giữ chay chỉ cho phép ăn một bữa no trong ngày, nhưng cũng không cấm ăn đôi chút vào buổi sáng và buổi tối, tùy theo phong tục địa phương đã được thừa nhận mà ấn định số lượng và loại thức ăn” (x. TH Paenitemini).

Được biết, ngày 11-11-2020 ĐTC Phan-xi-cô đã công bố Sứ điệp mùa Chay 2021 với chủ để: “Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.” Theo đó, khởi đầu Sứ điệp này, ngài đã nhắn nhủ như sau: [[3]]

Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu, ngay lúc này được chiếu soi nhờ ánh sáng Phục Sinh, trở nên nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.

Đặc biệt đào sâu vào ý nghĩa của việc ăn chay, ĐTC nhấn mạnh thêm:

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Cũng liên quan việc ăn chay trong mùa Chay, ĐTC Phan-xi-cô trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2018, cũng đã nhắc đến việc ăn chay như là phương thế giúp ta thức tỉnh và thăng tiến hơn. Ngài đã viết như sau:

Ăn chay khiến xu hướng bạo lực của chúng ta yếu dần; nó giải phóng chúng ta và đó là cơ hội quan trọng để chúng ta thăng tiến. Một mặt ăn chay cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo đói phải chịu đựng. Mặt khác nó thể hiện chính sự đói khát thiêng liêng của chúng ta, vì cuộc sống trong Thiên Chúa. Ăn chay thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú tâm hơn đến Thiên Chúa và người lân cận. Ăn chay làm sống lại khao khát của chúng ta để vâng lời Thiên Chúa, duy chỉ có Ngài mới có khả năng thỏa mãn cơn đói của chúng ta.” [[4]]

Xét vậy, việc ăn chay trong mùa Tết chẳng những không làm cái Tết của chúng ta mất vui, mất ý nghĩa, trái lại nó giúp ta sống đạo cách tích cực hơn, nhất là trong thời điểm hiện tại, khi mọi người đang chuẩn bị ăn một cái Tết đặc biệt, Tết trong mùa dịch.

2.- ĂN TẾT TRONG MÙA DỊCH

Chưa bao giờ người dân VN ta vừa chuẩn bị đón Tết, lại vừa phải căng mình chống dịch cúm Covid-19 như thời điểm hiện tại. Lo âu xen lẫn vui mừng. Tiếng nhạc Xuân rộn ràng khắp nơi không làm cho ta mất cảnh giác đối với cơn dịch được xem là một thảm họa của nhân loại trong thời đại này.

Thông tin báo chí về số ca mắc ở VN hiện tại cho biết là tính đến 6g00 sáng ngày thứ năm 04-02-2021, từ đầu mùa dịch VN có tổng cộng 1059 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 366 ca. Riêng tính từ 18g00 ngày 03-02 đến 6g00 sáng ngày 04-02 có 37 ca mắc mới, trong đó không có ca nhập cảnh nào được cách ly ngay.

Riêng về số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01)… [[5]]

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh chóng và diễn biến rất phức tạp, nhiều giáo phận trong cả nước cũng đã lần lượt ra thông báo nhắc nhở các tín hữu tham gia việc phòng chống dịch cách kịp thời và đúng quy định.

Theo bản tin cập nhật từng ngày của trang web Hội đồng Giám mục VN (WHĐ) phổ biến hôm thứ tư 3-2 thì đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày 28-1-2021 vẫn còn đang tiếp diễn. Trước tình hình đó, nhiều Giáo phận Việt Nam đã ra các thông báo hướng dẫn sinh hoạt mục vụ thích hợp để cùng chung tay phòng tránh dịch bệnh trong đợt bùng phát này. [[6]]

Theo nội dung tin trên, ngày 29-1-2021: Giáo phận Hải Phòng ra thông báo về Thánh lễ trực tuyến trước diễn biến mới của COVID-19; Tổng Giáo phận Sài Gòn ra thông báo Phòng chống dịch bệnh tại các cộng đoàn; Giáo phận Bắc Ninh ra Thông báo và lưu ý mục vụ trong thời gian tết Tân Sửu (2021).

Ngày 30-1-2021: Giáo phận Cần Thơ ra thông báo về phòng chống Covid-19.

Ngày 1-2-2021: Giáo phận Phú Cường ra thông báo về phòng tránh dịch covid-19 trong tình hình mới; Giáo phận Xuân Lộc thông báo khẩn về việc phòng chống Covid-19; Giáo phận Đà Nẵng thông báo tạm dừng chương trình gặp mặt ban thường vụ Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ và ban đại diện các hội đoàn cấp giáo phận.

Ngày 2-2-2021: Giáo phận Phan Thiết ra thông báo tạm ngưng chương trình hành hương tháng 2-2021; Giáo phận Hà Tĩnh thông báo về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19; Giáo phận Bà Rịa phổ biến thông báo về việc phòng tránh dịch Covid-19.

Trong khi đó, về phía Nhà nước VN, ngày 29-01-2021 vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Công văn số 416/BNV-TGCP [[7]gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid 19 trong các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng. Theo đó, năm 2020, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) ghi nhận và đánh giá cao sự chung tay, đồng hành của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh chung của đất nước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với hai ổ dịch lớn ở Quảng Ninh, Hải Dương và chuẩn bị đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo sẽ diễn ra nhiều lễ hội đầu Xuân có đông tín đồ và Nhân dân tham dự. (…)

Đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại các tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương. Yêu cầu chức sắc, chức việc và tín đồ chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch bệnh. (…)

Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, người đại diện các cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng dịch. Hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người và giữ khoảng cách nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng và tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo đóng góp thiết thực trong công tác phòng, chống dịch, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) trân trọng đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn chức sắc, chức việc và tín đồ thực hiện, góp phần ngăn chặn không để lây lan Covid-19 tại Việt Nam.

Xét như vậy chúng ta thấy rằng hiện nay việc ăn Tết trong mùa dịch được xem là một vấn đề cấp thiết cần phải đem lên bàn cân để cân nhắc một cách thấu đáo và nghiêm túc.

Tổng hợp một số ý kiến xung quanh việc này, ta tóm lược mấy ý sau:

2.1. Ai ở đâu ăn Tết ở đó!

Ngày 01-02 vừa qua, trên mục ý kiến (Thời sự) báo điện tử vnexpress.net có bài tựa “Đang ở đâu ăn Tết tại đó” theo đó tác giả đề nghị: “Vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, ai ở đâu nên ăn Tết tại đó”. Bài báo viết như sau:

“Một nghiên cứu cho thấy khi dùng mạng xã hội, như Facebook chẳng hạn, mỗi người chúng ta và một người xa lạ bất kỳ chỉ cách nhau tối đa 6 mối quan hệ. Có nghĩa là tôi – người viết bài này thật ra là ‘người quen’ của bạn nhờ tính chất bắc cầu thông qua 6 người khác.

“Như vậy, về lý thuyết, khi một người nhiễm Covid-19 ở nơi nào đó thì chúng ta vẫn có thể trở thành F6, F5, thậm chí F3, F2 của người bệnh (F0).

“Trong bối cảnh, dịch bệnh còn phức tạp, mỗi ngày đều ghi nhận ca mắc mới, không chỉ ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội mà ngay cả Bình Dương cũng có, vậy nên tôi nghĩ, vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, ai ở đâu thì nên ăn Tết tại đó.

“Thời Covid đặc biệt thì cũng nên chấp nhận những điều đặc biệt, phá lệ. Nếu cứ cho là dịch bệnh được kiểm soát tốt trước ngày 25 tháng Chạp, thì chẳng ai đảm bảo được sau này này sẽ không có ca nhiễm mới. Nếu dòng người di chuyển ngược xuôi về quê ăn Tết, ngộ nhỡ xui rủi có một ca là F0 hay F1 thì nghiễm nhiên sẽ trở thành F1, F2 và bị đưa đi cách ly 21 ngày.

“Những nước cùng ăn Tết Nguyên đán như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đều chùng xuống để phòng dịch. Xuân vận ở Trung Quốc đìu hiu cảnh người về quê, còn người Hàn sẽ ăn Tết trong tình trạng giãn cách xã hội.

“Tôi nghĩ cần nâng cao tinh thần quê người như quê nhà, một năm ăn Tết tại chỗ cũng chả sao. Chợ, siêu thị vẫn đó, vẫn thực phẩm, bánh chưng, giò chả. Nhớ người nhà thì sum vầy online qua video call. Gia đình trên hết nhưng thiếu sức khỏe thì sẽ mất vui.” [[8]]

Giải pháp “Ăn Tết tại chỗ” đã được nhiều người nhất trí tán thành. Tin cho hay đã có những người hoãn lại không đi xa hay về quê ăn Tết. Nhiều người mau chóng hoàn lại các vé tàu, xe để yên tâm ăn Tết tại chỗ.

Riêng đối với những người từ vùng có dịch, muốn về quê ăn Tết thì phải chấp hành quy định sau: Tính đến ngày 4-2-2021, có 07 tỉnh thành Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Buôn Mê Thuột đã có các thông báo yêu cầu người dân trở về quê ăn Tết từ các điểm dịch phải khai báo y tế, cách ly tại nhà và nếu cần thiết, phải cách ly tập trung từ 14 – 21 ngày!

2.2. Thà mất Tết hơn là mất mạng!

Vừa qua, trên trang conggiao.info có đăng bài “Mất Tết hay mất mạng?”, theo đó tác giả đã nhắc đến việc lo giữ mạng sống hơn là quá quan tâm đến việc ăn Tết ra sao, như thế nào, nhất là trong lúc dịch bệnh đang lan rộng như hiện nay. Tác giả đã chia sẻ như sau:

“Tưởng nghĩ giờ này đây chắc có lẽ không phải là giờ để lo cho cái Tết này thế nào hay ăn Tết sẽ ra sao ? Xin đừng ngồi chờ mà than thân trách phận hay đổ lỗi người này oán trách người kia hay than van không còn những ngày Tết mà hãy giữ cho chính bản thân mình cho cộng đồng khỏi lây nhiễm. Điều cần thiết nhất bây giờ giữ mạng chứ không phải là giữ Tết.

“Và bây giờ duy nhất cần quan tâm đến là mất mạng chứ không còn là chuyện mất Tết nữa. Nếu tính mạng bây giờ không lo giữ thì làm gì có Tết sau để mà lo. Cũng như những người thiểu số vì thương con cách mù quáng, ta cần cân nhắc để đưa ra những chọn lựa đúng đắn của cuộc đời. Đừng vì thiếu hiểu biết và nuông chiều con quá đáng để rồi nhận ra cái kết lẫn cái chết thật bi thương. [[9]]

Chúng ta cũng đã từng biết rằng, mỗi dịp Tết đến là các nhà chức tranh đã ra sức cảnh báo về những tai họa có thể xảy ra do ăn uống bừa bãi, vô độ và do tai nạn giao thông thương tâm gây ra bởi thói quen phóng nhanh vượt ẩu dịp Tết.

– Mất mạng do ăn uống: Một trong những cái thú đặc trưng của ngày Tết, đó là ăn nhậu, tiệc tùng, đến nỗi có người cho rằng “Không ăn không nhậu thì không phải là Tết!”. Tuy nhiên tai họa từ cái miệng mà ra cũng không phải là nhỏ. Nhiều trường hợp tụ tập ăn nhậu kéo dài từ sáng đến tối, từ tối đến khuya, suốt ba ngày Tết, rồi lan man thêm mấy ngày nữa…khiến cho nhiều người vì sa đà vào việc ăn nhậu phải vào bệnh viện cấp cứu vì đột quỵ, vì trúng thực hay do ngộ độc rượu vv.

Mất mạng vì ăn uống còn do việc quá say xỉn dẫn đến xung đột, đến những trận đánh lộn, ẩu đả có thể gây ra thương tích nặng nề, thậm chí tử vong.

– Mất mạng do tai nạn giao thông: Hầu như năm nào người ta cũng lưu ý đặc biệt đến con số thống kê tai nạn giao thông trong dịp Tết. Chẳng hạn như dịp Tết năm ngoái (2020), tin cho biết: Theo Cục CSGT, thống kê 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả nước đã xảy ra 138 vụ TNGT, làm chết 102 người, bị thương 108 người. So sánh với cùng kỳ (từ 29 đến mùng 3 âm lịch) của Tết Nguyên đán 2019, TNGT giảm 13 vụ (giảm 8,6%), tăng 12 người chết (tăng 13,3%), giảm 32 người bị thương (giảm 22,8%). [[10]

Chỉ tính riêng ngày 25-1-2020 tức mùng 1 Tết âm lịch năm ngoái, Cục Cảnh sát giao thông cho biết toàn quốc đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 22 người, bị thương 13 người. [[11]]

Tết năm nay, hi vọng do tình hình dịch bệnh, chắc chắn mọi người sẽ hạn chế ăn nhậu, giảm bớt đi lại và nhờ đó ít mạng người “bị mất” như các năm trước…

2.3. Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?!

Nhớ lại, cách đây mấy năm, trên trang vnexpress.vn có đăng bài “Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?” [[12]] trong đó tác giả đã phân tích cho thấy cái Tết chẳng những không đem lại niềm vui, mà nhiều khi lại là cơn ác mộng của nhiều người. Tác giả đã liệt kê bảy trường hợp khá phổ biến, được gọi là “Tết thất bát” mà nếu gia đình nào vướng phải thì coi như “Hết Tết”! Sau đây, thử trích ra mấy ý kiến trong bài viết:

“Tết là những ngày vui được mong đợi nhất trong năm nhưng cũng có thể là ác mộng đối với nhiều người. Quan trọng, bạn làm chủ Tết hay Tết sẽ làm chủ bạn. Sau đây là ba trong số bảy trường hợp khá phổ biến, còn gọi là “Tết thất bát” mà gia đình nào vướng phải thì coi như “hết Tết”.

“C
ó nhiều người thích sĩ diện, luôn sợ bà con, hàng xóm, bạn bè sẽ bình luận về mình: ‘Ăn Tết có lớn không? Lì xì có nhiều không? Phải trái với họ hàng thế nào’… kết quả là ném tiền qua cửa sổ hoặc luôn căng thẳng, stress, đóng cửa trốn Tết luôn. Thật ra, bạn không cần phải quan tâm đến dư luận làm gì. Dư luận có cho ta viên thuốc nào khi đổ bệnh đâu? Ai cũng có chuyện để lo, cứ lơ đi mà sống. Nếu không thì hết Tết.

“Chính là những gia đình suốt ngày bày biện mọi thứ ra để tiếp khách. Ngày Tết, khách đến nhà chơi là chuyện quý hóa, thế nhưng cứ mỗi khi có khách đến thì lại hò hét vợ con rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh… khách chỉ nhấm môi một tí ra về. Sau đó lại dọn bàn, lau bàn, rửa ly, khách mới lại tới. Có cần thiết phải khách sáo, bài bản phức tạp đến mức vậy không? Nếu vậy thì suốt ngày cứ dọn bàn, rửa ly, bày đồ ăn là hết Tết.

“Có nhiều ông chồng cứ lang thang tất niên hết nhà này nhà khác. Hết tất niên thì đi chúc Tết. Rượu chè bê bết, về nhà đầu năm gây gổ vợ con. Người hôi hám, mỏi mệt lăn ra ngủ… mất tư cách, phong độ đàn ông khiến cả nhà mất vui. Mối quan hệ nào với họ cũng quan trọng, điều ấy chỉ toàn là ngụy biện.

“Cuối cùng nhưng chưa phải là hết. Cờ bạc, chạy nhanh phóng ẩu… cũng dễ làm Tết trở thành những kinh nghiệm – viết tắt của cụm từ ‘những trải nghiệm phát kinh’. Hết Tết.

“Nói tóm lại, Tết là của mình. Tết vui vẻ. Tết nhẹ nhàng, bình an. Tết sum vầy nhưng cũng nên vừa phải, tiết kiệm. Hãy nhớ: ‘mình ăn Tết chứ không phải Tết ăn mình’.”

Vậy để có một cái Tết êm thắm, nhẹ nhàng và an toàn trong mùa dịch Covid-19 này, có nhiều người đã lên tiếng góp ý kiến và khuyến cáo chúng ta nên canh tân đổi mới việc mừng Xuân, ăn Tết sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh đang lây lan hiện tại.

Tết an toàn: Trên trang FB của mình, Bs Phan Xuân Trung đã đưa ra những lời khuyên thiết thực sau: Nhằm tránh COVID, mọi người lên kế hoạch ăn tết thật hoành tráng… tại nhà. Chẳng hạn:

Về khách khứa: – Không tiếp khách, không đi thăm viếng lẫn nhau. Gọi phone, nhắn tin thăm hỏi cũng đủ; – Gửi ít tiền cho trại mồ côi, dưỡng lão, bệnh nhân nghèo…; – Mua vài bịch gạo để trước nhà, ai nghèo, cần thì cứ lấy…

Về du xuân: – Khuyên con cháu đừng đến chỗ đông người. Ra đường xem bắn pháo hoa là một nguy cơ lan tràn dịch bệnh; – Nếu phải đi xi nê, siêu thị, cafe… chịu khó ngồi xa xa, đeo khẩu trang; – Hạn chế đến những nơi đông người, tránh tụ họp…

Về ăn uống: – Đồ nguội chất tủ lạnh ăn dần. Nên có nhiều món khác nhau, mỗi ngày ăn 2-3 món cho đỡ ngán. Ăn vừa đủ no, tránh bội thực. Đồ ăn tủ lạnh lấy ra vừa đủ, hâm nóng trước khi ăn; – Trái cây trên bàn thờ nên lấy xuống để tủ lạnh tránh hư, ủng; – Để tránh béo phì, ưu tiên ăn trái cây, giảm bánh chưng bánh tét, thịt mỡ…; – Uống nước cam, nước chanh để tiếp thêm vitamin C, tăng cường sức đề kháng. Luôn luôn ghi nhớ: Không Tiếp Xúc Gần[[13]]

Trong khi đó, Bs Wynn Tran trong bài viết tựa là “Tết có thể hại sức khỏe”, đã đưa ra một vài ý kiến khuyến cáo, trích đăng và tóm tắt như sau:

“Dưới góc nhìn y khoa, một tuần trước và một tuần sau ngày Tết Nguyên Đán là những ngày tăng rủi ro của bệnh lo âu, trầm cảm, tiểu đường, gan mật, tim mạch, và tai nạn giao thông.

“Tất cả mọi thứ rộn ràng, hối hả, và kẹt xe sẽ càng nhân đôi những ngày giáp Tết, khi những chuyến hồi hương về miền Tây, miền Đông, miền Trung luôn kẹt đường, kẹt xe, và sau hàng chục giờ vất vưởng bị nhốt trong xe giường nằm chật cứng mùi người đứng ngồi, chúng ta mới về được quê nhà xa xôi. Nhưng chưa kịp đặt lưng ngủ lấy sức, khi gà gáy lần đầu lúc còn mờ sáng, chúng ta đã phải bật dậy chuẩn bị phụ giúp gia đình dọn dẹp sân trước, làm mới nhà cửa cho kịp xông đất vv.

“Bệnh đau bao tử là căn bệnh đầu tiên xảy những ngày cận Tết do ăn uống thất thường, stress, và ăn không đủ chất. Bệnh thiếu ngủ và trầm cảm sẽ là những bệnh kế tiếp khi ta căng mắt làm việc, chạy lo quần quật đủ thứ việc. Chưa kể do làm nhiều việc, stress, và không đủ tập trung, và uống rượu bia, ta sẽ tăng rủi ro khi lái xe, dẫn đến tai nạn giao thông.

“Vậy, trong những ngày Tết ta nên làm gì? Gợi ý như sau:

– Ăn ngon chứ không nên ăn no. Tết có rất nhiều đồ ăn nhưng lại thiếu sự cân bằng dinh dưỡng. Chúng ta hãy cắn một miếng thịt kho Tàu, ăn miếng dưa món, nhai một khoanh bánh Tét nhỏ thay vì ăn cho no bụng.

– Không uống bia rượu ngày Tết, nếu có uống thì rượu vang hay rượu đỏ hoặc nhấm môi có vị cho ly bia, đừng uống đến say xỉn.

– Tập thể dục những ngày Tết để tạo thói quen cả năm. Trong những ngày này, phòng gym sẽ ế và công viên sẽ vắng người, chúng ta tha hồ mà tập thoải mái.

– Tranh thủ ngủ cho ngon và đủ giấc. Trong khi thiên hạ đang giành đường kẹt xe, giành ngửi nhang ngửi khói trên chùa, hay chật vật vất vả vì Tết, ta hãy ngủ một giấc thật dài, thật đã, và thật ngon cho mấy ngày Tết.

– Dành một ngày chăm sóc cơ thể mình như ăn đúng chất dinh dưỡng cân bằng, thử ăn các món mới trong ngày Tết như rau củ tươi, phomai, sữa chua, gạo lứt, hay các món ngũ cốc giàu dinh dưỡng. Hay thử làm một sinh tố trái cây tổng hợp hay tự mua dưa leo đắp mặt nạ vv.

Quả thực, sau ngày Tết, khi gặp lại chúng ta, bạn bè sẽ ngạc nhiên vì ai cũng đẹp ra và trẻ khoẻ. Vậy mới đúng là Tết!” [[14]]

* * * * * * * *
Riêng đối với Ki-tô hữu, việc ăn Tết luôn nhắc nhở mình nghĩ đến tha nhân, nhất là những người già neo đơn, trẻ mồ côi khuyết tật, những gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa… Tết của người Ki-tô hữu còn mang ý nghĩa là Tết Tình Thương nữa.

Chúng biết rằng, trong dịp Tết, nhiều giáo xứ và nhiều cá nhân Ki-tô hữu tổ chức những đợt đi thăm viếng tặng quà cho các đối tượng người già neo đơn, bệnh tật, những gia đình khó khăn và những trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật. Những việc làm này thật ý nghĩa, nhất là nó thể hiện tinh thần bác ái yêu thương của Chúa Ki-tô. Tết khi đó không còn là cho cá nhân mình, cho gia đình mình, cho xứ đạo mình mà còn cho xã hội, cho con người bất kể là lương hay giáo.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu, mỗi gia đình Công giáo bớt đi những chi tiêu hoang phí cho ngày Tết để đóng góp một chút phần quà tham dự vào công cuộc “Mừng Xuân không quên người nghèo” thì thiết nghĩ chúng ta sẽ có một cái Tết đầy ý nghĩa, đẹp lòng Chúa và đem lại niềm vui cho tha nhân và cho chính chúng ta.

Cuối cùng, xin nhắc lại một điểm mà ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh trong Sứ điệp Mùa Chay, đó là sống Mùa Chay với tình yêu. Ngài viết:

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: ‘Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về’ (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta Tin tưởng, Hy vọng và Yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.” [[15]]./.


Aug. Trần Cao Khải

1] http://conggiao.info/tet-dao-d-26986

[2]  Ban Từ vựng UBGLĐT/ HĐGMVN – NXB TG năm 2019 trang 121-122

[3]https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2021-cua-duc-thanh-cha-phanxico-41370

[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2018-cua-duc-thanh-cha-phanxico-31897

[5]https://suckhoedoisong.vn/sang-4-2-hai-duong-co-them-37-ca-mac-moi-covid-19-trong-cong-dong-n186353.html

[6]https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-bao-huong-dan-phong-tranh-dich-benh-covid-19-cua-nhieu-giao-phan-viet-nam-nam-2021-41410
[7]https://tgpsaigon.net/bai-viet/chong-dich-covid-19-thu-cua-bo-noi-vu-gui-lanh-dao-cac-ton-giao-63072

[8]https://vnexpress.net/dang-o-dau-an-tet-tai-do-4229582.html?fbclid=IwAR3hofG-OjpdpxmBHzqcOzsHua7dWLPloRy6C4plgySXc8m8PVNLQ3VZbAU

[9]http://conggiao.info/mat-tet-hay-mat-mang-d-58815

[10]https://tuoitre.vn/so-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-dip-tet-tang-huy-dong-toi-da-canh-sat-de-kiem-che-20200127160311772.htm

[11]https://tuoitre.vn/22-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-trong-ngay-mung-1-tet-20200125170905295.htm

[12] https://vnexpress.net/minh-an-tet-hay-tet-an-minh-3351894.html

[13] https://www.facebook.com/phanxuantrung

[14] https://www.facebook.com/loan.tran.33483/posts/3841153935905136

[15]https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2021-cua-duc-thanh-cha-phanxico-41370

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *