Liên Hiệp Quốc chào mừng việc Vatican loại bỏ “Đạo lý về sự khám phá”

Ông José Francisco Calí Tzay, chuyên gia về quyền người bản địa của Liên Hiệp Quốc chào mừng việc Vatican loại bỏ “Đạo lý về sự khám phá”, và bày tỏ hy vọng các chính phủ khác theo Toà Thánh trong lĩnh vực này.

“Đạo lý về sự khám phá” là một lý thuyết để biện minh cho việc những người thực dân châu Âu có quyền chiếm đoạt đất đai và tài sản của người bản địa bằng cách mua lại hoặc chinh phục.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 30/3/2023, Bộ Văn hoá và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã chính thức bác bỏ “những khái niệm không công nhận quyền của người bản địa, bao gồm cả những gì được gọi là ‘Đạo lý về sự khám phá’ về pháp lý và chính trị”.

Tuyên bố viết: “Nhờ đối thoại với người bản địa, Giáo hội đã nhận thức rõ hơn về những đau khổ trong quá khứ và hiện tại của họ, do bị chiếm đoạt đất đai… cũng như các chính sách cưỡng bức đồng hoá, được thúc đẩy bởi chính quyền, nhằm mục đích loại bỏ văn hoá của họ”.

Toà Thánh khẳng định “Đạo lý về sự khám phá” không phải là một phần trong giáo lý của Giáo hội Công giáo. Thực tế, trong lịch sử, các Giáo hoàng đã lên án các hành động bạo hành, áp bức, bất công xã hội và chế độ nô lệ, kể cả hành vi chống lại người dân bản địa. Hơn thế nữa, trong Giáo hội đã có nhiều mẫu gương của các Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân hy sinh mạng sống để bảo vệ nhân phẩm cho các dân tộc đó.

Trong tuyên bố, hai Bộ của Toà Thánh cũng nhìn nhận nhiều Kitô hữu đã thực hiện những hành vi xấu xa chống người bản địa. Và chính vì thế, các vị Giáo hoàng gần đây đã nhiều lần xin tha thứ về hành vi này.

Ông José Francisco Calí Tzay, chuyên gia về quyền người bản địa của Liên Hiệp Quốc cho rằng “Đạo lý về sự khám phá” là một vết thương mở đối với nhiều người bản địa trên khắp thế giới. Điều này phải được giải quyết như một phần của quá trình hoà giải giữa các dân tộc bản địa và các quốc gia thuộc địa.

Với tuyên bố của Vatican, chuyên gia của Liên Hiệp Quốc khen ngợi sự công nhận của Toà Thánh về những tác hại của thực dân hoá, gồm cả nỗi đau mà người dân bản địa phải chịu đựng, và chào mừng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và đối thoại lẫn nhau, đồng thời từ bỏ não trạng thực dân hoá. Quan chức của Liên Hiệp Quốc còn kêu gọi các chính phủ khác theo Toà Thánh thực hiện điều này.

Ngọc Yến – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *