Một buổi sáng thứ bảy, anh Long ôm các con vào lòng thủ thỉ:
– Mai ba sẽ cho các con đi chơi Vũng Tàu.
Khi nghe ba nói như thế, bé My reo lên vui sướng, ăn sạch hết tô cháo để lấy sức mai đi bơi. Nhưng cả một bầu trời hy vọng sụp đổ khi sáng hôm sau, ba nó tỉnh bơ xách xe đi…uống cà phê đến gần trưa, bỏ mặc con bé với giỏ quần áo đã sắp sẵn. Đứa bé bốn tuổi òa lên khóc không ai dỗ được.
Đây không phải lần đầu tiên vợ con anh nhận được những lời hứa suông như thế. Khi mùa mưa đến, mái tôn cũ bị dột khiến nước chảy lênh láng xuống nền nhà, anh hứa sẽ sửa sớm nhưng bao nhiêu mùa mưa đi qua mà mái nhà vẫn nguyên như cũ. Anh hứa với các con, nếu bé nào cuối năm được học sinh giỏi thì sẽ có phần thưởng, nhưng đến khi chúng mang giấy khen về nhà thì chỉ nhận được sự im lặng của ba mình…Những điều này khiến tình cảm gia đình ngày càng dạn nứt và cha con không còn quấn quýt như xưa. Một lần bé Khang, con trai lớn của anh ngây thơ hỏi mẹ: “Sao ba cứ hay thất hứa thế?”. Bây giờ mỗi khi anh hứa với các con điều gì, chúng thường nhìn anh với ánh mắt đầy hoài nghi và thiếu tin tưởng.
Nhiều lần anh đã tự hứa với bản thân, bỏ bớt nhậu nhẹt để dành thời gian quan tâm đến vợ con hơn, nhưng năm tháng trôi qua, mọi việc vẫn y như cũ chẳng có gì biến chuyển. Anh coi việc thất hứa là chuyện bình thường, không thấy áy hay cố gắng sửa sai để rồi hết lần này đến lần khác, đưa ra lời hứa một cách dễ dàng mà không cố gắng thực hiện. Khi đó anh tự biến mình thành người hay nói dối.
Cho đến một hôm, mãi không thấy con về đi học, vợ anh tất tả đi tìm thì thấy bé Khang đang mải mê chơi Game trong một tiệm Net, chị tức giận la lớn: “Tại sao con hứa với má chỉ đi chơi một lát, mà đến giờ học rồi, con vẫn ngồi ở đây?”. Thằng bé mếu máo chống chế: “Ba cũng hứa hoài đó mà có làm đâu?”. Câu nói của con khiến chị chết lặng, không nói nên lời.
Chị thuật lại câu chuyện với chồng và nói trong nước mắt: “Có thể đối với anh, lời hứa chỉ là một lời nói, nhưng đối với các con, lời hứa ấy là niềm tin, niềm hy vọng và hạnh phúc. Các con đã háo hức mong chờ phần thưởng của ba biết bao nhiêu, nhưng cuối cùng chúng chẳng nhận được gì, ngay cả một lời giải thích hay xin lỗi cũng không vì anh xem chúng là những đứa con nít chẳng biết gì. Nhưng bây giờ bé Khang lại bắt trước theo ba của nó…”.
Những lời nói của vợ khiến anh bừng tỉnh và nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề. Từ trước đến giờ, khi đưa ra những lời hứa, anh không hề có ý nghiêm túc mà chỉ nói cho vui. Ngay cả đối với vợ mình cũng vậy, cuộc sống quá vội bởi thế những lời hứa trao cho người bạn đời cũng vội vã nên hứa đại, hứa bừa cho xong chuyện, có lúc quên mất mình đã hứa gì mà không biết rằng, người thân vẫn chờ đợi anh thực hiện lời hứa ấy biết bao. Lâu ngày thành quen, chúng trở thành những câu nói cửa miệng, vô tình gây gương mù gương xấu, gieo vào đầu con trẻ những tính cách: nói mà không làm, hứa mà không giữ…
Anh không muốn sau này, con mình sẽ trở thành những đứa trẻ hư, và chính anh sẽ phải gánh lấy hậu quả từ việc con cái không biết nghe lời. Nếu muốn con sống trung thực trong lời nói cũng như việc làm, thì người lớn phải làm gương trước. Từ đó anh quyết tâm thay đổi, nếu cảm thấy việc gì mình không làm được thì không hứa, nhưng một khi đã hứa thì phải cố gắng thực hiện. Điều này thể hiện sự tôn trọng và tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và mọi người xung quanh.
Cuộc sống của anh từ đó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Công việc làm ăn thuận lợi vì anh là người biết giữ chữ tín, gia đình đầm ấm, hạnh phúc vì biết sống có trách nhiệm với nhau. Các con anh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào ba của mình vì anh đã giúp chúng hiểu rằng: Giữ lời hứa là một trong những phẩm chất cao quý mà con người cần có.
KimMary