Lịch Sử và Căn Tính
(Lm Bedouelle – bản tiếng Pháp)
Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.
Dòng Đa Minh đã hiện diện gần tròn tám thế kỷ. Đối với sử gia, khoảng thời gian luôn là nguồn tư liệu lý thú, cả giữa thời đại văn minh của chúng ta, được coi là ngắn ngủi so với những những nền văn minh đã xuất hiện trên địa cầu này hàng ngàn năm. Các sử gia thường quen gặp nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy nhiều tổ chức bị xóa sổ. Họ có thể dựa vào những yếu tố xã hội và chính trị để giải thích về việc xuất hiện và tàn lụi của các tổ chức đó.
Cũng vậy, khi Giáo Hội Công Giáo hiện diện được 2000 năm, thì các Dòng Hành Khất cũng đã tồn tại được tám thế kỷ. Chắc chắn các Đan sĩ đã có trước các tu sĩ Thuyết giáo, nhưng ngay giữa các nếp sống đan sĩ, dù cùng theo tu luật thánh Biển Đức, vẫn có thể hoàn toàn khác nhau. Về phần các tu sĩ Phan Sinh và Cát Minh, tuy cùng thời với các anh em Đa Minh, nhưng qua dòng lịch sử, họ được chia thành nhiều nhánh độc lập. Còn thì đa số các hội dòng khác đều xuất hiện muộn hơn hoặc mới gần đây, kể từ Dòng Tên Chúa Giêsu, với quan điểm và tinh thần của thời tân tiến, cho đến vô số các Dòng thành lập trong thế kỷ XIX và XX. Sự kiện dòng Đa Minh cho đến nay luôn duy trì được một tổ chức duy nhất quả không phải là chuyện tầm thường.
Đối với các chuyên gia về xã hội, còn nhiều điều đáng ngạc nhiên hơn nữa. Làm sao có thể đưa ra được một tổ chức có khả năng dung hợp với nhiều bối cảnh địa dư, kinh tế, ý thức hệ khác biệt đến thế. Làm sao những cá nhân rất khác biệt, cùng dấn thân trong một công trình quá đa dạng và đôi khi còn có vẻ mâu thuẫn nữa ? Một thể chế phàm tục chắc chắn đã bị vỡ tan, trừ phi chỉ có chủ trương bảo vệ thú vật hay khuyến khích việc sử dụng tàu buồm, nhưng cả trong trường hợp này nó cũng không thể tồn tại qua nhiều thế kỷ ! Thế thì nhờ đâu, một thể chế gồm những con người sống chung, làm việc chung, cùng soạn ra luật lệ, lại có thể vẫn tồn tại như vậy ?
Đối với tôi, một sử gia Đa Minh, có thể nói theo Raymond Aron, cần phải là “quan sát viên nhập cuộc”, tôi cảm thấy thích thú khi nhận ra biết bao điều khác biệt giữa các tỉnh dòng, và những khác biệt giữa các tu viện thuộc cùng một tỉnh dòng, khác biệt trong những chọn lựa căn bản, và khác biệt cả trong nếp sống.
Tuy nhiên, trừ một vài trường hợp cá biệt, tôi nhận thấy rằng trong hệ thống quản trị của chúng ta, không chỉ đơn thuần có việc liên kết với các bề trên hợp pháp mà còn là một cảm giác hiệp thông trong cùng thân thể. Hình như khá rõ ràng, có thể thấy minh nhiên hoặc mặc nhiên, một số yếu tố nếu không phải là đặc thù, thì cũng là yếu tố xác định, giúp cho chúng ta, vượt lên những giấc mơ dù ảo tưởng hay chống ảo tưởng, để thấy rằng tất cả đều đang ở trên cùng một con tàu. Khi muốn giới thiệu quyển sách nhỏ một sử gia Đa Minh Hoa Kỳ, mà tôi vừa hoàn thành bản dịch bằng tiếng Pháp, thì việc suy nghĩ đến bí quyết tạo nên sự hòa hợp những dị biệt này có lẽ không phải là vô ích.
Từ tổng hội Chicago 1968, phần Hiến pháp Nền tảng, ngưỡng cửa bước vào Hiến pháp Đa Minh, đã trình bày trong triệt IV về một lý tưởng, đã từng được sống, để có thể sống đời tu Đa Minh :
“Chúng ta nỗ lực chung sống hòa hợp, trung thành trong việc khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, sốt sắng cử hành phụng vụ cộng đồng, nhất là nhiệm tích Thánh Thể, phụng vụ các giờ kinh và cầu nguyện, chuyên cần học hỏi và kiên trì tuân giữ kỷ luật tu trì “.
Thực tế cho thấy có nhiều yếu tố được tập trung trong đoạn văn bản này, nhưng chưa thực sự nói gì hết, vì còn cần phải có tinh thần chung mới đảm nhận được tất cả các điều đó.
Vì thế, tôi xin tiến hành bằng cách khác, khởi từ giả thuyết một suy tư đơn giản. Điều huyền nhiệm trong căn tính Đa Minh có lẽ hệ tại sự kiện được các tu sĩ Đa Minh nhất trí, dù mỗi người nổi bật hơn người khác về một mặt nào đó, dựa vào xác tín của thánh Thomas Aquinô về ân điển mà các tu sĩ Đa Minh rao giảng, sẽ không phá hủy khả năng tự nhiên, trái lại khả năng tự nhiên thì cần đến ân điển. Thiết tưởng ai cũng thấy, từ chân lý quen thuộc và trọng yếu này trong thần học của thánh Thomas, ta có thể rút ra những hệ luận quan trọng, thay vì đọc lên mà không suy nghĩ gì thêm nữa.
Nếu ân sủng được đón nhận, tin tưởng, loan báo, không phá hủy tự nhiên, mà ngược lại còn yểm trợ và củng cố cho tự nhiên, thì bấy giờ nó có thể dựa vào những giá trị cao cả được con người công nhận, dù ở ngoài Tin Mừng, cho dù được gợi hứng từ Tin Mừng : chính vì thế dòng Đa Minh có thể vẫn tân thời và hấp dẫn, dù Dòng đã xuất hiện từ thời Trung cổ. Giữa thế kỷ XIX, cha Lacordaire đã có trực giác về sự tương liên giữa tinh thần Đa Minh với thời đại của ngài – cũng là thời đại của chúng ta, với bao nhiêu thách đố đã nảy sinh từ thế kỷ XIX. Đơn giản hơn, trong hai thế kỷ qua, chúng ta diễn tả điều mà thế kỷ XIII đã dạy cho thánh Đa Minh, bằng một thuật ngữ trừu tượng hơn, do đó có nguy cơ trở thành ý thức hệ phục vụ những khái niệm, tách rời khỏi thực tại.
Bốn hạn từ tôi muốn chọn để nói lên sự hòa hợp giữa tự nhiên và ân sủng, đó là : Chân lý – Tình thân – Tự do – Huynh đệ, với hai từ cuối trong tự điển của những cuộc cách mạng cuối thế kỷ XVIII, cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ và cuộc cách mạng Pháp, và là di sản của triết học thế kỷ Ánh sáng.
Trước hết ta nói về Chân lý. Đây là khẩu hiệu dòng Đa Minh, tuy sau này mới được sử dụng, nhưng gợi lên lý tưởng mẫu người trí thức. Dòng Thuyết Giáo quy tụ nhiều nhà trí thức (dĩ nhiên cả lúc chưa có thành ngữ này) và mặc dù họ chối bỏ nó, thì đặc tính trí thức vẫn được ghi dấu trong cách họ tiếp cận với mọi thực tại. Cách thức tiếp cận với sự thật này đã trở thành một thứ bản năng, và có lẽ vì thế, dòng Đa Minh có nhiều nghệ sĩ và sính văn học hơn những nơi khác. Do đó, khía cạnh trí thức này là một cảm nhận về cách thức hiện hữu, hơn là vì vụng về với việc lao động tay chân, công việc mà thánh Đa Minh đã chuẩn miễn cho con cái ngài. Đây là một tinh thần, hiện diện cả nơi các anh em trợ sĩ, không linh mục, các nữ tu và giáo dân Đa Minh nữa.
Lòng say mê chân lý này đã đem lại những hoa trái tuyệt vời, nhưng cũng gây nên không ít những mâu thuẫn, như lịch sử minh chứng. Một đàng, họ ham hiểu biết, cởi mở trước những nẻo đường mới lạ của thần học và mục vụ, cởi mở trước những trào lưu tư tưởng rất khác biệt, và đồng thời táo bạo khám phá ra những biên cương cần Phúc Âm hóa, chúng đem lại cho Dòng danh thơm tiếng tốt trong thế kỷ XX ; những sáng kiến này kèm theo một nền đạo lý nghiêm túc và tấm lòng đồng cảm với Giáo hội (sentire cum Ecclesia). Một nhân vật như cha Lagrange, và thái độ mẫu mực của ngài khi bị nghi ngờ theo duy tân thuyết, là một mẫu gương đẹp.
Thế nhưng, đàng khác người ta cũng thấy, việc nghiên cứu không ngừng, có thể đưa đến những mâu thuẫn đáng ngạc nhiên, liên tiếp hoặc trước sau, giữa khoan dung và bất khoan nhượng. Nói đơn giản hơn, chúng ta càng cởi mở tìm kiếm những giải quyết can đảm và sáng tạo trong các lãnh vực khác nhau, chúng ta càng dễ trở thành bảo thủ hoặc cấp tiến, giáo điều hoặc cố chấp, dĩ nhiên khái niệm của chúng ta về chân lý có thể vẫn là một. Đối với một sử gia, họ thường kết án dễ dàng nhưng sai lầm, khi nói chúng ta là pháp quan của tâm hồn, vì ý nghĩa của từ ngữ và của tổ chức này quá đặc thù. Có lẽ tốt hơn, ta nên dùng một thuật ngữ xuất hiện đầu thế kỷ XIX : chúng ta có xu hướng trở thành những nhà không tưởng, sa lầy trong trận chiến trí thức, đôi khi đi đến cảnh huynh đệ tương tàn, như Catharin chống Cajetan hoặc Cano chống Carranza, là những điển hình của thế kỷ XVI, một thời kỳ có khá nhiều đối đầu giữa các học thuyết.
Theo tôi, lòng say mê chân lý này cần phải kèm theo, không những để quân bình hơn mà đôi khi để có thể nhân bản hơn, vì có một thực tại, tuy Dòng không đặt thành khẩu hiệu, nhưng vốn rất sống động giữa chúng ta : tình thân hữu. Trước hết, chúng ta thấy trong dòng Đa Minh những mẫu gương tình thân hữu đẹp đẽ và cao quý, giúp các vị tiền bối thân cận với nhau và cùng nhau chia sẻ sứ vụ, mặc cho những khác biệt. Những mẫu gương như vậy rất nhiều. Ta có thể nói đến cha Jordano de Saxe và Henri Cologne, sách Libellus (số 70) cho chúng ta biết tuy “họ ước ao sống chung” nhưng phải xa nhau suốt quãng đời tu Đa Minh. Rồi đến cha Jordano de Saxe và chân phước Dianna Andalo, cho thấy tình thân này được mở rộng đến các nữ tu, cũng như với giáo dân Đa Minh. Trong tiểu sử của Ronald Knox, Evelyn Waugh đã thuật lại câu nói đặc biệt của một tu sĩ Đa Minh người Anh là Bede Jarrett “Ôi tình thân hữu yêu dấu, mi thật là quà tặng quý giá của Thiên Chúa ! Xin đừng ai nói xấu gì về mi ” .
Bởi vì còn có điều gì lớn hơn trong các mối tình thân đó. Tình thân hữu, trong chiều kích nhân loại, giả thiết phải có sự rộng mở của trái tim và tâm hồn, hay nói ngắn gọn hơn, cần có sự tín nhiệm. Được sứ vụ thuyết giáo soi sáng, sự tín nhiệm này giúp các tu sĩ Đa Minh xác tín vững chắc trong sứ mạng tông đồ, tích cực xông pha tại các biên cương, luôn luôn lạc quan khi đánh giá thế giới : người ta cần đến tình thân hữu, vì nhu cầu thổ lộ, được nhận biết, được thấu hiểu, để giải đáp những vấn nạn, đôi khi để chia sẻ những yếu đuối, cần người cảm thông hoặc cần một người trung gian.
Trong ý hướng trên, không có gì xa lạ hơn với dòng Đa Minh cho bằng chủ trương “khinh chê trần thế”, như Dòng ít ra đã chứng tỏ trong thế kỷ XIX, và không có gì gần hơn với Dòng, những khắc khoải của thánh Đa Minh về ơn cứu độ các linh hồn.
Một nét khác trong tinh thần Đa Minh, rất quen thuộc, vừa vĩ đại vừa nguy hiểm, đó là sự tự do. Chưa nói đến những khái niệm hiện đại của từ ngữ này, trước hết chúng ta cần nói đến tinh thần Tu luật thánh Augustinô. Bản tu luật, đã được thánh Đa Minh chọn lựa năm 1215, ngay từ đầu tu luật nhấn mạnh đến chiều kích đồng tâm nhất trí, làm nền tảng cho đời sống chung, với hai yếu tố góp chung của cải và sửa lỗi huynh đệ, nhưng sau cùng tu luật lại đề cập đến luật tự do đã được thư thánh Giacôbê nói đến, đem lại cho toàn bộ bản văn một bầu khí tin tưởng và trong sáng. Tôi là một trong những người đánh giá rằng tu luật này hoàn toàn phù hợp với phong cách của thánh Đa Minh, phong cách thánh nhân luôn thực hành và muốn truyền lại cho Dòng ngài sáng lập.
Chúng ta đừng quên rằng những mẫu gương nổi tiếng nơi các tu sĩ Đa Minh về luật chuẩn miễn, một sự thích nghi thận trọng, một cách áp dụng nguyên tắc “điều hòa” nhất cho các nhu cầu tông đồ theo nghĩa rộng. Hiến pháp nền tảng đã minh nhiên theo tinh thần tu luật thánh Augustin về điểm này :
Dòng đã quyết định rằng những luật này không buộc thành tội, vì muốn các tu sĩ chu toàn luật bằng phán đoán khôn ngoan (đây là lối nói của cha Humbertô Romanô); chúng ta là những nô lệ của luật nhưng là những người tự do trong ân sủng.
Sự tự do này đưa đến quan niệm uyển chuyển về đức vâng lời của tu sĩ Đa Minh, tôn trọng bao nhiêu có thể những sáng kiến tông đồ của mỗi anh em, mỗi người có quyền tự do lớn lao trong công việc của mình và tạo nên sự hòa điệu chung được thể hiện rộng lớn trong nguyên tắc.
Chúng ta cũng không nên giấu diếm rằng : cũng như những thứ tự do khác, cái tự do trong Dòng có thể có lúc lạc hướng, phục vụ những lợi ích riêng tư và nhất là trở thành bung xung cho những người theo chủ nghĩa cá nhân quá khích, một khuynh hướng khá thông thường nơi nhiều tu sĩ Đa Minh.
Sự tự do này phải nối kết với một giá trị thứ bốn : tình huynh đệ làm nền cho nếp sống dân chủ. Thực vậy, sức mạnh của tự do dẫn đến việc đặt ra lề luật, để tự bảo vệ sự tự do chống lại tính võ đoán, bằng cách nhấn mạnh đến công ích và sự tham gia của từng anh em. Dòng Đa Minh thường tự hào cách chính đáng về thể chế của mình, nhưng nên nhớ rằng, thể chế này khi áp dụng cho các Dòng Hành khất khác, đã không đủ để giúp họ duy trì sự hợp nhất. Điều đó minh chứng rằng cần phải có một tinh thần nào khác mới duy trì được thể chế này.
Nơi Dòng thuyết giáo, thủ tục lập pháp và những cơ cấu pháp lý, đã cho phép các định chế Dòng Đa Minh tiến triển từng bước và thích nghi với thời đại mình đang sống. Các thể chế mang những đặc tính sau : các bề trên đều do bầu cử với sự châu phê của cấp bậc cao hơn trong dòng ; việc tổ chức luân phiên các tổng hội giám tỉnh, những người đang phụ trách quản trị và tổng hội giám định viên, đại diện tập thể anh em ; cuối cùng cần phải có ba tổng hội liên tiếp đồng ý mới thành văn bản chung kết. Như thế, các định chế này đã đi đến một hệ thống dân chủ quân bình, nối kết quyền tự trị với việc phân quyền ; một chế độ hai viện ít là xét theo thời gian kế tiếp nhau, là hình ảnh của những Nghị viện vững chắc nhất ; và cuối cùng cần nêu bật đến tính uyển chuyển và thận trọng trong thủ tục lập pháp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng : những tổng hội, cũng như tất cả các hội nghị, vẫn có thể chịu tác động bởi phong thái hoặc những trào lưu tư tưởng đương thời ; ngoài ra mọi hội đồng tuyển cử các cấp, đôi khi cũng thiếu cam đảm và sáng suốt ; cuối cùng dân chủ cũng có thể trở thành mị dân. Aristote là người đầu tiên nói đến điều đó. Ông cho rằng nhân đức là thành lũy duy nhất của nền dân chủ cổ đại. Léo Moulin, một chuyên gia chính trị người Bỉ, mới đây đã chứng tỏ rằng, trong Hội thánh, người ta thử nghiệm hầu hết tất cả những chế độ quản trị có thể có trong xã hội : các đan sĩ sống chế độ quân chủ tản quyền, các tu sĩ Dòng Tên tập trung quyền hành cách tối đa, các Dòng hành khất sống dân chủ, và tất cả các chế độ đó đã hoạt động khá tốt đẹp. Nói cách khác, chính chiều kích vô vị lợi, việc mưu cầu công ích và tình huynh đệ đích thực, là thành tố giúp cho các thể chế cai trị đó có thể sinh động, đang khi trong xã hội trần thế những thể chế đó lại bị sụp đỗ hoặc ít ra đã lộ cho thấy nhiều thiếu sót của mình.
Chúng ta nhận thấy rằng bốn yếu tố nổi bật của tu sĩ Đa Minh đều liên quan đến bản tính con người, lòng say mê chân lý, ước muốn thân hữu, tự do và huynh đệ, ở đâu cũng vậy, vẫn cần đến ân sủng để được hoàn chỉnh. Khả năng tự nhiên cần có ân sủng để được cứu độ. Nhờ đó, chúng ta hiểu được câu nói của linh mục Clérissac, cha linh hướng của Maritain, rằng các tu sĩ Đa Minh có ơn gọi xây dựng sự khôn ngoan Kitô giáo trên nền tảng khôn ngoan nhân loại, để xây dựng Maria Sopra Minerva, ám chỉ đến một tu viện nổi tiếng ở Roma kính Đức Maria, được xây dựng ngay trên nền đền thờ nữ thần Minerva.
Chính vì thế, chúng ta nên có một cái nhìn khác hơn về sử dòng Đa Minh. Thực vậy, chúng ta không thể quên rằng ân sủng -có thể là ân sủng của thời tiên khởi – , đã luôn được khơi dậy kỳ diệu và tinh thần của nó luôn được tái lập trong suốt những trang sử này. Nếu các tu sĩ Chatreux, có lẽ có lý khi cho rằng mình không cần phải canh tân, vì chưa hề bị lệch lạc (réformés, déformés), thì người ta có thể khẳng định ngược lại với các tu sĩ Đa Minh, đã tự nhận cách khiêm tốn rằng : chúng tôi luôn bị lệch lạc nhưng luôn sẵn sàng canh tân (Semper deformati sed semper reformati.).
Cách đơn giản, chúng ta có thể phân chia sử Dòng từ đầu cho đến nay thành 4 giai đoạn nối tiếp nhau, khởi sự hoặc bắt đầu lại : thời sáng lập ; thời cải tổ kéo dài từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII ; thời trùng hưng thế kỷ XIX và thời cập nhật hóa -aggiornamento- sau Vaticano II.
1.Thời sáng lập
Thời sáng lập tính từ thánh Đa Minh đến cha Humberto Romano, nghĩa là cho đến thời thánh Anbêto và thánh Thomas. Một giai đoạn khoảng 60 năm rất đặc biệt, mà ta có thể diễn tả bằng một từ được yêu chuộng trong thế kỷ XIII : nhiệt thành. Nếu không kể những diễn biến tương tự đồng thời xảy ra nơi dòng Phanxicô và của các tu sĩ dòng Tên vào thế kỷ XVI, ta không hề thấy bao giờ Giáo hội có phong trào chấp nhận một lý tưởng tuyệt đối đến thế. Cuốn “Những mẩu đời các tu sĩ”, Vitae fratrum, với giọng văn tương tự “Tiểu kỳ hoa” (Fioretti), cho thấy những biểu hiện nhiệt tình trong những ngày đầu mới thành lập.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là thời đại của các vị thánh, với một loạt những bề trên tổng quyền, vừa thánh thiện, vừa tài năng cho tới đầu thế kỷ XIV, và ba nhân vật đầu tiên được suy tôn hiển thánh đưa ra ba mẫu gương của người Đa Minh : năm 1234, thánh phụ Đa Minh được suy tôn; sau đó năm 1253 đến thánh Phêrô Vêrona, mẫu người tuyên xưng và bảo vệ đức tin tại vùng đất kitô giáo ; và cuối cùng năm 1323, là thánh Thomas Aquinô, mẫu người khôn ngoan trí thức.
2.Thời cải tổ :
Từ thế kỷ XIV, hiện tượng không riêng cho Dòng mà cho cả Giáo hội, mà các sử gia ngày nay có thể đưa ra những lời giải thích rõ ràng, tạo nên đợt sóng ngược, hững hờ và uể oải. Phải mất gần một thế kỷ để có thể cải tổ Dòng cách nghiêm túc, và cải tổ không ngừng, từ tỉnh dòng này đến tỉnh dòng khác, cho mãi đến thế kỷ XVIII.
Bước đột phá đích thực để tái lập “lòng đạo đức nhiệt thành” (fervor devotionis), như người ta quen nói với nhiều ý nghĩa, đã nảy sinh từ thời thánh nữ Catharina Sienna, người đã đấu tranh để cải tổ toàn thể Giáo Hội. Thêm vào đó, phải chờ đến khi một môn sinh cũng là cha tinh thần của thánh nữ, là thánh Raymundo Capoua, được bầu làm bề trên tổng quyền. Vị này chọn ủng hộ Giáo hoàng ở Roma ngay từ đầu cuộc Đại ly giáo Tây phương, đi ngược với bề trên tổng quyền hợp pháp của Dòng được đắc cử ở tổng hội trước đó.
Tư tưởng của cha Raymundo Capoua, đọc thấy trong lời biện hộ gửi hồng y Philippe d’Alencon, thật đơn giản. Các tu sĩ được sắp xếp để học hành trong tu viện được cải tổ, sau đó phân tán đến các tu viện khác để làm giáo sư hay giảng thuyết, nề nếp tu trì không chỉ được học tập trong các tập viện, mà trong thời kỳ khủng hoảng, cần được áp dụng trong những tu viện dành riêng cho mục đích này, được coi như những vườn ươm tuyển. Sau đó anh em sẽ được phân bố đến các tu viện khác để đem đến nguồn sinh lực mới.
Cha Raymundo Capoua tiến hành thực hiện ý kiến đơn giản đó và thông báo cho toàn dòng trong lá thư đề ngày 1-1-1390. Ngài dùng đến thuật ngữ căn bản cho các cuộc canh tân là “trở về với nếp sống nguyên thủy” (Primae formae reassumptio). “Vì thế : cần chiêm ngắm viên đá gốc trong đó chúng ta được tạc nên, kho tàng mà chúng ta khai thác. Viên đá gốc chính là thánh Đa Minh ; kho tàng chính là Dòng đã được các bậc cha anh tổ chức”. Quả thực, đối với cha Raymundo, tính duy nhất của Dòng không phải ở hình thức bên ngoài (Ngài phát biểu trong bối cảnh Đại ly giáo, nhưng cũng để giải đáp cho những lời trách cứ ngài chấp nhận hai lối sống Đa Minh). Tính duy nhất đó ở bên trong, do việc liên kết với đấng sáng lập và công trình của Ngài.
Nhưng có một yếu tố nữa biểu hiện đặc tính tự do của tu sĩ Đa Minh. Cha Raymundo Capoua nói rõ ngài không cưỡng bách cải tổ, ngài hết lòng ước muốn cải tổ và có quyền áp đặt điều đó nhưng ngài không làm, vì không muốn trở thành người thày thuốc thiếu khôn ngoan, giết chết những kẻ mình muốn chữa lành.
Nối tiếp thánh Catherina Sienna và cha Raymundo Capoua, là một chuỗi các nhà cải tổ : tại Florencia, có chân phước Gioan Dominici, rồi thánh Antonino, cho đến cha Savonarola. Sau đó, Dòng trong thời gian dài chia thành hai khuynh hướng là “nhiệm ngặt” và “viện tu”, nhưng không hề đánh mất tính duy nhất của Dòng, vì những “Hiệp hội” (Congrégations) không thay thế các tỉnh dòng, mà chỉ là những trung tâm nhiệt thành, để các tỉnh dòng có thể sử dụng đến tiến hành việc cải tổ. Đó là ý hướng hành động của cha Cajetan, bề trên tổng quyền đầu thế kỷ XVI, hay của cha Sebastiano Michaelis ở Pháp vào cuối thế kỷ đó.
3.Suy tàn và trùng hưng
Sau những cơn giông tố của cuộc Cách mạng Pháp và thời kỳ suy tàn của Dòng ở Châu Âu, vấn đề không phải là sáng lập hay cải tổ nữa mà là vấn đề trùng hưng, và cuộc trùng hưng này còn đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khác mới. Cha Lacordaire trở thành vĩ nhân vì ngài linh cảm thấy được các giá trị Đa Minh vẫn có thể còn vang dội và hấp dẫn đối với những tâm hồn thời hiện đại : Chúng ta đừng quên rằng những cộng tác viên đầu tiên của ngài là những người khởi xướng phong trào xã hội không tưởng.
Tính cách thìch thời của cha Lacordaire hay đúng hơn vấn đề trường cửu, đã được cha trình bày minh bạch trong tập biện hộ “gửi cho Quê hương mình” tức là tập “Ký sự” (Mémoire) năm 1838. Dự phóng của Dòng “chỉ xưa về lịch sử”, được tái thực hiện bằng một đà tiến lãng mạn bằng một nếp sống tự do, “mà ngài tranh đấu đòi hỏi”, và ngài mặc nhiên không muốn trở thành công cụ tái lập chế độ Kitô Giáo cũ … Tuy nhiên điều lý thú ở đây, là toàn bộ tập “Ký sự” đều nhắm phân tích vai trò lịch sử của các tu sĩ Đa Minh, điều chỉnh những lời giải thích sai lầm khi cần. Mặt khác, trước khi cha Lacordaire dấn thân vào công cuộc phục hưng Dòng, ngài đã viết tác phẩm : “Cuộc đời thánh Đa Minh” (Vie de saint Dominique) không thể tách rời với công trình của ngài : đó là viên đá đầu tiên của kiến trúc mới. Và như thế người ta không nhắm xây dựng lại một công trình cổ xưa, mà là tìm ra đà tiến mới dựa vào hứng khởi nền tảng, hay nói khác đi, đi đến cội rễ của cây, tháp nhập vào một cội nguồn và một truyền thống.
4.Thời Công đồng Vaticano II,
Thời hiện đại : khi Hội Thánh tuyên bố sẵn sàng giải đáp những vấn đề của thế giới hiện đại, thì cần phải táo bạo lắm mới dám yêu cầu một Dòng tu đã có từ thế kỷ XIII, “trung thành tuân giữ tinh thần và những ý hướng riêng biệt của Đấng sáng lập, cũng như tất cả những truyền thống lành mạnh” (Perfectae caritatis số 2). Thật ra, Công đồng nhắm đến cuộc canh tân – renovatio -, việc cập nhật hóa – aggiornamento – được nối kết giữa hứng khởi nền tảng và môi trường sống mới.
Hiến pháp nền tảng (số 8) yêu cầu Dòng :
“Tự canh tân và thích nghi cách dũng cảm bằng việc nhận định và công nhận những nguyện vọng thiện hảo và hữu ích của con người, đồng thời du nhập những nguyện vọng đó vào trong những yếu tố cơ bản tổ hợp nên đời sống của Dòng”
Sử gia trong tương lai sẽ phải suy tư về cuộc khủng hoảng lạ kỳ sau công đồng, không chỉ riêng dòng Đa Minh, mà rõ ràng còn phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa. Cả bản Hiến Pháp được duyệt chính, và đời tu Đa Minh đã được đề ra và thực hành, đều nhấn mạnh phải canh tân việc giảng thuyết và quan tâm đến nhu cầu của con người. Những yếu tố trước đây được coi như thiết yếu trong thời sáng lập, thời canh tân và trùng hưng, như việc hãm mình và thinh lặng, đã biến mất trong thực hành. Cách chung, chân dung của vị sáng lập được nhận biết, yêu mến và tôn kính. Thánh Đa Minh có thể xuất hiện như một hiện thân của bộ bốn đặc tính Đa Minh : chân lý, tình thân, tự do và huynh đệ.
Nhưng Dòng không thoát khỏi một hiện tượng trong Giáo Hội, riêng biệt của thời đại chúng ta, đó là : ý muốn chính đáng và cần thiết tái lập mối tương quan với các vị sáng lập, giống như một vòng cung giúp họ gặp trực tiếp vị Sáng lập không cần qua trung gian, để tìm lại nhiệt tâm thuở ban đầu. Thế nhưng lịch sử và căn tính đâu có thể tách rời nhau được.
Không ai hơn cha William Hinnebusch (+1981) xác tín điều đó : và đó cũng chính là ý chính của phần kết cuốn sách nhỏ bé này, với nội dung được dừng lại vào năm 1974. Đó cũng là mục đích cha theo đuỗi khi khởi sự một tác phẩm lớn khác : “Lịch sử Dòng Đa Minh” (The History of the Dominican Order. New York, 1965 và 1973), mà ngài chỉ mới kịp xuất bản được hai cuốn đầu, rất phong phú và quan trọng.
Tại Pháp, (và Việt Nam nữa, dịch giả) hiện còn thiếu tập toát yếu lịch sử dòng Đa Minh dễ nắm bắt, đơn giản và chính xác, nên tôi thấy phải dịch cuốn sách nhỏ này. Cũng như các tự điển hay thủ bản thuộc cùng loại, chúng ta vẫn có thể phải tranh luận về những sự lựa chọn, những gì cần phải nhấn mạnh và những gì tác giả chưa đề cập đến. Thỉnh thoảng trong ngoặc đơn […] , tôi mạn phép thêm một ít lời giải thích. Và để thích nghi với độc giả không phải ở Hoa Kỳ, tôi xin cắt bớt, – chỉ trong chương cuối cùng thôi -, một vài thí dụ rút ra từ sinh hoạt Giáo hội và Dòng tại Hoa Kỳ.
***
Một Dòng tu như Dòng Anh em Thuyết Giáo, dù hay dù dở, đã sống trong một truyền thống. Căn tính của Dòng được nhận thức nhờ hiểu biết lịch sử của Dòng, nhờ hàng loạt những cuộc hồi sinh của những giá trị nền tảng. Những giá trị ấy đã được các vị thánh và các nhân vật tuyệt vời thể hiện (tôi tin vào các tiền bối).
Nhưng cũng đừng quên “đám đông các nhân chứng” gồm những người tội lỗi, hữu hạn, trung thành hoặc bất trung, những “bình sành dòn mỏng”, đã vững tin vào sức mạnh và Duyên Nợ của Lời được chính Đức Kitô ủy thác để công bố qua mọi thời. Cuốn sách này phác họa lại cuộc đời của họ.
Guy Bedouelle