1. Lạ lùng: Nổ tung nhà nguyện, nhà xứ, sập 4 dãy lầu, nhà tạm bể nát nhưng thánh thể vẫn còn nguyên
Tổng giáo phận Madrid của Tây Ban Nha, cho biết lính cứu hỏa và các đội dọn dẹp đã tìm thấy các bánh thánh còn nguyên vẹn giữa đống đổ nát còn sót lại sau vụ nổ của một tòa nhà bên cạnh giáo xứ Virgen de la Paloma. Các bánh thánh này đã được thánh hiến và được đặt trong một nhà tạm. Nhà tạm bị hư hại rất nặng nhưng các bánh thánh vẫn còn nguyên.
Vụ nổ ngày 20 Giêng do rò rỉ khí đốt đã phá hủy 4 tầng của tòa nhà nơi dùng làm nhà nguyện, nhà xứ, và trung tâm Caritas. Sức công phá mạnh đến mức đã ảnh hưởng đến viện dưỡng lão Los Nogales do giáo xứ quản lý và trường học lân cận.
Theo đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha, Thánh Thể được tìm thấy nguyên vẹn, mặc dù nhà tạm đã bị vỡ.
Một phát ngôn viên của giáo xứ Virgen de la Paloma nói với đài phát thanh rằng “Nhà tạm nằm trong nhà nguyện trên tầng sáu, liền kề với nhà xứ.”
Ông cũng xác nhận rằng các bánh thánh được tìm thấy nguyên vẹn là các bánh thánh đã được thánh hiến.
Tổng giáo phận Madrid thông báo rằng “nhà tạm bị hỏng đã được đưa đến Tòa Giám Mục để sửa chữa, trong khi thánh thể đã được truyền phép được đặt trong nhà tạm tại Nhà thờ Santa María la Real de la Almudena” để các tín hữu đến kính viếng.
Theo cuộc điều tra ban đầu vụ nổ xảy ra gần khu phố Puerta de Toledo ở trung tâm Madrid vào khoảng 3 giờ chiều theo giờ địa phương ngày 20 tháng Giêng.
Tổng giáo phận nói rằng các linh mục sống trên hai tầng của tòa nhà, nơi cũng được sử dụng làm văn phòng giáo xứ và Caritas.
Tổng giáo phận đã xác định một trong những người thiệt mạng trong vụ nổ là David Santos Muñoz, 35 tuổi, một giáo dân và là cha của 4 đứa con, là người đã đến tòa nhà “để giúp một tay”.
Một nạn nhân khác là một phụ nữ 85 tuổi. Tám người khác được cho là đã bị thương, hai người được đưa đến bệnh viện.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện vào ngày 20 tháng Giêng, bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ kinh hoàng này.
Source:Catholic News Agency
2. Joe Biden đã ký một loạt các sắc lệnh hành pháp trong tuần đầu tiên của mình, vượt xa bất cứ tổng thống nào. Tại sao bây giờ ông ta ký nhiều thế?
Trong tuần đầu tiên nắm quyền, Joe Biden đã ban hành 24 sắc lệnh hành pháp – nhiều hơn bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào.
Tổng thống Donald Trump ký bốn, Barack Obama ký năm và George W Bush không ký sắc lệnh hành pháp nào trong bảy ngày đầu tiên.
Vậy tại sao ông Biden lại ký nhiều như vậy? Và tại sao chúng tồn tại?
Sắc lệnh hành pháp là gì?
Sắc lệnh hành pháp, tiếng Anh là Executive Order, chỉ dài vài trang nhưng có trọng lượng rất lớn.
Các sắc lệnh này chỉ đạo các cơ quan liên bang, tức là những cơ quan có trách nhiệm giải trình với tổng thống, thay vì với vị thống đốc của tiểu bang sở tại, cách thức sử dụng các tài nguyên của họ và cách thực hiện các luật của Quốc hội.
Các sắc lệnh hành pháp có thể bao gồm gần như mọi thứ từ việc nhập khẩu kim cương của Sierra Leone, tài trợ phá thai trong nước và hải ngoại, đến việc cho phép những người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, các sắc lệnh hành pháp không thực sự là luật và chúng có những giới hạn nhất định. Tuyên bố chiến tranh hoặc đặt ra các loại thuế mới không thể được thực hiện bằng các sắc lệnh hành pháp. Ngoài ra, chúng có thể bị đảo ngược nếu Quốc hội ban hành một luật mới, hoặc có ai đó thách thức chúng tại tòa án, mặc dù khả năng này rất mong manh. Và tất nhiên, chúng có thể bị đảo ngược bởi tổng thống tiếp theo.
Tại sao chúng tồn tại?
Chúng có nguồn gốc từ hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó nói rằng quyền hành pháp thuộc về tổng thống. Chúng thường được sử dụng để qua mặt một Quốc hội thù địch. Chúng không lâu dài như luật pháp, nhưng đôi khi chúng cần thiết.
Bryan Cranston, giảng viên chính trị Hoa Kỳ tại Đại học Swinburne, cho biết trong khi Quốc hội đưa ra luật, hành pháp, cụ thể là tổng thống thực hiện chúng và có thể sử dụng những sắc lệnh hành pháp này để thúc đẩy chương trình nghị sự của họ.
“Mọi tổng thống đều làm điều đó”, Cranston nói.
“Các vị tổng thống được trao một mức độ hợp lý trong cách họ giải thích luật”.
“Sau đó, nếu Quốc hội không thích những điều ông ấy đã làm, thì Quốc hội sẽ quay lại và thông qua luật mới để kiềm chế một số yếu tố”.
Tại sao Joe Biden lại ký nhiều lệnh điều hành như vậy?
Đảng Dân chủ hiện có quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng quyền lực của họ vẫn chưa được bảo đảm.
Ông Cranston nói: “Sự kiểm soát của đảng Dân Chủ Thượng viện là rất mỏng manh, sự kiểm soát của Hạ viện cũng hơi mong manh. Trong tất cả những lần họ nắm được Hạ viện, đây là lần đầu tiên họ chiếm được một đa số ít nhất”.
“Chỉ cần một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ duy nhất bỏ phiếu chống lại luật là dẫn đến thất bại”.
“Có một số thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đang ở trên đỉnh cao đó, chẳng hạn như Joe Manchin từ Tây Virginia. Tôi luôn nghĩ trong lòng rằng một lúc nào đó anh ta có thể chuyển đảng, trở thành một đảng viên Cộng hòa”.
Thành ra ông Biden đang cố gắng tung ra càng nhiều càng tốt các sắc lệnh hành pháp, đặc biệt là các sắc lệnh liên quan đến phá thai mà ông đã hứa với các tổ chức phò phá thai, là những người đã chi ra các khoản tiền khổng lồ cho ông tranh cử.
Source:ABC News Australia
3. Các giám mục Ý không tán thành việc thúc cùi chỏ như cử chỉ chúc bình an trong Thánh lễ
Đời sống Giáo hội tại Ý đã không có nhiều thay đổi kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ hai xảy ra vào mùa thu. Tuy nhiên, các giám mục Ý đã thực hiện một vài điều chỉnh nhỏ trong các Thánh lễ.
Những thay đổi này được Hội đồng Giám mục Ý, gọi tắt là CEI, công bố hôm thứ Tư sau phiên khoáng đại trực tuyến ngày 26 tháng Giêng và sẽ có hiệu lực vào ngày 14 tháng Hai, một ngày mà phần lớn thế giới kỷ niệm Ngày lễ tình nhân.
Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đã bị đình chỉ trong thời gian 3 tháng đóng cửa ở Ý khi coronavirus tấn công lần đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái.
Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, các nhà thờ được phép dâng thánh lễ trở lại, miễn là tuân thủ các quy tắc nhất định, bao gồm không có nước thánh, không trao bình an bằng cách bắt tay, ôm hoặc hôn lên má, và với điều kiện là những người tham dự Thánh lễ phải giữ khoảng cách xã hội, sử dụng khẩu trang và nước rửa tay, và rước lễ trên tay, mà không tiếp xúc với các ngón tay của linh mục trao Mình Thánh Chúa.
Trong hầu hết các trường hợp, cử chỉ trao bình an trong Thánh lễ đã bị bỏ qua hoàn toàn. Tuy nhiên, tại một số giáo xứ, các tín hữu được mời thực hiện những cử chỉ như vẫy tay hoặc gật đầu.
Ở nhiều nơi trên thế giới, một cú thúc cùi chỏ đã trở thành một điều bình thường khi chào hỏi ai đó, vì bắt tay đã bị cấm hoặc bị khiển trách nghiêm trọng do các yêu cầu về khoảng cách xã hội, kể cả trong Thánh lễ.
Trong tuyên bố của các ngài, Hội Đồng Giám Mục Ý nói rằng chưa có mốc thời gian rõ ràng về thời điểm Thánh lễ có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, các ngài khuyến khích việc lặp lại các cử chỉ trao bình an, nhưng khẳng định rằng bất cứ điều gì liên quan đến đụng chạm thể chất – bao gồm cả cú thúc cùi chỏ – đều không được phép.
“Trong bối cảnh phụng vụ, hoàn toàn không thích hợp để thay thế việc bắt tay hoặc ôm bằng một cái thúc cùi chỏ. Thành ra, trong thời điểm này, việc nhìn vào mắt nhau và chúc nhau món quà bình an bằng một cái cúi đầu đơn giản có thể đầy đủ và ý nghĩa hơn”, các giám mục nói.
Khi linh mục nói với các tín hữu “anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” trong Thánh lễ, “việc quay mắt lại để gặp gỡ ánh mắt của những người lân cận và cúi đầu chào đáp có thể diễn tả một cách hùng hồn, tự tin và nhạy cảm việc tìm kiếm khuôn mặt của tha nhân, để chào đón và trao đổi ân sủng bình an, là nền tảng của mọi tình huynh đệ”.
Tử vong tại Ý, tính đến ngày thứ Sáu 29 tháng Giêng, đã lên đến 87,858 người, trong số 2,529,070 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Sáu, Ý đã ghi nhận 14,361 trường hợp mới nhiễm coronavirus và 492 trường hợp tử vong vì coronavirus. Điều này báo hiệu rằng mặc dù khoảng 1.5 triệu người đã được tiêm phòng nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi đại dịch kết thúc.
Source:Crux
4. Đức Hồng Y Kurt Koch bày tỏ kinh ngạc trước tuyên bố đại kết của các nhà thần học Đức
Một vị Hồng Y trong giáo triều Rôma đã bày tỏ sự “kinh ngạc” trước tuyên bố của một nhóm các nhà thần học Tin lành và Công Giáo ở Đức.
Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, đã đưa ra nhận xét đáp lại tuyên bố của Nhóm Nghiên cứu Đại kết gồm các nhà Thần học Tin lành và Công Giáo, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là ÖAK.
ÖAK đã công bố tuyên bố dài 26 trang vào ngày 24 tháng Giêng để đáp lại đánh giá quan trọng của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, gọi tắt là CDF, về đề xuất của nhóm liên quan đến “lòng hiếu khách có đi có lại trong bí tích Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Đức Hồng Y Kurt Koch nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức bằng tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài đã ngạc nhiên tột cùng trước giọng điệu và cách lựa chọn từ ngữ trong tuyên bố, cũng như nội dung và thời điểm của nó.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ cũng đặt câu hỏi liệu các tác giả trong bản tuyên bố này có chân thành kêu gọi thảo luận thêm với Rôma hay không.
“Sau hơn 20 trang đã được dành để phản bác rằng, trên thực tế, không có yêu cầu nào của Bộ Giáo lý Đức tin về tài liệu của ÖAK là chính đáng, người ta tự hỏi mức độ nghiêm túc mà các tác giả bản tuyên bố này bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận sâu hơn thực sự có ý nghĩa hay không”, ngài nói.
CDF đã nêu quan ngại vào tháng 9 năm ngoái về một tài liệu năm 2019 do ÖAK soạn thảo có tựa đề “Cùng nhau nơi Bàn tiệc của Chúa”, dự kiến một “chia sẻ Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Trong một lá thư gửi cho Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, CDF nói rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
CDF nhấn mạnh rằng những khác biệt đáng kể vẫn còn giữa những người Tin lành và Công Giáo về Bí tích Thánh Thể và chức tư tế.
Tài liệu của CDF vạch rõ rằng: “Những khác biệt về tín lý vẫn còn rất quan trọng đến mức những khác biệt này đang loại trừ khả năng tham gia đối ứng trong Bữa Tiệc Ly của Chúa và Thánh Thể”.
CDF gợi ý rằng văn bản ÖAK nên truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận thần học hơn nữa, nhưng cảnh báo trước bất kỳ bước nào hướng tới sự hiệp thông giữa người Công Giáo và các thành viên của Giáo hội Tin lành ở Đức (EKD), một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành.
CDF đã cảnh cáo nghiêm khắc về những hệ lụy tức khắc của sự hiệp thông Thánh thể giữa Công Giáo và Tin lành, và chỉ ra rằng:
“Việc Giáo Hội Công Giáo mở ra mối tương giao bữa tiệc Thánh Thể với các giáo hội Tin lành thành viên của EKD trong tình trạng thảo luận thần học hiện nay nhất thiết sẽ mở ra những rạn nứt mới trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống, không chỉ ở Đức mà thôi”.
Đức Hồng Y Koch nói với CNA Deutsch rằng ngài đã hết sức ngạc nhiên trước nội dung tuyên bố mới của ÖAK.
“Trong đó, cũng như trong tài liệu gốc, chắc chắn có nhiều nhận định tốt, tuy nhiên, chúng vẫn còn trong lĩnh vực hoàn toàn là những suy tư và không được liên kết trở lại thực tại giáo hội cụ thể”, ngài nói.
“Nếu chúng được dựa trên thực tế cụ thể này, nhiều tuyên bố, được trình bày như một sự đồng thuận, chắc chắn sẽ bị đặt thành vấn đề. Thực tế là nền tảng này đã không xảy ra ở một diện rộng càng làm người ta kinh ngạc hơn nữa vì ÖAK cứ liên tục đề cao tính ưu việt của thực hành, trong khi phần lớn trong bản tuyên bố đã bỏ qua theo điều đó”.
CNA Deutsch trước đây đã báo cáo rằng ÖAK đã thông qua tài liệu hiệp thông Thánh thể dưới sự đồng chủ tịch của Giám Mục Bätzing và Martin Hein, Giám mục Lutheran đã nghỉ hưu.
ÖAK được thành lập vào năm 1946 để tăng cường mối quan hệ đại kết. Nó độc lập với cả hội đồng giám mục Công Giáo Đức và EKD, nhưng thông báo cho cả hai cơ quan về những suy tư của nó.
Đức Hồng Y Koch đưa ra câu hỏi về thời gian phát hành bản tuyên bố, là ngày 21 tháng 12.
“Bộ Giáo lý Đức tin đã gửi thư tới chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Do đó, chúng tôi mong đợi câu trả lời từ ở Rome chúng tôi đang mong đợi câu trả lời của ngài”.
Đức Hồng Y Koch nói rằng, theo hiểu biết tốt nhất của ngài, Giám Mục Bätzing đã yêu cầu ÖAK đưa ra một tuyên bố để giúp ông hình thành phản ứng của mình với CDF.
“Tại sao tuyên bố của các nhà lãnh đạo của ÖAK được công bố giữa các cuộc họp của ủy ban đại kết và ủy ban đức tin và trước cuộc họp toàn thể của hội đồng giám mục Đức là điều tôi không hiểu”, ngài nhận xét.
“Dẫu sao, thời điểm công bố đặt ra rất nhiều câu hỏi”.
Source:Catholic News Agency