1. Bắc Hàn khoe tên lửa phóng từ tàu ngầm mới sau một đại hội đảng hiếm hoi
Truyền thông nhà nước đưa tin, Bắc Hàn đã trưng bày một thứ có vẻ là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, gọi tắt là SLBM, mới tại cuộc duyệt binh vào tối thứ Năm, kết thúc hơn một tuần các cuộc họp chính trị với một màn trình diễn sức mạnh quân sự.
Mặc áo khoác da và đội mũ lông, nhà lãnh đạo Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong Un, mỉm cười và vẫy tay khi giám sát lễ duyệt binh ở Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng
Cuộc diễu hành có sự góp mặt của hàng loạt binh sĩ các quân binh chủng, cũng như một loạt khí tài quân sự bao gồm xe tăng và bệ phóng tên lửa.
Một số nhà phân tích cho rằng cuối buổi diễn hành, đã xuất hiện các biến thể mới của tên lửa đạn đạo tầm ngắn; và SLBM đã lăn bánh trên xe tải.
Hãng thông tấn KCNA của Bắc Hàn đưa tin “Các vũ khí mạnh nhất thế giới, tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo, đang bước vào quảng trường, mạnh mẽ thể hiện sức mạnh của các lực lượng vũ trang cách mạng”.
Bắc Hàn đã bắn thử một số SLBM từ dưới nước và các nhà phân tích cho biết họ đang tìm cách phát triển một tàu ngầm hoạt động để mang tên lửa.
Các bức ảnh được truyền thông nhà nước công bố cho thấy SLBM được dán nhãn Pukguksong-5, có khả năng đánh dấu sự nâng cấp so với Pukguksong-4 đã được công bố tại một cuộc duyệt binh lớn hơn vào tháng 10.
Michael Duitsman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các vũ khí cấm phổ biến James Martin có trụ sở tại California, cho biết trên Twitter rằng “Tên lửa mới chắc chắn trông dài hơn”.
Không giống như cuộc duyệt binh vào tháng 10 năm ngoái, sự kiện hôm thứ Năm không giới thiệu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, gọi tắt là ICBM lớn nhất của Bắc Hàn, được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân bay tới bất cứ nơi nào trên đất Mỹ.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Hán Thành, cho biết cuộc duyệt binh tự bản thân nó không nhằm mục đích khiêu khích nhưng nó là một dấu chỉ đáng lo ngại về các ưu tiên của Bình Nhưỡng.
“Nền kinh tế đang căng thẳng nặng nề từ việc đóng cửa biên giới vì đại dịch, quản lý kém, chính sách tồi tệ và các biện pháp trừng phạt quốc tế. Bất kể những điều này hay hoặc có lẽ chính vì những điều này mà Kim Chính Ân cảm thấy cần phải dành nguồn lực khan hiếm cho một màn biểu diễn chính trị-quân sự khác”.
Hôm thứ Tư, Kim Dữ Chính hay còn gọi là Kim Yo Jong, em gái của Kim Chính Ân và là thành viên Ủy ban Trung ương đảng cầm quyền, đã chỉ trích quân đội Nam Hàn vì nói rằng họ đã phát hiện dấu hiệu của một cuộc chuẩn bị duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào hôm Chúa Nhật.
Các quan chức Bắc Hàn đã nhóm họp tại Bình Nhưỡng trong kỳ đại hội đảng đầu tiên kể từ năm 2016.
Source:Reuters
2. Linh mục trừ tà cảnh báo các giám mục Ái Nhĩ Lan về sự gia tăng đáng báo động các hoạt động ma quỷ
Một chuyên gia trừ quỷ nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan kêu gọi các giám mục nước mình lưu tâm hơn trong việc đối phó với một “sự đột biến lũy tiến” các hoạt động ma quỷ.
Cha Pat Collins đã viết một bức thư ngỏ gửi đến hàng giáo phẩm Công Giáo, trong đó ngài báo cáo rằng có sự song song giữa sự gia tăng các hoạt động ma quỷ và tình trạng bội giáo ngày càng tăng trong Giáo hội.
“Như những gì đã xảy ra, ngày càng có nhiều bằng chứng về hoạt động thâm độc của ma quỷ”.
Vị linh mục người Ái Nhĩ Lan cho biết gần như hàng ngày ngài bị chìm ngập trong những lời kêu cứu của những người tuyệt vọng yêu cầu ngài giúp đỡ trong việc đối phó với những gì họ tin là bị quỷ ám và các hoạt động xấu xa khác.
Theo tờ The Irish Catholic, Cha Collins cho biết ngài đã “bối rối” khi thấy rằng các giám mục Ái Nhĩ Lan không làm nhiều hơn trong việc chỉ định các linh mục giúp giải quyết các nhu cầu khác nhau bao gồm những người tuyên bố bị quỷ ám, gặp phải các cuộc tiếp xúc siêu nhiên, bị kéo khỏi giường của họ.
Cha Collins lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức công nhận Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế, gọi tắt là IAE, vào năm 2014. Đó là một nhóm gồm khoảng 300 nhà trừ tà đến từ 30 quốc gia khác nhau.
Theo báo cáo của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, IAE đã thông báo về sự gia tăng đáng kể các hoạt động ma quỷ trong vài năm gần đây.
Cha Vincent Lampert, một nhà trừ quỷ của Tổng giáo phận Indianapolis từ năm 2005, nói với tờ National Catholic Register rằng trong thực tế người ta gặp phải vấn đề tâm lý nhiều hơn so với các trường hợp bị quỷ ám.
Tuy nhiên, “Tôi đã thấy 3 trường hợp bị quỷ ám trong vòng một năm qua”.
Sự phá hoại của ma quỷ có thể thấy nhãn tiền khi những vật thể có thể bay trong không trung không theo các quy luật vật lý, và có những tiếng động lớn không rõ xuất phát từ đâu.
Cha Lampert nói: “Tôi đã chứng kiến các trường hợp mắt trợn ngược lên, tung ra những lời tục tĩu, cơ thể co giật, mùi hôi, nhiệt độ giảm trong phòng, và tôi thậm chí đã chứng kiến những người có thể bay lên”.
Source:LifesiteNews
3. Quốc vương Mã Lai Á ban bố tình trạng khẩn cấp để chống lại virus nhưng dân chúng không tin
Nhà vua Mã Lai Á đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để chống lại sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus có nguy cơ áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước.
Vua Abdullah Ahmad Shah nói: “có ý kiến rằng đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong nước đang ở giai đoạn rất nghiêm trọng và cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp”, một tuyên bố từ cung điện quốc gia cho biết như trên.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp trong cuộc họp với Quốc vương vào hôm thứ Hai, thông cáo cho biết.
Ông nói: “Mức độ lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng và không cho thấy có chiều hướng suy giảm trong tương lai gần. Do đó, chính phủ cần có những quyền bính nhất định để bảo đảm rằng đợt bùng phát này có thể được ngăn chặn một cách có hiệu quả hơn”.
Tuy nhiên, nhiều người Mã Lai Á cảm thấy hoài nghi về lời tuyên bố bất ngờ này.
“Tôi cảm thấy tình trạng khẩn cấp này không có liên quan gì đến đại dịch. Có lẽ nó được áp đặt vì một chương trình nghị sự khác. Có thể là chính trị. Đó là điều tôi cảm nhận.”
Các nhà phê bình nói các hạn chế mới là một cố gắng bám víu quyền hành của một chính phủ không ổn định.
Nhiều người quan tâm hơm đến cuộc sống hàng ngày.
“Giờ đây nó trở nên giống như trước đây, với lệnh cô lập trước, trong đó chúng tôi không thể ra khỏi nhà. Vì thế, nó gây khó khăn lần nữa cho chúng tôi trong việc tìm kiếm của ăn.”
Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài cho đến ngày 1 tháng 8 nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ nhiễm mới chậm lại, tuyên bố của nhà vua nói thêm.
Source:BangkokPost
4. Các Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng trước những giảng dạy lầm lạc của linh mục Dòng Tên James Martin
Như chúng tôi đã loan tin, trong một hành động thật đại nghịch bất đạo, linh mục James Martin, đã luận tội các Hồng Y, Giám Mục chống lại ông Joe Biden, cố gắng gán ghép cho các ngài tội tung ra các diễn từ thù hận, mà chung cuộc là dẫn đến cuộc bạo loạn tại Tòa Nhà Quốc Hội tại Washington DC.
James Martin là một trong những khai quốc công thần của triều đại Joe Biden vì có công kêu gọi người Công Giáo dồn phiếu cho liên danh Joe Biden – Kamala Harris. Chính vì thế, giờ đây, hành xử như một linh mục cung đình, ông ta hằn học phê phán các Hồng Y, Giám Mục, linh mục là ăn nói “mất nhân tính” và lớn tiếng cho rằng “Sai lầm của các nhà lãnh đạo Công Giáo phải được sửa chữa, đó là sai lầm mà Giáo Hội bây giờ cần phải ăn năn.”
James Martin đã xích mích với hàng giáo phẩm Hoa Kỳ từ lâu vì lập trường ủng hộ các quan hệ đồng giới của ông ta.
Thông tấn xã Catholic News Agency có bài tường thuật nhan đề “After Chaput warning, bishops weigh in on Fr. James Martin” – “Sau lời cảnh báo của Đức Tổng Giám Mục Chaput, các Giám Mục tham gia vào chuyện Cha James Martin.”
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy để hiểu thêm về những xích mích giữa các Giám Mục và nhân vật này.
Sau khi Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia kêu gọi thận trọng trước các thông điệp của cha James Martin, một linh mục Dòng Tên, các Giám Mục khác tại Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng cảnh giác anh chị em tín hữu cần thận trọng trước các thông điệp của cha Martin liên quan đến đồng tính luyến ái và đạo Công Giáo, trong khi cuộc tranh luận giữa cha Martin và Đức Tổng Giám Mục Chaput về vấn đề này vẫn còn đang tiếp diễn.
“Thông điệp công khai của Cha Martin tạo ra sự nhầm lẫn nơi các tín hữu và phá vỡ sự hiệp nhất của Giáo Hội khi cổ vũ cho một cảm thức sai lầm rằng hành vi tình dục vô đạo đức đó là có thể chấp nhận được theo luật của Thiên Chúa,” Đức Cha Thomas Paprocki Giám Mục Springfield, Illinois, viết hôm 19 tháng 9.
“Những người chịu hấp lực đồng giới thực sự được Chúa tạo dựng và yêu thương và được hoan nghênh trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng sứ mệnh của Giáo Hội đối với các anh chị em này cũng giống như đối với tất cả các tín hữu khác là hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ mỗi người chúng ta trong cố gắng của người Kitô hữu vươn đến các nhân đức, sự thánh thiện, và thanh sạch,” Đức Cha Thomas Paprocki nói thêm.
Tuyên bố của Đức Cha Paprocki được đưa ra để nhấn mạnh thêm ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput kêu gọi thận trọng về “một chuỗi những mơ hồ có hệ thống” trong các bài viết và những lời giảng dạy của linh mục Martin.
Đức Tổng Giám Mục Chaput đã đưa ra mối quan ngại của ngài rằng “Cha Martin – không nghi ngờ gì đã vô tình – truyền cảm hứng cho hy vọng rằng giáo huấn của Giáo Hội về tình dục con người có thể thay đổi.”
Linh mục Martin là tác giả của cuốn “Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community Can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity”, nghĩa là “Xây dựng một nhịp cầu: Làm thế nào Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tiến vào một mối quan hệ Tôn trọng, Cảm thông, và Nhạy Cảm”, và thường xuyên nói về các vấn đề liên quan đến đồng tính luyến ái và đạo Công Giáo. Ngài đã nói chuyện tại Đại học Thánh Giuse của Philadelphia vào ngày 17 tháng 9.
“Trước sự lầm lạc gây ra bởi các tuyên bố và các hoạt động của ngài liên quan đến những vấn đề về LGBT, tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng cha Martin không thể nói với thẩm quyền thay mặt cho Giáo Hội, và cảnh báo các tín hữu về một số khẳng định của ngài,” Đức Tổng Giám Mục Chaput viết.
Đức Cha Paprocki nhận xét rằng:
“Đức Tổng Giám Mục Chaput đã đưa ra một cảnh báo hữu ích cho người Công Giáo đối với cha James Martin. Một mặt, cha Martin bày tỏ chính xác tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, nhưng mặt khác, ngài khuyến khích hoặc không sửa chữa hành vi ngăn cách con người với chính tình yêu đó. Điều này là tai tiếng sâu sắc theo nghĩa là nó dẫn dắt mọi người đến chỗ tin rằng hành vi sai trái này không phải là tội lỗi.”
“Vấn đề này không phải là chuyện ta có thể đưa ra ý kiến được, đó là giáo huấn của chính Chúa chúng ta, khi chúng ta nghe trong Tin Mừng Thánh Luca: ‘Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em mình phạm lỗi, hãy trách phạt, và nếu người ấy ăn năn, hãy tha thứ.” (Lc 17:3)
Đức Cha Rick Stika, Giám mục Knoxville cũng tham gia góp thêm ý kiến.
Trên Twiter, Đức Cha Stika ca ngợi bài xã luận của Đức Tổng Giám Mục Chaput “về các sai lầm thần học và luân lý của cha Martin. Ngài ca ngợi nỗ lực vươn tới [với những người đồng tính của linh mục Martin] nhưng thách thức những tư tưởng đạo đức và thần học [của linh mục này]. Đức Tổng Giám Mục cũng minh định rõ rằng đó là một tội lỗi nghiêm trọng. Dù có người cảm thấy đau khổ vì điều này, tôi vẫn cần nói thêm rằng về phương diện đạo đức đó là điều Giáo Hội không bao giờ chấp nhận được. Đức Tổng Giám Mục cũng nói thêm rằng các cuộc tấn công tàn độc nhắm vào vị linh mục này là sai trái và tội lỗi. Đó là một điều tôi cũng không đồng ý nhưng có một điều khác là cần phải mạnh mẽ trước mưu toan lợi dụng để che dấu những điều xấu xa”.
Chính cha Martin đã trả lời chuyên mục của Đức Tổng Giám Mục Chaput trong một bài cậy đăng trên CathPhilly, cổng thông tin của Tổng giáo phận Philadelphia.
“Tôi nghĩ rằng câu trả lời chính của tôi đối với bài xã luận của ngài là rất khó để đáp trả trước những lời phê bình rằng tôi ‘ngụ ý’ những gì về giáo huấn của Giáo Hội, khi mà trong các tác phẩm và các cuộc nói chuyện của mình tôi kiên quyết không thách thức Giáo Hội về các vấn đề đạo đức tình dục (hoặc bất cứ điều gì tôi cho là liên quan đến vấn đề đó).”
“Một trong những lý do mà tôi không tập trung vào [các giáo huấn liên quan đến] các mối quan hệ đồng tính và hôn nhân đồng tính, mà tôi biết đều là không được phép (và vô luân) theo giáo huấn của Hội Thánh, là vì các người LGBT Công Giáo đã nghe điều này nhiều lần. Trên thực tế, thường đó là điều duy nhất mà họ nghe được từ Giáo Hội của họ,” linh mục Martin viết.
“Thay vào đó, những gì tôi đang cố gắng làm là khuyến khích người Công Giáo xem những người LGBT nhiều hơn chỉ là một hữu thể dục tính, xem họ trong tổng thể của họ, như Chúa Giêsu từng đối xử với những người sống bên lề, những người cũng được coi là ‘người khác’ trong thời đại của ngài,” vị linh mục nói thêm.
“Tôi vẫn biết ơn Đức Tổng Giám Mục yêu cầu mọi người đừng tham gia vào những cuộc tấn công ‘ad hominem’ [nhắm vào cá nhân thay vì nhắm vào quan điểm tranh cãi – chú thích của người dịch], và tôi đánh giá cao phong thái cẩn thận trong lá thư của ngài và luôn luôn đánh giá cao những trao đổi rất nhã nhặn của ngài đối với tôi,” cha Martin kết luận.
Đáp lại những ý kiến này của cha Martin, trong chuyên mục của ngài, Đức Tổng Giám Mục Chaput viết:
“Tôi đánh giá cao những lời bình phẩm rất lịch sự của cha Martin, phù hợp với phong thái của người đàn ông này,” Chaput viết.
“Tuy nhiên, những lời này không vì thế mà thay đổi nhu cầu phải có bài xã luận của tôi. Tôi chắc rằng cha Martin sẽ đồng ý rằng trái ngược với một số hệ thống niềm tin và thực hành không chính thức, và hoang tưởng, giáo huấn ‘chính thức’ của Giáo Hội đơn thuần là những gì Giáo Hội tin tưởng dựa trên Lời Chúa và hàng thế kỷ kinh nghiệm với tình trạng của con người.”
“Hơn nữa, điều quan trọng không phải là ‘không thách thức’ những gì Giáo Hội tin tưởng về tình dục con người, nhưng là phải rao giảng và dạy dỗ những giáo huấn ấy với sự tự tin, niềm vui và lòng nhiệt thành. Chân lý Thánh Kinh giải phóng [chúng ta]; chân lý ấy không bao giờ là nguyên nhân cho sự ngượng ngùng,” Đức Tổng Giám Mục Chaput nói thêm.
Đức Tổng Giám Mục đã nói rằng ngài và cha Martin đều đồng ý rằng “những người có hấp lực đồng giới cũng là con cái của Thiên Chúa và cũng được Ngài yêu thương. Vì vậy, họ xứng đáng được đối xử với sự tôn trọng và nhân phẩm. Giáo Hội phải tha thiết tìm cách làm điều đó trong khi vẫn giữ đúng niềm tin của mình.”
“Nhưng rõ ràng không đúng khi cho rằng ‘điều duy nhất’ mà những người Công Giáo chịu hấp lực đồng giới nghe từ Giáo Hội của họ là một thông điệp từ chối. Hoặc nếu có như thế, có lẽ trách nhiệm là ở người nghe nhiều hơn là ở Giáo Hội. Mỗi chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn. Lắng nghe, cũng như giảng dạy, là một hành động của ý chí.”
Source:Catholic News Agency