Bắc Kinh: Các Kitô hữu châu Phi, đặc biệt là các kitô hữu của Giáo hội Tin lành, đang hướng dẫn người di cư Trung Quốc trở lại Kitô giáo; những người Trung Quốc này làm việc tại nơi được gọi là “lục địa đen”. Đây là điều Christopher Rhodes, giáo sư của Boston University’s College of General Studies nói trong một bài báo được đăng trên tờ “Unherd” vào ngày 13 tháng 2 vừa qua.
Theo Rhodes, “Nhiều Giáo hội địa phương châu Phi tiếp xúc công nhân Trung Quốc, các Giáo hội này thậm chí còn dùng tiếng Quan thoại trong các cử hành phụng vụ cho họ. Đến lượt họ, một số người Trung Quốc đã hoan nghênh ý thức cộng đoàn và thuộc về những giáo hội Kitô này”.
Tác giả cũng tiết lộ rằng có một nhóm nhỏ – nhưng với số lượng ngày càng tăng – các nhà truyền giáo Trung Quốc từ Đài Loan và các Giáo hội Kitô khác trên thế giới đang hướng dẫn một cách cụ thể cho người Trung Quốc, “rao giảng cho họ một sự tự do không được biết đến trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
“Nhiều người trong số những công nhân Trung Quốc này đang trở về nhà và mang theo tôn giáo mà họ vừa tìm thấy. Ví dụ, du khách ven tỉnh biển Phúc Kiến, bây giờ người ta nghe có người nói tiếng Anh với giọng Nam Phi và thấy những ngôi nhà được trang hoàng bằng những cây thánh giá. Người di cư châu Phi đang đến Trung Quốc với số lượng lớn, nhiều người trong số họ là các tín đồ của Tin Lành và họ quyết tâm phá vỡ các quy tắc áp đặt đối với các hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc”.
Theo dữ liệu từ năm 2018, trong 9 năm qua Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn của châu Phi, với doanh thu kinh doanh năm 2017 tăng 14%, đạt 170 tỷ đô la Mỹ.
Theo McKinsey, có khoảng 10 nghìn công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc hoạt động tại châu Phi. Năm 2016 có 227 nghìn công nhân Trung Quốc ở châu Phi.
Ngọc Yến – Vatican