Lời Chúa Trong Đời Sống của Bậc Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận

Tải tập tin PDF về máy

Đọc sách “Chứng Nhân Hy Vọng” & “Đường Hy Vọng” dước góc độ Thánh Kinh

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Đình Anh Nhuệ, OFMConv. Phiên Dịch: LM Nguyển Báo ̣(Roma)

Bài luận này có mục đích tiếp tục nghiên cứu của tôi, đã được trình bày năm ngoái trong Hội Nghị Chuyên Đề Quốc Tế đầu tiên, được tổ chức bởi FIATS – Học Viện Phanxicô Nghiên Cứu Thần Học Châu Á tại Roma về tâm linh “Châu Á” của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Vào dịp đó, tôi đã chia sẻ nghiên cứu và vài suy niệm khơi mào về các khía cạnh liên quan đến cách diễn giải Thánh Kinh hội nhập văn hóa của Bậc Đáng Kính, dựa theo sự phân tích của hai bài giảng tâm linh chính của ngài. Bài giảng đầu tiên là cho Giáo Triều Roma năm 2000 (sau đó cũng được xuất bản thành sách bằng tiếng Anh với tựa đề: “Testimony of Hope: The Spiritual Exercises of Pope John Paul II”). Bài thứ hai là cho các linh mục Đạo Binh Đức Kitô (Legionaries of Christ) ở Roma năm 2002, tức là năm cuối đời của ngài. Bây giờ tôi muốn nói đến một trong những tác phẩm chính của Đức Hồng Y Thuận, quyển sách “Đường Hy Vọng”, để xem xét những lời răn dạy được viết trong tù cho những người con thiêng liêng tương lai của ngài, để làm nổi bật cách đọc, cách diễn giải, và cách sống Lời Chúa nguyên thủy của ngài.

Sự trình bày có hai phần. Thứ nhất, chúng ta nhớ lại những nhận xét về sự tôn kính của Đức Hồng Y đối với Thánh Kinh và về cách giải thích nguyên thủy của ngài về các thông điệp Thánh Kính–Phúc Âm, như đã lưu ý trong hai bài giảng tâm linh được đề cập, đặc biệt là trong “Chứng Nhân Hy Vọng”. Sau đó, chúng ta sẽ nêu bật một số khía cạnh của ngài khi đọc Lời Chúa ở những huấn từ trong quyển sách được đề cập: “Đường Hy Vọng”. Những khám phá này sẽ giúp chúng ta xác nhận, với một số phong phú, tập hợp các đặc điểm cơ bản của đời sống tâm linh Thánh Kinh của Đức Hồng Y. Tất cả đều dựa trên sự hiệp thông và kết hợp mật thiết đơn nhất với Chúa Kitô và giáo huấn của Ngài.

 1. Quan điểm của Đức Hồng Y Thuận đối với Lời Chúa

Như đã đề cập trong nghiên cứu trước đây của tôi, đây là lời chứng của Đức Hồng Y trước Giáo triều Roma về quan điểm của ngài đối với Lời Chúa: “Tôi muốn nói với quý ngài về kinh nghiệm của tôi với vấn đề này. Khi tôi mất tất cả và ở trong tù, tôi nghĩ về việc soạn một vademecum cho phép tôi sống Lời Chúa ngay cả trong tình huống đó. Tôi không có giấy hay sổ ghi chép, nhưng công an cung cấp cho tôi giấy mà tôi phải trả lời nhiều câu hỏi mà họ hỏi tôi. Sau đó, từng chút một, tôi bắt đầu cất lại một số mẩu giấy đó và tự tính cho mình một thời khóa biểu nhỏ những ngày nào tôi có thể viết, bằng tiếng La-tinh, hơn 300 câu Thánh Kinh mà tôi nhớ được. Lời Chúa, được xây dựng lại, là vademecum hằng ngày của tôi, chiếc hộp quý giá của tôi để múc nguồn sức mạnh và lương thực.

Bên cạnh sự hiển nhiên của lời chứng về sự hiệp thông của Đức Hồng Y đã có đối với Lời Chúa ngay cả trước khi ở tù (ngài thật sự đã nhớ hơn 300 cụm từ Thánh Kinh). Đối với một đọc giả Việt Nam, đặc biệt là cho những người đã phải sống trong thời gian khó khăn sau năm 1975, về việc “công an cung cấp cho tôi giấy mà tôi phải trả lời nhiều câu hỏi mà họ hỏi tôi”, chắc chắn không chỉ gợi lại những ký ức không vui về một tình huống mà nhiều người đã trải qua lúc đó, mà còn một sự ngưỡng mộ lớn cho tính cách can đảm của Đức Hồng Y.

Người ta có thể tự hỏi, tại sao Đức Hồng Y lại suy nghĩ đến việc đó, trong khi nhiều người khác không nghĩ đến vì đã phải phải chịu nhiều khó khăn lớn về vật chất, tâm lý và tinh thần? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong phẩm chất con người của ngài, trong tinh thần khéo léo của ngài, trong một trí thông minh phi thường, hoặc một đức tính dũng cảm. Tuy nhiên, sâu thẳm trong ngài là sự khao khát được sống với Chúa và với Lời Chúa mỗi ngày như trước đây. Điều này đã thúc đẩy Đức Hồng Y của chúng ta “di chuyển” sự khéo léo của mình để tiếp tục sự hiệp thông sinh động và hữu hình với Thiên Chúa ngay giữa những thăng trầm trong cuộc sống hằng ngày.

Theo cách này, cuộc sống cụ thể của ngài là hiện thân của Lời Chúa và đặc biệt là của Phúc Âm, đã trở thành quy tắc và Kim Chỉ Nam đời sống. Chính cuộc sống đã trở thành nơi nhận ra Lời Chúa và Phúc Âm. Đây chính xác là mục tiêu của Đức Hồng Y trong mọi tình huống, mà ngài nhắc lại cho chính mình trong thời khắc đen tối của nhà tù: “Khi tôi ở trong tù, tôi đã viết: “Con giữ một Nội Quy: Phúc Âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp. Là hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ; không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp. Ngược lại, linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn con. Một vị thánh ngoài Phúc Âm là ‘thánh giả’”.

Lời văn khẳng định tầm quan trọng cơ bản và nền tảng của Phúc Âm đối với đời sống tâm linh. Ngoài ra, việc mô tả các đặc điểm của Phúc Âm, (được gọi là Hiến pháp), là rất quý giá. Sự đánh giá này với ba khía cạnh tiêu cực và ba mặt tích cực cho phép chúng ta nhìn thoáng qua sự xem xét của Đức Hồng Y về các lời lẽ Phúc Âm: không khó, không phức tạp, không gò bó (như những giáo huấn khác), nhưng linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn. Ở đây, bản gốc tiếng Việt vẫn có vẻ có hồn thơ và sức thuyết phục hơn, ít nhất là đối với người Việt! Hơn nữa, chúng ta đừng quên rằng Đức Hồng Y đã viết những lời này trong khoảng thời gian đầu bị giam cầm. Ở đây, đằng sau sáu tính từ xuất hiện một tâm trí đầy thuyết phục, và sự quan sát có lẽ xuất phát từ kinh nghiệm của ngài khi còn bé, khi mẹ ngài Elisabeth [Hiệp] dạy ngài những câu chuyện về Thánh Kinh mỗi tối (khi Đức Hồng Y chia sẻ với lòng biết ơn sự của tác phẩm tiếng Ý về bài giảng tĩnh tâm của ngài cho Giáo Triều Roma). Vâng, kể từ thời điểm đó, từ mẹ của ngài, mỗi trang Thánh Kinh hoặc Tin Mừng chắc chắn đã vang lên cho ngài, “năng động, nhân hậu, và phấn khởi linh hồn”.

Với niềm xác tín này, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến sự cần thiết của bản thân ngài, cũng như đối với mọi tín hữu, để có được “tư tưởng của Đức Kitô” qua cuộc sống mãnh liệt với Tin Mừng: “Lời Chúa, thực sự đi vào chúng ta, giao tranh về cách suy nghĩ và hành động của con người và đưa chúng ta vào lối sống mới được Đức Kitô khai mạc. Bất cứ ai sống Tin Mừng đều có thể đến cùng Phao-lô để có “tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cor 2:16); có được khả năng đọc các dấu hiệu của thời đại với cùng một cái nhìn của Đức Kitô và do đó ảnh hưởng đến sự sáng tạo trong lịch sử”.

Dường như, chúng ta có một dấu hiệu về nguyên nhân gián tiếp của thái độ và sự biến đổi của đời sống tâm linh mà Đức Hồng Y có được trong tù. Có phải phương châm nổi tiếng của ngài là “chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa” được sinh ra trong thời kỳ quan trọng đó? (…) Như chính ngài đã chia sẻ, sau ánh sáng chiếu rọi tâm trí ngài và truyền cảm hứng cho ngài chọn Chúa thay vì việc của Chúa, “tôi hiểu những lời Thánh Kinh rõ ràng hơn mỗi ngày: ‘Trời cao hơn đất chừng nào thì… tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy’ (Isa. 55:9). Tôi hiểu rằng cuộc sống của tôi là sự tiếp nối của những lựa chọn, trong mọi khoảnh khắc, giữa Chúa và việc của Chúa. Một sự lựa chọn luôn mới mẻ trở thành sự hoán cải”. Ở đây chúng ta có thể thấy mối liên kết mạnh mẽ giữa đời sống đức tin và Lời Chúa ngày càng phát triển thông qua sự suy tư và đồn đoán liên tục, được khích động bởi những tình huống cụ thể của cuộc sống hằng ngày.

Rõ ràng, đối với Bậc Đáng Kính của chúng ta, sự hiệp thông với Thiên Chúa được nuôi dưỡng và định đoạt bởi Thánh Thể, như Cha François-Marie Léthel nhấn mạnh trong nghiên cứu của ngài. Tuy nhiên, một cuộc sống như vậy, với và trong Thánh Thể của Đức Hồng Y Thuận có mối liên hệ vẹn toàn và không thể tách rời ra cuộc sống, với và trong Lời Chúa, trong Thánh Kinh. Những lời lẽ thiêng liêng này trở thành chìa khóa diễn giải tình hình lịch sử cá nhân và tập thể. Vì lý do này, chính ngài đã đặt cho con cái thiêng liêng của mình phương châm của ba biểu thức luôn đi cùng nhau và là một phần của Kim Chỉ Nam cho đời sống Kitô hữu: Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Chính Lời Chúa đã giúp ngài khả năng tiếp tục hoán cải theo chương trình của Chúa, cho một tình yêu mới dành cho Chúa và cho sự thông minh của đức tin hiện thân trong hoàn cảnh và văn hóa nơi ngài sống.

Chúng ta có thể tóm tắt quan điểm của ngài đối với Lời Chúa bằng chính lời chứng của ngài, trong đó chúng ta thấy rõ sự tôn kính đặc biệt của ngài, được hình thành từ truyền thống cụ thể của đất nước của ngài: “Khi tôi còn là một sinh viên trong tiểu chủng viện An Ninh, một giáo sư, giáo sư người Việt, đã làm cho tôi nhận ra tầm quan trọng của việc luôn luôn có Phúc Âm với tôi. Vị linh mục này đã trở lại Đạo từ Phật giáo và xuất thân từ một gia đình quan chức. Cha là một người trí thức: Cha luôn đeo quyển Tân Ước trên cổ, như khi người ta mang viaticum. Khi Cha rời khỏi chủng viện để nhận một nhiệm vụ khác, Cha đã tặng cho tôi quyển sách nhỏ này, báu vật quý giá nhất của Cha. Tấm gương của vị linh mục thánh thiện mang tên Giuse Maria Thích, luôn sống trong trái tim tôi, đã giúp tôi rất nhiều trong tù, trong thời gian bị cô lập. Trong những năm đó, tôi đã tiếp tục bởi vì Lời Chúa là “ngọn đèn cho những bước chân của tôi”, “một ánh sáng cho con đường của tôi” (xem Tv 119: 105). Được biết, Thánh Jerome và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu luôn mang Tin Mừng theo họ, gần bên tim. Nhưng chính văn hóa của tôi nhấn mạnh giá trị duy nhất của Thánh Kinh. Ở châu Á, những lời của Khổng Tử và Mạnh Tử, đệ tử của ông, được tôn sùng rất nhiều. Những tập sách thánh hiền không thể được giữ tùy tiện bất kể nơi nào, nhưng phải luôn được giữ trên đầu, như một dấu hiệu của sự tôn kính.”

Từ thái độ tôn kính sâu sắc này đối với Thánh Kinh, Bậc Đáng Kính của chúng ta đã có thể nhập một cách thích hợp, tôi nói theo cách rất Châu Á Việt Nam, trong sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và với thông điệp thánh. Nhờ đó, ngài có thể sống trong cuộc sống hằng ngày, luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Mỗi tình huống mới trong cuộc sống, kể cả một tình huống bi thảm nhất trong tù, luôn luôn khích động và khơi dậy trong ngài những câu trả lời mới và nguyên thủy, bắt nguồn sâu sắc trong Thánh Kinh. Từ đây xuất hiện nguyên thủy của ngài về việc đọc Thánh Kinh, mà tôi đã trình bày trong phần kết luận của phân tích trước đây về các bài tập tâm linh của ngài. Không đi sâu vào chi tiết phân tích, chúng ta hãy nhớ lại ở đây bốn điểm cuối cùng:

1. Bậc Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận dường như đã thực hành việc đọc Thánh Kinh bắt đầu từ cam kết ghi nhớ các câu đơn để nếm trải vẻ đẹp và chiều sâu tâm linh nhiều lần trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.

2. Ngài đưa ra một cách thức đọc Thánh Kinh bằng trực giác, một cách đơn giản để nắm bắt ý nghĩa tức thời của đức tin mà Lời Chúa truyền tải, thường thông qua việc so sánh giữa các đoạn khác.

3. Đáng chú ý là cách đọc, đi cùng và phát triển với kinh nghiệm của cuộc sống. Đúng hơn là với chính cuộc sống. Hơn nữa, ở đây nổi lên quan điểm của sự hòa nhập văn hóa. Vì cuộc đời của ngài bắt nguồn từ gốc sâu thẳm là ngài là người Việt Nam, nên việc đọc Tin Mừng của ngài, được quyết định bởi đời này, mang dấu ấn tự nhiên của văn hóa địa phương. Điều này xảy ra một cách đơn giản và tự nhiên như chính cuộc sống. Nó không phải là thành quả của những suy tư triết học hay của nỗ lực làm thế nào để làm sáng tỏ những lẽ thật của Tin Mừng trong xã hội. Đó là kết quả của một cam kết đích thực để sống Tin Mừng trước tiên trong điều kiện sống mà Thiên Chúa cho ngài trải qua, nghĩa là lắng nghe một cách kiên quyết hơn với Thần Khí nói trong lòng, và đem ra thực hành với sự can đảm và sáng tạo cá nhân, những gì ngài đã được học.

4. Ngài không đưa ra các chuyên luận diễn giải, mà là những phương châm hành động đơn giản trong cuộc sống.

Với những nhận xét này, bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu quyển sách “Đường Hy Vọng” từ góc độ Thánh Kinh, để xác nhận và hoàn tất những nhận xét trên liên quan đến cách sống Lời Chúa trong cuộc sống của Bậc Đáng Kính của chúng ta.

2.  Đọc sách “Đường Hy Vọng” từ góc độ Thánh Kinh 

2.1. Nhận xét chung: Ngay từ đầu, tác phẩm đã cho thấy một nền tảng Thánh Kinh tỏ tường. Tác giả, thực tế, bắt đầu bằng một quan sát có chứa đoạn trích dẫn lời của Chúa Kitô trong Tin Mừng Gioan, ngay cả khi tài liệu tham khảo Thánh Kinh không được ấn định rõ ràng: “Chúa dắt con trên đường, ‘để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái’”. (Gioan 15:16). Do đó, luôn luôn theo cách tiếp cận này, chỉ dẫn thứ hai nghe giống như tiếng vang về lời giới thiệu của Chúa Kitô trong Tin Mừng: “Bí quyết của đường hy vọng gồm ba điểm: A. Ra đi: ‘Bỏ mình’; B. Bổn phận: ‘Vác thánh giá mình mỗi ngày’; C. Bền chí: ‘Theo Thầy’”. Để đưa ra những gì ngài gọi là bí quyết của đường hy vọng, tác giả hoàn toàn dựa trên lời của Chúa Giêsu trong Luca 9:23: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Mặt khác, ngài cho thấy sự hiểu biết/giải thích ban đầu của mình về giáo huấn này của Đức Giêsu: từ bỏ chính mình là điểm khởi đầu của người môn đệ cho cuộc hành trình; vác thập giá của chính mình mỗi ngày sẽ tương ứng với cam kết hoàn thành nghĩa vụ (trong đời thánh hiến hoặc đời sống gia đình); và “theo tôi” là chỉ ra sự kiên trì trong hành trình. Người ta có thể đoán rằng một cách giải thích như vậy đã được áp dụng trong chính cuộc sống của ngài và sau đó đề xuất cho tất cả mọi người. Bậc Đáng Kính thật yêu mến câu nói này của Đức Giêsu đến mức ngài đã lặp lại nó ở câu số 63, khi nói về ơn gọi.

Từ góc độ tâm linh, ba điểm nói trên là đặc biệt quan trọng. Trước tiên, linh đạo của Đức Hồng Y Thuận là Kitô-trung-tập. Hoàn toàn theo Đức Kitô với sự bền chí và theo lời dạy của Ngài.

Ở đây chúng ta đi vào đặc tính thứ hai của con đường tâm linh được vạch ra bởi Bậc Đáng Kính của chúng ta. Đó là sự lựa chọn căn bản cho Lời của Đức Kitô và của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Đây là kích thước trung tâm của Logos. Cuối cùng, khía cạnh thứ ba của linh đạo Đức Hồng Y, có thể được mô tả như là “đắm chìm trong cuộc sống hằng ngày” bằng cách chu toàn “việc bổn phận”. Do đó, chúng ta có thể nói về quan điểm “nhập thể” của đời sống tâm linh, được nhận thức và hoàn thành cụ thể bằng cách thực thi những gì học được từ Thiên Chúa Chúa và Lời của Ngài qua sự chiêm niệm đều đặn. Đây là sự xác minh hiệu quả về cuộc sống thật trong sự hiệp thông với Thiên Chúa để theo Đức Kitô. Bậc Đáng Kính của chúng ta dường như nhấn mạnh cách đặc biệt về khía cạnh thứ ba của sự nhập thể “Đường Hy Vọng” của ngài.

Ngài đã dành cả một chương, chương thứ hai ngay sau chương đầu, viết về chủ đề “bổn phận” trong nếp sống của những người theo Đức Giêsu (câu số 16-38). Đáng chú ý là Đức Hồng Y Thuận nhìn thấy lời Đức Giêsu dạy “hãy vác thập giá mỗi ngày” là tương đương với việc làm tròn “bổn phận” thường nhật (trong cuộc sống). Ngài nhấn mạnh vào điều này lần nữa khi kết thúc chương về bổn phận: “Đối với mỗi người, con đường thánh giá đi theo con đường bổn phận” (Số 37). Góc độ tâm linh Kitô-trung-tập và logos-trung- tập xuất hiện rõ ràng, cũng như cách diễn giải Kinh Thánh độc đáo và dựa trên chính cuộc sống mình của Bậc Đáng Kính của chúng ta.

Các điểm đặc trưng nói trên được tìm thấy trong tất cả các chương tiếp theo của quyển sách. Nội dung phong phú của chúng và các sắc thái tâm linh khác nhau chắc chắn đòi hỏi một phân tích sâu hơn. Do thời gian giới hạn, chúng ta sẽ chỉ chú tâm ở đây thêm một số chủ đề độc đáo từ quan điểm kinh thánh–tâm linh.

 

2.2. “Phúc Âm” được trình bày trong các chủ đề tâm linh

Trong quyển “Đường Hy Vọng”, Bậc Đáng Kính Thuận đề cập đến các chủ đề đa dạng của đời sống tâm linh và theo Đức Kitô. Có khoảng 36 tiêu đề tương ứng với các chương nhóm lại của từng chủ đề. Tuy nhiên, trong tất cả những chương này, có một từ ngữ lặp đi lặp lại thường thấy trong mỗi chương: đó là từ “Phúc Âm” hoặc “Tin Mừng”. Danh từ này được được tìm thấy gần 40 lần. Điều này thật sự đại diện cho chủ đề nền tảng thấm vào tất cả những chủ đề khác, ngay cả khi nó không có một chương riêng. Theo đề cập của từ ngữ “Phúc Âm” trong “Đường Hy Vọng”, chúng ta có thể thấy Đức Hồng Y của chúng ta đã sống và áp dụng Tin Mừng trong các khía cạnh cụ thể của cuộc sống của ngài và linh đạo của ngài mang sắc tính Phúc Âm như thế nào.

Trước tiên, Bậc Đáng Kính của chúng ta đề cập đến Tin Mừng và trong các khuyến nghị quan trọng nhất, khi ngài trình bày tư tưởng của mình về các khía cạnh tổng thể và cơ bản của cách hy vọng cho các Kitô hữu – môn đệ của Chúa Kitô. Vì vậy, trong chương cuối của quyển sách tóm tắt những đặc điểm cơ bản cần ghi nhớ, Đức Hồng Y Thuận nhấn mạnh cho độc giả–học

trò của mình: “Con giữ một Nội Quy: Phúc Âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp” (Số 986). Chính Bậc Đáng Kính đã nhắc lại lời giáo huấn này trong bài giảng cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma năm 2000, như chúng ta đã trình bày trước đây để nêu bật quan điểm của ngài đối với Lời Chúa. Do đó, Tin Mừng là thông điệp trong các sách phúc âm riêng và chung, trong các sách Kinh Thánh, tìm thấy sự hoàn thành của chúng trong lời nói và hành động của Đức Kitô. Tất cả cùng nhau hợp thành Quy Chế, forma vitae, quy tắc của cuộc sống, cho những người môn đệ.

Viễn tượng này của Phúc Âm được xác nhận không chỉ bởi nhiều trích dẫn và lời gán chỉ trong trong quyển sách, mà còn bởi ít nhất hai chỉ dẫn khác giải thích vai trò độc nhất của Phúc Âm trong đời sống Kitô hữu. Đề xuất đầu tiên là trong chương về “Chí Khí”, được bắt đầu với phụ đề: “Quyết mê một cuốn sách: PHÚC ÂM. Quyết theo một lý tưởng: CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU.” Niềm say mê truyền giáo này, theo Bậc Đáng Kính của chúng ta, là cần thiết để thắng được lòng người, như được giải thích sau trong chương đã đề cập: “Làm thế nào mà tư tưởng ngôn ngữ, hành động con khiến người ta phải phản ứng: Con người này đã say mê một cuốn sách: PHÚC ÂM, đã bị lôi cuốn bởi một lý tưởng: CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU” (Số 227). Từ đây, chúng ta thấy mối liên hệ bất khả phân ly giữa Phúc Âm và con người Đức Giêsu Kitô.

Chỉ dẫn thứ hai cũng được tìm thấy trong phụ đề của một chương khác, tập trung vào việc xét mình và canh tân nội tâm (Chương 34). Vì vậy, nó đưa ra một lập trình có định hướng cho tất cả những lời giảng dạy tiếp theo trong chương: “Kiểm Điểm. Đọc lại đời sống dưới ánh sáng Phúc Âm.” Do đó, Phúc Âm được đề cập trong số những mực thước cho việc tông đồ, như các tông đồ đầu tiên đã làm. Phần cuối của chương đặt ra câu hỏi tu từ: “Chúa Giêsu đã trao cho con, con cho là ít sao? Thế gian có gì sánh được không?” (Số 906).

Tư tưởng về Phúc Âm là điểm tham chiếu cần thiết để canh tân thậm chí còn được thể hiện rõ ràng hơn trong Chương 27, dành riêng cho chủ đề “Canh Tân”, ở số 646. Đây là lời lẽ thân mật và đầy cảm hứng: “Mỗi ngày ‘Phúc Âm hóa’ lại trí óc và quả tim con, bằng cách đọc, suy ngắm, say sƣa uống lấy lời hằng sống, để từ từ Phúc Âm thấm nhuần sâu xa vào mỗi tế bào, mỗi thớ thịt của con, đó là canh tân, cách mạng chắc chắn nhất”. Luôn luôn với niềm xác tín này, Bậc Đáng Kính của chúng ta chia sẻ với đọc giả trong Chương 33 về “Lãnh Đạo”: “Tìm đâu ra bí quyết của đối thoại làm tâm hồn đƣợc giải thoát, cởi mở, trí khôn sáng suốt? – Hãy tìm trong Phúc Âm” (Số 879).

Và cuối cùng, Đức Hồng Y Thuận chỉ định cốt lõi thật sự của Tin Mừng theo cách hiểu của mình và đề nghị với đọc giả bổn phận loan báo Tin Mừng này cho thế giới mà chính Chúa Kitô đã để lại cho các môn đệ của mình: “Con phải loan Tin Mừng trên thế giới, không phải chỉ tiêu cực giữ giới răn, nhưng loan báo một sứ điệp lạ lùng: Chúa thương yêu ta, Chúa yêu thương trần gian và cứu trần gian” (Số . 955).

Như người ta có thể nhận ra, thông điệp về tình yêu này, mà Đức Hồng Y Thuận nói đến, thật sự phản ảnh đoạn Gioan 3:16 mà các học giả định nghĩa đúng là Phúc Âm thu nhỏ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Do đó, chúng ta có thể thoáng thấy sự hiểu biết chính xác về nội dung Phúc Âm của Bậc Tôi Tớ Chúa, những giáo huấn đã thấm nhuần những lời từ Tin Mừng, ngay cả khi ngài không trích dẫn cách trực tiếp. Linh đạo Thánh Kinh–truyền giáo này phản ánh  trong nhiều khuyến nghị khác, nên là đối tượng của các sự nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

3. Kết luận

 Cách đọc “Đường Hy Vọng” qua góc độ Kinh Thánh giúp chúng ta tìm thấy trong quyển sách những đặc điểm của Đức Hồng Y Thuận, và ở mực độ nào đó, cách giải thích nguyên thủy của Tin Mừng và Thánh Kinh. Mặt khác, chúng ta cũng có thể chỉ ra một số khía cạnh bổ sung cho “phương pháp chú giải” của Đấng Đáng Kính này. Để tổng hợp, các điểm sau xếp theo thứ tự.

 

1. Đức Hồng Y Thuận đã biểu lộ rằng ngài đã ghi nhớ những cụm từ quan trọng nhất của Thánh Kinh và đặc biệt là các sách Tin Mừng. Ngài biết áp dụng những lời thánh này trong nhiều hoàn cảnh của cuộc sống, cũng như cho những tiêu đề khác nhau trong linh đạo của ngài. Đây có lẽ là kết quả của sự học vấn thần học của ngài, kết hợp với một đời sống chiêm niệm mãnh liệt mà ngài thực thi mỗi ngày.

2. Cách suy gẫm Thánh Kinh của Đấng Đáng Kính của chúng ta hoàn toàn hướng về Tin Mừng và con người Đức Giêsu Kitô. Như chúng ta đã thấy trong phần phân tích, Tin Mừng hoàn toàn phản ảnh cho Đức Hồng Y nền tảng của đời sống Kitô Giáo và hoạt động tông đồ. Đó là Kim Chỉ Nam hành trình đời sống Kitô hữu, chuẩn mực cho các hoạt động, bí quyết cho một tâm hồn cởi mở đáng mến, phương tiện để đổi mới tâm linh và thông điệp được loan báo cho thế giới theo lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu.

3. Do đó, cách theo Chúa Kitô được thể hiện qua nhiều khía cạnh cụ thể của đời sống theo giáo huấn Tin Mừng. Những điều này được phơi bày, giải thích, diễn giải trong cuốn sách một cách tức thời và khá trực quan, như chúng ta đã thấy ở trên. Các câu Tin Mừng thường được sử dụng ở đầu để mở một chỉ dẫn hoặc ở cuối để thể hiện một ý nghĩ hoặc một giáo huấn.

4. Cuối cùng, Bậc Đáng Kính của chúng ta trình bày ý nghĩa của các cụm từ và thông điệp trong Thánh Kinh bằng một ngôn ngữ đơn giản, bắt nguồn sâu sắc trong văn hóa Việt Nam nơi ngài sống. Ở đây chúng ta đang đối phó với một khía cạnh khá quan trọng của một lối sống tông đồ Thánh Kinh đã thật sự hội nhập văn hóa (bởi thế, ta phải nắm bắt được cả nội dung và cách trình bày Thánh Kinh). Giống như bất kỳ bậc thầy phương Đông có kinh nghiệm nào, Đức Hồng Y thích cấu tạo các lời văn của mình dựa trên cách điệu của vần, phụ âm, và lặp lại âm thanh, có sắc thái ngay lập tức thu hút đọc giả Việt Nam (khía cạnh này thường thoát khỏi đọc giả nước ngoài và do đó có sự khó khăn, thách thức trong việc dịch thuật). Chẳng hạn, ngài nhấn mạnh ba điều quan trọng đối với đời sống Kitô hữu ở câu số 136: “‘Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà còn nhờ lời Chúa’: Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Nếu không, con không có sự sống Thần Linh”. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Matthêu 4:4), nghĩa là Bí tích Thánh Thể, Thánh Kinh và lời cầu nguyện (phụng vụ) thiêng liêng. Không có những điều này, bạn sẽ không có đời sống thần linh. Một bộ ba như vậy, tiếng vang trong tiếng Việt như âm nhạc đến tai với sự lặp lại ba lần của từ “Thánh”, chắc chắn không thể hiện được bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Anh. Bản thân tác giả có vẻ thích thú một công thức như vậy mà ngài cũng dùng trong hướng dẫn liên quan đến việc lựa chọn của Maria dưới chân Chúa Giêsu: “Cha nói: ‘thứ nhứt là cầu nguyện’, không phải là vô căn cứ; Chúa Giêsu đã bảo: ‘Maria đã chọn phần nhứt’, ngồi dưới chân Chúa, nghe lời Chúa, mến yêu Chúa. Maria đã được Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện.” (Số 129) “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Khi Maria ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe những lời của ngài và yêu mến Ngài, Maria đã có Thánh Thể, Thánh Kinh và Thánh Nguyện.

 

Ví dụ nêu trên cho ta thấy một lần nữa cách nhìn của Đức Hồng Y Thuận về vai trò cơ bản của Lời Chúa trong đời sống của mỗi Kitô hữu. Do đó, nó phục vụ một cách thích hợp để kết thúc sự nghiên cứu đầu tiên của chúng ta về tâm linh Thánh Kinh của Đấng Đáng Kính với trọng tâm đặc biệt về quyển sách “Đường Hy Vọng”. Chủ đề chắc chắn cần kiểm tra thêm, bởi vì nhiều khía cạnh chỉ được thảo luận trong sự lướt qua (en passant). Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có những công việc tiếp theo để giúp các Kitô hữu của mọi thời đại và mọi quốc gia biết, trân trọng và ngày càng theo dõi di sản tinh thần phi thường của Bậc Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận và đặc biệt là cách sống Lời Chúa nguyên thủy của ngài trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống Kitô hữu tràn đầy hy vọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *