Linh mục Công Giáo, và 2 người khác bị bỏ tù theo luật chống cải đạo ở Madhya Pradesh

1. Con số các thừa sai hy sinh trên đường truyền giáo

Trước đây chúng tôi đã loan tin rằng có 16 thừa sai hy sinh trên đường truyền giáo theo số liệu cập nhật tính đến ngày 28 tháng 12. Hôm 30 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đưa ra con số cuối cùng là 22 vị, trong đó có 13 linh mục, 1 nam tu sĩ, 2 nữ tu, 6 giáo dân truyền giáo. Năm nay, số nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi 11 vị bị sát hại bao gồm 7 linh mục, 2 nữ tu, và 2 giáo dân bị giết, tiếp theo là Mỹ Châu, nơi có 7 nhà truyền giáo 4 linh mục, 1 nam tu sĩ, và 2 giáo dân bị giết. Ở Á Châu, 3 nhà truyền giáo gồm 1 linh mục, và 2 giáo dân đã bị giết, và Âu Châu, có một linh mục bị giết. Từ năm 2000 đến năm 2020, theo dữ liệu của chúng tôi, 536 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới.

Như đã từng xảy ra trong một thời gian, danh sách các thừa sai bị giết hàng năm không chỉ xem xét các nhà truyền giáo theo nghĩa hạn hẹp, nhưng cố gắng ghi lại tất cả những người đã được rửa tội tham gia vào đời sống của Giáo hội đã bị giết một cách bạo lực, không chỉ “vì lòng thù hận đức tin”. Vì lý do này, chúng tôi không muốn sử dụng thuật ngữ “những vị tử vì đạo”, theo nguyên nghĩa là các “chứng nhân”, để không gây trở ngại cho sự phán xét mà cuối cùng Giáo hội có thể đưa ra đối với một số vị trong tiến trình tuyên phong sau này. Đồng thời, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội của họ, mọi thành phần dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo. Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể vị trí của họ trong Giáo Hội hay mức độ giảng dạy đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc truyền bá Phúc Âm hóa”

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, cho đến nay, chúng tôi có rất ít thông tin có thể thu thập được về tiểu sử và hoàn cảnh cái chết của các vị. Có thể, có những vị không hề thực hiện những chiến công hay hành động nổi bật, mà chỉ “đơn giản là” làm chứng về đức tin của các ngài trong bối cảnh xã hội nghèo khó, suy thoái, nơi bạo lực là quy luật của cuộc sống, quyền lực của nhà nước không có hoặc suy yếu do tham nhũng và các thỏa hiệp và trong đó hoàn toàn thiếu sự tôn trọng đối với sự sống và mọi quyền của con người. Một lần nữa những linh mục này, các nam nữ tu sĩ và giáo dân này, nhận thức được tất cả điều này, họ thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp “mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng” (Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại Budapest, ngày 14 tháng 9 năm 2021). Từ Phi Châu đến Mỹ Châu, từ Á Châu đến Âu Châu, họ chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng.

Các linh mục giáo xứ bị giết hại trong cộng đồng của các ngài, ở Phi Châu và Mỹ Châu, bị bọn tội phạm tra tấn, bắt cóc để tìm kiếm các tài sản không tồn tại. Các linh mục tham gia vào các công việc xã hội, như ở Haiti, đã bị giết để cướp đi những gì cần thiết để thực hiện các hoạt động đó, hoặc thậm chí bị giết bởi những người mà họ đang giúp đỡ, như ở Pháp, hoặc ở Venezuela, nơi một tu sĩ bị giết bởi những tên trộm trong cùng một ngôi trường nơi ngài dạy những người trẻ xây dựng tương lai; các nữ tu bị bọn cướp ở Nam Sudan rượt đuổi và giết chết một cách nhẫn tâm. Và vẫn còn nhiều giáo dân, với số lượng ngày càng tăng: các giáo lý viên bị giết trong các cuộc đụng độ vũ trang cùng với các cộng đồng họ đã hoạt động ở Nam Sudan; những thanh niên bị tay súng bắn tỉa giết chết trong khi cố gắng đưa hàng cứu trợ cho những người di tản chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ giữa quân đội và du kích ở Miến Điện; một nhà truyền giáo giáo dân bị giết hại dã man bởi một tên ăn cắp điện thoại di động ở Peru; một thanh niên thiệt mạng vì mìn nổ ở Cộng hòa Trung Phi khi đi trên xe truyền giáo; một giáo lý viên bản địa, nhà hoạt động cho việc tôn trọng nhân quyền theo hình thức bất bạo động, đã bị giết ở Mễ Tây Cơ. Tất cả họ đều “không thể không làm chứng”


Source:Fides

2. Tổng thống Herzog, và Bộ trưởng Nội Vụ Shaked tuyên bố bảo vệ tự do thờ phượng, tự do tôn giáo

 President Isaac Herzog introduces Interior Minister Ayelet Shaked to Greek Orthodox Patriarch Theophilos III at the President's Residence in Jerusalem, on December 29, 2021. (photo credit: KOBI GIDEON/GPO)

Bình luận của họ được đưa ra trong bối cảnh có những tuyên bố công khai của những nhà lãnh đạo các Giáo Hội ở Israel, cho rằng các cuộc tấn công bằng lời nói và thể lý của những người Do Thái cực đoan chống lại các Kitô Hữu là tồi tệ hơn bao giờ hết.

Tổng thống Isaac Herzog và Bộ trưởng Nội vụ Ayelet Shaked từng khẳng định cam kết của họ đối với tự do thờ phượng và tự do tôn giáo tại Thánh Địa, và nói thêm rằng mọi hình thức phân biệt đối xử sẽ bị lên án. Ý kiến của họ diễn ra giữa một bối cảnh có các tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo các Giáo Hội ở Israel tuyên bố rằng các cuộc tấn công bằng lời nói và thể lý bởi những người Do Thái chống lại các Kitô hữu là tồi tệ hơn bao giờ hết.

Trong khi đánh giá cao hai tuyên bố, Đức Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp Theophilos III nói: “Trong một quốc gia cam kết với các quyền lịch sử của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cũng như tự do tôn giáo, chúng ta không thể không lên tiếng trước các hoạt động ở Giêrusalem của các nhóm cực đoan, những người không đại diện cho Nhà nước Israel hoặc dân tộc Do Thái. Hành động của những kẻ cực đoan này là một cuộc tấn công trực tiếp chống lại các giá trị và lý tưởng chung của chúng ta mà chúng ta coi là thiết yếu cho trật tự tốt đẹp và sự hưng thịnh của cuộc sống chung. Vì thế, tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau để chặn đứng những tham vọng không kiềm chế này của tất cả những kẻ cực đoan trong cộng đồng của chúng ta vì hạnh phúc và sự an toàn của tất cả mọi người. Chúng tôi, những người đứng đầu các Giáo Hội, tái khẳng định cam kết tham gia vào cuộc đối thoại khẩn cấp về vấn đề này như đã nêu ra trong tuyên bố gần đây của chúng tôi”.

Mặc dù không nói rõ những người Do Thái này là ai, nhưng Đức Thượng Phụ đã chỉ ra rằng tham vọng của họ là Thánh Địa là nơi chỉ có người Do Thái mới được sinh sống. Đức Thượng Phụ Theophilos cho biết, chính vì lý do này mà các nhà lãnh đạo Giáo Hội Kitô đặc biệt đánh giá cao cam kết kiên định của Herzog đối với sự toàn vẹn, đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo của khu vực.

Tổng thống Isaac Herzog, Bộ trưởng Nội vụ Ayelet Shaked, và Đức Thượng Phụ Theophilos đã phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi Năm mới hàng năm do tổng thống Israel tổ chức cho các nhà lãnh đạo tinh thần và giáo dân của các Giáo Hội và cộng đồng Kitô Giáo. Tiệc chiêu đãi được tổ chức theo truyền thống giữa các ngày lễ Giáng Sinh Latinh và Đông phương. Khoảng 100 nhà lãnh đạo tinh thần và giáo dân đại diện cho các hệ phái Kitô Giáo đã lấp đầy hội trường chính tại Dinh thự của Tổng thống.


Source:Jerusalem Post

3. Linh mục Công Giáo, và 2 người khác bị bỏ tù theo luật chống cải đạo ở Madhya Pradesh

Hôm 29 tháng 12, cảnh sát ở bang Madhya Pradesh của Ấn Độ tuyên bố đã bắt giữ ba người, bao gồm một linh mục của Giáo Hội Công Giáo và một Mục sư Tin lành bị cáo buộc đã dụ dỗ những người Ấn Giáo theo Kitô Giáo.

Cảnh sát tuyên bố rằng những người bị bắt bị cáo buộc là đã tham gia vào việc chiêu dụ tín đồ ở một ngôi làng trong huyện Jhabua, một trong những khu vực đông dân cư của tiểu bang.

Cảnh sát cho biết việc bắt giữ này được đưa ra trên cơ sở một khiếu nại được nộp tại một đồn cảnh sát địa phương ở quận Jhabua, trong đó tuyên bố rằng Cha Jam Singh Dindore, Mục sư Ansingh Ninama và một người tên là Mangu Mehtab Bhuriya đã dụ dân làng chuyển sang Kitô Giáo bằng cách hứa cung cấp cho họ giáo dục và điều trị miễn phí trong trường học và bệnh viện do các nhà truyền giáo điều hành. Cảnh sát cho biết cả ba vị này đều bị buộc tội theo Đạo luật Tự do Tôn giáo của Madhya Pradesh, năm 2021, được gọi là luật chống cải đạo.

Cảnh sát nói thêm người nộp đơn tố cáo được xác định là Tetiya Bariya, một dân làng. Người khiếu nại đã cáo buộc rằng “Vào ngày 26 tháng 12, Cha Jam Singh Dindore gọi tôi và Surti Bai một dân làng khác đến phòng cầu nguyện của ông ấy và bắt chúng tôi ngồi trong một cuộc họp hàng tuần kêu gọi cải đạo. Họ tưới nước lên chúng tôi và đọc Kinh thánh”.

Người khiếu nại nói thêm rằng anh ta đã được yêu cầu chuyển sang Kitô Giáo với lời đề nghị y tế và giáo dục miễn phí cho con cái của mình, nhưng anh ta đã từ chối và thông báo cho cảnh sát.

Từ đơn kiện này, một nhóm cảnh sát địa phương đã đến nơi ở của Cha Dindore vào chiều Chúa Nhật và bắt giữ ngài. Sau đó, cảnh sát đã bắt thêm hai người có liên quan đến vụ việc.

Tuy nhiên, các Nhà truyền giáo Kitô ở quận Jhabua đã cáo buộc rằng một chiến dịch bôi nhọ đang được thực hiện ở các khu vực ở Madhya Pradesh để chống lại họ.


Source:Kashmir News Service

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *