Dòng Đức Mẹ Lên Trời tại Paris
Bài thánh ca vang lên trước một cử tọa ngồi chật kín khán phòng nằm trong khuôn viên của dòng các nữ tu Notre- Dame du Calvaire, thị trấn Bourg-la Reine, ngoại ô phía nam Paris. Giữa mùa đông giá lạnh, đồng bào người Việt tại Paris, bất kể lương giáo, đã tề tựu tại đây hôm Chủ nhật 16/12/2018 để tham dự một chương trình văn nghệ : thánh ca, tình ca Giáng Sinh, hát với nhau và khiêu vũ, để gây quỹ xây dựng cơ sở mới cho Mái Ấm Hoa Huệ ở Sài Gòn, một cô nhi viện thuộc quyền quản lý của dòng Đức Mẹ Lên Trời.
Đứng ra tổ chức buổi văn nghệ này là nhóm tu sĩ của dòng Đức Mẹ Lên Trời (Augustin de l’ Assomption). Vào cuối buổi chiều ngày 14/12, khi chúng tôi đến cơ sở của dòng tu tọa lạc trên đại lộ Denfert Rochereau, quận 14, Paris, thầy Giaccôbê Đoàn Văn Sinh, trưởng ban tổ chức và cũng là một nhạc sĩ, đang tập dợt thánh ca với một thầy và một cha thuộc dòng tu khác.
Tuy bận rộn cho chương trình văn nghệ trong hai ngày nữa, nhưng thầy Sinh và một đồng môn của dòng Đức Mẹ Lên Trời là thầy Stêphanô Trần Quyết Quyền đã dành thời gian để chia sẻ những tâm tình trong mùa Giáng Sinh này.
Theo trang web ducmelentroi.net, Anh Em Augustinô Đức Mẹ Lên Trời (Augustinians of the Assumption- A.A.) là một Hội Dòng trực thuộc Giáo Hoàng, do Cha Emmanuel d’Alzon thành lập tại Nimes, một thành phố miền nam nước Pháp năm 1845. Năm 1857, Tòa Thánh chuẩn y sự ra đời của Dòng và Dòng được nhìn nhận chính thức vào năm 1864.
Dòng hiện nay hoạt động tại hơn 30 quốc gia, với sự hiện diện gần đây nhất vào năm 2006 tại Philippines, Việt Nam và Togo. Anh Em Đức Mẹ Lên Trời từ lâu hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, báo chí, đại kết, hành hương và truyền giáo. Năm 1870, các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời thành lập một số tạp chí mà đến nay đã trở thành một trong những nhà xuất bản Công Giáo lớn nhất trên thế giới, Bayard Presse, với nhật báo La Croix và hơn 100 tạp chí bằng 15 ngôn ngữ (Catholic Digest là báo Công Giáo tiếng Anh được biết đến nhiều nhất). Năm 1873, Dòng cũng khởi động một số cuộc hành hương với quy mô lớn tại Pháp và Đất Thánh. Hiện nay, cuộc hành hương lớn hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại Lộ Đức (Lourdes) quy tụ hàng ngàn tín hữu.
Ngoài nhánh nam, còn có một số nhánh nữ khác cùng gia đình Đức Mẹ Lên Trời gồm : Nữ Tu Đức Mẹ Lên Trời (R.A.), Tận Hiện Đức Mẹ Lên Trời (O.A), Tiểu muội Đức Mẹ Lên Trời (P.S.A.) và Chiêm Niệm Đức Mẹ Lên Trời (Or.A).
Ở Việt Nam, tuy dòng Đức Mẹ Lên Trời đã có mặt trước đó, nhưng chỉ từ năm 2006 mới thật sự được tổ chức thành một cộng đoàn với khoảng 40 tu sĩ, cộng thêm 32 tu sĩ đang theo học tại châu Âu, trong đó có Pháp. Theo lời thầy Sinh, công việc chính của các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời ở Việt Nam là trợ giúp các em sinh viên nghèo, các em mồ côi và những người già neo đơn.
Nhưng một số tu sĩ thì được nhà dòng đưa sang Pháp để học thêm. Tại Paris, nhóm tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời hiện sống tại cơ sở của dòng trên đại lộ Denfert Rochereau.
So với các anh em tu sĩ khác, thầy Quyền thuộc loại « thâm niên công vụ », vì thầy đã ở Pháp 5 năm, nên không còn gặp khó khăn như lúc ban đầu trong giao tiếp, học tập, cũng như trong công việc mục vụ. Trong khi đó, thầy Giacôbê Đoàn Văn Sinh thì mới sang Pháp có một năm, cho nên hiện phải ráo riết học tiếng Pháp :
« Em đã học một năm triết học ở Học viện Phanxicô, sau đó học 3 năm triết học ở học viện dòng Tên, nhưng khi bề trên gọi sang Pháp, em phải bỏ ngang, chuyển từ học tiếng Anh sang tiếng Pháp, nên gặp rất nhiều bỡ ngỡ, vì tiếng Pháp em không rành lắm. Mặc dù chúng em đã học tiếng Pháp trong những năm tìm hiểu nhà dòng, nhưng một tuần học có vài tiết, chỉ để làm quen với tiếng Pháp, ngần ấy chưa thấm vào đâu. Sang đây hầu như phải làm lại từ đầu. Hiện nay nhà dòng cho chúng em học tiếng Pháp mỗi ngày tại Đại học Công Giáo. Năm đầu mỗi tuần học đến 21 giờ. Bây giờ năm thứ hai thì học ít lại một chút, 15 giờ/ tuần, để có thời gian học thêm từ vựng triết học và thần học. »
Khi được bề trên đưa sang đây, nhiệm vụ ưu tiên của các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời là đi học, nhưng thời gian còn lại, các thầy không nghỉ ngơi, thư giãn, mà dành để phục vụ cho các cộng đoàn, theo lời thầy Quyền :
« Em có tham dự một chương trình của nhà dòng, đó là phục vụ bên bác ái, đón tiếp những người vô gia cư, những người gặp hoàn cảnh khó khăn, những người mới ra tù, những người bị bỏ rơi. Có một cộng đoàn chuyên đón tiếp những đối tượng như vậy. Hai năm trước, em có được gởi về sống ở đó, vừa học tập, vừa phục vụ tại chỗ. Nhưng nay nhà dòng thấy nơi đó không thích hợp cho em tiếp tục việc học, cho nên nhà dòng gởi em về một cộng đoàn ở Paris để thuận tiện cho việc đi học, có thời gian để làm việc riêng tư và học ở nhà. Hàng tuần, kể từ Thứ Sáu, em xuống cộng đoàn trên một con tàu có tên là « Je sers » (Tôi phục vụ). Trước đây là con tàu của một hiệp hội những người đi tàu, với công việc mục vụ chính là đồng hành thiêng liêng. Trên đó có một nhà nguyện, với cha tuyên úy cho những người đi tàu, có thánh lễ, với các phép bí tích : rửa tội, thêm sức, thánh thể, là nơi dạy giáo lý và cũng là nơi gặp gỡ giữa những người đi tàu, trao đổi hàng hóa, chia sẽ với nhau về công việc, về những khó khăn.
Nay do số thành viên hiệp hội những người đi tàu giảm dần, hiệp hội chuyển sang công việc đón tiếp, ban đầu là đón tiếp những người mới ra tù, những mảnh đời bất hạnh, những cô gái điếm, những người bị xã hội ruồng bỏ. Các cha đón họ về nuôi dưỡng như là một gia đình, để họ cảm nhận được tình thương, vượt qua được những mặc cảm xã hội, tự tin hơn, để hòa nhập trở lại ».
Về phần thầy Sinh, cũng là một nhạc sĩ, thầy cũng dành ít thời gian để giúp phần văn nghệ cho các cộng đoàn ở Paris :
« Việc đầu tiên là em giúp cho nhà thờ Notre-Dame des Anges, đến giúp lễ hoặc chơi đàn cho mọi người hát trong thánh lễ. Mặt khác, em có « animer » vài lễ lớn, ví dụ như như lễ khấn của các anh em, lễ khấn trọn hay lễ truyền chức. Cũng có một số nhóm giáo dân người Việt mời tới để giúp một vài thánh lễ ».
Khác với các dòng tu khác, các tu sĩ của dòng Đức Mẹ Lên Trời không có thời hạn học tập cụ thể, tức là không biết khi nào được làm linh mục, khi nào trở về Việt Nam để phục vụ, hay sẽ đi các nước khác, tất cả tùy thuộc vào sự phân công của của bề trên. Cho nên có những tu sĩ như thầy Quyền ở Pháp đến 5 năm rồi. Tuy bận rộn với việc học tập và phục vụ, gần đến ngày Lễ Giáng Sinh dĩ nhiên là các thầy không khỏi nhớ nhà, thèm cái không khí ấm cúng xum họp gia đình, như tâm sự của thầy Sinh :
« Tất nhiên có một chút nhớ về Sài Gòn, về Việt Nam. Trong những ngày này thì Việt Nam tưng bừng lắm, đèn sao đầy đường, xe cộ tấp nập. Còn ở đây thì không khí hơi lạnh, ở ngoài đường thì người ta không chưng nhiều đèn hoa lắm. Nhưng lắng đọng lại thì thấy ở đâu cũng vậy thôi. Ngày lễ, quan trọng nhất là mình cảm nhận được tình yêu nhập thể của Đức Kytô. Chính vì yêu mà Ngài đã xuống thế gian để sống với nhân loại. Quan trọng hơn hết là tình yêu của Ngài và sau đó mình cũng làm cho lan tỏa tình yêu của Ngài đến mọi người. Ở đây em làm một chương trình vì Mái Ấm, với hy vọng là một tình yêu lan tỏa, một hơi ấm của Giáng Sinh sẽ đến với mọi người, đến với những hoàn cảnh khó khăn hơn. »
Thầy Quyền cũng vậy, tuy cũng nhớ nhà, nhưng tâm trí của thầy trong mùa Giáng Sinh phần lớn cũng hướng về người khác, nhất là những mảnh đời bất hạnh :
« Mỗi lần Giáng Sinh đến thì cảm giác nhớ nhà vẫn bao trùm, vì đối với người Việt Nam và đặc biệt là người Công Giáo có hai thời điểm quan trọng làm mọi người nhớ nhà nhất, đó là Noel và Tết, hai thời điểm đó chúng em đều xa nhà. Điều đầu tiên mà chúng em quan tâm đó là gọi điện về gia đình để hỏi thăm, để biết công việc chuẩn bị như thế nào.
Nhưng đó không phải là tất cả, vì bên cạnh đó chúng em có những điều khác cần quan tâm. Chúng em được mời gọi đi tu, tức là không bám víu vào gia đình nhiều, mà phải lo đời sống thiên liêng của mình, rồi lo cho người khác. Do đó, thỉnh thoảng em hay đến các cửa hàng, họ cho trái cây hay sô cô la, và em đem chia sẽ những thứ đó cho những người vô gia cư, rồi nán lại với họ một chút, hỏi thăm một vài câu. Trong giáo xứ thì cũng có nhiều chương trình cho các em nhỏ, cho các gia đình. Chúng em cũng tham gia vào các chương trình cầu nguyện, và những buổi gặp gỡ, trao đổi. »
Tuy đang sống ở Pháp, nhưng các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời vẫn luôn hướng về Việt Nam và nhất là nghĩ tới những em mồ côi đang được nuôi dạy tại Mái Ấm Hoa Huệ ở Sài Gòn, mà nhà dòng đang quản lý.
Theo giới thiệu trên trang web của Mái Ấm Hoa Huệ, cơ sở này được thành lập từ năm 2000, do sự khởi đầu của bà Bùi Kim Huệ, trước năm 75 là một doanh nhân giàu có. Sau 3 năm hoạt động, đến năm 2003, bà gặp Cha Phêrô Trần Văn Huyền, dòng Đức Mẹ Lên Trời để trình bày nhã ý muốn hiến ngôi nhà này cho nhà dòng để tiếp tục công việc mà bà đang làm. Cha Giám Tỉnh lúc đó của dòng Đức Mẹ Lên Trời đã đồng ý nhận ngôi nhà này. Cho tới nay, cha Phêrô Trần Văn Huyền vẵn quản lý và điều hành Mái Ấm Hoa Huệ. Viện mồ côi này hiện đang cần kinh phí để xây dựng lại. Dẫu biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy Sinh và các thầy khác vẫn mạnh dạn đứng ra tổ chức buổi văn nghệ để gây quỹ cho Mái Ấm :
« Trước tiên là anh em trong nhà dòng, rồi cha bề trên và hiệp hội của nhà dòng đã đồng ý để cho tụi em làm. Đương nhiên là có nhiều vòng tròn khác nhau : Vòng tròn thứ nhất, bên trong, thì có nhà dòng. Bên ngoài, vòng tròn thứ hai, thì có anh chị em nghệ sĩ ở Paris, những người mà em hầu như chỉ mới gặp một lần hoặc chưa được gặp. Họ rất đồng tình với việc làm chương trình này và đã giúp quãng bá cho bạn bè, thân hữu. Đó là động lực để chúng em tiếp tục làm »
Và công sức của các thầy dòng Đức Mẹ Lên Trời coi như đã được tưởng thưởng xứng đáng vì chương trình văn nghệ hôm Chủ Nhật 16/12 đã được bà con người Việt hưởng ứng đông đảo, tuy có gặp một vài trục trặc, nhưng nói chung đã thành công tốt đẹp.
http://vi.rfi.fr