Mù lòa


Ngày xưa, mỗi khi ra khỏi nhà vào ban đêm, người xưa thường có thói quen tay cầm theo một chiếc đèn lồng. Chuyện kể rằng: Vào một đêm nọ, có một người mù đến thăm một người bạn cùng xóm. Lúc từ giã ra về, thấy anh bạn mù không cầm chiếc lồng đèn trên tay nên anh chủ nhà mới lấy chiếc lồng đèn của mình để đưa cho anh mù.

Nhưng anh mù từ chối và nói:

– Đối với một người mù như tôi thì ngày cũng như đêm, bóng tối cũng như ánh sáng. Cho nên chiếc lồng đèn này chẳng có ý nghĩa gì hết. Cầm nó theo cũng vô ích!

Người bạn mới giải thích:

– Tôi biết anh không cần chiếc lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không cầm nó trên tay thì người khác sẽ không thấy anh và có thể họ sẽ đụng vào người anh đấy!

Anh mù nghe anh bạn lý luận có lý nên đành nhận lấy chiếc lồng đèn và ra về. Đi được một đoạn đường, bất ngờ anh mù bị một người đi ngược chiều đụng vào. Anh ta tức tối và la to lên:

– Bộ mày đui hả? Không thấy tao cầm chiếc lồng đèn trên tay sao?

Người kia trả lời như sau:

– Đúng là anh đang cầm một chiếc lồng đèn đấy. Nhưng ngọn đèn bên trong nó đã tắt rồi. Cho nên tôi không thấy anh. Xin lỗi anh bạn nhé!

Câu chuyện trên giúp cho chúng ta hiểu được: đi trong bóng đêm ai cũng cần có ánh sáng. Trong đêm tối, tưởng chừng như không cần thiết nhưng người mù cũng cần cầm đèn sáng trên tay. Anh cầm đèn không phải để cho mình nhưng để người khác thấy anh mà tránh hoặc có thể họ sẽ giúp đỡ anh. Trong đêm tối, người sáng mắt cũng cần ánh sáng. Ánh sáng giúp anh thấy đường đi, thấy người khác và biết được những chướng ngại vật trên đường. Ánh sáng giúp anh đi đúng đường, đúng hướng, không bị lầm đường lạc lối. Ai cũng cần có ánh sáng tự nhiên để nhận biết mình và thấy tha nhân.

Tuy nhiên, đôi mắt thể xác của chúng ta sáng nhưng có thể đôi mắt tinh thần, đôi mắt tâm hồn, đôi mắt đức tin của ta bị mù loà mà chúng ta không biết. Đúng là có những người nhìn thấy, có những người sáng mắt nhưng tâm hồn của họ lại mù loà.

Mù vì không biết rõ mình; không biết những tài năng, những khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho. Mù vì không thấy rõ những giới hạn, những khuyết điểm, những lỗi lầm, những sai trái của bản thân. Ta thường sáng chuyện của người nhưng lại mù mờ chuyện của mình. Có khi ta cũng giống như những anh mù xem voi. Ta chỉ thấy một khía cạnh nhỏ của vấn đề mà vội vàng kết luận cho đó là đúng, là sự thật, là chân lý. Ta thường có những phán đoán sai lầm, chủ quan. Tệ hơn nữa là lương tâm của ta bị mù tối; không phân biệt được điều tốt và điều xấu; mất ý thức đối với tội.

Ta không muốn thấy những tài năng, những điểm tốt, điểm tích cực của anh chị em để mà học hỏi, khen ngợi; nhưng ngược lại, ta chỉ thích thấy những điểm tiêu cực, điểm xấu, khuyết điểm để chỉ trích, chê bai, coi thường và có khi hạ bệ người khác. Ta cũng thấy nhưng thấy một cách phiến diện, tiêu cực; ta cũng có thể bị mù về lòng nhân: thấy người khác đau khổ mà không chạnh lòng thương, biết người ta nghèo mà không ra tay giúp đỡ, ta làm ngơ vì không dám dấn thân nhập cuộc.

Ta không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ này. Không thấy Thiên Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nơi tha nhân, trong Lời Chúa và trong Thánh Thể. Ta không thấy Thiên Chúa đang đồng hành với mình; không cảm nghiệm được những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm; và không tin có Thiên Chúa đang hiện hữu trong thế giới này.

Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ. Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng. Tính vô cảm và ích kỷ làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng anh em và thiếu sót bổn phận với tha nhân… Hãy tự kiểm điểm mình: ta đang mù hay sáng mắt?!

Hồng Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *