Lá thư tháng 11 : Học cách xin lỗi

Ngày hôm nay, tiếng “xin lỗi” đã trở thành như một chuẩn mực của thái độ lịch sự và của trình độ văn minh. Không phải mọi chuẩn mực văn minh đều thực sự tốt đẹp. Nhưng quả thật lời xin lỗi khi có sự phiền hà, khi có hành động hoặc lời nói làm khó chịu ai đó, lời xin lỗi của nhân viên bán hàng, lời xin lỗi khi có sự va chạm xe cộ trên đường phố, dòng chữ xin lỗi ghi trên các lô cốt làm đường, chữ xin lỗi đằng sau những chiết xe buýt,… cũng góp phần làm giảm đi đôi chút nỗi bực dọc trong cuộc sống quá căng thẳng hiện nay.

Tiếng xin lỗi đơn giản hình như có khả năng làm mờ đi sự trục trặc trên bề mặt của vụ việc, của sự kiện, để làm lộ ra thứ tương quan con người, thứ tương quan không chỉ là sự ăn khớp, sự hợp lý, nhưng còn có yếu tố tình nghĩa.

Cuộc sống xã hội được tổ chức để con người sống với nhau sao cho công bằng. Luật pháp sẽ cố gắng để cuộc sống người này không làm hại tới quyền lợi của người kia, để con người có thể hợp tác với nhau và giúp nhau thăng tiến. Tuy nhiên, trong tính giới hạn, tính bất toàn gắn liền với bản chất người, những va chạm, những thiếu sót, những điều không hoàn toàn công bằng sẽ luôn còn đó. Luật pháp không thể dự trù được mọi hoàn cảnh; giải pháp của luật pháp cũng chẳng mấy khi đúng thực là công bằng; và nhất là giả như luật pháp có thật sự công bằng và đúng đắn đi nữa, con người cũng không thể sống với nhau bằng một sự công bằng lạnh lùng, bằng sự sòng phẳng máy móc… Bởi vì, tự bản chất, cuộc sống con người với nhau không phải là những con đường song song, người nào có cuộc sống riêng của người ấy; nhưng chính là một sự liên đới sâu xa, liên đới trong khả năng sinh tồn, liên đới trong sự phát triển kinh tế và liên đới trong những giá trị văn hoá, và liên đới của tình yêu trên suốt cuộc hành trình cuộc đời với nhau… Trên bình diện này, luật pháp chỉ là mức độ tối thiểu, nhằm để giải quyết những xung đột, chứ chưa thể xây dựng một không gian sống đích thực cho con người.

Xã hội con người không phải chỉ là nỗ lực sắp xếp con người như những đồ vật bên cạnh nhau, làm sao để đừng đụng chạm, đừng lấn lướt, đừng làm “trầy xước” nhau… Bản chất của con người là tình yêu và tình yêu xây dựng mối tương quan con người trên đẳng cấp tình nghĩa. Trong thực trạng giới hạn, bất toàn, và tương đối của kiếp người, tình yêu thương cần thiết và phải được diễn tả bằng khả năng liên luỵ, chịu khổ vì nhau… Con người sống với nhau không thể không nương vào nhau, không thể không nhờ tới nhau, không thể không có thái độ chịu mất mát vì nhau. Cuộc sống xã hội chỉ có thể vận hành tốt đẹp khi có sự cảm thông.

Như thế, lời xin lỗi giống như một nhịp cầu kết nối từ bình diện công bằng một cách sòng phẳng, đến thế giới của tình nghĩa. Quả thật, vượt trên bình diện xã giao và khía cạnh lễ nghĩa bên ngoài, một lời xin lỗi chân thành xuất phát từ một thái độ nhân bản, mời gọi một sự đáp ứng nhân bản và góp phần nho nhỏ để khơi mở tầng giá trị nhân bản trong xã hội con người. Lời xin lỗi chân thành biểu lộ thái độ tôn trọng tha nhân, thái độ biết nghĩ đến người khác, biết để ý đến cuộc sống của người khác và biết lắng nghe cảm nhận của người khác… Một lời xin lỗi chân thành cho thấy mối tương quan con người với nhau không phải chỉ là một sự sắp xếp hợp lý, nhưng còn được đan bện hợp tình. Ở bình diện nhân bản này, ta thấy được lời xin lỗi không phải chỉ là chuyện xã giao, và cũng không phải chỉ là thái độ đạo đức…nhưng dính dáng tới bản chất và sự thành toàn của đời người.

Trong gia đình, ta thấy rõ mối tương quan trợ đỡ lẫn nhau, liên luỵ vì nhau, mắc nợ nghĩa tình với nhau. Đó quả là một nét tuyệt diệu của đời sống gia đình, và đó chính là kinh nghiệm ban đầu của con người để có thể xây dựng một xã hội nhân bản đích thực như một gia đình lớn. Gia đình là tế bào của xã hội, không chỉ như một tập thể nhỏ trong một tập thể lớn, nhưng đúng hơn, gia đình là một hạt mầm của tình nghĩa được ươm trồng để được cấy vào mảnh đất xã hội.

Khi nhận ra tầng ý nghĩa này, chúng ta hiểu ra nền tảng sâu xa của lời xin lỗi chính là xác tín về bản chất yêu thương, là lời mời gọi dám đi vào cuộc sống “mắc nợ nghĩa tình”; và đó cũng là phẩm tính căn bản của đời sống đức Tin. Đức tin Kitô giáo chính là đặt mình trong dòng sự sống mắc nợ nghĩa tình với Thiên Chúa và với nhau.

Các bạn trẻ Đa minh thân mến, các bạn hãy học biết xin lỗi như một con người lịch sử và văn mình, dám xin lỗi vì chân nhận giới hạn của mình; nhưng sâu xa hơn, các bạn hãy nói lời xin lỗi trong niềm xác tín vào nền tảng tình nghĩa trong đời sống con người với nhau; và sâu xa hơn nữa, các bạn hãy học biết xin lỗi như đặt mình vào dòng sự sống quảng đại của Thiên Chúa, vì cội nguồn của tương quan con người cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa, thứ tình yêu vượt xa tình yêu nhưng-không, đó là tình yêu tha thứ.

“ngôn sứ Hôsê chỉ cho chúng ta thấy chiều kích agape của tình yêu Thiên Chúa đối với con người vượt xa phương diện “nhưng không” […]. Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với dân Người – đối với nhân loại – cũng đồng thời là tình yêu tha thứ”. (T/Đ Thiên Chúa là Tình Yêu, số 10).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *