Một cuộc trở về

 

Có một chị bạn giới thiệu đến chúng tôi một người ngoại giáo, chị này là  giáo viên cấp 2 của Quận Thủ Đức đã nghỉ hưu non, nhà có 5 anh chị em nhưng đã chết mất ba người. Nghe hàng xóm kể gia đình chị như có cái “gien”  bị bịnh này: Đó là 2 chân cứ càng ngày càng yếu đi và liệt luôn rồi chết. Giờ còn lại hai anh em, và người anh chị hiện ở Sài Gòn.

Những ngày đầu ra thăm  cứ thấy chị lê lết quanh nhà, nhưng sau chị chỉ ngồi một chỗ và sống bằng những đồng lương hưu ít ỏi. Người ta đã nghèo mà mình cũng chẳng có gì giúp họ, ngoài những lúc đến thăm hỏi động viên và giúp chị những việc có thể, thậm chí những tấm tã lót cho chị đi vệ sinh chúng tôi cũng mua vải vụn về cắt ra xếp nhiều lớp may lại  để chị dùng và giặt phơi hằng ngày. Sau có người đem đến cho một số tã nên chị cũng được tươm tất một chút, và cũng lại được Ban Caritas của Giáo Xứ Thủ Đức lui tới thăm hỏi, cùng tiếp tay với chúng tôi chăm sóc chị.

Họ đã mua cho chị cái giường 1m6 thay cho cái giường nhỏ chật chội của chị. Người chị rất to, ngồi vào chiếc xe lăn không lọt, hai chân to bành ra vì không đi lại và thân thể chị phát triển nhiều ở hai bắp đùi. Chị nặng đến cả trăm ký, nên mỗi lần tắm rửa hay đi vệ sinh cho chị rất khó khăn, người đỡ đầu người đỡ lưng, đỡ trên đỡ dưới lau lọt rất mất thời gian nhưng chúng tôi vẫn nghĩ mình lau lọt cho những phần thân thể của Chúa Kitô và cố gắng làm vui lòng Chúa. Các chị Caritas đưa người tới tập Vật lý trị liệu nhưng cũng không ăn thua gì.

Chăm sóc mãi cũng đuối, những lúc không có ai chúng tôi nhờ ông hàng xóm giúp và có gì liên lạc với chúng tôi. Người anh cũng ít xuống vì họ nghèo quá còn phải lo cơm áo gạo tiền cho cuộc sống.Trong nhóm Lê-giô chúng tôi có một chị thật nghèo nhận chăm sóc chị mỗi ngày, nhà ở Giáo Xứ Tam Hải không biết đi xe đạp mà mỗi ngày ra Thủ Đức phải leo xe buýt hết 12 ngàn hai lần đi về, nên tượng trưng chúng tôi bàn với người anh gửi chị hai triệu mỗi tháng, vừa làm bác ái để giúp đỡ người chị em từ sáng tới tối mịt mới về. Thời gian sau này chị tắm rửa tại giường và được các chị Caritas hỗ trợ với chúng tôi mua cho chị cái giường inox 1m4.

Có lỗ hổng vệ sinh xong dội là sạch và cũng đỡ tốn tã, đỡ vất vả cho người chăm sóc chỉ cần đắp tấm mền lên người là xong Mấy năm trời đến với Chị, cũng  hay  nói chuyện về chúa cho chị nghe, đưa sách báo công giáo  cho chị đọc, nhiều khi kể chuyện này chuyện kia, nửa đùa nửa thật hỏi chị có muốn theo về bên chúng em không? nhưng chị bảo: “Các chị đối xử với em thật quá tốt nhưng gia đình em theo Đạo Phật lâu đời, cha mẹ anh em và ngay cả bản thân em đều đã Qui Y”. Chị Hương giúp chị ngày càng yếu mệt, chị xin nghỉ nên chị em lại thay nhau thường xuyên ra chăm cho chị. Rồi một lần có chị bạn đến thấy chị gục đầu xuống, chị mệt quá không biết gọi ai đỡ và khi có người đến thì chị đã gục 16 tiếng đồng hồ mà không ai hay.

Chúng tôi vôi vàng gọi cho ông anh về và đưa chị vào khoa Hồi sức tích cực, ở bệnh viện Thủ Đức sáng trưa chiều chia nhau đến lo cho chị. Lúc này người chị toàn dây rợ  tay chân giơ lên hạ xuống khó khăn và không nói được nữa tuy chị đã tỉnh lại. Muốn hỏi chị cái gì phải có một cái bảng, rồi giơ bảng chữ cái lên chỉ vào ghép lại thành chữ mới hiểu. Thấy chị khó lòng qua khỏi chúng tôi bàn nhau bây giờ chị có điều kiện không hỏi lúc chị mệt rồi thì khó lòng nên nói với chị: “Chị ơi, ai thì cũng phải một lần ra đi, ba bốn năm nay chúng em đến với chị giờ cũng phải nói sự thật, vì  giờ phút chót rồi cũng phải đến thôi, chị cũng vậy mà chúng em cũng vậy, em sau chị trước, chị trước em sau, ai thì cũng một lần tới con đường đó.”

Vậy  trước khi ra đi chị có muốn về cùng tôn giáo với chúng em không? Vừa nghe hỏi chị gật đầu ngay làm hai đứa cảm động khóc luôn và rồi đứa đổ nước đứa đỡ đầu. Sau đó chúng em xin Cha đến xức dầu, Cha động viên an ủi khuyên bảo và hỏi gì chị cũng gật đầu rùm rụp. Cha bảo các chị đổ nước là tốt rồi nhưng chị không Rước mình Thánh được vì BV cho ăn bằng ống truyền vào miệng, nhớt rãi ứa ra liên tục. Cha chúc lành để tâm hồn chị bằng an thanh thản về với Chúa. Người làm vườn nho vào giờ cuối đã được người đại diện của Chúa thăm viếng thật lâu, và từ lúc ấy chúng tôi thấy chị thật vui, nét mặt tươi cười có vẻ  như chị đã khỏe trở lại.  Khi người anh tới thăm chúng tôi đã kể rõ sự tình và xin nếu gia đình đồng ý sau khi chị mất sẽ làm các lễ nghi theo Công giáo, nhưng anh nói không được nhà có bàn thờ Phật nên theo nghi thức đạo Phật.

Chúng tôi bảo  không sao tùy gia đình, bởi nghĩ rằng mình đã lo xong bổn phận còn xác đất vật hèn họ muốn sao thì tùy. Mấy hôm sau thấy khỏe chị tỏ ý muốn về, các Bác sĩ cũng bảo: Ừ ! thôi cô khỏe hơn rồi cho cô về, gọi cho gia đình anh nói anh không lên được vì bận. Sau này biết ra là do anh đi coi  Thầy coi giờ đón về… Hôm sau anh lên  chúng tôi lo thay đồ tã lót lau lọt tươm tất cho chị về và hẹn mai ghé thăm chị để chị Hương theo gia đình đưa chị về, còn chúng tôi phải đưa một bệnh nhân khác về Bình Dương. Vừa xong việc nghe báo chị đã mất. Hỏi sao chị gần mất không báo gấp? Chị Hương bảo về nhà đã sẵn có mấy nhà sư ở đó, và gia đình bảo chị ra ngoài rồi rút hết các dây cho chị đi đúng giờ đã định. Chúng tôi thật buồn và đau xót thầm nghĩ mình đã làm hết khả năng mình  rồi. Chúa ơi! Chúng con xin phó thác linh hồn Tê-rê-sa cho Chúa.

Thôi mọi sự đều do Chúa làm, trước kia chị khăng khăng không trở lại vì gia đình ai cũng qui y, thế mà phút chót cứ gật đầu lia lịa cái một. Một bài học cho tôi thấy rõ đi thăm thì cứ đi. Lúc nào Chúa muốn thì Chúa làm không cần bận tâm làm gì. Vì Chúa là Đấng thông biết phép tắc và đầy quyền năng phải không các bạn?

 Viết theo lời kể của chị Tuyết, Gx. Thánh Khang Thủ Đức. 

THANH ANH NHÀN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *